Văn hóa phẩm ngôn tình: Con sâu bệnh hoạn?

Chủ Nhật, 28/09/2014, 08:30

Truyện XXX (truyện người lớn), các loại truyện tranh hentai, ecchi, xuất phát từ Nhật Bản, một thời đã từng là những ấn phẩm làm mưa làm gió trong giới trẻ thì nay đã trở thành lỗi mốt. Những thể loại truyện đó nếu muốn xem phải lén lút truy cập, giấu giếm phụ huynh, nếu bị phát hiện thì sẽ trở thành tội lỗi tày đình. Bây giờ, không cần thiết phải phức tạp như thế. Các bạn trẻ có thể đường hoàng, công khai đến các nhà sách và tìm kiếm những cuốn sách có cái tên rất mỹ miều là “tiểu thuyết ngôn tình” với hình ảnh bìa bắt mắt.

Các bậc phụ huynh khi thấy con mình mê đọc sách thì hoàn toàn yên tâm, ủng hộ. Mà đâu ngờ rằng, ẩn chứa trong những cuốn sách “ngôn tình” đó, là nội dung biến thái, nặng về nhục dục. Rất nhiều bạn trẻ khi đã sa vào vòng xoáy “ngôn tình”, đều mê mẩn cuốn theo khó mà dứt ra được…

Nhập môn "ngôn tình"

Chiếm lĩnh hầu hết thị trường các nhà sách trong phạm vi Hà Nội, đông khách nhất và cũng đa dạng nhất chính là quầy "văn học Trung Quốc". Mấy năm gần đây, từ khi tiểu thuyết "ngôn tình" Trung Quốc du nhập vào nước ta, nó nhanh chóng trở thành một "món đặc sản" được đông đảo dân "teen" săn đón.

Truyện ngôn tình xuất phát từ Trung Quốc. Sau đó, nó lan sang Việt Nam thông qua các diễn đàn dịch truyện tiếng Trung và trở thành một danh từ chung chỉ các truyện có đề tài tình yêu. Nhưng nếu chỉ đơn giản là viết về đề tài tình yêu một cách nhẹ nhàng, lãng mạn thì truyện "ngôn tình" sẽ không có nhiều độc giả đến thế, và cũng không mang tính chất gây nghiện đến thế.

Đối với những người mới nhập môn, thì thường lựa chọn những tiểu thuyết "ngôn tình" nhẹ nhàng, sặc mùi ướt át lãng mạn. Nắm bắt thị hiếu độc giả tuổi teen, nội dung truyện ngôn tình thường thêu dệt những mối tình đẹp như mộng giữa các nhân vật có hình tượng tương phản, như nam chính vô cùng đẹp trai, lạnh lùng, tài giỏi, giàu có, thông minh kiệt xuất, luôn yêu những cô gái nhà nghèo nhưng cá tính, hài hước, năng động, đôi khi là anh chàng bụi bặm, ăn chơi, phong trần phải lòng những cô gái vụng về, ngốc nghếch, nghèo khó…

Nhiều nữ sinh vào nhà sách tìm kiếm những cuốn sách ngôn tình.

Tôi có hẹn hai em admins (ban quản trị) một hội facebook đình đám với số lượng thành viên lên đến hàng chục ngàn người tham gia và "like". Trái với hình dung của tôi, hai em gái này còn rất trẻ, đang là học sinh trung học. Và cả hai đều đeo kính cận, gương mặt rất hiền, nem nép rụt rè huých nhau, đùn đẩy trả lời tôi, trong một góc quán cà phê.

Không thể ngờ được đây là những nhân vật đình đám trong thế giới ảo, mỗi ngày đều post (đăng tải) rất nhiều status (trạng thái) là những câu nói hết sức táo bạo, bất cần đời và thậm chí rất…gợi dục như những người trưởng thành lên Fanpage (câu lạc bộ, nhóm hội trên facebook). Mỗi lượt status như vậy lại có hàng nghìn, thậm chí mấy chục nghìn lượt like (thích) hưởng ứng của các thành viên.

Hai cô bé có vẻ rất nhút nhát, e ngại khi trả lời những câu hỏi về tên tuổi, trường học. Nhưng khi được hỏi về vấn đề "ngôn tình" thì lại hết sức sôi nổi, nhiệt tình thao thao bất tuyệt. Dường như các cô bé vẫn nghĩ mình đang sống trong thế giới ảo nhiều hơn, thế giới của các "soái ca" (các anh chàng đẹp trai, lãng tử), các "tổng tài" (các vị giám đốc trẻ phong lưu). Các em gọi nhau bằng nick name, một em tóc dài thì lấy tên là "Xuyên tuyết", em tóc ngắn còn lại lấy nick là "Ốc sên" (xuất phát từ tên một tiểu thuyết ngôn tình em rất yêu thích, đó là: "Ốc sên chạy"). Thật kỳ lạ là cả hai cô bé đều xưng hô với nhau là "ta" và "ngươi", đôi lúc lại đệm thêm từ "a" sau mỗi câu hội thoại khiến tôi chóng mặt không hiểu mình đang tiếp xúc với người nước ngoài hay người Việt chính gốc.

Cô bé nick "Ốc sên" giảng giải cho tôi rất nhiệt tình: "Trong mỗi tiểu thuyết thường có riêng từng chương chứa cảnh H (tạm hiểu là cảnh sex, chung đụng xác thịt nóng bỏng), mới nhập môn thì thường lựa chọn những truyện ít có yếu tố H. Nhưng khi đã "ghiền" thì cấp độ sẽ tăng dần, bắt đầu tìm đến những chủ đề lạ, thậm chí là khá biến thái. Tình yêu không chỉ xoay quanh mối quan hệ nam - nữ mà còn phức tạp hơn nhiều.

Mỗi người có một sở thích riêng, trong nhóm của em cũng phân ra nhiều nhóm nhỏ, nhóm thì thích thể loại "đam mỹ" (tình yêu nam với nam), "bách hợp" (nữ yêu nữ), "NP" quan hệ tay ba giữa 1 nữ nhiều nam; 1 nam nhiều nữ hoặc nhiều nữ nhiều nam, "tỷ đệ luyến": Tình yêu có yếu tố loạn luân giữa anh chị em ruột thịt trong nhà, "sư đồ luyến": thầy trò có quan hệ bất chính. Hay kỳ dị hơn là "nhân thú": người quan hệ với thú… Thỉnh thoảng các nhóm vẫn hay tranh cãi, đấu tranh xem đâu là nhân vật "hot", có sức hấp dẫn nhất đấy ạ!".

Một nhóm hội mê tiểu thuyết ngôn tình với đông đảo thành viên yêu thích.

Nhìn tôi trợn tròn mắt kinh ngạc, cô bé còn lại với nick name "Xuyên tuyết" vừa cười vừa lướt smart phone và giới thiệu cho tôi nhiều hội trên facebook mà cô khoe cô cũng đảm đương vai trò admin, trong đó có fanpage có tên rất kỳ lạ: "Hội mê truyện ngược" có  hơn 20 nghìn lượt người yêu thích, với tuyên ngôn như sau: "Có một loại tình yêu, không thể dừng lại, cũng không thể đến được".

"Xuyên tuyết" thấy vẻ ngơ ngác của tôi, liền chép miệng giải thích vẻ sành sỏi: "Trong tiểu thuyết ngôn tình, có rất nhiều cách thể hiện tình yêu, có thể là "sủng", tức là rất yêu chiều, sủng ái; còn có cách khác là "ngược", có nghĩa là thể hiện tình yêu bằng cách ngược đãi về thể xác hoặc tinh thần kiểu như "bạo dâm", nhân vật chính thì sau một thời gian bị ngược đãi sẽ yêu luôn… người hành hạ mình?! Thể loại truyện có yếu tố bạo hành, tức "ngược" này thường được yêu thích hơn, vì có nhiều cảnh nóng táo bạo như phá thai, đánh đập, bạo dâm, vượt xa sức tưởng tượng của con người". Nói xong, hai cô bé nhìn nhau cười đầy ẩn ý, bỏ mặc tôi hoang mang với những kiến thức không tưởng mình vừa được "trau dồi".

Với tư cách là một kẻ nhập môn, hai cô bé nữ sinh trung học an ủi nhìn tôi cười: "Chị yên tâm, mới đọc thì thấy khó nhớ, nhưng đọc một vài lần là sẽ thuần thục các khái niệm ngay, chào mừng chị đến với thế giới của "hủ nữ" chúng em!". "Hủ nữ" là danh từ chỉ các fans của các thể loại thích các kiểu tình yêu bất thường, thường phát cuồng vì tình yêu của nam giới dành cho nhau. Tuyên ngôn của các "hủ nữ" là: "Trai đẹp thì nên yêu nhau!". Trong mắt các "hủ nữ", những chuyện đó mới thực sự là dấn thân, là vượt qua mọi giới hạn.

Con sâu làm rầu nồi canh

Chính vì truyện "ngôn tình" với những cảnh nóng, chi tiết bệnh hoạn, nội dung kích dục mà vô tình nhiều phụ huynh, và nhiều bạn trẻ khác không phải fan của thể loại này có cái nhìn thiếu thiện chí với văn học Trung Quốc. Rất nhiều tác phẩm văn học Trung Quốc có giá trị vô tình bị chụp mũ oan là rẻ tiền, bệnh hoạn.

Một người bạn của tôi đã cực đoan đến nỗi cấm con gái của chị, một cô bé cũng đang trong lứa tuổi "teen", 13 tuổi, đang học ở một trường trung học khá nổi tiếng ở Hà Nội, không được phép sờ vào bất cứ cuốn sách của tác giả Trung Quốc nào nữa. Thường ngày, chị khá yên tâm vì con gái chị thuộc dạng ngoan hiền vì ngoài thời gian ở trên lớp học ra, cô bé chỉ chúi mũi vào những cuốn sách và ôm lấy cái máy tính cả ngày, không đi đâu, có giao du cũng chỉ với mấy đứa con gái cùng lớp. Bao nhiêu tiền bố mẹ cho đều đổ vào tiểu thuyết ngôn tình, xếp chật cứng giá sách, mỗi cuốn sách đều có giá trung bình từ 80-100.000 nghìn đồng.

Cho đến một ngày, rảnh rỗi không có việc gì làm, chị vào phòng con gái tiện tay mượn một cuốn sách có cái tên khá táo bạo: "Chiếm đoạt vợ yêu". Đọc được vài đoạn chị bàng hoàng suýt ngất: "Trời ạ! Nhâm Thiếu Hoài cả người thoáng run lên như có một dòng điện xuyên qua, chưa từng có người con gái nào lại có thể dễ dàng nhanh chóng khơi dậy khao khát tình dục của anh như thế. Dần dần, chỉ là hôn thôi vẫn còn chưa đủ, dòng điện trong cơ thể tiếp tục nóng lên kêu gào phải được thỏa mãn. Mỗi dây thần kinh, mỗi tế bào, bộ phận trên cơ thể càng thêm buộc chặt. Bàn tay bắt đầu không yên phận, nôn nóng xoa nắn đường cong mềm mại của cô…". (Trích truyện: "Chiếm đoạt vợ yêu")

Thì ra bấy lâu nay, con gái chị vẫn chìm đắm với những dòng chữ bệnh hoạn không thua kém những cuốn sách khơi dậy nhục dục này. Chị giận quá liền đánh cho con gái một trận và vứt hết cả một giá sách đầy ắp. Vài ngày sau, chị thấy con bé không đọc sách nữa mà cắm cúi vào điện thoại, chị lén kiểm tra điện thoại thì thấy một loạt các tiểu thuyết ngôn tình dưới dạng ebook được download từ các kho ứng dụng điện thoại, đều mất rất nhiều phí. Chị quyết định tịch thu điện thoại thông minh và mua cho con gái một chiếc điện thoại rẻ tiền. Con gái chị lại chuyển vùng hoạt động là sử dụng máy tính cá nhân truy cập các trang web, các diễn đàn truyện dịch, chị phát hiện ra, ngoài đọc truyện, con gái chị còn tham gia viết các fans fic (các phần ngoại truyện do fans tưởng tượng và viết dựa trên cốt truyện có sẵn) và chia sẻ cho nhiều bạn bè đọc và được hưởng ứng nhiệt liệt.

Đọc những dòng con gái viết lưu trong máy tính, một lần nữa chị lại suýt ngất với những ngôn từ dạn dĩ, thô tục và  những cảnh nóng biến thái mà chị không tưởng tượng nổi một cô bé 13 tuổi có thể viết ra. Cực chẳng đã, chị đành tịch thu nốt máy tính. Nhưng vẫn nơm nớp lo sợ mỗi khi đi học cô bé vẫn lén lút đọc, viết theo kiểu truyền tay nhau của các nữ sinh.

Chị tâm sự với tôi, đôi mắt trũng sâu vì nhiều đêm mất ngủ: "Có con trai thì lo nghiện ma túy, có con gái thì lo nghiện mấy truyện tầm bậy tầm bạ. Ma túy còn ngăn cản được chứ mấy cuốn truyện này nhan nhản tìm đâu cũng được, giờ chỉ mong nó hồi tâm chuyển ý, chị mua cho nó bao nhiêu sách hay của các tác giả nổi tiếng thì nó để nguyên, không thèm đọc. Chỉ sợ nó cứ đọc hoài rồi tò mò, bắt chước theo, mất con gái lúc nào không hay!".

Khi những nỗi lo của người thân, gia đình biến thành sự thực cũng là lúc chúng ta cần nghiêm túc nhìn thẳng vào những hệ quả xấu mà truyện ngôn tình đem lại cho giới trẻ. Ngôn tình có hại hay không? Câu hỏi này thẳng thắn mà nói là hại nhiều hơn lợi. Văn phong của truyện loại này dễ nghiện, dường như mảng Hán-Việt gợi cảm gợi hình gợi thanh hơn nhiều. Sử dụng lâu dài có thể khiến lạm dụng lối nói năng cư xử này trong đời sống, mất dần ngôn ngữ thuần Việt. Và hơn cả, không hề nặng nề khi lo ngại rằng, những tư tưởng của tiểu thuyết ngôn tình có thể làm lệch lạc cả một thế hệ trẻ.

Đã đến lúc, các nhà xuất bản nên kỹ càng hơn, không để những bộ truyện có yếu tố dung tục, câu khách lọt lưới và ảnh hưởng đến nhận thức của lớp độc giả trẻ. Thay vì sử dụng nó như một lá bài, chiến lược câu khách như hiện giờ.

TS tâm lý Nguyễn Phương Thảo (Giảng viên Trường đại học Văn hóa Hà Nội):

“Tôi rất dị ứng với những tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc bày bán nhan nhản trên các hiệu sách hiện nay. Tôi đã thử đọc vài cuốn và ngoài cảm giác… nhạt ra thì không có hứng thú gì cả. Mô-tip thì quanh quẩn giống như những bộ phim “mì ăn liền” Hàn Quốc sướt mướt, đẫm nước mắt. Gập lại cuốn sách xong là quên luôn nội dung mình vừa đọc bởi cuốn nào cũng na ná cuốn nào. Những yếu tố sex được đề cập trong truyện thì vô cùng kỳ quái, phi thực tế, và có phần bệnh hoạn.

Ngôn tình là chất kích thích dễ gây nghiện, bởi nó làm sống dậy những khát thèm bản năng dục vọng thầm kín trong mỗi người. Fan của tiểu thuyết thường là những cô bé trong độ tuổi dậy thì, tò mò, khao khát khám phá bản thân. Chứ những người phụ nữ trưởng thành thường không đọc những thể loại này, vì nó quá huyễn hoặc phi thực tế và dung tục. Ở độ tuổi mà khuynh hướng tình dục đang dần dần được định hình, các em rất dễ sa đà và có những suy nghĩ lệch lạc về vấn đề này.

Tôi biết có rất nhiều em vì quá mê đắm những nhân vật trong truyện, mà nhìn ai cũng thấy khuyết điểm, sau này không yêu nổi ai. Lại có những em chỉ thích những mối tình đồng giới như nam - nam, nữ - nữ. Tôi không nhắc đến khía cạnh đồng tính, vì tôi hoàn toàn không kỳ thị. Có điều, nhiều em đã lầm lẫn, tự bắt chước ném mình vào những mối quan hệ đồng giới trong khi chưa hề biết đến những rung cảm thực sự của tình yêu. Các thầy cô, các bậc phụ huynh đừng nên coi nhẹ những văn hóa phẩm này, bởi lẽ nó có thể là chất độc gây hại đến cả một thế hệ”.

Huyền Vũ
.
.
.