Sau những kiện tụng ầm ĩ tại các nhà hát là thời của các đạo diễn trẻ

Thứ Hai, 08/07/2013, 11:25

Cá tính sáng tạo, tư duy độc lập, nghệ sĩ với cái "tôi" to đùng nên mâu thuẫn cũng vì thế mà to tướng. Đôi khi, nói đến nghệ sĩ người ta lại hay nhắc đến cụm từ “diễn” với tư tưởng "tôi là số 1" nên ít khi chịu công nhận hay nhường nhịn ai. ấy nhưng, trước mặt thì vẫn tung hô, khen tặng nhau đủ các mỹ từ hay ho nhất, Chỉ đến khi động đến quyền lợi của nhau, ngay lập tức, tức nước vỡ bờ, những cơn giận mới có dịp bung tỏa. Nghệ sĩ vốn sống bằng cảm xúc. Nên, nếu nội bộ lủng củng, người nghệ sĩ cũng khó lòng mà thăng hoa, nhà hát khó có vở hay, người thiệt thòi lại là khán giả.

Chuyện cũ đã qua, dạo này, ở các Nhà hát tại thủ đô, thấy liên tục xuất xưởng các vở diễn mới do các đạo diễn trẻ trình làng. Mỗi người một cá tính, một phong cách, nghệ thuật trở nên phong phú, đa dạng. Ồ! Thì ra, sóng đã yên, gió đã lặng. Nhân sự ở các nhà hát ổn định, mọi người thỏa thê, tung tẩy sáng tạo.

Khi “đĩa bánh chỉ một người ăn”

Nghệ sĩ vốn dĩ được hiểu là người lắm mộng mơ, thường dùng đôi mắt vốn rất trong để tô hồng cho cuộc đời, đôi khi còn sống thiếu thực tế... Thế nhưng, chuyện lình xình nhân sự trong các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn sao lại nhiêu khê và phức tạp vô cùng. Một nghệ sĩ lão làng bảo: "Vấn đề nhân sự ở nhà hát chả khác gì cái ao bèo mà ai đi qua cũng có thể quăng bất kỳ thứ gì vào đó".

Người kêu, người phàn nàn, người bới móc cạnh khóe. Mỗi người một câu, mỗi người một cá tính, nhà hát trở nên sôi động như một cái loa sập sình mở hết công suất. Khó chịu, "ghét cái mặt" thì trong lúc trà dư tửu hậu, vốn có năng lực đặc biệt trong việc kể chuyện nên mấy nghệ sĩ háo hức bôi bác tội danh của "kẻ tội đồ" bằng giọng đặc biệt châm biếm hài hước.

Chẳng cần phải đi đâu xa, ngay tại trung tâm của thủ đô Hà Nội, nơi có hàng chục đoàn nghệ thuật Trung ương và thành phố hoạt động tấp nập không thiếu gì những chuyện như thế. Chuyện về Nhà hát Kịch Việt Nam, nơi có thời kỳ được coi là "anh cả đỏ" đã có  câu chuyện dai dẳng lình xình ầm ĩ mỗi khi nhà hát này bầu bán nhân sự. Cái thời ầm ĩ đầy thị phi ấy rồi cuối cùng cũng đã qua. Giờ đây, Nhà hát Kịch Việt Nam đã ổn định và lấy lại phong độ.

Còn nhớ, cái thời khi NSND Lê Hùng được bổ nhiệm làm Giám đốc cả hai nhà hát: Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch Việt Nam. Ông chạy như con thoi từ nhà hát này sang nhà hát kia. Vở diễn ngút ngàn ở cả hai nhà hát đa phần đều vào tay ông đạo diễn. Đã thế, các đoàn nghệ thuật trong nước lại thi nhau mời mọc, Lê Hùng đóng mác NSND, tinh quái mảng miếng, ấn tượng chiêu trò trong các vở diễn nên vô cùng đắt sô. Nhiều lúc trong cùng một thời gian ông dựng cả 3 vở cho 3 đoàn nghệ thuật.

Người trong nghề ngày đó, chẳng ai lạ gì cứ mỗi kỳ liên hoan sân khấu toàn quốc hay có cuộc thi nào đó, có 20 vở tham gia, Lê Hùng đạo diễn nếu nhiều thì 2/3, còn ít cũng đến hơn một nửa. Có khi đạo diễn nhiều vở quá, Lê Hùng lấy tên đồng tác giả với giám đốc nhà hát hoặc với một anh trưởng đoàn nào đấy. Người ta vẫn thường cười bông phèng và nói với nhau: Cuộc thi đó là dành cho Lê Hùng.

Có những cuộc thi mà các nhà hát khắp nơi tranh giải mà kỳ lạ NSND Lê Hùng là người được mời đạo diễn. Vậy là gần như không có đối thủ, ông thi với chính ông. Dù gì, dẫu có ba đầu sáu tay, dẫu có đẳng cấp hay phong độ, việc nhận về quá nhiều vở như vậy cũng sẽ mãi một màu. Một màu đậm chất Lê Hùng, có cái riêng đấy nhưng lại nhạt trò.

Nhiều đạo diễn lúc đấy đã lên tiếng: Chẳng nhẽ sân khấu miền Bắc vẫn cứ quanh quẩn 3 đạo diễn NSND lừng lững: NSND Xuân Huyền, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng?

Ai cũng phải công nhận NSND Xuân Huyền rất kỹ tính khi ông chọn vở, chọn diễn viên. Ông không bao giờ làm lấy được, làm cho xong, cho có. Nên những vở ông dàn dựng bao giờ cũng kĩ càng, sắc sảo, và độc đáo mang đậm dấu ấn của người đạo diễn tài hoa. NSND Doãn Hoàng Giang cũng là gương mặt đạo diễn ăn khách của những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, thời kỳ hoàng kim của sân khấu.

Ông là đạo diễn duy nhất trong bộ ba đạo diễn đình đám không đóng mác Tây học mà có khả năng thu hút khán giả. Cho đến nay ông vẫn là một đạo diễn được các đoàn ân cần, săn đón. NSND Lê Hùng xuất hiện với vai trò đạo diễn nhiều hơn cả. Việc làm đạo diễn cho các đoàn nghệ thuật với ông cứ như đi chợ mua một mớ rau, nhanh gọn, chóng vánh, liên tục xuất xưởng. Các vở diễn của ông hôm hay, hôm dở như mớ rau tươi, rau héo hằng ngày.

"Thầy già, con hát trẻ", vì vậy mà các đoàn nghệ thuật cũng không dám mạnh tay giao vở cho các đạo diễn trẻ để thử tay nghề. Người trẻ loay hoay, không có đất dụng võ,  bị kìm hãm tù đọng, giam cầm. Trong khi miền Nam bung ra làm sân khấu xã hội hóa, mạnh dạn giao cho các đạo diễn trẻ thỏa thê tung tẩy với vai trò đạo diễn, nào Đức Thịnh, Hồng Vân… thì miền Bắc vẫn mãi dậm chân tại chỗ với gương mặt quen thuộc từ lâu đã trở nên có phần nhàm chán. Sân khấu miền Bắc ai nấy đều ngao ngán được ví như cảnh chợ chiều, ế khách, ảm đạm, buồn đến thê lương.

Để dựng một vở kịch sân khấu với thời lượng diễn ra 2 tiếng đồng hồ, số tiền bỏ ra lên đến cả tỉ đồng. Vậy nên cũng chẳng ai dám thử. Người ta không thể thử bởi số tiền đổ ra để làm một vở là quá lớn. Nên rồi, sân khấu quanh quẩn với những cái tên đạo diễn đã có thương hiệu cho an toàn. Cả một dàn diễn viên đi học đạo diễn nhưng rồi người nhiều  dựng được dăm ba vở, người ít lẹt đẹt một, hai vở rồi lại cuốn chiếu để đấy. Cái tấm bằng đạo diễn ít khi có dịp mang ra sử dụng mà chỉ là lá bùa hộ mệnh phòng thân khi về già. 

Những gương mặt thuộc thế hệ đạo diễn mới (từ trái qua): NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSƯT Anh Tú, NSƯT Chí Trung.

Khi vở diễn vào tay người trẻ, chuyển mùa gió mới

Hy vọng rồi thất vọng. Sân khấu miền Bắc qua bao năm vẫn vậy, người ta chờ đợi cú chuyển mình của nền nghệ thuật kịch nghệ. Các nghệ sĩ ở thế hệ đàn em, đàn cháu học đạo diễn ra mệt mỏi chờ đợi. Tôi đã từng tiếp xúc với một đạo diễn thuộc thế hệ trước, có lẽ người nghệ sĩ lúc nào cũng khẳng định cái tôi là riêng, là duy nhất.

Chính thế, khi hỏi về vấn đề tế nhị này, đến khi nào bác mới nhường ngôi lại thế hệ sau? Thì người đạo diễn ấy nói thẳng: "Tre đã già rồi nhưng nào thấy măng có mọc đâu?". Sự thật, măng muốn mọc thì phải có đất, có không khí, có nước. Hội tụ đầy đủ, thiên thời, địa lợi, nhân hòa.  Còn khi các bậc chiếu trên án ngữ như thế hỏi thế hệ sau đứng còn chẳng có chỗ chứ lấy đâu ra đất để đi, không gian để bay, để hồ hởi thử sức.

Nhưng, cũng là một quy luật, tre đã quá già thì măng cũng phải mọc. Sau những ầm ào đầy thị phi, NSND Lê Hùng rời khỏi chức giám đốc của cả hai Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch Hà Nội về hưu. Từ đầu năm 2013  thì Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có quyết định bổ nhiệm NSƯT Anh Tú - nguyên Trưởng đoàn kịch I Nhà hát Tuổi trẻ vào vị trí Phó giám đốc phụ trách nghệ thuật của Nhà hát kịch Việt Nam.

Trước đấy năm 2012 ông Nguyễn Thế Vinh, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Nhiều người ái ngại cho hai lãnh đạo mới rằng, với một nơi nhân sự có phần hỗn loạn và các nghệ sĩ có cá tính nổi trội như Nhà hát Kịch Việt Nam, liệu có để yên cho hai người xa lạ từ một địa bàn lạ hoắc đến "đóng đô" và "cầm cương" ở một nơi nhiều bão tuyết như thế này hay không?!

Thế nhưng, NSƯT Anh Tú cũng quy tụ được sức người, liên tục trình làng những vở diễn mới. Giữa tháng 6 này, với vai trò đạo diễn, anh trình làng vở "Tai biến" của nhà biên kịch Xuân Đức. Rồi, người ta thấy, Nhà hát Kịch Việt Nam dần dần đi vào ổn định, nề nếp. Thể hiện rõ nhất là các vở diễn chất lượng liên tục trình làng.

NSƯT Chí Trung từ lâu đã nổi tiếng với vai trò bầu sô, gom nhiều những gương mặt ăn khách làm những vở kịch hài ngăn ngắn đi lưu diễn khắp các nơi, doanh thu bội tiền. Thì ngay tại Nhà hát Tuổi trẻ nơi anh gắn bó mấy chục năm trời không có đất để thể hiện vai trò đạo diễn. Chỉ đến khi NSND Lê Hùng về hưu, anh từ Trưởng đoàn kịch 2 lên chức Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ mới thỏa thê tung hứng ở địa hạt mới mẻ này. Mạnh dạn làm những vở được gọi là khá hóc, vào giữa tháng 6 này anh khởi công dựng vở mới "Mùa hạ cuối cùng" của cố tác giả Lưu Quang Vũ.

Trước đây, khi NSND Lê Hùng còn đương chức, các vở diễn ở hai nhà hát phần lớn về tay ông đạo diễn, nếu ông có chiếu cố thì họa hoằn một trưởng đoàn mới có dịp đứng tên làm trợ lý đạo diễn. Mà, như chúng ta đã biết, cá tính của người nghệ sĩ sáng tạo là độc lập, là duy nhất, nếu không sẽ không có cái riêng, sẽ nhạt nhòa, chung chung. Sau khi khán giả ngán ngẩm vì ăn suốt một khẩu vị, các vở diễn cứ một màu thì chờ đợi mãi rồi cuối cùng cũng đến.

Những gương mặt diễn viên từ lâu đã quá quen thuộc giờ lên lãnh đạo: NSND Lê Khanh lên chức Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ. NSƯT Anh Tú và NSƯT Chí Trung khi lên cương vị quản lý ở nhà hát chắc hẳn sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận đến với vai trò đạo diễn.

Poster vở “Tai biến” của Đạo diễn NSƯT Anh Tú.

Ở các nhà hát khác, sự thay đổi nhân sự cũng diễn ra, các nghệ sĩ thế hệ sau dần dần thay thế ở vị trí lãnh đạo cho các bậc tiền bối. Nhà hát Chèo Việt Nam, NSƯT Thanh Ngoan lên chức Giám đốc, chị nhận chức khi nhà hát còn đang âm vài trăm triệu. Người trẻ, sức trẻ, cả một dàn lãnh đạo gọi là trẻ nhưng cũng xấp xỉ 50 tuổi. Giờ mới có dịp trổ tài quản lý, lại thành thục chuyên môn.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Chuyện đâu cũng vào đó. Cả hơn năm nay, các nhà hát dần dần đi vào ổn định, người trẻ cuối cùng cũng có đất dụng võ. Nhà hát, đơn vị nghệ thuật biểu diễn nơi tụ hội cả trăm nghệ sĩ trong đó có những người nổi tiếng gần xa, từ lâu đã định vị trong lòng công chúng yêu nghệ thuật thi thoảng đâu đó người ta vẫn thấy những xìcăngđan, những xích mích cá nhân, cả những bực dọc trong hậu trường, cánh gà nào đó.

Làm nghệ sĩ đứng trên sân khấu vốn đã khó nhưng nghệ sĩ làm quản lý lại còn khó khăn hơn nhiều. Dẫu không còn là sớm nhưng cũng chưa đến lúc quá muộn, những người như NSƯT Anh Tú, NSƯT Chí Trung, NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương… dần dần khẳng định vị thế với vai trò đạo diễn. Trước, khán giả thay vì đã quá ngán ngẩm với mãi một món ăn với khẩu vị quen thuộc thì nay đã có dịp thưởng thức, lựa chọn nhiều món ăn trong một bàn tiệc. Hy vọng, đây là sự khởi đầu cho nền sân khấu khởi sắc khi người trẻ được thỏa sức gieo trồng, cày cấy trên cánh đồng màu mỡ của nghệ thuật không giới hạn

Mỹ Trân (mytrantcsk@yahoo.com)
.
.
.