Vị Đại sứ Palestine mang trái tim và tâm hồn Việt Nam

Thứ Tư, 06/02/2019, 09:23
Với nhiều người Việt Nam, ngài Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Nhà nước Palestine tại Việt Nam - Saadi Salama đã trở nên thân thuộc. Còn tôi, sau khi được nghe ông chia sẻ về ký ức, kỷ niệm và tình cảm dành cho tiếng Việt tại một hội thảo khoa học, tôi đã bị cuốn hút bởi chính khách người Arab này. Và tôi tìm gặp ông.

Ngay lập tức, Saadi Salama tiếp tục cuốn hút tôi, khiến tôi từ bối rối đến ngạc nhiên và xúc động, bởi ngoài khả năng nói tiếng Việt đến mức hoàn hảo, ông - một người đến từ đất nước Palestine xa xôi - đã mang trong mình “trái tim và tâm hồn Việt Nam”.

Đại sứ Saadi Salama hẹn tiếp tôi tại Đại sứ quán Palestine trong Khu ngoại giao đoàn tại Hà Nội. Ngài Đại sứ đón tôi một cách nồng hậu, thân thiện và mến khách. Trong câu chuyện, ngài thường nói rằng, “không hiểu vì sao tôi yêu Việt Nam đến thế”. Điều đó khiến cho tôi hay bất cứ người Việt nào khi tiếp xúc với Saadi Salama đều cảm thấy xúc động.

Vẻ thông tuệ, lịch lãm cùng vốn tiếng Việt phong phú, giàu biểu cảm của Đại sứ đã giúp ông diễn đạt được hầu hết những ý niệm, suy nghĩ sâu sắc của người Việt. Ông luôn tự nhận mình là người may mắn vì có hai nền văn hóa Palestine và Việt Nam thấm đẫm trong tâm hồn. “Đây là điều làm tôi rất tự hào. Tôi luôn cảm thấy phải làm gì đó, sống như thế nào đó để xứng đáng với cả hai dân tộc” - ngài Đại sứ chia sẻ.

Ngài Đại sứ Saadi Salama bên gốc đào xuân.

Saadi Salama nói “rất có duyên với Việt Nam” bởi năm 1980, sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông nhận được một suất học bổng du học do Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) trao tặng. Ông có thể chọn Italy, chọn Rumani để đến học tập nhưng chàng trai 18 tuổi thuở ấy với một khát khao khám phá về văn hóa và chính trị, với một trái tim nhiệt huyết, nhạy cảm như mách bảo hãy đến Việt Nam đi, đến với một đất nước có lịch sử đấu tranh chính nghĩa trường kỳ, đến với những con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình. Và Saadi Salama đã chọn Việt Nam như là nơi ông phải đến.

Đêm đầu tiên ngủ tại B7 Bis Bách khoa (trụ sở của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt), 4 giờ sáng, Saadi Salama tỉnh dậy bởi tiếng tàu vào ga Hà Nội. Đêm khuya tĩnh mịch, trong ông dâng lên nỗi buồn mơ hồ, không biết số phận mình như thế nào. Saadi Salama đưa tay lên má, thấy nước mắt chảy, tưởng mình đang mơ nhưng lại là thực.

Nhưng những suy nghĩ tích cực và mạnh mẽ lại xâm chiếm tâm hồn ông: “Mình là người Palestine, người của Cách mạng Palestine. Mình đã chọn con đường này, quyết định đến đây, đã tha thiết sang Việt Nam, luôn có suy nghĩ tốt đẹp về Việt Nam. Nếu giờ quyết định xếp va li và quay lại, tức là mình đã thất bại. Và khi đã thất bại, tức là thất bại sẽ đi với mình đến bất cứ nơi nào và có thể mình sẽ trở thành một người luôn luôn thúc đẩy người khác thất bại, luôn đóng một vai tiêu cực trong xã hội. Mình phải cố gắng ở lại và nỗ lực vượt qua mọi thách thức để thành đạt”.

Khi Saadi Salama mới học tiếng Việt được một tuần, người phụ trách lưu học sinh nói với ông: “Anh Saadi phải cố gắng, cố gắng và cố gắng nhé!”. “Cố gắng” cũng là từ vựng tiếng Việt đầu tiên mà Saadi Salama ghi nhớ, như một sự nhắc nhở ông rằng, thành công không bao giờ tự đến, nếu bản thân không tin tưởng, không nỗ lực và không cố gắng.

Sau này, Saadi Salama đã có những đúc kết sâu sắc để việc học tiếng Việt được thành công: “Để trở thành một người nói tiếng Việt giỏi, mỗi người nước ngoài phải có tâm hồn Việt Nam và khi đó, chúng ta chắc chắn sẽ phá vỡ mọi khó khăn, bế tắc trong việc học tiếng Việt. Chúng ta sẽ biến tư duy của mình thành tư duy của người Việt. Tiếng Việt là ngôn ngữ quá tuyệt vời, mặc dù là một trong những ngôn ngữ khó nhất trên thế giới nhưng khi chúng ta yêu nó thì “không có gì khó, chỉ sợ lòng không bền”. Đi đâu trên trái đất này, Saadi cũng tự hào đã chọn Việt Nam là nơi học tập, trưởng thành và thành đạt, trở thành cầu nối hữu nghị giữa Palestine và Việt Nam.

Nói về những kỷ niệm sâu sắc với tiếng Việt, ngài Đại sứ xúc động kể: “Tháng 10-1981, lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi được gặp lãnh tụ kính yêu - Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine PLO và là Tổng thống Palestine Yasser Arafat. Lúc đó tôi học tiếng Việt được gần một năm. Ông Arafat nghỉ ở nhà khách Chính phủ ở Ngô Quyền. Đại sứ Palestine tại Việt Nam khi đó có mời tôi đi cùng để chào đón Chủ tịch Arafat.

Chủ tịch Arafat đang chuẩn bị bài phát biểu tại bữa tiệc do Thủ tướng Phạm Văn Đồng chiêu đãi tại Phủ Chủ tịch. Chủ tịch Arafat rất chú trọng đến cách phiên âm tên tuổi của các chính khách Việt Nam. Bữa tiệc chiêu đãi đó, ngoài Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn có quyền Chủ tịch nước - luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Cái tên “Nguyễn Hữu Thọ” khi được phiên âm sang tiếng Latin khiến ông Arafat rất khó phát âm nhưng ông vẫn đặc biệt quan tâm đến việc phải phát âm chuẩn.

Chủ tịch Arafat thốt lên: Thế ở đây không có ai biết tiếng Việt sao? Sau câu hỏi đó, có người bảo, có Saadi đây! Và tôi bước vào. Chủ tịch Arafat ôm lấy tôi, ông quên cả việc chưa phát âm chuẩn tên riêng “Nguyễn Hữu Thọ”. Ông vui mừng đến kinh ngạc: “Thế em ở đâu, sao lại đến Việt Nam?”. Tôi lặng đi, xúc động với tình cảm dạt dào của vị Chủ tịch kính yêu của nhân dân Palestine.

Sau đó, tôi đã giúp Chủ tịch phát âm chuẩn từ “Nguyễn Hữu Thọ”. Chủ tịch Arafat bảo tôi: “Em cố gắng học tốt đi, em sẽ có tương lai rất tốt và chúng tôi sẽ dựa vào em rất nhiều”. Khi Chủ tịch Arafat về nước, Đại sứ Palestine gọi tôi vào và nói: “Saadi ơi, ông Arafat rất quý Saadi và gửi tặng một món quà. Đó là một chút tiền, để em học hành thành đạt tại Việt Nam”.

Năm 1989, khi đó Saadi Salama đã là Phó Đại sứ Palestine tại Việt Nam, ông có được gặp Chủ tịch Arafat một lần nữa khi Chủ tịch tiếp tục sang thăm Việt Nam. Trong bữa tiệc chiêu đãi Chủ tịch Arafat, các đồng chí lãnh đạo Việt Nam nói về lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam.

Ông Arafat nghe xong vô cùng cảm phục và nói rằng: “Chúng tôi là một dân tộc nhỏ bé, chúng tôi tin tưởng vào tương lai và dù đất nước chúng tôi còn gian khổ nhưng chúng tôi sẽ đạt được độc lập dân tộc. Chúng tôi tự hào vì có thể nói về các dân tộc khác bằng chính tiếng mẹ đẻ của họ và anh Saadi đang dịch trực tiếp cho tôi bằng tiếng Việt cho các đồng chí nghe là minh chứng cho điều đó”.

Kể lại kỷ niệm tuyệt vời này, ngài Đại sứ cho hay: “Bạn biết không, Việt Nam là nơi đầu tiên tôi được gặp lãnh tụ Arafat. Tiếng Việt cũng đã giúp tôi được gặp vị lãnh tụ kính yêu của mình”.

Nói đến vai trò cầu nối của tiếng Việt để Việt Nam có thể vươn mình xa hơn ra thế giới, theo Đại sứ Saadi Salama điều này rất quan trọng. Nhiều nước Arab có dân số 40 triệu, 100 triệu nhưng vì nhiều lí do, có rất ít học sinh đến Việt Nam học. Palestine là nước Arab đầu tiên đã cử sinh viên sang Việt Nam học tập và những sinh viên này, sau khi học xong, họ đều có việc làm tốt tại Việt Nam, đóng góp tích cực vào phát triển mối quan hệ của Việt Nam với các nước Arab.

Ngài Đại sứ Saadi Salama và tác giả bài viết.

Ngài Đại sứ Saadi luôn mong muốn ngày càng có nhiều người Palestine sang Việt Nam hơn bởi 2 mục tiêu: Để người Palestine được thưởng thức những điều tuyệt vời mà họ chưa bao giờ thấy và muốn người Palestine đến Việt Nam để hiểu rằng đây là một dân tộc đã từng chịu bao khổ đau vì chiến tranh và hòa bình đã đem lại cho Việt Nam một cuộc sống ấm no với tốc độ phát triển, hội nhập mạnh mẽ. Qua đó, để người Palestine hiểu được tầm quan trọng của hòa bình, để có thêm khát vọng đấu tranh cho nền độc lập thực sự.

Đại sứ đã thành công khi thuyết phục được một số tập đoàn tại Palestine đưa khách du lịch Palestine đến Việt Nam một cách chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, Đại sứ Saadi còn nỗ lực truyền bá văn hóa Việt Nam, những điểm tương đồng giữa văn hóa Arab và văn hóa Việt Nam, làm cho người nước ngoài thấy Việt Nam ngày càng thú vị.

“Ngày nào chúng tôi cũng nhận được điện thoại từ Palestine và một số nước Arab có người Palestine sinh sống để hỏi đến Việt Nam như thế nào. Đây là một tín hiệu lạc quan cho thấy Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn du khách nước ngoài”, Đại sứ Saadi bày tỏ. Theo ngài Đại sứ, Việt Nam luôn dành cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine một sự ủng hộ trước sau như một.

“Chúng tôi ngưỡng mộ Việt Nam, luôn coi thành tựu mà Việt Nam đạt được là thành tựu của chính mình. Việt Nam là một quốc gia có nền độc lập thật sự, luôn lấy Hiến chương của Liên Hiệp Quốc làm cơ sở để phát triển mối quan hệ với thế giới nên được các nước trên thế giới tôn trọng. Chính vì vậy, chính sách đối ngoại, lập trường của Việt Nam cũng luôn được thế giới ủng hộ. Đối với tôi, đây là môi trường rất tốt đẹp để tôi hoạt động”, ngài Đại sứ chia sẻ.

Trước khi tiễn tôi ra về, ngài Đại sứ Saadi Salama đã tặng tôi chiếc khăn truyền thống của người Palestine. Tôi quàng chiếc khăn đó vào, cảm giác được sưởi ấm như quàng lên vai chiếc khăn của tình hữu nghị. Trong đầu tôi vẫn vang lên giọng nói ấm áp của ngài Đại sứ: “Tôi muốn mọi người nhìn thấy một người Palestine có tâm hồn và trái tim Việt Nam. Để người Việt Nam tự hào vì có những người nước ngoài như Saadi, yêu đất nước mình đến vậy”. Những tình cảm tốt đẹp và thiêng liêng ngài Saadi Salama dành cho Việt Nam đã đánh thức cả tình yêu Tổ quốc trong mỗi chúng tôi...

Có một điều vô cùng thú vị là ngài Đại sứ đã phải lòng một người con gái Hà Thành và họ đã nên duyên vợ chồng hơn 30 năm nay. Vợ ngài Saadi mang đậm chất phụ nữ Việt Nam xưa, bà đã lui về phía sau để chăm sóc gia đình, con cái, để ngài Đại sứ yên tâm làm tốt sứ mệnh của một chính khách ngoại giao.

Các con ông đều thông minh, tài hoa và thành đạt. Saadi Salama nói, ông hạnh phúc vì có 4 người con mang hai dòng máu Palestine - Việt Nam.

Thu Phương
.
.
.