Tính mạng của các nhà hoạt động môi trường đang bị đe dọa

Thứ Ba, 26/11/2013, 07:30

Trong những tuần gần đây, chính phủ Brazil đã áp dụng các biện pháp mới nhằm bảo vệ số ít nông dân và các nhà môi trường học đang bị đe dọa tính mạng ở vùng Amazon, khu rừng lớn nhất thế giới. Rất nhiều nhân viên kiểm lâm và các nhà hoạt động môi trường bị lâm tặc sát hại tại vùng đất. Tháng 5 vừa qua, đã có hai nhà hoạt động môi trường bị giết hại trong một cuộc phục kích tại Para - một tiểu bang nằm ở phía Bắc Brazil.

Tuy nhiên, Brazil không phải là nước duy nhất diễn ra tình trạng này. Ấn Độ thuộc  danh sách các quốc gia đứng đầu thế giới về tội phạm môi trường. Celso Rodriguez, 42 tuổi, bị sát hại vào ngày 12/6/2013. Theo tổ chức Survival International, những người nông dân nuôi gia súc sống gần khu Paraguassu thuê 2 tên tội phạm sát hại ông.

Chủ tịch Fiona Watson của tổ chức Survival International cho hay: "Cuộc chiến sở hữu đất đai đang diễn ra rất khốc liệt ở Ấn Độ. Chúng ta đều biết rằng, đất thuộc quyền sở hữu của người dân bản địa rất giàu tài nguyên, đặc biệt là quặng kim loại".

Theo kết quả một cuộc điều tra nghiên cứu được tiến hành trong năm nay của Tổ chức phi chính phủ Global Witness, trung bình mỗi tuần có hai nhà hoạt động môi trường bị giết hại.

Gerald Staberock, người đứng đầu của Tổ chức Thế giới chống tra tấn giải thích rằng: "Trong thực tế, người bảo vệ quyền sử dụng đất chống lại những dự án công nghiệp hoặc nông nghiệp lớn của các doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều áp lực. Những nhà hoạt động này thường làm việc ở các vùng nông thôn và hẻo lánh, vì thế họ dễ bị tấn công. Tính mạng của họ do lực lượng bảo vệ của các doanh nghiệp lớn định đoạt. Và giới chức chính quyền thay vì đứng ra bảo vệ các nhà môi trường thì lại nhận hối lộ của các nhóm doanh nghiệp đó".

Các nhà hoạt động môi trường đang bị hành hung.

Trong bản Báo cáo thường niên 2013 của Tổ chức Ân xá quốc tế cho thấy, những người "bảo vệ trái đất" đang bị đe dọa tính mạng trên toàn thế giới, điểm nóng đặc biệt là ở: Brazil, Colombia, Campuchia, Ấn Độ, Costa Rica, Indonesia, Mexico, Honduras, Philippines, Thái Lan, Cameroon… cùng rất nhiều nơi khác trên thế giới. Thế lực tội phạm thường gửi thông điệp đe dọa tới các nhà lãnh đạo, đồng thời nhằm mục tiêu vào trẻ em. Nếu thấy cản trở, chúng sẽ "loại bỏ" những người không nghe lời.

Tại các quốc gia châu Phi, hàng ngàn ha rừng bị đốn trái phép mỗi năm. Mặc dù chính quyền trung ương các nước ra sức ngăn chặn nạn khai thác gỗ bất hợp pháp nhưng vì siêu lợi nhuận mà lâm tặc đã móc nối bằng nhiều cách để có giấy phép khai thác gỗ hợp pháp. Theo tính toán, 90% lượng gỗ vận chuyển trên toàn cầu là hàng lậu. Ngoài gỗ, các động vật quý hiếm như voi, tê giác… cũng bị giết hằng ngày để thỏa mãn cơn khát săn lùng ngà, sừng của các đường dây tội phạm.

Trong khi đó, việc coi những phong trào hoạt động xanh là phong trào phạm pháp đang trở nên phổ biến. Ở nhiều nước, các nhà môi trường học đang bị cơ quan chức năng chịu sức ép của bọn tội phạm lùng soát và thẩm vấn. Không ít quốc gia phá rừng còn quy chụp các tổ chức môi trường là "gián điệp nước ngoài", làm mất uy tín của các tổ chức phi chính phủ

V.Nguyễn - T.Phương (theo WC)
.
.
.