Thế giới ảo và trách nhiệm sống
Cậu nhóc áng chừng chưa đến 20 tuổi, đưa lên Facebook, một trang mạng cá nhân, dòng chữ có nội dung, trích nguyên văn”: “Tjn bùn! Chúg tôj vô kùg thương tjếk báo tjn, cụ jà 60 tuổj đêm wa chúg tôj đâm xe máy vào đã kủ tỏj vào hồj 17h07 =((. Ae fag lô đề nhjệt tìh đj lão sn 1953”. (Tạm dịch: Tin buồn! Chúng tôi vôi cùng thương tiếc báo tin, cụ già 60 tuổi đêm qua chúng tôi đâm xe máy vào đã củ tỏi (tức tử vong) vào hồi 17h07. Anh em phang lô đề nhiệt tình đi, lão sinh năm 1953)… Chuyện gì đang xảy ra trong cái thế giới ảo ấy(?!).
1. Ai đó bình luận trên Facebook của cậu nhóc ấy "Ông có phải là con người không vậy?”. Cậu nhóc ấy phản hồi "Kó vấn đề j k? Đkm, nó jà khụ uj, đj thỳ sai lè mắt ra. Wả này mất 60 triệu mất". (Tạm dịch: Có vấn đề gì không? Đkm (chửi thề), nó già khụ rồi, đi thì sai lè mắt ra. Quả này mất 60 triệu mất".
Đó không phải là một đoạn hội thoại trên mạng có tính chất hài hước. Hài hước trong việc này đã không chấp nhận được, huống gì lại là chuyện thiệt. Địa chỉ Facebook đưa ra dòng thông báo lạnh lùng kia có tên “Kẹo mút chơi bời”.
Giới truyền thông đưa tin, tối ngày 1/11, người đàn ông sinh năm 1953 trên đường đi gửi tiền tiết kiệm về đã bị hai thanh niên điều khiển xe gắn máy đụng chết. Cơ quan điều tra đã xác minh được đối tượng cầm lái lẫn người ngồi sau xe gắn máy gây tai nạn.
Ngay trong đêm tai nạn xảy ra, trên Facebook của “Kẹo mút chơi bời” đã có dòng chữ: "Chúng tôi vừa đâm một ông già gần 60 tuổi,… khả năng chết". Và ngày hôm sau, “Kẹo mút chơi bời” tiếp tục cho chạy trên Facebook của mình dòng chữ mà tôi đã trích dẫn đến bạn đọc.
Sau khi phát ra "tín hiệu" này, “Kẹo mút chơi bời” nhận được rất nhiều bình luận phản đối "khẩu hiệu" mà mình đưa ra. Có vẻ không quan tâm, “Kẹo mút chơi bời” phản ứng lại kịch liệt những phản hồi đã gây hấn với mình bằng những ngôn từ tục tĩu khác.
Trang Facebook của "Kẹo mút chơi bời". |
Cho đến giờ, không biết “Kẹo mút chơi bời” có phải là người thanh niên ngồi sau chiếc xe gắn máy gây tai nạn hay không? Tuy nhiên, ngay khi xuất hiện tin Cơ quan Công an sẽ truy tìm chủ nhân của địa chỉ Facebook cho chạy dòng chữ có nội dung phản cảm kia trên một vài trang báo mạng, thì “Kẹo mút chơi bời” đã xóa tài khoản.
“Kẹo mút chơi bời” xóa tài khoản nhanh đến mức, không kịp nhận ra rằng, nếu Cơ quan điều tra có tìm ra “Kẹo mút chơi bời” là ai thì cũng rất khó xử lý.
2. Đương nhiên, không ai lại đi quy kết sự vô cảm của một cá nhân trong thế giới ảo để phủ định toàn bộ những giá trị lớn lao mà Internet đã mang lại. Tuy nhiên, vẫn có cái gì đó lợn cợn trong câu chuyện của “Kẹo mút chơi bời”.
Đã có rất nhiều người trong thế giới ảo chứng minh tầm quan trọng của mình bằng những thứ vô giá trị. Trước đó, khi blog (nhật ký mạng) còn làm điên đảo cư dân mạng, những blog sex, thô tục… thường có lượng truy cập tăng đột biến. Đôi lúc, để chứng minh sự quan trọng của mình, chủ nhân của trang blog có thể làm tất cả những trò miễn sao càng có nhiều lượng người truy cập càng tốt.
Vụ kiện mà nguyên đơn là nữ ca sĩ Phương Thanh với bị đơn là chủ nhân của blog “Cô gái đồ long” từng đình đám một thời. Có vẻ, không rút ra được bài học từ vụ việc ấy, mãi cho đến khi lâm nạn, “Cô gái đồ long” mới biết được rằng, trong thế giới nào cũng có luật pháp, không thể có một thế giới vô minh để muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm, muốn chửi bới ai thì cứ thản nhiên mà phỉ báng.
Facebook có nhiều tính năng hơn blog, Facebook cũng khiến cư dân mạng điên đảo hơn blog… Và cái quy trình từng diễn ra với blog đã lặp lại. Nhiều người mượn Facebook để là nơi để tự đánh bóng mình và xỉ vả người khác.
Bởi trong thế giới ảo, nơi mà mọi người có thể lừa phỉnh nhau về nhân thân, thì việc gì lại không phá phách. Người ta có thể tự giới thiệu mình là nhà báo lừng danh đã đoạt giải thưởng khắp năm châu bốn bể, người ta có thể tự tung hô mình là nhà văn lừng danh đã suýt đoạt giải Nobel, người ta cũng có thể tự nhận mình là nhà cấp tiến sắp sửa soạn thảo kế hoạch để giải cứu toàn thế giới khỏi sự mông muội…
Thế giới ảo ẩn mặt, đã ẩn mặt thì không cần biết xấu hổ.
3. Chỉ lấy trường hợp của “Kẹo mút chơi bời” để nói giới trẻ đang vô cảm, thì tội nghiệp cho giới trẻ. Bởi, sự vô cảm hiện tại không còn là "đặc thù" cho bất cứ lứa tuổi nào. Xe tải chở bia gặp nạn khi đang lưu thông, người đi đường nhào ra cướp bia mang vào lề đường gầy sòng… nhậu. Xe chở mỳ gói lật úp xuống ruộng, người ta lao đến mang mỳ gói về… nhà mình. Ai đó bị giật giỏ xách, tiền bay tứ tán trên đường, đám đông ùa vào, kẻ nhặt được nhiều thì vui nhiều, người nhặt được ít thì bảo mình xui, mặc cho nước mắt của người bị nạn đang chảy dài…
Hay cả hành khách đi xe buýt bị lái xe và lơ xe bắt lạy mới dừng lại, không ai can thiệp. Khuôn mặt mếu máo của người thanh niên bị móc túi, không ai quan tâm… Ngay cả vụ tai nạn kinh hoàng ngay giữa lòng Sài Gòn tháng rồi, khiến 2 người chết và 12 người bị thương cũng chính là cơ hội của một nhóm người hôi của.
Trong thế giới ảo có quyền lực riêng của nó.
Một đoạn phim chỉ vài chục giây được chuyển lên trang Youtube có thể gây hiệu ứng hơn hàng trăm bài báo, hàng nghìn cuộc diễn thuyết. Thậm chí, một anh chàng lang thang, tồn tại được nhờ nghề... ăn mày, phút chốc chỉ với một tấm ảnh lan truyền trên mạng bỗng dưng trở thành người nổi tiếng không thua kém các ngôi sao giải trí lừng danh.
Thế nên, không biết đã có bao nhiêu phận người đã được thay đổi hoặc tìm đến ngõ cụt của đời mình để chấm dứt khi vô tình bị tung những thứ đằng sau cánh cửa phòng ngủ lên mạng.
Đương nhiên, không ai lại vì những lý do ấy mà bài xích Internet. Nhưng, không hẳn Internet chỉ đem lại toàn bộ những thứ tích cực.
Có lẽ, giữa lẫn lộn thật và ảo, cần một thái độ sống có trách nhiệm với chính mình.
Đòi hỏi này, đôi lúc là... quá đáng(?)