Vũ khí gien - hiểm hoạ khó lường

Thứ Sáu, 07/09/2007, 15:15
Một loại vũ khí gien mới có khả năng tiêu diệt một cách có lựa chọn những người thuộc một cộng đồng dân cư, sắc tộc (còn gọi là "vũ khí dân tộc"). Chưa nói tới khía cạnh đạo đức, những nguy cơ và hiểm họa khó lường của loại vũ khí này nếu được triển khai cũng là một khía cạnh đáng quan tâm.

Vũ khí sinh học và vũ khí gien đều có chung những cơ sở xuất phát ban đầu. Những ý tưởng về việc sử dụng vũ khí sinh học thực ra đã được nhắc tới từ thời kỳ Trung cổ.

Chẳng hạn như trong chiến dịch vây hãm pháo đài Kaffa tại Krym, quân Mông Cổ đã cho ném xác người và động vật chết vì dịch hạch vào thành. Kết quả là Kaffa đã buộc phải đầu hàng, nhưng căn bệnh dịch hạch đã lan ra khắp châu Âu, tiêu diệt tới 25 triệu người.

Đầu thế kỷ XX, sau những thí nghiệm thành công đầu tiên về việc lây nhiễm dịch tả cho thỏ, vũ khí sinh học bắt đầu được giới khoa học chính thức nghiên cứu. Cho đến khi công ước của LHQ về việc ngăn cấm nghiên cứu chế tạo và sử dụng vũ khí sinh học có hiệu lực vào năm 1972, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 244 trường hợp sử dụng các vi trùng nguy hiểm vào mục đích quân sự.

Bất chấp công ước này, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn âm thầm tổ chức các thí nghiệm nhằm chế tạo các loại vũ khí sinh học mới. Nguyên nhân cơ bản là họ có thể biện minh về tính chất hai mặt của những nghiên cứu này. Chẳng hạn như đối với loại virus cực kỳ nguy hiểm Ebola. Việc sử dụng chúng để làm vũ khí luôn bị nghiêm cấm, nhưng không ai có thể cấm việc nghiên cứu chúng để chế tạo thuốc hay vắcxin.

Mặt khác, việc sử dụng vũ khí sinh học nhiều khi không hiệu quả, do nó rất có thể lây nhiễm cho chính bản thân người đã gieo rắc chúng. Chính vì vậy mà vũ khí gien biết cách tiêu diệt đối phương một cách có lựa chọn lại là một bước phát triển cao hơn vũ khí sinh học. 

Những bí mật của gien được giải mã

Vào năm 2000, các nhà khoa học về cơ bản đã giải mã thành công bộ gien người - một sắp xếp trình tự độc nhất vô nhị của khoảng 100 ngàn gien khác nhau, giúp tạo nên một bức tranh sinh hóa đầy đủ của cơ thể con người. Người ta đã xác định được mỗi chủng tộc, dân tộc riêng sẽ có những bộ gien khác nhau, giúp xác định những phản ứng khác nhau đối với cùng một loại chất hóa học. Có thể nêu ra một số bằng chứng tổng hợp.

Ở phần lớn những người Mông Cổ, ngay từ khi còn nhỏ thường ghi nhận việc ngừng tổng hợp men phân tích lactoza khiến nhiều người không thể uống sữa bò vì không muốn bị những rối loạn về dạ dày. Những phát hiện sâu trong cấu trúc bộ gien còn giúp giải mã nhiều đặc điểm chủng tộc khác.

Ví dụ những người thuộc chủng tộc da trắng thường gặp trục trặc với thực thể CCR5, dẫn tới việc biểu hiện các triệu chứng lâm sàng của nhiễm HIV chậm hơn. Còn sự đột biến gien 12SpPHK thường gặp của người Trung Quốc khiến nhiều người trong số họ có thể bị lãng tai khi uống một vài loại kháng sinh. Còn người Nhật thường gặp đột biến gien CYP2C19 khiến nhiều người không thể uống các chế phẩm thuốc chống co giật thông thường.

Chẳng hạn như chế phẩm Tamiflu chống virus rất thông dụng tại châu Âu lại là nguyên nhân gây ra cái chết của 54 người khác tại châu Á. Các bác sĩ Nhật còn ghi nhận 103 trường hợp mắc chứng ảo giác hay tâm thần sau khi uống chế phẩm này.

Những mối lo ngại xác đáng

Với những bước đột phá về nghiên cứu gien như ở trên, ý tưởng về việc chế tạo loại “vũ khí sinh học lý tưởng” chỉ có tác dụng tiêu diệt đối phương mà không ảnh hưởng tới “quân ta” là xu hướng càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Nói một cách đơn giản hơn, chẳng hạn như bọn khủng bố có thể hiệu chỉnh vi khuẩn gây bệnh dịch hạch hay tác nhân gây bệnh than để chúng có thể tấn công một mẫu gien cần thiết nào đó.

Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ năm 2004, Tổng thống George Bush đã ký một sắc lệnh về chương trình 10 năm có tên “Tấm chắn sinh học” để bảo vệ người dân nước này trước những nguy cơ đã nói ở trên.--PageBreak--

Còn Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cũng lên tiếng cảnh báo người dân về khả năng những nghiên cứu trong lĩnh vực vũ khí sinh học bằng phương pháp biến đổi gien. “Hãy thử tưởng tượng về một trái bom chỉ có tác dụng tiêu diệt những người da trắng tóc hung - nhà văn Mỹ Tom Hartman đã viết như vậy trong bài báo nhan đề “Bom sửa đổi gien” - hay chỉ sát hại những người Arập.

Dù được thả ở bất cứ đâu, không giới hạn thời gian, nó chỉ tìm giết những người theo mẫu gien đã quy định trước, trong khi những người còn lại không hề hấn gì”.

Theo các nhà khoa học, cuộc chiến về vũ khí gien có thể triển khai một cách âm thầm, rất khó nhận biết. Ví dụ như dưới dạng những vi khuẩn được cấy vào các loại cà chua được sửa đổi gien. Khi vào cơ thể người, dựa trên cấu trúc ADN, chúng sẽ ngăn cản việc hình thành các axit amin cần thiết. Chính vì vậy, vũ khí gien thường chỉ có thể phát hiện sau khi nó đã bắt đầu sát hại con người, một giai đoạn dường như là quá muộn để có thể ngăn chặn nó.

Tương tự như Mỹ, Chính phủ Nga cũng mới đưa ra quyết định về việc thành lập một ủy ban chính phủ về vấn đề an ninh sinh hóa học.

Ủy ban này đã tổ chức một hội nghị quốc tế đầu tiên tại Moskva với chủ đề “Y học phân tử và an ninh sinh học”, trong đó có nhìn nhận một cách nghiêm túc nguy cơ chế tạo những loại “vũ khí dân tộc” nhờ công nghệ gien.

Các nhà khoa học Nga cho rằng, với trình độ khoa học kỹ thuật như hiện nay, bất cứ một thành tựu khoa học nào trong lĩnh vực gien đều có thể được lợi dụng để chế tạo vũ khí gien sinh học.

Trên lý thuyết ở mức độ gien, người ta có thể tung ra một cơ cấu tự hủy diệt nào đó đối với cơ thể con người. Trong khi việc phát hiện và ngăn chặn những vũ khí này là một vấn đề rất phức tạp cần được tiếp tục nghiên cứu

Linh Nga (tổng hợp)
.
.
.