Vô cảm hay thiếu kỹ năng sống?
Vì thiếu kỹ năng, ngại phiền phức hay do lối sống thờ ơ, vô cảm, mà nhiều người hoặc là "nhắm mắt" bỏ mặc nạn nhân, để rồi đối diện với những rủi ro pháp lý, hoặc can thiệp không đúng cách, dẫn đến những hệ lụy không mong muốn về sau.
Phải chăng lòng tốt còn "khan hiếm"?
Sự việc tài xế taxi hãng Vinasun bỏ mặc 2 nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông xảy ra lúc rạng sáng 25-6 tại giao lộ Tân Hương - Võ Công Tôn (thuộc phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) vẫn đang được bàn luận trên các diễn đàn mạng xã hội. Camera tại hiện trường ghi lại hình ảnh đôi nam nữ đi xe máy chạy cùng chiều rồi va chạm với chiếc xe taxi này khi nó đang rẽ trái.
Chiếc xe đổ ra đường, tài xế taxi mở cửa xuống xem xét, thấy cô gái nằm bất động trên vỉa hè, còn nam thanh niên vùng vẫy kêu cứu, nhưng rồi anh ta vẫn bỏ đi, lên xe rời khỏi hiện trường.
Hình ảnh hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 25-6 do camera ghi lại. |
Sau đó, có 17 xe máy và một ôtô 4 chỗ đi qua nơi xảy ra tai nạn nhưng không xe nào dừng lại. Hai nạn nhân sau đó được xác định là chị N.T.M.T. (25 tuổi, quê Bến Tre), đã tử vong và anh N.H.L., bị thương nặng phải đi cấp cứu.
Tai nạn giao thông đã là "chuyện thường ngày ở huyện", nhưng sự việc này được dư luận quan tâm đặc biệt, bởi đó là biểu hiện đầy đủ nhất của thái độ sống vô cảm, thường được gọi là chứng bệnh "ung thư tâm hồn". Phải chăng lòng tốt ngày càng "khan hiếm" trong xã hội, hay vì những nguyên nhân nào đó mà người ta đành phải "nhắm mắt làm ngơ" trước tình trạng nguy hiểm đến tính mạng của đồng loại?
Chị Đào Phương Hạnh (ở Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội) phân tích: "Ra đường bây giờ chuyện tai bay vạ gió, làm ơn mắc oán nhiều quá. Không ít trường hợp cứu giúp người bị tai nạn đưa tới bệnh viện, lại bị người nhà nạn nhân đánh vì tưởng là thủ phạm gây tai nạn.
Chưa hết, họ còn bị mất ngày, mất buổi bởi cơ quan chức năng gọi hỏi, thậm chí vụ tai nạn đó có thể là cái bẫy do bọn tội phạm dàn cảnh để cướp của... "Ách giữa đàng đem quàng vào cổ", sợ phiền hà, rắc rối hay vạ lây, trúng bẫy… là những lý do cơ bản nhất khiến con người ta tiết kiệm tình thương, lòng nhân ái với đồng loại của mình. Chứ tôi tin trước khi quyết định rời đi, họ cũng day dứt lương tâm, không ít thì nhiều".
Cùng quan điểm với chị Hạnh, bác Nguyễn Văn Huy (ở phường Đức Giang, Hà Nội) nói: "Tôi tin là trong sâu thẳm mỗi người, khi nhìn thấy vụ tai nạn, đều có sự phân vân có nên can thiệp hay không. Bỏ mặc thì áy náy lương tâm, mà cứu giúp thì lại sợ rắc rối. Và nếu có có rắc rối thì ai sẽ bảo vệ họ, đó là nguyên nhân mà nhiều người bỏ mặc nạn nhân trong tình trạng nguy hiểm. Một lý do nữa khiến người ta "mũ ni che tai" trước các vụ tai nạn, sự cố nguy hiểm chết người mà họ chứng kiến, đó là thiếu kỹ năng xử lý tình huống. Thử hỏi trong các chương trình giáo dục ở nước ta, có bài nào dạy người ta cách xử trí khôn ngoan và đúng pháp luật trong các trường hợp như thế?".
Thạc sĩ Nguyễn Cao Cường (Đại học Quốc gia Hà Nội) bình luận: "Tương thân tương ái, đùm bọc giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn, là truyền thống đạo đức của dân tộc. Trong đời sống hiện nay, có nhiều yếu tố tiêu cực tác động làm suy giảm giá trị này, nhưng tôi tin trong sâu thẳm mỗi người Việt đều vẫn giàu lòng trắc ẩn. Chỉ là chúng ta đang thiếu rất nhiều thứ để tạo môi trường cho những nghĩa cử tốt đẹp được nảy nở".
Ông Cường dẫn chứng những vụ việc đau lòng đã xảy ra với người tốt. Điển hình như vụ anh Nguyễn Hải Sơn cứu người rồi bị đâm trọng thương do hiểu lầm.
Khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 25-6 tại phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. |
Khoảng 19h30 ngày 11-2-2017 tại khu vực phố Chẹm (Quốc lộ 38) thuộc địa bàn thôn Ngọc Nội, xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe taxi BKS: 99A-082.00 của hãng Phú Sơn, và xe máy BKS: 34B1-672.49 do chị Nguyễn Thị Dung (quê Thanh Hóa) điều khiển.
Hậu quả làm chị Dung bị trọng thương. Sau khi tai nạn xảy ra, anh Nguyễn Hải Sơn (nhà gần hiện trường) đã đi ra xem xét rồi cùng với anh Tuyên (lái xe taxi) đưa nạn nhân đến Bệnh viện đa khoa huyện Thuận Thành để sơ cứu và điều trị.
Khi đến bệnh viện, chị Dung có nhờ anh Sơn gọi điện cho bạn là Nguyễn Hữu Khá (ở thị trấn Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) đến bệnh viện. Khoảng hơn 10 phút sau thì Khá cùng một người bạn đi đến nơi. Gặp anh Sơn, Khá nói khó nghe, quy chụp trách nhiệm cho anh Sơn nên 2 người xảy ra cãi vã. Y liền rút dao bấm giấu trong người ra, đâm một nhát vào lưng bên phải gây thương tích nặng cho anh Sơn rồi bỏ trốn.
Cái chết oan uổng của anh Nguyễn Hữu Duyên (ở Q. Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) cũng từng gây "sục sôi" dư luận, khi anh đưa cháu bé bị tai nạn vào bệnh viện. Chiều hôm đó anh Duyên điều khiển xe máy chở bạn lưu thông trên đường số 6B (P. Tân Tạo, Q. Bình Tân), bất chợt đâm phải bé Tâm (3 tuổi, con của chị Nguyễn Thị Quyển, tạm trú gần đó) từ trong vỉa hè chạy ra đường.
Dù chưa xác định lỗi thuộc về ai, nhưng anh Duyên đã sốt sắng chở mẹ con bé Tâm tới Bệnh viện Triều An để cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán cháu chỉ trầy xước. Trong lúc ngồi chờ nộp tiền viện phí, Duyên bị một nhóm 6 đối tượng là người nhà nạn nhân lao vào, dùng tay đấm đá cho đến khi anh ngã xuống rồi đập đầu anh vào bồn hoa, dẫn đến hậu quả làm anh gãy cổ và qua đời.
"Không phải ai cũng nhẫn tâm đến độ thấy người sắp chết bỏ đi không cứu, lòng tốt chưa "cạn kiệt" đến mức ấy, nhưng trong xã hội đang có những chướng ngại nên nó không dám biểu lộ ra. Sợ bị vạ lây, hiểu lầm, rắc rối…làm người ta chùn bước trong lúc lương tâm thúc giục cần phải có những nghĩa cử. Vấn đề là cần xây dựng cho được môi trường sống để lòng tốt được lan tỏa. Người dân sở hữu các kỹ năng ứng xử khôn ngoan để vừa giúp được người, vừa bảo vệ được mình trước những điều không mong muốn" - Ông Cường nhấn mạnh
Cứu người đúng cách
Luận bàn về trách nhiệm pháp lý đặt ra đối với tài xế Hãng taxi Vinasun trong vụ tai nạn giao thông rạng sáng 25-6 tại quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh, Luật sư Lê Hồng Hiển - Đoàn luật sư Hà Nội phân tích: "Từ lỗi suy ra tội. Nếu tài xế taxi có lỗi trong vụ tai nạn này, anh ta có thể bị khởi tố theo Điều 260, BLHS 2015 về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" với tình tiết định khung được quy định tại Khoản 2 Điều 260 "gây ra tai nạn… cố ý không cứu giúp nạn nhân", khung hình phạt sẽ từ 3-10 năm tù.
Thiếu tá Lê Minh Hải (Đội trưởng Đội điều tra trọng án, Phòng CSHS - Công an TP Hà Nội). |
Nếu không có lỗi trong vụ tai nạn, người tài xế taxi vẫn có thể bị khởi tố tội "Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" theo Điều 132, BLHS 2015, với khung hình phạt lên đến 2 năm tù.
Theo tôi, dấu hiệu phạm tội theo Điều 132 của người này đã rất rõ. Bởi vì anh ta đã dừng xe lại để quan sát, biết rõ nạn nhân vừa bị tai nạn, có xe để chở nạn nhân đến bệnh viện, có bộ đàm trên xe để thông báo cho tổng đài nhờ trợ giúp để cứu nạn nhân, nhưng tài xế này đã bỏ đi.
Khoa học pháp lý gọi đây là trường hợp "không hành động phạm tội". Không làm những việc pháp luật buộc phải làm, khiến anh ta vướng vào rủi ro pháp lý này. Đó là bài học cho tất cả mọi người".
Cứu giúp người bị nạn không chỉ là tình người, lương tâm trách nhiệm công dân, mà còn là một nghĩa vụ pháp lý. Thiếu tá Lê Minh Hải (Đội trưởng Đội điều tra trọng án, Phòng CSHS - Công an TP Hà Nội) tư vấn: "Khi bắt gặp tai nạn xảy ra trên đường giao thông hay tại các địa điểm công cộng, trước tiên cần đứng lại quan sát, chứ không tiếp cận nạn nhân ngay.
Nếu thấy nạn nhân chỉ bị thương nhẹ và xung quanh có những người khác chứng kiến, bạn có thể hỗ trợ người bị nạn như dựng xe, nhặt đồ vật tài sản rơi ra đường, dìu nạn nhân đến nơi an toàn để giải phóng đường và phòng tránh tai nạn liên hoàn.
Trường hợp nạn nhân đã bất tỉnh, không nên tiếp cận mà đứng từ xa quan sát để tránh bị hiểu lầm, sau đó dùng điện thoại gọi điện cấp cứu theo số 115, hoặc báo cho lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh 113, các chốt CSGT gần đó để xử lý. Khi gọi điện, cố gắng thông báo tình hình một cách rõ ràng, ngắn gọn nhất có thể.
Trong lúc chờ đợi, có thể chụp ảnh, ghi hình hiện trường để cung cấp cho cơ quan chức năng khi cần thiết. Tuyệt đối không nên tìm cách sơ cứu nạn nhân, nếu bản thân không có chuyên môn.
Bởi vì trong nhiều trường hợp, việc dịch chuyển nạn nhân không đúng cách sẽ gây nguy hiểm thêm, đồng thời xóa mất dấu vết hiện trường, gây khó khăn cho công tác điều tra sau này. Nếu thấy cần phải đưa ngay nạn nhân đi cấp cứu, thì cũng nên nhờ những người khác cùng đi. Không nên một mình đưa người vào viện để tránh bị hiểu lầm.
Đến nơi, cố gắng trình bày chi tiết sự việc với y bác sỹ hoặc bảo vệ. Trình bày xong là hết bổn phận, bạn nên cố gắng rời khỏi cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Ở lại sẽ không có tác dụng gì, thậm chí có thể xảy ra những việc phức tạp ngoài dự kiến khi người nhà nạn nhân kéo đến.
Trường hợp cầm hộ đồ vật, tài sản cho nạn nhân, thì ngay khi đưa người bệnh vào phòng cấp cứu, người cứu giúp cần chuyển lại cho bộ phận bảo vệ, lập biên bản bàn giao và tự mình phải giữ một bản. Việc liên lạc với người nhà nạn nhân cũng nên thông qua bảo vệ bệnh viện, để tránh những rắc rối, phức tạp về sau.
Trong trường hợp bị người nhà nạn nhân tấn công, hãy bỏ chạy khi có thể và kêu gọi sự giúp đỡ của lực lượng bảo vệ".
Đối với cơ quan chức năng khi giải quyết các vụ tai nạn giao thông, cần tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho nhân chứng, nhất là đối với những người đã tham gia cứu giúp nạn nhân, để tránh phiền hà, ảnh hưởng tới công việc, sinh hoạt của họ.
Luật sư Lê Hồng Hiển tư vấn: "Theo quy định của pháp luật, việc lấy lời khai người làm chứng có thể được tiến hành tại chỗ ở, nơi làm việc của họ, hoặc một địa điểm thích hợp bất kỳ, như trụ sở cơ quan nhà nước… chứ không nhất thiết là phải tiến hành tại trụ sở cơ quan điều tra. Do đó, cán bộ điều tra cần linh hoạt, hẹn trước với nhân chứng để có lịch làm việc hợp lý, không gây ảnh hưởng nhiều tới thời gian, công việc của họ.
Chỉ khi xác định chính nhân chứng có liên quan đến vụ tai nạn, thì mới mời hoặc triệu tập họ đến cơ quan điều tra để làm việc".