Vĩnh biệt danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang: “Người Mohican cuối cùng”

Thứ Năm, 19/06/2014, 15:10

Sáng 2/6/2014, Tết Đoan Ngọ, trên Facebook cá nhân của tôi ngập tràn những lời tiễn biệt đầy kính trọng dành cho sự ra đi của danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang. Ông mất tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) sau một cơn đột quỵ.

Ông là một trong những vận động viên hiếm hoi của làng túc cầu trong nước đạt được vinh quang ở cả cương vị cầu thủ cũng như huấn luyện viên. Đồng thời, ông còn được kính trọng bởi tính cách sống mẫu mực.

Trung vệ tài hoa

15 tuổi, Phạm Huỳnh Tam Lang chính thức đến với nghiệp bóng đá bằng việc đầu quân cho Câu lạc bộ Ngôi Sao Chợ Lớn. Trước đó, ông đã có quãng thời gian thi đấu cho đội bóng của Trường Petrus Ký (nay là Trường Lê Hồng Phong). Ba năm sau, ông được gọi vào Đội tuyển Quốc gia của miền Nam Việt Nam. Đó là năm 1960, khi ông vừa 18 tuổi.

Sở trường với vị trí trung vệ, ông được xem như là trung vệ có những cú xoạc bóng đẹp và hiệu quả nhất của bóng đá Việt Nam. Những cú xoạc bóng được đóng nhãn Phạm Huỳnh Tam Lang, như là sự bảo chứng về tài năng của ông.

Năm 1964, khi đội tuyển miền Nam Việt Nam dành chiến thắng 2-0 trước Đội tuyển Quốc gia Israel tại vòng  loại Thế vận hội Tokyo, báo giới Sài Gòn đã viết về trận đấu này cũng như cá nhân ông như sau: "Ngoài thủ môn Phạm Văn Rạng quá hay, trung vệ Tam Lang cũng chơi cực kỳ nổi bật. Anh đã triệt mất trung phong Peled của Israel khiến anh này mất hút trên sân, sau đó phải đổi vị trí với tả biên Young. Nhưng cả Young cũng không thể nào qua được những cú xoạc bóng quá xuất thần của Tam Lang".

Hai năm sau, ông đeo băng Đội trưởng Đội tuyển miền Nam Việt Nam, nâng cao chiếc Cúp Merdeka danh giá tại Malaysia vào năm 1966. Theo hồi ức của danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang, thì "Được ra đời vào thập niên 1950, Merdeka là giải đấu rất danh tiếng, luôn quy tụ những đội bóng mạnh nhất châu Á tham dự. Việc được mời tham dự giải Merdeka đã là một vinh dự. Thế nên, khi chúng tôi đoạt chức vô địch, không cần phải nói quá nhiều thì mọi người cũng có thể dễ dàng mường tượng đến cảm giác hạnh phúc vô bờ bến của chúng tôi lúc đấy. Khi toàn đội bóng đặt chân đến Sài Gòn, chúng tôi được  người hâm mộ đón tiếp vô cùng trọng thị".

Vinh quang đến với Phạm Huỳnh Tam Lang rất nhanh, chính trên đỉnh cao danh vọng, ông kết hôn với nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết, người về sau được Giáo sư Trần Văn Khê gọi là "Cải lương chi bảo". Đáng tiếc, chuyện hôn nhân của ông và nghệ sĩ Bạch Tuyết giữa đường đứt đoạn, dẫu cả hai vẫn dành cho nhau những lời hết sức trọng thị.

Lần gần nhất, trong một bài trả lời phỏng vấn, nghệ sĩ Bạch Tuyết đã nói: "Trong đời tôi, có hai người đàn ông mà tôi phải học. Đó là ba tôi, người luôn hiểu và hết lòng ủng hộ con cái. Và Tam Lang, người không sính coi hát nhưng yêu con người thật của tôi chứ không phải vì tôi là nghệ sĩ". Thôi là vợ chồng, nhưng vẫn có thể nói về nhau như vậy không phải là chuyện ai cũng làm được.

Chuyện tình của ông với nghệ sĩ Bạch Tuyết, từng được thân hữu của ông thuật lại dựa vào lời kể của ông: "Phạm Huỳnh Tam Lang và vài người bạn như Lắm rỗ (Hải Quan) trong giới bóng đá thường đến hậu trường rạp Quốc Thanh làm quen với Bạch Tuyết, Ngọc Giàu và vài cô đào khác.

Trước 3 ngày đội banh lên đường sang Malaysia dự giải Merdeka, cả đoàn bỗng nhận được vé mời xem xuất hát của Đoàn Cải lương Dạ Lý Hương trình diễn tại rạp Quốc Thanh trên đường Võ Tánh. Trước giờ mở màn, đại diện đoàn hát nói vài lời phi lộ và chúc đội bóng đá lên đường thành công rực rỡ, đem chuông đi đánh xứ người vẻ vang. Ngay sau đó, cô đào Bạch Tuyết xuất hiện từ cánh gà tiến đến gắn huy hiệu và choàng vòng hoa cho thủ quân Tam Lang với lời chúc tốt đẹp.

Phạm Huỳnh Tam Lang với vai trò huấn luyện viên.

Tam Lang kể: "Lúc đó, tôi như bị Bạch Tuyết thu hút hết hồn vía rồi". Năm 1966, đội banh miền Nam Việt Nam vào chung kết với đội Miến Điện, oanh liệt thắng 1-0 đoạt cúp vô địch Merdeka và mang vinh dự về đất nước. Tất cả miền Nam lúc đó bừng sống trong bầu không khí sôi động vui mừng. Mọi người khi gặp nhau đều kể chuyện cúp Merkeda, về cầu thủ Tam Lang, Vinh, Thanh... Khi trở về nước, đoàn bóng đá được đón tiếp trọng thể tại sân bay Tân Sơn Nhứt và phố Sài Gòn.

Anh kể trong niềm hân hoan: "Chúng tôi mỗi người đứng trên một xe jeep mui trần diễn hành từ sân bay Tân Sơn Nhứt qua các phố đến Tòa Đô  Chánh, với sự hoan nghênh chào đón của hàng ngàn người. Các cầu thủ còn được các Mạnh Thường Quân và Tổng Cuộc Túc cầu tặng mỗi người một tấm lắc vàng ròng để kỷ niệm và ghi nhận thành tích lớn". Từ đó, tên tuổi của Tam Lang đạt đến đỉnh cao không những trong nước mà còn ở châu Á.

Với chiến thắng vẻ vang đó, tình yêu của anh và Bạch Tuyết như được chất xúc tác nuôi dưỡng, bùng phát ngày càng lớn hơn. Cuộc hẹn hò của họ kéo dài hơn. Anh bắt đầu đưa rước Bạch Tuyết mỗi đêm và thỉnh thoảng cũng có những cơn ghen si tình không kiềm chế được. Cuối cùng hai người tổ chức một đám cưới đơn giản ở Thủ Đức để ra mắt hai họ và bạn bè vào đầu năm 1967" (Theo Huy Lữ - Gặp lại Bạn xưa).

Cũng trong năm 1967, ông được vinh dự đứng trong đội hình "Ngôi sao châu Á" cùng cựu danh thủ Đỗ Thới Vinh. Ở cấp câu lạc bộ, Tam Lang từng chơi cho các đội bóng lừng danh thời bấy giờ như AJS (Association de la Jeunesse sporttive) và Cảng Sài Gòn.

Năm 2012, ông nhận giải thưởng "Vinh danh Fair Play", một giải thưởng do  Báo Pháp luật khởi xướng. Tại lần trao giải này, giới phóng viên chuyên mảng thể thao cũng dành cho ông những mỹ từ: "Sử sách của bóng đá châu Á từng ghi nhận ông là một hậu vệ tài hoa thi đấu rất quyết liệt, hiệu quả nhưng không phạm luật. Ông nổi tiếng là một trung vệ thép nhưng rất thư sinh với màu áo trắng tuyền ít lấm lem bùn đất và mái tóc chải chuốt".

Người được vinh danh

Sinh thời, Phạm Huỳnh Tam Lang từng nói một câu mà tôi đọc cảm thấy rất quý trọng: "Dù ở đâu cứ nghe tiếng la hét trên sân cỏ là vui rồi!". Với ông, đời sống là bóng đá. Đến, đi, ở, về bất cứ nơi nào đều như nhau. Có lẽ vì vậy, ông thản nhiên ở lại quê hương, tiếp tục chơi bóng bất chấp những đổi thay của thế sự.

Sinh nhật lần thứ 72 của Phạm Huỳnh Tam Lang vào tháng 2/2014.

Tôi nghĩ, ở bất cứ thể chế nào, hoàn cảnh xã hội nào, những tài năng thực thụ đều được vinh danh một cách công bằng và xác đáng. Phạm Huỳnh Tam Lang chính là minh chứng rõ nhất cho nhận định ấy.

Sau năm 1975, ông trở thành thủ lĩnh hàng phòng ngự của đội bóng Cảng Sài Gòn. Sau 5 năm chơi bóng tại đây, ông treo giày, từ giã sự nghiệp cầu thủ. Cùng lúc này, ngành Thể dục Thể thao TP HCM quyết định cử ông đi học lớp Huấn luyện viên Quốc tế tại Cộng hòa Dân chủ Đức.

Ngày ấy, việc ông được cử đi học trở thành một sự kiện. Bởi, có nhiều ý kiến lo ngại việc bồi dưỡng "một cầu thủ từng là cảnh sát của miền Nam Việt Nam sẽ trở thành tiền lệ không tốt". Vì sao ông trở thành nhân viên chấp pháp của miền Nam Việt Nam, cần phải quay trở lại giai thoại Phạm Huỳnh Tam Lang vì ghen nên xách súng rượt đuổi kép hát chung với nghệ sĩ Bạch Tuyết, lý do: nhập vai hát quá mùi mẫn y như luyến ái thật.

Ông từng lý giải về giai thoại này trong một bài báo viết về ông: “Ngày đó, tôi còn đá cho đội bóng của cảnh sát miền Nam. Vì chơi cho đội bóng của cảnh sát, nên tôi được gắn lon trung sĩ và cấp cho một khẩu súng ngắn. Vừa nhận được súng, tôi lập tức xin trả lại. Vì, tôi chỉ chơi đá banh, giắt súng trong người để làm gì. Nên làm sao có chuyện tôi xách súng đuổi bạn diễn của Bạch Tuyết vì ghen được.

Chuyện được gắn lon trung sĩ cũng vậy. Lương cầu thủ không nhiều, nên ông bầu đội bóng thương tình làm hồ sơ cho tôi vào biên chế cảnh sát để có thêm một đầu lương. Sau ngày 30/4/1975, tôi cũng đã đi học tập 3 ngày vì cái lon trung sĩ kiểng ấy".

Vượt qua những nghi ngại thời cuộc ấy, lãnh đạo ngành Thể dục Thể thao TP HCM vẫn quyết định cử ông sang Đức học lớp Huấn luyện viên. Không phụ lòng tin của lãnh đạo ngành, ông tốt nghiệp khóa học với tấm bằng Huấn luyện viên loại ưu. Về sau, ông nhìn nhận rằng, việc ông được cử đi Đức học, một phần nhờ vào lý lịch của thân phụ ông, một liệt sĩ thời kháng chiến chống Pháp.

Về lại TP HCM sau khóa học, ông đảm nhiệm cương vị là Huấn luyện viên đội bóng Cảng Sài Gòn. Chính tại đội bóng này với tư cách là Huấn luyện viên, Phạm Huỳnh Tam Lang đã gặt hái được rất nhiều thành công cùng đội bóng. Ông cùng Cảng Sài Gòn đoạt 4 chức vô địch vào các mùa giải: 1986, 1993-1994, 1997, 2001-2002 và 2 danh hiệu vô địch Cúp Quốc gia 1992 và 2000, cùng hàng chục ngôi vô địch ở các giải bóng đá khu vực phía Nam. Năm 1993, ông vinh dự đứng vào hàng ngũ đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, một trường hợp rất hy hữu nhưng cực kỳ xứng đáng.

Dưới thời của Huấn luyện viên Phạm Huỳnh Tam Lang, Cảng Sài Gòn là một thế lực của bóng đá Việt Nam, với những hảo thủ mà bất cứ đội bóng nào cũng mơ ước. Nhiều cầu thủ của Cảng Sài Gòn được gọi vào Đội tuyển Quốc gia Việt Nam, như: thủ môn Nguyễn Hồng Phẩm, các tiền đạo Hà Vương Ngầu Nại, Lư Đình Tuấn rồi sau đó là Nguyễn Minh Phụng, Trần Quan Huy, Nguyễn Phúc Nguyên Chương, Hồ Văn Lợi, Huỳnh Hồng Sơn…

Cảng Sài Gòn cũng bắt đầu tham gia thi đấu tại đấu trường châu lục trong giai đoạn này với các lần dự Cúp C1 châu Á vào các năm 1995-1996 và 1999 cùng Cúp C2 châu Á vào các năm 1994 và 2001. Không chỉ đảm nhiệm vai trò huấn luyện cho Cảng Sài Gòn, ông cũng nhiều lần được các huấn luyện viên nước ngoài mời vào vị trí trợ lý huấn luyện viên của Đội tuyển Việt Nam. Ông cũng đảm nhận vai trò huấn luyện viên đội tuyển ở các giải SEA Games và Tiger Cup.

Điều đáng tiếc, sau chức vô địch mùa giải 2001-2002, thì ngay trong mùa giải năm 2003, Cảng Sài Gòn chính thức xuống hạng. Nếu tôi nhớ không nhầm, truyền thông thời điểm đó đã dự đoán ngay từ đầu mùa, Cảng Sài Gòn sẽ xuống hạng vì can tội "Dám vô địch vào mùa giải 2001-2002".

Đội bóng xuống hạng, Huấn luyện viên Phạm Huỳnh Tam Lang chính thức từ giã cuộc đời huấn luyện viên chuyên nghiệp. Buổi lễ chia tay ông, được tổ chức hết sức xúc động tại Sân vận động Thống Nhất. Cho đến thời điểm này, vẫn chưa có một huấn luyện viên nào được lãnh đạo đội bóng và các cầu thủ lẫn cổ động viên chia tay trong sự hàm ơn lớn lao đến vậy.

Rời Cảng Sài Gòn, Tam Lang được mời về với Câu lạc bộ Bóng đá TP HCM để huấn luyện cho các cầu thủ trẻ. Lứa cầu thủ trẻ tài năng này đã thăng hạng Nhất ngay sau đó. Ông còn đảm nhiệm công tác đào tạo trẻ tại Trung tâm Bóng đá Thành Long, rồi thành lập Hội Ái hữu nhằm quyên góp, giúp đỡ những vận động viên về chiều có đời sống khó khăn.

Những năm gần đây, ông sống yên ắng trong căn nhà nhỏ cùng với hiền thê của mình. Một Phạm Huỳnh Tam Lang tài hoa, dũng mãnh trên sân cỏ nhường sân khấu cuộc đời lại cho một Phạm Huỳnh Tam Lang với nhiều chứng bệnh hành hạ, như gút, tim mạch, mất trí nhớ… Chỉ khi có khách đến thăm, khi tiếp các nhà báo, khi tham gia quay những chương trình truyền hình, có nhắc đến bóng đá, ông thoạt biến thành con người khác với niềm đam mê dành cho sân cỏ là bất diệt.

Ông khúc chiết như sự tổng kết về đời mình: “Bóng đá đã giúp tôi thành danh. Qua bóng đá tôi may mắn được nhiều người biết đến. Nhiều khi cần làm một việc gì đó tự nhiên có người yêu quý giúp đỡ. Những cổ động viên, những khán giả yêu mến đôi khi gặp trên đường mọi người nhận ra, "ới" một tiếng - niềm hạnh phúc mà với tôi không gì sánh được".

Tháng 2/2014, đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 72 của ông, ngày 14/2, "Quỹ bóng đá danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang" đã ra đời để đỡ đần việc thuốc thang cho chính ông cũng như hỗ trợ cho các cựu cầu thủ bóng đá TP HCM gặp khó khăn và bệnh tật.

Tiếc rằng, ông đã ra đi mãi mãi. Nhưng, tinh thần của một chiến binh “Mohican” sẽ mãi mãi tồn tại. Bởi, ông mặc nhiên xứng đáng với sự vinh danh của người hâm mộ, của giới thể thao…

N.N.Hữu
.
.
.