Vấn nạn di cư và sự gắn bó với quê cha đất tổ

Thứ Năm, 19/12/2019, 10:31
Năm 2017, theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, cả thế giới có 258 triệu người sống ở những nước là nơi họ không sinh ra. Lìa bỏ quê cha đất tổ, lần lượt từ Ấn Độ 16,6 triệu người; Mexico 13 triệu; Nga 10,6 triệu; Trung Quốc 10 triệu; Bangladesh 7,5 triệu; Syria 6,9 triệu; Pakistan 6 triệu; Ukraina 5,9 triệu; Philippines 5,7 triệu; Vương quốc Anh 4,9 triệu...

Như vậy, 3,4% dân số thế giới đã xa rời quê hương của họ, số người đó tăng 50% tính từ năm 2000.

Hiện nay, tổng hợp toàn cầu, cứ 110 người dân thì có 1 người ly hương hay tha hương. Di cư, vì vậy, nhất là từ cuộc khủng hoảng chưa từng có năm 2015, trở thành một trong những vấn đề nóng bỏng của nhân loại. Nó được bàn tán hầu như mọi lúc mọi nơi của cuộc sống xã hội, từ các cuộc tranh cử tổng thống tới tận bữa ăn gia đình.

Không chỉ đối với châu Âu, di cư là thách thức chủ yếu hiện tại. Mặt tích cực của di cư, ví như tăng nguồn nhân lực, nhất là chất xám, cho nơi đến, đã bị quên đi. Những mặt tiêu cực thì được nhấn mạnh ngày càng đáng sợ.

Hình ảnh thường thấy trên biển về các làn sóng người di cư.

Đó là an ninh ở nhiều khu vực của thế giới chao đảo và bấp bênh. Đặc biệt là châu Mỹ và Trung Đông. Tương tự là sức khỏe chung nhiều cộng đồng, gia tăng bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, bệnh lao. Kinh tế mất cân đối ít nhiều, thất nghiệp “tăng trưởng”. Cuối cùng là văn hóa bị tổn thương, những giá trị ổn định bị xâm phạm.

Bao trùm hay dính dáng đến những hậu quả vừa nêu là sự nổi lên tưởng chừng bất ngờ của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Đây là một sự kiện chấn động bậc nhất trong lịch sử nhân loại... Hiển nhiên, giải pháp xử lý chỉ thật sự thích đáng và hiệu quả, khi nguyên nhân của vấn nạn được chỉ ra chính xác.

Từ lâu, xuất hiện và được thừa nhận rộng rãi trên khắp hành tinh những ý nghĩ rằng vấn nạn di cư đang làm đau đầu các quốc gia châu Âu, Canada và Mỹ xuất phát chủ yếu từ châu Phi. Các bức tường được dựng lên ở biên giới đểí ngăn chặn làn sóng di cư và tị nạn. Ngoài ra, biến đổi khí hậu đang và sẽ gây ra những cuộc di cư ồ ạt kinh hoàng.

Nếu đa phần chính trị gia thế giới nghiễm nhiên cho thế là đúng thì có những nhà khoa học cẩn thận hơn, bĩnh tĩnh và kiên tâm đi sâu vào thực tế, nghiên cửu kỹ lưỡng tại thực địa, tìm hiểu lâu dài nhiều nơi, nhiều thời điểm rồi mới đưa ra những kết luận chân xác và có tính thuyết phục.

Nhiều năm qua, những nhà xã hội học, dân tộc học, bảo vệ môi trường ở nhiều quốc gia cứ âm thầm lăn lộn vào mọi miền trái đất để tìm hết và tìm đúng sự thật. Nghiên cứu độc lập với nhau, các nhà khoa họa ấy công bố những công trình trên những tạp chí khoa học uy tín, cho thấy tầm sâu rộng với không ít bất ngờ của vấn đề di cư và tị nạn.

Bất ngờ thứ nhất là người châu Phi di cư chủ yếu... ở châu Phi. 70 % người châu Phi rời xa nơi chôn nhau cắt rốn thực tế tới sống ở một nước châu Phi khác, đặc biệt là các nước Nam Sahara. Chỉ 15% người di cư tới các nước thuộc Lục địa già. Vì sao vậy? Câu hỏi được trả lời rõ ràng: tìm cuộc sống mới dễ thở hơn, xa quê cha đất tổ, đòi hỏi những điều kiện khắt khe đến nghiệt ngã về tài chính, xã hội và văn hóa. Quá trình này tự nó đã là một chọn lọc chặt chẽ.

Một minh chứng: những người thuộc các nước Nam sa mạc Sahara tới định cư được ở châu Âu nằm trong số những cư dân dư dả và có học thức nhất của nước họ xuất phát. 27% người Senegal tới sống và làm việc tại Pháp đã tốt nghiệp đại học, tỷ lệ đó ngang bằng tỷ lệ người Pháp tốt nghiệp đại học hiện giờ.

Một dòng người di cư trên bộ.

Đi sâu hơn nữa, các nhà khoa học phát hiện rằng, những nước nghèo và dân số tăng mạnh lại ít di cư. Mặt khác, di cư tăng lên theo phát triển kinh tế, đến một mức phát triển nào đó, sẽ dừng lại và giảm. Mức đó là thu nhập hằng năm bình quân đầu người đạt từ 7.000 tới 13.000 USD.

Cho tới năm 2050, đa phần các nước nghèo, đặc biệt là các nước Nam Sahara, chưa thể vươn tới mức đó. Di cư nội địa vẫn tiếp tục tăng. Trong khi di cư sang các nước Âu, Mỹ cũng nhích lên: hiện tại, 1,5% dân số Pháp là người Nam Sahara, năm 2015, con số ấy là 3% hay 4%; tính chung, 0,4% dân số châu Âu hiện giờ là người châu Phi; tới năm 2050, số đó sẽ là 2,4%. Song, những con số nhỏ này lại đặt ra những vấn đế không hề nhỏ.

Bất ngờ thứ hai là các bức tường ngăn biên giới chỉ làm tăng người di cư bất hợp pháp. Đó là, ví dụ, những hàng rào dây thép gai ở biên giới Hungary; những rào chắn đủ kiểu ở vùng Calais của Pháp hoặc bức tường cao 9m ở biên giới Mexico với Mỹ... Thực tế, số người từ Nam Mỹ, nhất là từ Mexico, nhập vào Mỹ không hề giảm. Đơn giản, dân di cư tìm mọi cách để tới được miền đất hứa, chẳng hạn, đào hầm xuyên biên giới, đi vòng sang các nước khác, chấp nhận rủi ro ác nghiệt (vượt sông, mạo danh khách du lịch hay kết hôn giả...).

Nhiều hệ lụy không lường trước đã gây tác hại. Ví như, giữa năm 1986 và 2008, số nhân viên canh giữ biên giới Mexico - Mỹ tăng 5 lần nhưng số người Nam Mỹ vào được Mỹ cũng tăng tương tự. Nạn buôn người và tội phạm hình sự tăng vọt. Những cái chết thương tâm thường xuyên xảy ra trên những con sông nhỏ dọc biên giới này. Những thảm họa nhân đạo như thế gây bất an cho chính dân chúng không chỉ hai nước.

Việc đóng cửa biên giới ảnh hưởng xấu tới một sự thật hiển nhiên: bên cạnh những người qua lại biên giới theo mùa, đó là chuyện hồi hương hợp pháp, hợp lý hợp tình của người di cư hay tị nạn. Di cư không phải bao giờ cũng theo một chiều. Nhiều người ra đi nhưng cũng đông người trở lại.

Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng một nửa người Senegal và Angola di cư sang Pháp đã có kế hoạch một ngày không xa, trở về đất mẹ. Ngoài những người về hưu - muốn tìm về cội nguồn, những người bị trục xuất hay được khuyến khích về nơi xuất phát, có một bộ phận lớn giới trẻ nhập cư muốn trở về tổ quốc thứ nhất một cách ngẫu hứng.

Một bè di cư trôi nổi trên Địa Trung Hải.

Có điều, họ chỉ lên đường về cố hương nếu biết chắc họ có thể dễ dàng quay lại tổ quốc thứ hai, một khi họ thất bại ở nơi về hay nơi này lâm khủng hoảng... Thế nhưng, các nước châu Âu đang có xu hướng hạn chế tiếp nhận người nhập cư. Xu hướng này khiến việc hồi hương tự phát như vừa đề cập sụt giảm. Bộ phận giới trẻ nêu trên sẽ dứt khoát định cư vĩnh viễn ở Lục địa già...

Bất ngờ thứ ba là biến đổi khí hậu không gây ra những cuộc di cư ồ ạt quy mô thế giới. Những dự báo gần đây khiến không ít người lo sợ. Đó là khoảng 143 triệu người trên hành tinh sẽ rời bỏ quê nhà từ nay tới năm 2050 do hậu quả của biến đổi khí hậu, với hạn hán, bão lốc, lũ lụt, sạt lở đất đá, nước biển dâng, sóng thần...

Theo các nhà khoa học, như kể trên, những con số dự áo ấy chỉ thuần lý thuyết. Thực tế, qua nghiên cứu kĩ lưỡng, bền bỉ tại hiện trường, đồng thời ở hàng chục quốc gia, họ thấy vấn đề tế nhị hơn nhiều, hiểu máy móc sẽ có hại. Ví như, bão lốc và lũ lụt chủ yếu gây nên những cuộc di cư nội địa và nhất thời. Ấy là chưa kể, lũ lụt làm đất đai thêm màu mỡ. Người ta không dại gì bỏ đi...

Hạn hán thường được cho là nguồn cơn đáng ngại cho việc cư dân nhiều nơi chuyển địa bàn sinh sống. Những công trình nghiên cứu mới nhất cho thấy hạn hán làm trầm trọng thêm các nguy cơ nổi loạn hay xung đột, hai yếu tố “kích hoạt” di cư. Tuy nhiên, di cư không phải là chiến lược hay nhất và dễ được chọn hơn cả. Chuyện ở Burkina Faso được dẫn ra trong nhiều nghiên cứu: các gia đình ở đây biết phối hợp với nhau để chống hạn hán hiệu quả: dự trữ nước tưới và sinh hoạt, chuẩn bị trước thức ăn cho gia súc và gia cầm, tưới nước theo kiểu “nhỏ giọt”, cẩn trọng tối đa để không xảy ra hỏa hoạn.

Nguy cơ lớn nhất của chuyện rời bỏ nơi cha ông cày xới và sinh sống từ ngàn đời là nông nghiệp bị đảo lộn hay “chiến bại” nặng nề. Điều này xảy đến, thường do nắng nóng hay rét buốt đột ngột và trái lệ. Những hiện tượng ấy khiến mùa màng thất bát lớn, đe dọa nghiêm trọng sự ổn định cuộc sống thường nhật.

Các nghiên cứu “rộng khắp” và “dài hơi” cho biết, khi nhiệt độ trái đất tăng 1 độ C, ở các nước sống cơ bản nhờ nông nghiệp, di cư sẽ tăng 5%. Thế nhưng, các nhà khoa học khuyến cáo không nên hiểu lầm: di cư có thể vọt lên về quy mô và tốc độ, song đa phần vẫn ở bên trong các nước, từ nông thôn chuyển ra các đô thị hàng đầu...

Dadaab (Kenya) - trại tị nạn lớn nhất thế giới.

Một hiểm họa nữa, không thể coi thường, đó là nước biển dâng cao. Đồng thời với nó là nạn thiếu nước phổ biến trong đất liền đang gia tăng không ngừng. Mực nước biển dâng do trái đất nóng lên - chưa vội bàn đến việc băng tan ở Bắc Cực và Nam Cực, mọi người đều rõ rằng các đảo và quần đảo ở Thái Bình Dương bị đe dọa trước hết. Những tưởng dân ở đấy sẽ ồ ạt di chuyển đến New-Zealand hoặc Australia. Không phải vậy. Họ chuyển chỗ loanh quanh bên trong các đảo Tuvalu, Kiribati, hay Fidji.

Dân Fidji còn bắt đầu di chuyển các làng ven biển (gồm cả các nghĩa địa) vào sâu trong đất liền. Đáng sửng sốt là ứng xử của dân ở 4 đảo thuộc tỉnh Bohol của Philippines. Hiện nay, mỗi lần thủy triều lớn, nước dâng lên tới đầu gối. Nhưng chỉ 15% dân cư tính đến chuyện di dời. Phần đông ở lại, tìm cách “sống chung với lũ”. Chẳng hạn, họ dựng lên những nhà sàn “dầm chân” trong nước...

Trường hợp “4 đảo” này được các nhà khoa học hành tinh coi là tiêu biểu cho cách đối phó hiện tại và tương lai của dân ở các đảo và đồng bằng khắp thế giới, với các vấn nạn do biến đổi khí hậu. Từ đây, các nhà khoa học thực lòng vì khoa học, tức những người hết mình cho khoa học, những người không phải vì danh vọng hay địa vị, nhìn thấy một sự thật cốt lõi. Đó là, ở đâu cũng vậy, người dân luôn gắn bó với nới chôn nhau cắt rốn. Cho nên, sâu xa hơn nhiều biến đổi khí hậu, điều nguy hiểm nhất đối với trái đất - ngôi nhà chung - là sự bất động trước nó và trước những tai họa đang từng ngày đe dọa chúng ta.

Chiến thắng nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là một ví dụ cho cuộc phối hợp đó, quy mô hành tinh. Nhưng việc Mỹ, xứ sở thải ra nhiều khí CO2 nhất, rút khỏi thỏa thuận chung Paris về ngăn chặn biến đổi khi hậu là một thất bại. Việc Nhật Bản và một vài nước Trung Đông nghe theo các nhà khoa học, xây dựng những bể và hồ nhân tạo lớn và sâu, để thu nước lũ hay xả nước ra chống hạn là một khích lệ lớn lao cho những người luôn muốn đem kiến thức làm lợi cho cộng đồng.

Phú Bình
.
.
.