Thách thức của hợp tác Nga – Trung

Thứ Năm, 16/04/2020, 13:01
Từ những năm 1970, các nhà phân tích đã sử dụng thuật ngữ tam giác chiến lược để minh họa các mô hình trong quan hệ giữa Washington, Moscow và Bắc Kinh.

Theo logic tam giác, việc củng cố các mối quan hệ Trung - Nga sẽ là một phản ứng tự nhiên trước những căng thẳng hiện tại trong mối quan hệ Mỹ - Nga và Mỹ - Trung. Và trên thực tế, quan hệ đối tác Nga - Trung đã được củng cố đáng kể trong 2 năm qua.

Mặc dù điều này diễn ra đồng thời với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và căng thẳng Mỹ - Nga gia tăng, quan hệ đối tác Nga - Trung đã bắt đầu trở nên sâu sắc ngay trước khi Mỹ có những thay đổi trong chính sách đối với mỗi nước, như được chứng thực trong một cuộc thảo luận về hợp tác Nga - Trung trong nông nghiệp, công nghệ, các vấn đề quân sự và Bắc Cực.

Quả thực, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy sự củng cố quan hệ như vậy. Ngày 5-6-2019 đánh dấu việc Nga và Trung Quốc nâng cấp mối quan hệ của họ lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì một kỷ nguyên mới, có đặc trưng là sự hỗ trợ lẫn nhau lớn hơn. Đường ống khí đốt Sức mạnh Siberia được khánh thành vào tháng 12-2019 và đến năm 2024, nó sẽ bơm 38 tỷ mét khối/năm cho Trung Quốc.

1/3 lượng đậu tương của Mỹ có đích đến là Trung Quốc.

Cây cầu đường sắt đầu tiên kéo dài từ Đồng Giang ở tỉnh Hắc Long Giang đến Nizhneleninsk ở Khu tự trị Do Thái của Nga đã khai trương vào tháng 3-2019. Cây cầu cao tốc được chờ đợi từ lâu nối liền Hắc Hà ở phía Đông Bắc Trung Quốc đến Blagovechensk ở Viễn Đông Nga đã được hoàn thiện vào tháng 11-2019 và được đưa vào sử dụng vào cuối mùa xuân 2020. Thương mại Nga - Trung đạt 100 tỷ USD vào năm 2018. Hai nhà lãnh đạo hai nước thậm chí còn cam kết sẽ tăng gấp đôi con số này vào năm 2024.

Mặc dù doanh số bán vũ khí không lớn như trong những năm 1990, song hợp tác quân sự Nga và Trung Quốc đã tăng tốc trong những năm gần đây, trong đó có việc thường xuyên tham gia các cuộc tập trận trên bộ và trên biển. Trong năm 2019, đã diễn ra các cuộc tuần tra không quân chung và hợp tác phòng thủ tên lửa giữa hai nước. Hai máy bay ném bom tầm xa Tu95 của Nga đi cùng máy bay ném bom Xian H6-K của Trung Quốc trong một cuộc tuần tra chung trên biển quốc tế nằm giữa Nhật Bản và Bán đảo Triều Tiên. Tháng 10-2019, Nga tiết lộ đang giúp Trung Quốc phát triển hệ thống phát hiện phóng tên lửa.

Tuy nhiên, những căng thẳng trong các mối quan hệ Trung - Mỹ và Nga - Mỹ đã ảnh hưởng nhất định đến quan hệ Nga - Trung kể từ năm 2018. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, việc Mỹ nỗ lực hạn chế sử dụng công nghệ 5G của Huawei, việc chính quyền Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), các biện pháp trừng phạt của nước này đối với Nga và quan điểm về cuộc cạnh tranh nước lớn ở Bắc Cực đều thúc đẩy quan hệ Nga - Trung trở nên gần gũi hơn.

Chẳng hạn như để đáp trả việc Mỹ áp thuế 2,4 tỷ USD đối với thép và nhôm của mình, Trung Quốc đã áp thuế đối với khối lượng tương tự nông sản và sản phẩm công nghiệp nhập khẩu từ Mỹ. Trước khi Trung Quốc áp đặt mức thuế trả đũa 25% đối với đậu tương của Mỹ, 1/3 lượng đậu tương của Mỹ có đích đến là Trung Quốc.

Quốc gia nào muốn gia tăng sự có mặt ở Bắc Cực đều phải hợp tác với Nga.

Với việc Mỹ không xuất khẩu đậu tương sang Trung Quốc vào tháng 11-2018, đỉnh điểm của mùa trồng trọt, Trung Quốc đã phải chật vật để tìm nhà cung cấp mới cũng như sản xuất thêm ở trong nước. Mặc dù dịch tả lợn châu Phi đã làm giảm 40% sản lượng lợn mới, tuy nhiên Trung Quốc vẫn phải tìm cách đa dạng hóa các nhà cung cấp.

Và điều này đã tỏ ra có lợi cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như cho mối quan hệ thương mại tổng thể. Lập tức trong tuyên bố chung tháng 6-2019 về phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện vì một kỷ nguyên mới đã nêu bật việc lượng xuất khẩu đậu tương của Nga gia tăng. Và trên thực tế, xuất khẩu đậu tương của Nga sang Trung Quốc đã tăng mạnh. 90% tổng sản lượng 800.000 tấn đậu tương của Nga đã được chuyển đến Trung Quốc.

Trong nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu của Nga, từ tháng 7-2019, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu đậu tương từ mọi miền nước Nga, thay vì trước đây chỉ có 5 vùng ở Viễn Đông được xuất đậu tương sang Trung Quốc. Tuy nhiên, việc thay thế Mỹ là cả một vấn đề, bởi xuất khẩu đậu tương của Nga hiện chỉ chiếm 1% nhu cầu của Trung Quốc. Các lĩnh vực khác như công nghệ hay kiểm soát vũ khí cũng gặp các vấn đề tương tự. Cũng không dễ dàng gì gạt bỏ vai trò cường quốc số 1 của Mỹ trong các mối quan hệ đan xen hiện nay.

Dù có bằng chứng cho thấy nhiều sự hợp tác ở mức độ sâu sắc hơn nhưng vẫn có những giới hạn đối với sự hợp tác trong tất cả các lĩnh vực giữa hai bên. Các nhà phân tích Trung Quốc về quan hệ đối tác Nga - Trung hiện đang tranh luận về việc hợp tác với Nga khả thi và được mong muốn đến mức nào.

Tuy nhiên, những thay đổi trong môi trường bên ngoài, bao gồm cả mối quan hệ của cả hai nước với Mỹ cũng như những diễn biến ở Trung Á và Bắc Cực, sẽ thử thách việc củng cố quan hệ đối tác giữa hai nước.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.
.