Từ mặt trăng có nhìn thấy Vạn Lý Trường Thành?

Thứ Ba, 06/11/2007, 17:20
Từ lâu rất nhiều người vẫn cho rằng từ mặt trăng nhìn xuống trái đất có thể thấy Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc. Phải chăng điều này có thật?

Như sử sách ghi lại, suốt một thời gian dài ít ra là 2.500 năm, các triều đại phong kiến ở Trung Quốc đã thay nhau xây đắp lên nhiều bức tường dài - trước là để ngăn cách nước này với nước kia và thứ nữa mới là chống ngoại xâm.

Đến năm 221 trước Công nguyên, Hoàng đế Tần Thủy Hoàng, sau khi thâu tóm các chư hầu để thống nhất Trung Hoa, ông cho xây một mạng lưới đường sá rộng khắp để khi cần kíp, có thể nhanh chóng di chuyển binh lính từ nơi này đến nơi khác.

Bên cạnh đó, nhằm ngăn chặn các bộ tộc du mục thường quấy rối làng mạc ở miền Bắc Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng ra lệnh nối liền và củng cố tất cả các tường thành đã có tạo nên Vạn Lý Trường Thành. Khi hoàn tất, bức tường trải dài từ phía đông qua vùng Nội Mông tới tận Tây Tạng ở phía tây. Tuy nhiên, nếu du khách có dịp đi suốt dọc chiều dài từ đông sang tây, thì mới thấy Vạn Lý Trường Thành ngày nay không phải chỗ nào cũng hoành tráng đến vậy.

Điều này được chứng minh theo lời tường thuật của hai vận động viên Anh từng chạy bộ dọc theo bức tường để vận động cho một cuộc quyên góp từ thiện vào năm 1988.

Trong 47 ngày liền, Edward Ley - Wilson và David Wightman đã vượt qua 1.900km lần theo kỳ quan lịch sử này. Ley - Wilson cho biết khoảng 22% vẫn còn hình dáng bức tường, khoảng 41% đã sụp đổ và 37% còn lại hầu như không còn dấu vết gì khiến anh phải dùng bản đồ để định hướng.

Vậy mà ai dám quả quyết là nhà du hành vũ trụ từ trên mặt trăng nhìn xuống trái đất có thể thấy Vạn Lý Trường Thành rõ mồn một? Dường như người đầu tiên phán câu nói trên là William Edgar Geil, một người Mỹ từng đi du lịch nhiều nơi trên thế giới.

Năm 1909, khi viết quyển “Vạn Lý Trường Thành”, người này cam đoan với độc giả rằng nếu nhìn từ mặt trăng xuống trái đất, ai cũng có thể thấy Vạn Lý Trường Thành. Cần lưu ý rằng, vào năm 1909, con người chưa du hành không gian.

Đến năm 1923, một người nữa, ông Adam Warwick lại viết trên tạp chí Địa dư quốc gia (Mỹ) rằng: “Theo các nhà thiên văn, Vạn Lý Trường Thành là kiến trúc duy nhất của con người trên trái đất từ trên mặt trăng có thể nhìn thấy rõ”.

Vạn lý Trường Thành.

Kế đó Joseph Needham còn táo bạo hơn khi bảo đảm rằng, ngay cả trên sao Hỏa cũng có thể thấy được kỳ quan ở Trung Quốc. Năm 1971, trong công trình soạn thảo bộ sách “Khoa học và Văn minh Trung Quốc, tập 4”, ông đã thêm vào trang 47 của quyển sách này mấy dòng: “Trải dài hơn 6.352 km từ Turkestan thuộc Trung Quốc tới bờ biển Thái Bình Dương (tức gần 1/10 chu vi trái đất), Vạn Lý Trường Thành là công trình duy nhất do bàn tay con người tạo nên mà các nhà thiên văn trên sao Hỏa có thể nhìn thấy”.

Chưa hết, nhiều tác giả, nhà quảng cáo cho các văn phòng du lịch cũng một mực nói chắc như đinh đóng cột về chuyện này. Thế thực hư thế nào?Câu hỏi đó phải đợi đến khi Neil Armstrong, người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng mới được giải đáp thỏa đáng.

Sau chuyến bay lịch sử, nhà du hành vũ trụ thuật lại: “Từ trên mặt trăng, tôi chẳng thấy Vạn Lý Trường Thành đâu hết”. Người đồng hành với Armstrong là Edwin “Buzz” Aldrin cũng nói: “Ngay cả mấy cái lục địa to tướng mà còn không thấy nữa là”.

Như vậy đã rõ từ mặt trăng nhìn xuống trái đất cách xa 400 nghìn km, các nhà phi hành chẳng thấy gì hết. Thế nhưng, nếu ngồi trên tàu vũ trụ thì sao? Dẫu gì tàu vũ trụ cũng chỉ bay ở quỹ đạo thấp cách xa mặt đất từ 300 km đến 530 km.

Theo lời nhà du hành vũ trụ William Pogue từ tàu con thoi Skylab 4, ông có thể trông thấy Vạn Lý Trường Thành, nhưng phải nhìn qua ống nhòm mà phải quan sát thật lâu mới nhận ra kiến trúc này. Như nhà du hành vũ trụ Mỹ Sally Ride giải thích, vì tàu vũ trụ bay quá nhanh nên rất khó nhìn thấy các hình thể trên mặt đất.

Về phần nhà phi hành Karl Henize trên chuyến bay tháng 7/1985, cũng không thấy Vạn Lý Trường Thành. Sau này, ông kể lại tàu vũ trụ bay nhanh tới nỗi không có thì giờ nhìn bản đồ để ước định vị trí bức tường.

Lúc con tàu bay đến gần khu vực ở khoảng 45o bên trên bức tường, ông chỉ có thể đoán vùng đất bên dưới là nơi có kỳ quan này án ngữ, thế nhưng chỉ vỏn vẹn 40 giây, con tàu đã lướt qua vùng này”.

Andy Thomas, nhà du hành vũ trụ người Australia từng lưu lại 141 ngày trên Trạm không gian Mir của Nga, đã miêu tả các hình thể mà ông  cố căng mắt tìm Vạn Lý Trường Thành mà không thấy. Theo lời nhà du hành người Australia này, từ quỹ đạo không gian quan sát trái đất, việc phân biệt các vật thể là chuyện khó vô cùng.

Nhà du hành vũ trụ Dương Vĩ Lợi người Trung Quốc sau 21,5 giờ bay vòng quanh trái đất đến 14 lần, trở lại mặt đất đã xác minh trên truyền hình là không nhìn thấy được Vạn Lý Trường Thành từ không gian!

Đan Kô (tổng hợp)
.
.
.