Thử nghiệm các vaccine ngăn ngừa Ebola trên người

Thứ Ba, 30/09/2014, 17:30

Một loại vaccine thử nghiệm ngăn ngừa virus Ebola tương tự với loại được phát triển bởi Tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) bước đầu được chứng minh có hiệu quả trong ít nhất 5 tuần đối với những con khỉ trong phòng thí nghiệm nhưng đòi hỏi phải được tăng cường thêm loại vaccine bổ sung để có thể kéo dài thời gian phòng bệnh đến 10 tháng, theo một nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí Nature Medicine.

Johnson & Johnson và NewLink Genetics Corp (NewLink) nằm trong số những công ty dược phẩm đang chạy đua phát triển các loại vaccine chống lại sự tấn công chết người của virus Ebola cũng như cung cấp phương pháp điều trị khi dịch bệnh bùng phát dữ dội ở khu vực Tây Phi. Các kết quả của nghiên cứu cho thấy loại vaccine của GSK được thử nghiệm đối với những người tình nguyện khỏe mạnh ở Mỹ có thể ngăn chặn được sự lây nhiễm virus Ebola dù chỉ trong thời gian ngắn.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Medicine, lần đầu tiên báo cáo một chế độ vaccine tương tự với các loại vaccine của GSK - đủ tạo ra "tình trạng miễn dịch kéo dài" có thể chống lại virus, bảo vệ được 4 con khỉ thí nghiệm trong vòng 10 tháng.

Vaccine sử dụng adenovirus ở tinh tinh rất giống với loại virus gây bệnh đường hô hấp nơi người. Giới chức GSK thông báo đã tiến hành cuộc thí nghiệm an toàn trên người, trong khi Johnson & Johnson sẽ tiến hành thí nghiệm tương tự vào đầu năm 2015. Loại vaccine Ebola thí nghiệm thứ 3 do các nhà khoa học Canada nghiên cứu sử dụng một mầm bệnh vật nuôi gọi là virus gây bệnh mụn nước (vesicular stomatitis virus - VSV) sẽ được NewLink thí nghiệm trên người trong thời gian tới. Công ty Profectus BioSciences của Mỹ cũng đang nỗ lực phát triển một loại vaccine VSV tương tự như Canada.

Trong nghiên cứu được công bố trên tờ Nature Medicne do nhà khoa học Mancy Sullivan ở Viện Dị ứng và Các bệnh nhiễm trùng quốc gia Mỹ (NIAID) lãnh đạo, các nhà nghiên cứu hiệu quả của một liều kép vaccine trong 2 thí nghiệm phục vụ cho 2 nhu cầu khác nhau. Nhu cầu thứ nhất, theo giải thích của Giám đốc NIAID Anthony Fauci, là bảo vệ ngay lập tức cho những người sắp bước vào vùng có dịch bệnh Ebola.

Theo đó, vaccine sử dụng adenovirus được tiêm cho 4 con khỉ mang mầm bệnh Ebola và 4 tuần sau chúng vẫn còn sống cũng như không tìm thấy dấu vết virus trong máu của chúng. Nhưng, những con khỉ không được tiêm vaccine đã chết trong vòng 6 ngày. Nhu cầu thứ 2 là bảo vệ những người lưu lại thời gian dài trong vùng dịch bệnh. Trong thí nghiệm này, các nhà khoa học chỉ sử dụng một liều vaccine và kết quả cho thấy 8 con khỉ nhiễm Ebola vẫn sống đến 10 tháng sau.

Một hội nghị về Ebola do WHO tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ, trong 2 ngày 4 và 5/9/2014.

Bên cạnh nỗ lực chế tạo vaccine Ebola, mới đây các nhà nghiên cứu Nhật Bản tuyên bố họ đã phát triển một công nghệ mới cho phép các bác sĩ phát hiện nhanh sự hiện diện của virus chỉ trong vòng 30 phút! Nhóm nhà nghiên cứu của Giáo sư Jiro Yasuda thuộc Đại học Nagasaki cho biết, phương pháp của họ có giá rẻ hơn hệ thống hiện đang được sử dụng tại Tây Phi. Giáo sư Yasuda nói rằng: "Phương pháp mới đơn giản hơn kỹ thuật đang được sử dụng hiện nay và có thể sử dụng được tại các quốc gia thiếu thốn thiết bị xét nghiệm đắt tiền".

Theo giáo sư Yasuda, nhóm của ông sử dụng chất liệu mà họ gọi là "đoạn mồi" chỉ phóng đại các gene đặc thù của virus Ebola tìm thấy trong máu hay chất dịch cơ thể. Họ vận dụng các kỹ thuật hiện hành để tách RNA (ribonucleic acid - phân tử sinh học sử dụng trong mã hóa các gene) từ bất cứ virus nào có trong mẫu máu. Sau đó, chất được tách ra dùng để tổng hợp thành chuỗi ADN của virus để pha trộn với "đoạn mồi" rồi đun nóng đến nhiệt độ từ 60-650C. Nếu virus Ebola tồn tại, đoạn ADN của nó sẽ được phóng đại trong 30 phút do tác động của "đoạn mồi".

Phương pháp hiện đang được sử dụng để chuẩn đoán Ebola gọi là phản ứng chuỗi polymerase (PCR) nhưng nó đòi hỏi bác sĩ phải đun nóng và làm lạnh các mẫu máu nhiều lần trong 2 giờ. Trong khi đó, kỹ thuật của nhóm giáo sư Jiro Yasuda chỉ cần thiết bị đun nóng hoạt động bằng pin và toàn bộ hệ thống chỉ có giá chừng vài trăm USD có thể thích hợp cho các quốc gia đang phát triển.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo sẽ cho phép sử dụng các loại thuốc đang thử nghiệm để chống lại dịch bệnh Ebola đang hoành hành ở Tây Phi. Ước tính có khoảng 4.000 người bị nhiễm virus Ebola (hơn 2.000 người đã thiệt mạng) từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 3/2014. Tuy nhiên con số thực có lẽ còn cao hơn nhiều. Nếu tốc độ lây lan nhanh, WHO dự đoán đến tháng 10 sẽ có hơn 20.000 trường hợp lây nhiễm! Những ca bệnh mới được phát hiện ở Nigeria và Senegal, và tình trạng thiếu giường bệnh trầm trọng ở Liberia buộc phải giới hạn điều trị nội trú càng khiến cho tình hình càng tồi tệ và nguy hiểm hơn rất nhiều.

Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đang xây dựng thêm 10 trung tâm tiếp nhận bệnh nhân Ebola với khoảng 100 giường bệnh ở mỗi nơi. Liên minh châu Âu (EU) cũng vừa cam kết khoản tiền 181,3 triệu USD trợ giúp cho các quốc gia bị Ebola tấn công như Liberia, Sierra Leone và Guinea.

Theo WHO, phải cần đến 200 - 250 nhân viên y tế để chăm sóc cho 80 bệnh nhân Ebola! Nhưng, thực tế cho thấy rất khó thuyết phục họ sẵn sàng đến các ổ dịch chết người. Hiện nay, nhiều người bị nhiễm virus không thể đến bệnh viện mà chỉ dựa vào bộ điều trị tại nhà do USAID cung cấp

Di An (tổng hợp)
.
.
.