Tiểu thuyết “Bác sỹ Zhivago” là công cụ của CIA?

Thứ Ba, 02/07/2019, 08:19
Tại bảo tàng của CIA, trong số những hiện vật hiếm hoi có một phiên bản bỏ túi của tiểu thuyết “Bác sỹ Zhivago” của tác giả Boris Pasternak năm 1958 bằng tiếng Nga. Lý do về sự chú ý đặc biệt của tình báo Mỹ đối với cuốn sách này là gì?

Bản thảo của cuốn tiểu thuyết “Bác sỹ Zhivago” vào đầu năm 1956 được Pasternak đưa đến cùng lúc cho cả ba tòa soạn là “Thế giới mới”, “Ngọn cờ” và “Văn học Moscow” nhưng đều bị từ chối tiếp nhận. Nhà báo Italy Sergio di Angelo đã khuyên Pasternak trao bản photocopy cuốn tiểu thuyết cho người đồng hương của ông cũng là một nhà xuất bản, triệu phú lập dị Gianjakomo Feelrinelli, người biết cách nhận thức tình thế.

Nhà văn Xôviết Boris Pasternak, năm 1958.

Năm 1957, cuốn tiểu thuyết được dịch và xuất bản bằng tiếng Italy và đến mùa xuân năm 1958 cuốn tiểu thuyết được ra đời với ba bản dịch bằng tiếng Anh, Pháp và Đức. Sau khi tiếp cận với “Bác sỹ Zhivago”, trong giới trí thức di cư người Nga đã bùng lên sự chỉ trích mạnh mẽ với cuốn tiểu thuyết. Nhà văn Nga Nabokov đã gọi nó là “rác rưởi, vụng về, ngu ngốc, khoa trương”, giả tạo về cả quan điểm lịch sử và tâm lý.

Nhưng nhà phê bình có ảnh hưởng người Mỹ Edmund Willson đã coi tiểu thuyết của Pasternak là thành công, bởi tác giả đã buộc phải viết về thời kỳ ảm đạm của cách mạng Nga trong điều kiện của chế độ toàn trị. 

Rất nhanh chóng, CIA đã chú ý đến tác phẩm này. John Mori, người đứng đầu “phân ban Liên Xô”, trong một ghi chép của mình đã nhận xét rằng “Bác sỹ Zhivago” là “mối đe dọa đối với thế giới quan mà Kremlin đang áp đặt”. 

Họ đã quyết định dùng cuốn sách với mục đích chống lại hệ tư tưởng cộng sản, nhất là ở Liên Xô.  Rồi với sự tăng cường tính bảo mật và được sự đồng ý của Feelrinelli, tình báo Mỹ đã nhận được bản sao cuốn tiểu thuyết.

Người ta quyết định in ấn cuốn sách bằng tiếng Nga tại nhà in The Hague, bởi việc xuất bản tiểu thuyết ở Mỹ, theo ý kiến của tình báo Mỹ, có thể gây hại cho Pasternak. Phía Hà Lan được trả 50.000 USD cho dịch vụ này. 

Địa điểm được ấn định để giới thiệu cuốn tiểu thuyết là Triển lãm “Expo-58” được diễn ra tại Brussels, nơi sẽ có khoảng 16 nghìn người đại diện của Liên Xô đến du lịch. Nhằm mục đích bảo mật nên tất cả các bản sao của “Bác sỹ Zhivago” đã được phân phát trong gian hàng của Vatican.

Tiểu thuyết “Bác sỹ Zhivago” xuất bản tại Italy, 1958.

Nhìn chung thì CIA gọi hành động này là một thành công. Chỉ có sơ suất duy nhất là sự miễn cưỡng của nhà xuất bản của Hà Lan khi ký hợp đồng với người giữ bản quyền tác phẩm là Feelrinelli. Bởi vì thế mà tất cả các phiên bản bằng tiếng Nga của cuốn tiểu thuyết đều thuộc số bất hợp pháp, điều này đã làm dấy lên những tin đồn về sự liên quan của phía Mỹ về việc xuất bản ấn phẩm này. 

Ngày càng có nhiều nghi ngờ về mối liên quan của việc phổ biến “Bác sỹ Zhivago” với các hoạt động của CIA để cuốn tiểu thuyết đoạt được giải thưởng Nobel năm 1958. Những sự ngờ vực đầu tiên được nảy sinh trong số những người am hiểu sáng tác của Pasternak. Vì sao mà cuốn tiểu thuyết đã giành được một giải thưởng rất uy tín như vậy, trong khi nhiều nhà văn cho rằng nó quá yếu? - họ đặt câu hỏi.

Dư luận xã hội nhận định rằng vào năm đó nhà văn Italy Alberto Moravia có nhiều cơ hội hơn để nhận giải thưởng Nobel Văn học. Các tác phẩm của ông được nhiều người biết đến và đánh giá cao, trong khi tiểu thuyết “Bác sỹ Zhivago” rất ít được biết đến. Nhiều nhà báo tin chắc rằng CIA đã nhúng tay vào việc quảng bá cho Pasternak và theo thời gian cho thấy rằng họ đã đúng.

Cách đây không lâu, CIA đã tiết lộ một phần tài liệu trong đó điều khá rõ ràng là người Mỹ đã tích cực hỗ trợ cho việc xuất bản và truyền bá cuốn tiểu thuyết “Bác sỹ Zhivago”. Đặc biệt, trong một chỉ thị của Văn phòng ngày 12-12-1957 đã yêu cầu việc xuất bản cuốn sách của Pasternak cần phải được chú ý nhiều hơn so với các tác phẩm khác. “Bác sỹ Zhivago” được khuyến nghị xuất bản “lưu hành tối đa cho các cuộc thảo luận tích cực tiếp theo của cộng đồng thế giới cũng như để gửi tranh giải Nobel”.

Toàn bộ câu chuyện về cuốn tiểu thuyết “Bác sỹ Zhivago” đã được mở ra trong khuôn khổ chương trình bí mật của CIA về phổ biến văn học tại các nước thuộc “khối Xôviết” trong thời kỳ “Chiến tranh Lạnh”.

Đích thân người đứng đầu phân ban, Allen Dulles lãnh đạo hoạt động này và được ủy quyền bởi chính quyền của tổng thống Mỹ Eisenhower. Trong các tài liệu được giải mật đã nhiều lần nhấn mạnh rằng bằng bất cứ giá nào cũng không được để lộ cho công chúng biết đến sự liên quan của cơ quan tình báo Mỹ trong việc xuất bản cuốn tiểu thuyết.

Trong những năm Chiến tranh Lạnh, Cục tình báo trung ương Mỹ CIA đã phát hành tổng cộng hơn 10 triệu bản sao những cuốn sách và tạp chí bị cấm ở Liên Xô và Đông Âu. Điều kỳ lạ là cuốn tiểu thuyết “Bác sỹ Zhivago” đã được in trong vòng 30 năm có những chỗ bỏ trống và có những từ riêng lẻ được dịch không chính xác.

Ngày nay, trong tổ chức CIA người ta tin chắc rằng các tác phẩm của tầng lớp trí thức sáng tác được phát hành với sự hỗ trợ của tình báo Mỹ có ảnh hưởng lớn đến việc các nước Đông Âu rút ra khỏi khối Xôviết.

Đan Thy (theo Russian)
.
.
.