Phùng Quán và mối tình đầu sâu thẳm

Thứ Ba, 19/05/2015, 11:55
"Tôi chưa bao giờ thấy em đẹp như thế… Hai má màu hoa lựu và cặp môi đỏ ướt một cách khác thường. Đầu óc tôi quay cuồng… Em sắp lấy chồng, là chàng trai biển, con một nhà giàu có ở xóm trên… Như đang mê sảng, tôi đưa tay vào vòng cổ mảnh dẻ của em, vòng qua mái tóc xõa vai, kéo mặt em sát mặt tôi. Tôi cúi xuống hôn vụng về lên môi em. Cả người tôi như tan ra trong hoan lạc…".

Trong sự nghiệp thơ văn đồ sộ của Phùng Quán, kèm theo nhiều giai thoại tình cảm được lan truyền, có lẽ, chưa có những câu chữ trong các tác phẩm tự thuật về cuộc đời, lại run rẩy đến vậy!

Mối tình đầu, nỗi buồn, nỗi sợ hãi, và cả bước ngoặt trong sự nghiệp của một thời "Tuổi thơ dữ dội", ai ngờ, lại neo đậu cùng  hình ảnh một cô gái ở làng chài đất Sầm Sơn, Thanh Hóa.

1. Quảng Tiến giờ đã lên phường, với hệ thống đường nhựa được nối thẳng với thị xã Sầm Sơn, với những ngôi nhà mặt tiền đường cái được xây dựng khang trang, có nhiều căn đã mang hình hài khuôn viên, biệt thự. Chỉ có trong những con ngõ nhỏ, khu dân cư vẫn mang đậm hình bóng đặc trưng của làng chài xưa cũ: đường hẹp, nhà ở san sát nhau, hiếm có sân vườn rộng.

Ảnh Phùng Quán và bà Nguyễn Thị Nhủ (chụp năm 1958).

Căn nhà của bà Nguyễn Thị Nhủ vẫn giữ được cái nếp cũ: cột gỗ, chái gỗ, mái ngói và một mảng sân hẹp. Trong lúc chờ người cháu trai đi gọi bà về, tôi thơ thẩn ngó qua nhà cửa. Kinh tế của gia chủ xem chừng cũng không có gì khá giả, nhưng sạch sẽ, tinh tươm, từ chiếc khay đựng ly uống nước không một vết cặn, cho đến chiếc phản gỗ được lau bóng loáng, không vệt bụi.

Cũng là may mắn, khi quá trình tìm được nhà bà Nhủ dễ dàng một cách bất ngờ. Đoán chừng chỉ lứa những người lớn tuổi trong xã mới có thể nắm rõ chuyện xa xưa, PV Chuyên đề ANTG chọn một người đàn ông đứng tuổi, mái tóc đã bạc tại UBND phường Quảng Tiến để hỏi chuyện. Ai ngờ, ông Ngọc, hiện đang phụ trách mảng y tế của xã, lại gọi bà Nguyễn Thị Nhủ là cô. Chỉ mất 5 phút, tôi cùng ông Ngọc đã có mặt ở nhà bà Nhủ.

…Một cụ bà da trắng, dáng người mảnh dẻ, đeo kính trắng, mặc áo nâu rụt rè bước vào nhà. Thoáng sững người, tôi không nghĩ một người phụ nữ nông thôn sinh năm 1938 mà vẫn còn giữ được những nét trẻ trung đến vậy. Thử hình dung, trở lại quãng thời gian 1954, nhan sắc của cô thôn nữ làng chài Quảng Tiến Nguyễn Thị Nhủ còn mặn mòi đến nhường nào!

Thêm một sự sững sờ. Cách trò chuyện nhỏ nhẹ, lịch thiệp, thậm chí còn đôi chút tao nhã của bà Nhủ hẳn sẽ làm nhiều người ngạc nhiên. Ai có thể hình dung được, một người phụ nữ lớn lên ở làng chài, ăn sóng nói gió, là mẹ của 5 người con nay đã dựng vợ gả chồng, lại có được cái nét phong phạm của những cô gái lớn lên trong các gia đình trí thức.

Hẳn những yếu tố này, phong phạm này, cốt cách này, trở lại thời điểm của 61 năm trước, mới khiến cho chàng lính trẻ Phùng Quán, trong một khoảnh khắc sống thực với mình nhất, vượt qua kỷ luật quân đội, vượt qua nỗi sợ hãi của tội danh "quan hệ bất chính"… để đặt một nụ hôn lên môi cô gái Đội trưởng "Thiếu nữ Chim hòa bình" khi đó…

2. Tháng 9/1954, Phùng Quán, khi ấy mới là thành viên Đoàn văn công Khu Tự do, nhận được lệnh của nhà văn Thanh Tịnh, Đoàn trưởng: bổ sung gấp vào đoàn công tác phục vụ đợt trao trả tù binh, thương, bệnh binh theo Hiệp định Geneve tại Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Kỷ niệm 50 năm “Đội chim hòa bình” của Sầm Sơn (bà Nhủ đứng thứ 2 từ trái sang).

Nhiệm vụ của Phùng Quán khi đó là đeo một hòm gỗ to, thứ hòm gỗ chuyên để bảo quản máy ảnh, máy quay, len lỏi trong đám phóng viên quốc tế, để "tế nhị" che đi những ống kính của các phóng viên mỗi khi họ hướng về đám tù binh Pháp thương tật, ốm yếu.

Đây là một công việc cần thiết, theo nhận định tại thời điểm đó, bởi do điều kiện khó khăn của cuộc kháng chiến, việc nuôi dưỡng thương, bệnh binh đối phương chưa thực sự được chu đáo. Những hình ảnh đó, khi hiện lên trên các phương tiện truyền thông quốc tế, ít nhiều sẽ tạo nên sự bất lợi cho uy tín của ta.

Được biên chế vào Tổ phóng viên phục vụ công tác trao trả do nhà văn Nguyễn Trần Thiết phụ trách, vị lãnh đạo Tổ phóng viên đã sớm phát hiện khiếu viết lách của Phùng Quán, mạnh dạn bố trí ông làm phóng viên, chứ không đơn thuần làm mỗi một việc đeo thùng gỗ để "cản địa". Đó là một trong những bước ngoặt của một cây bút trẻ, bởi vào thời điểm đó, gia tài viết lách của Phùng Quán chỉ có vài bản tin và thơ cổ động, chưa có bài báo nào đáng chú ý…

3. Tổ phóng viên khi đó được phân vào "ba cùng" với dân. Chàng phóng viên trẻ Phùng Quán được bố trí sinh hoạt tại nhà cô Nhủ. Cô thiếu nữ Nguyễn Thị Nhủ khi đó mới 16 tuổi, là Đội trưởng của "Đội thiếu nữ Chim hòa bình". Nhiệm vụ của Đội thiếu nữ này khi đó là múa hát chào mừng mỗi khi có đoàn tù binh, thương, bệnh binh, gia đình cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc tại cửa biển Lạch Hới, Sầm Sơn.

Trong ký ức của bà Nhủ, nhà văn Phùng Quán khi đó là một anh bộ đội rất hiền lành, đi suốt ngày, đêm về lại cắm cúi viết lách. "Tôi thấy anh ấy viết nhiều lắm, đêm về chong đèn dầu hí húi viết lách, viết xong lại xóa, xóa xong lại viết", bà Nhủ nhớ lại.

Khi đó, Phùng Quán gặp được tù binh Nguyễn Viết Kiểm, một yếu nhân của cuộc vượt ngục Côn Đảo. Cuộc vượt ngục bi tráng của ông Kiểm cùng đồng đội trên 5 chiếc thuyền tự tạo bằng song mây, trám bằng nhựa đường, buồm là hàng trăm bộ quần áo của tù nhân đan lại… đã kết thúc bằng cuộc thảm sát của địch, với 81 người hy sinh, 117 người bị bắt lại đưa về Chí Hòa.

Câu chuyện bi tráng của tù nhân Nguyễn Viết Kiểm đã khiến nhà văn Phùng Quán như bước vào một thế giới của sự thăng hoa. Ông mải miết trong các buổi phỏng vấn, trò chuyện, để rồi đêm về chắp bút viết. Những tư liệu tươi rói, đồ sộ của ông Kiểm, cùng hàng trăm tù nhân Côn Đảo khác, đã dần dần bồi trúc lên một pho tiểu thuyết đồ sộ tư liệu, mang cái tên "Vượt Côn Đảo".

Nhưng đó là câu chuyện về sau này. Vào thời điểm đó, một chàng phóng viên trẻ chưa từng viết một bài báo, một truyện ngắn đích thực nào, dũng cảm bắt tay vào dựng lên một cuốn tiểu thuyết, phải đối diện với vô vàn trở ngại. Những trang giấy viết hỏng liên tục được vo tròn, ném vào góc nhà.

Nhưng những trang giấy tưởng chừng sẽ được mang đi nhóm lò ấy đã được Nhủ cứu sống. Cô nhẫn nại lần giở lại từng cục giấy, nhẫn nại đọc. "Răng lại đốt đi, anh viết hay đó chớ… Rứa em đọc rồi à? Hai bữa nay em đọc rồi. Anh đang viết về chuyện của các anh tù binh vượt bể mà họ đã kể cho anh đúng không?". Cuộc đối thoại ấy đã cứu "Vượt Côn Đảo".

Từ ngày đó, mỗi khi Phùng Quán viết được trang nào, bà Nhủ trở thành độc giả đầu tiên của ông. Thậm chí, bà Nhủ còn đóng vai trò thư ký cho Phùng Quán, khi bà đề nghị: "Chữ anh viết to phí giấy… Em cứ theo bản anh viết chép lại cho anh nhá?".

Quan hệ của họ bắt đầu trở nên gần gũi từ khi đó. Gần 2 tháng trời ở Sầm Sơn, mỗi khi không phải làm việc hay viết lách, hai anh em lại lang thang khắp bãi biển và rặng phi lao từ Quảng Tiến ra tận chân đền Độc Cước. Trong tình cảm hai người, đã có một điều gì lớn dần lên, dần vượt qua ranh giới anh em…

4. Đêm ấy, bên ánh đèn dầu của bàn viết, Nhủ bất thình lình thông báo một tin dữ. Bố mẹ cô đã quyết định nhận lễ của một gia đình xóm trên. Không kìm nén được cảm xúc, Phùng Quán đã kéo Nhủ lại, đặt lên cô một nụ hôn.

Khi sự xúc động trôi qua, lý trí bắt đầu lên tiếng. Quan hệ bất chính với con gái nơi đóng quân, hậu quả khi đó sẽ thực sự khủng khiếp. Phải dứt thôi, Phùng Quán quyết định. Chỉ hai ngày sau cái đêm rừng rực đó, Phùng Quán đeo balô, đi bộ lên Thanh Hóa, trở về đơn vị.

Mối tình dang dở với bà Nguyễn Thị Nhủ mà nhà văn Phùng Quán giấu kín trong hồi ký đã đem đến cho “Vượt côn đảo” một giai thoại thú vị.

Cách Sầm Sơn 4 cây số, một cô gái trẻ chạy đuổi theo một anh bộ đội đang lóc cóc ba lô trên lưng, ôm lấy anh, nức nở: "Anh Quán, anh Quán ơi! Em thương anh! Em thương anh! Anh không biết gì cả! Em định nói với bố mẹ trả lại lễ vật cho nhà trai, rồi em đợi anh…".

"Như sực nhớ, mặt em rời khỏi ngực tôi, em nói: "Khoai nướng em đã dành cho anh đây". Em mở cái khăn vuông vải đen, lôi trong bọc ra bốn củ khoai nướng to ra còn ấm nóng. Tôi quá bất ngờ, quá bối rối nên cứ đứng im như phỗng. Em nhét vào mỗi bên túi quần tôi hai củ khoai. Cả bốn củ khoai bất ngờ chui dọc theo ống quần lăn lông lốc ngay trên mặt đường dưới chân tôi. Tôi vừa bối rối vừa xấu hổ”.

"Xin lỗi em, cả hai túi quần anh đều bị rách thủng từ lâu". Em cúi xuống nhặt bốn củ khoai lên và bật cười khanh khách. Gương mặt em trở lại vui tươi, cặp môi em lại đỏ chót… Tôi vội vàng cúi mặt để tránh nhìn cái màu đỏ chót môi em…". (Phùng Quán).

5. Cuộc ra đi của Phùng Quán biền biệt cho đến năm 1958. Nhủ không có bất kỳ tin tức gì của ông. .

Trong quãng thời gian ấy, bà Nhủ đã 2 lần đích thân ra Hà Nội tìm Phùng Quán. Cả 2 lần, những người bảo vệ trước cửa cơ quan ông đều lắc đầu, từ chối cung cấp thông tin. Không có bất kỳ thông tin nào về người thương, cô gạt nước mắt đi lấy chồng.

Cuộc sống bình dị nhưng vẫn còn một góc khắc khoải của bà Nhủ sẽ trôi đi, nếu không có một ngày của năm 1958. Nhủ nhận được tin, có một anh bộ đội đến nhà bố mẹ đẻ tìm cô, người đó là Phùng Quán.

Nhận được lời nhắn, rủ thêm một người chị, hai người con gái tức tốc đi bộ 16 km từ Sầm Sơn lên Thanh Hóa tìm Phùng Quán. Ông đang tạm trú trong Ty Lao động Thương binh Thanh Hóa, thì Nhủ xuất hiện.

Cả buổi chiều hôm đó, ba người yên lặng đi bên nhau. Họ đi khắp thị xã Thanh Hóa, ăn kem Toàn Thành, hỏi những câu chuyện về cuộc sống của nhau. Nhủ đã có chồng. Phùng Quán thì nhất định không kể về tình trạng của mình, dù cô có nghe phong thanh chuyện của ông.

Trước lúc chia tay, Phùng Quán không nói gì. Ông đọc một bài thơ tặng Nhủ, mà đến giờ, bà vẫn không thể quên được 4 câu:

“Chim hải âu dựng cánh giữa lưng trời

Đang tìm bạn hay tìm ai chẳng biết

Bạn đời ơi thôi từ nay đã hết

Gửi tình thương bất diệt lúc chia tay…”.

6. "Lúc đó tôi lúng túng lắm, chẳng còn biết làm gì nữa, chỉ cười nói với ông ấy rằng: "Thôi anh ơi, em đã là gái có chồng rồi", rồi quày quả đi. Tôi đã khóc suốt trên đường về", bà Nhủ kể.

"Tôi chọn cuốn đẹp nhất, nắn nót viết lên trang đầu sách: Yêu quý tặng em Nhủ (lúc này tôi mới nhớ ra tôi không biết họ tên em là gì: Lê, Trần hay Nguyễn. Tại sao tôi không bao giờ có ý định hỏi em" (Phùng Quán viết, nhớ lại thời điểm "Vượt Côn Đảo" được in và được đánh giá cao).

"Thực sự, khi mọi người đến thăm, kể cả chị vợ anh Phùng Quán, tôi rất ngại khi kể lại những điều này. Nhiều người còn cứ hoài nghi, hỏi đi hỏi lại xem hồi đó đã có gì chưa, ý chừng xem tôi với anh ấy đã vượt qua giới hạn chưa", bà Nhủ lúng túng kể lại. "Tôi có nghe tin anh ấy được đưa về Huế. Tôi sẽ vào đó thắp cho anh ấy nén hương", bà khẳng định…

Việt Đông
.
.
.