Thành tựu thiên văn của người Trung Hoa cổ đại

Thứ Năm, 21/01/2010, 20:50
Sự quan sát bầu trời một cách chính xác đã có từ những triều đại Trung Quốc cổ xưa nhất. Ví như giới thiên văn thời đó không chỉ biết được sự xuất hiện của sao Chổi Haley trong năm 467 Tr.CN, mà còn biết trước chính xác là nó sẽ lại xuất hiện vào những năm 240, năm 164 và cả năm 67 Tr.CN nữa.

Nhưng khác với châu Âu, việc nghiên cứu thiên văn không phải là tổ chức của một nhóm người riêng biệt nào đó, mà là công việc đầy trọng trách cấp nhà nước. Trong các vương triều Trung Quốc cổ luôn có các cơ quan chuyên biệt về thiên văn, tại các "Đài thiên văn" của triều đình suốt ngày đêm luôn có ít nhất là 5 nhà thiên văn học làm việc và trực nhật: 4 người quan sát 4 hướng và một người theo "phương đỉnh đầu".

Tại "Đài thiên văn" Bắc Kinh hồi thế kỷ XIII từng có tới 17 dụng cụ quan trắc khác nhau. Mỗi một hiện tượng bất thường đều được các nhà thiên văn ghi nhận cẩn trọng, để tâu lên hoàng đế. Đồng thời họ cũng ghi chép chúng lại một cách có hệ thống, xác lập các "chu kỳ thiên văn" ảnh hưởng tới đời sống trên mặt đất.

Mặt khác, theo quan niệm của người Trung Hoa, Hoàng đế chính là "Thiên tử" (con Trời), nên những hiện tượng xảy ra trên bầu trời đều ít nhiều sẽ để lại "dấu ấn" trong thời gian đức vua trị vì, vì vậy họ phải gắng hết sức mình, đệ trình lên vua những báo cáo chính xác và chi tiết cụ thể. Qua đó vua sẽ thông báo các hiện tượng đột biến như nhật thực, nguyệt thực, sao Chổi, thiên thạch rơi, sương mù, mưa lớn, nắng hạn v.v... cho dân chúng biết, chứng tỏ uy quyền "sai khiến vạn vật" của ngài.

Các vương triều Trung Hoa cổ cũng rất lưu tâm tới việc có thể dự báo trước một cách sớm nhất về các hiện tượng sẽ xảy ra trên mặt đất, nhằm phòng tránh những thiệt hại sát sườn sắp diễn ra với dân chúng. Ngoài ra, việc quan sát thiên văn cũng liên quan mật thiết tới đường lối nông học của người Trung Hoa cổ. Ví như cường độ hoạt động của mặt trời thường tăng vào cuối mùa đông, dẫn đến sự tan băng và việc gieo trồng có thể bắt đầu.

Ngay từ thế kỷ III Tr.CN ở Trung Quốc đã xuất hiện thứ lịch có 360 ngày và bất cứ vị hoàng đế kế tiếp nào cũng đều cố gắng hoàn thiện cuốn lịch của người tiền nhiệm. Tới thế kỷ XIII thì người Trung Hoa đã tính được độ dài của một năm là 365,2424 ngày, với sai số chỉ có một phần nghìn so với thứ lịch chính xác hiện đại ngày nay!

Những tri thức khoa học uyên thâm cùng khả năng tổ chức nghiên cứu một cách quy củ mang tính chất quốc sự đã tạo đà cho những cuộc nghiên cứu sâu rộng hơn - một điều mà nền khoa học đương đại mới chỉ áp dụng trong thời gian gần đây.

Ví như vào năm 723, những nhà thiên văn nhiệt huyết nhất đã "rời bỏ" đài quan sát của mình, đi đo đạc trong 3 năm liền "bóng râm" của mặt trời ngả theo đường kinh tuyến trải dài từ Mông Cổ xuống Việt Nam... với kết quả đem lại những thông tin mới nhất về hình dạng của trái đất, ngược hẳn với các quan niệm đương thời. Nhưng khác với "tấn bi kịch" của Galile bên trời Tây, giới hữu trách Trung Hoa không do dự chấp nhận ngay các quan điểm mới của các nhà khoa học

Quang Long (theo L' Historie)
.
.
.