Vấn nạn tin giả, tin xấu độc: Cần liều thuốc đặc trị
- Nhà báo cần có nghĩa vụ vạch trần và dập tắt tin giả
- Các tập đoàn công nghệ Mỹ giúp Canada chống tin giả trước bầu cử
Tại Việt Nam, người tham gia mạng xã hội ngày càng tiếp xúc nhiều với tin tức giả, chưa được xác thực, chưa được kiểm chứng. Mới đây nhất là việc mạng xã hội lan truyền thông tin tài xế lái xe đưa đón học sinh của Trường Tiểu học Gateway đã tử vong gây hoang mang dư luận. Tuy nhiên, ngay sau đó, cơ quan Công an đã khẳng định thông tin trên chỉ là tin đồn thất thiệt...
Làm thế nào để ngăn chặn tin đồn thất thiệt, tin giả, thông tin xấu độc đang tràn lan trên không gian mạng hiện vẫn là bài toán không dễ đối với các cơ quan quản lý.
Vấn nạn tin giả đang “tấn công” người dùng mạng xã hội. |
Thông tin giả và những hệ lụy thật
Tại Việt Nam, cùng với sự gia tăng số lượng người tham gia mạng xã hội, tin tức giả, thông tin chưa được kiểm chứng cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Không chỉ thông tin, các hình ảnh hay clip cũng còn được dàn dựng, cắt xén với ý đồ bôi xấu, hạ uy tín… làm sai lệch bản chất thực của thông tin gốc, thông tin ban đầu cũng không thiếu. Đáng chú ý, hàng loạt vụ việc đăng tải thông tin giả mạo, thông tin thất thiệt thời gian qua đã làm ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội, gây tâm lý hoang mang, bức xúc.
Đơn cử như thông tin “máy bay rơi tại sân bay Nội Bài năm 2017”, “Hàng loạt trẻ em nhập viện vì ngộ độc thịt lợn có chứa thuốc an thần”, “giả mạo văn bản của TP.Đà Nẵng nhằm tạo “sốt đất” gia, giả mạo thông báo của Cục Hải quan bán xe thanh ly, thông tin thất thiệt về cậu bé tại Gia Lai tự tử vì không có áo đồng phục mới để đến trường, thông tin không chính xác hiện tượng bắt cóc trẻ con tại một số địa phương cũng gây hoang mang đối với phụ huynh trong toàn xã hội, phát tán thông tin không chính xác về dịch tả lợn châu Phi tại nhiều địa phương...
Và gần đây nhất là hàng loạt thông tin chưa được kiểm chứng liên quan đến vụ học sinh bị tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh của Trường Tiểu học Gateway mà đỉnh điểm là tin đồn thất thiệt về việc tài xế lái xe đã tự tử... Động cơ của các đối tượng sản xuất loại tin tức giả, tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng có thể vì mục đích tài chính, chính trị hay hạ uy tín của cá nhân, tổ chức một cách có chủ đích.
Tuy nhiên, có những trường hợp, các đối tượng tạo ra tin tức giả chỉ đơn giản để được nổi bật, thu hút sự chú ý, thu hút được nhiều “like” để phục vụ mục đích cá nhân như bán hàng online…
Theo số liệu thống kê từ chương trình đánh giá an ninh mạng của Bkav cho thấy, 63% người dùng thường xuyên đọc được tin tức giả mạo trên Facebook, trong đó 40% là nạn nhân hàng ngày. Không chỉ khiến người đọc hoang mang, tin tức giả mạo còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội khi kẻ xấu cố tình đưa tin sai sự thật liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị của đất nước.
Các chuyên gia an ninh mạng của Bkav phân tích, bản chất của việc tin tức giả mạo tràn lan cũng tương tự như sự lây lan của virus máy tính, đó là tấn công vào sức đề kháng của người dùng.
Phía Bkav khuyến cáo, người dùng mạng xã hội cần xây dựng cho mình khả năng “đề kháng” trước các thông tin giả mạo, bằng cách biết đặt ra nghi vấn, tốt hơn nữa là chủ động kiểm chứng khi nhận được thông tin từ nguồn không tin tưởng. Nếu không trang bị được sức “đề kháng” tốt, gặp thông tin giả mạo người đọc sẽ dễ dàng tin tưởng, thậm chí còn chia sẻ gây ra những hậu quả khôn lường.
Ở góc độ khác, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Lê Doãn Hợp cho rằng: Cách tốt nhất để hạn chế tin đồn thất thiệt, thông tin giả mạo, chưa được kiểm chứng là phải đưa ra thông tin chính thức, thông tin chính thống một cách kịp thời, nhất là ở những sự việc nóng đang được dư luận xã hội quan tâm. Khi thông tin trong các lĩnh vực đời sống xã hội đều minh bạch thì tin đồn, tin thất thiệt sẽ không còn nhiều đất sống.
Theo thống kê của Bộ TT&TT cho thấy, chỉ tính từ năm 2018 đến cuối tháng 5-2019, cơ quan chức năng của Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 37 trường hợp đưa thông tin sai sự thật, miêu tả tỉ mỉ hành động tội ác và quảng cáo không phù hợp với tổng số tiền 617,5 triệu đồng; phạt 9 trường hợp thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích với tổng số tiền 245 triệu đồng. Trong số này, có rất nhiều cá nhân tung tin đồn thất thiệt về dịch tả lợn châu Phi đã bị xử phạt hành chính.
Kênh Youtube của Khá Bảnh từng gây sốc trên mạng xã hội đã bị xóa bỏ. |
Gỡ bỏ hàng nghìn video, đường link có nội dung xấu, độc
Cùng với tin giả, thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội thì thông tin xấu, độc từ các video clip cũng đang tràn lan trên các nền tảng xuyên biên giới khác như Youtube. Nhận thấy mối nguy lớn đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội từ các video xấu, độc, trong suốt 2 năm qua, Bộ TT&TT đã kiên trì các giải pháp đấu tranh nhằm yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook, Youtube tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Trên thực tế, Google cũng đã hợp tác tích cực với Bộ TT&TT trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ những video clip xấu độc trên Youtube theo yêu cầu của Bộ. Tuy nhiên, tình trạng các clip xấu độc được đăng tải trên nền tảng này vẫn còn rất nhiều và có chiều hướng gia tăng.
Trong thời gian vừa qua Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8.000 video clip xấu độc trên Youtube theo yêu cầu của Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử; gỡ nguyên 19 kênh có nội dung xấu độc trên mạng xã hội YouTube, đã gỡ 58/63 trò chơi vi phạm pháp luật Việt Nam trên kho ứng dụng Google Play. Tuy vậy, qua rà soát của Bộ TT&TT, hiện nay trên Youtube vẫn có khoảng 55 ngàn video clip có nội dung xấu độc vi phạm pháp luật.
Tương tự, Facebook đã gỡ bỏ hàng trăm tài khoản giả mạo, hơn 2.000 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, hàng trăm link bài viết có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam, gỡ bỏ hàng trăm fanpage quảng cáo game cờ bạc...
Chỉ có điều, do cơ chế quản lý nội dung trên Youtube, Facebook còn rất nhiều bất cập nên việc ngăn chặn gỡ bỏ này vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”. Thực tế cho thấy, hiện nay các giải pháp kỹ thuật hiện có chưa cho phép tách riêng nội dung vi phạm trên Facebook và Youtube để chặn mà chỉ có thể chặn toàn bộ website vi phạm.
Vì vậy, trong nhiều trường hợp cần cân nhắc, nếu áp dụng việc chặn triệt để sẽ gây phản ứng của dư luận trong nước do nước ta chưa có dịch vụ tương tự để thay thế được Facebook, Google. Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có giải pháp để ngăn chặn dòng tiền quảng cáo phục vụ cho các mục đích xấu trên Facebook và Google, Youtube.
Ngoài ra, việc xác định đối tượng vi phạm trên môi trường mạng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các mạng xã hội nước ngoài do đối tượng vi phạm còn ẩn danh, gây khó khăn trong công tác điều tra. Cùng với đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý Internet và thông tin mạng còn chưa theo kịp với sự phát triển do đặc thù phát triển quá nhanh của công nghệ, của dịch vụ và nội dung thông tin...
Sẽ xây dựng Bộ quy tắc ứng xử cho người sử dụng mạng xã hội. |
Đồng bộ các giải pháp để “dọn rác” trên không gian mạng
Tại Hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, đại diện các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT cho biết: Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để “dọn rác” trên không gian mạng. Trong đó, về mặt kỹ thuật, sẽ tăng cường hoạt động của Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia nhằm đảm bảo tỷ lệ tin tiêu cực trên không gian mạng không quá 10%.
Nghiên cứu về tin giả (Fake news) và các phương thức xử lý các hành vi tung tin giả trên mạng xã hội. Tích cực làm việc với Facebook, Google về các vấn đề còn tồn tại của các doanh nghiệp này khi hoạt động ở Việt Nam, đồng thời yêu cầu gỡ bỏ các tin, bài viết, video clip vi phạm pháp luật. Kiến nghị với Ngân hàng nhà nước phối hợp với Bộ TT&TT ngăn chặn các dòng tiền thanh toán vi phạm; Tổng cục Thuế phối hợp với Bộ TT&TT lập danh sách các kênh Youtube Việt Nam được Google chia sẻ tiền quảng cáo nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ thuế để chấn chỉnh hoạt động này.
Bộ TT&TT cũng đề nghị Bộ Công an phối hợp chặt chẽ để xử lý nghiêm các trường hợp đã được cảnh báo mà vẫn vi phạm trên Youtube và Facebook; Ban hành hướng dẫn thi hành Luật an ninh mạng để làm “lá chắn” bảo vệ lợi ích quốc gia, tạo môi trường pháp lý để người dân yên tâm khi tham gia mạng xã hội.
Đặc biệt là xây dựng để sớm ban hành Bộ Quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, nhằm phát triển mạng xã hội an toàn, lành mạnh, có ích, thúc đẩy các tác động tích cực của mạng xã hội tới người sử dụng, gia đình, tổ chức và xã hội. Bổ sung chính sách ưu tiên phát triển mạng xã hội trong nước, tích hợp nhiều dịch vụ khác để thu hút người Việt Nam sử dụng, có khả năng cạnh tranh với nước ngoài...
Đồng tình với các giải pháp mà Bộ TT&TT đưa ra, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp nhấn mạnh: “Chúng ta đang hội nhập với thế giới nên không thể cấm đoán thông tin, đặc biệt là những thông tin đa chiều, cuồn cuộn hàng ngày, hàng giờ trên mạng xã hội. Tuy vậy, chúng ta cũng cần phải học cách mà các nước phát triển ứng xử với mạng xã hội để từ đó tìm ra giải pháp quản lý riêng của mình thông qua ba con đường.
Trước hết, phải hoàn chỉnh luật để ủng hộ người nói đúng và ngăn chặn, xử lý người nói sai bằng cả biện pháp hành chính lẫn hình sự nếu người nói sai đó gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, chúng ta phải nâng cao dân trí để người dân có thể tự phòng vệ chính đáng, biết chắt lọc đúng, sai trước sự nhiễu loạn về thông tin trên mạng xã hội. Ngoài ra, chúng ta cũng phải chủ động đấu tranh phản bác thông tin xuyên tạc một cách nhanh chóng, đúng và kịp thời. Phải dùng lý lẽ để đấu tranh lại những thông tin không đúng, bởi thực tiễn cho thấy chỉ khi nào có sự minh bạch thì mới chống được sự nhiễu loạn thông tin”.
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cũng cho rằng: Về lâu dài, việc xây dựng mạng xã hội của người Việt là rất cần thiết vì trước hết nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, vừa góp phần xây dựng văn hóa, văn minh vừa là môi trường tương tác cho người Việt Nam và người nước ngoài quan tâm Việt Nam. Cùng với đó, phát triển mạng xã hội của người Việt cũng là phương thức tạo điều kiện cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, phát triển công nghệ.
Tuy nhiên, để các mạng xã hội trong nước tồn tại được, ông Liên cho rằng, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có chính sách thuế. Vì nếu Nhà nước không hỗ trợ thì mạng xã hội trong nước sẽ thất bại trước các mạng xã hội nước ngoài, không thể tồn tại được chứ chưa nói là cạnh tranh. Tất nhiên, những ưu đãi này không được vi phạm cam kết quốc tế.