OPEC+ và nỗ lực vực dậy giá dầu
Về phía nguồn cung, sự gia tăng căng thẳng gần đây ở Vùng Vịnh làm dấy lên lo ngại về an ninh nguồn cung nhưng lại không khiến giá dầu tăng vọt.
Những rủi ro địa chính trị dường như bị lấn át bởi nhu cầu năng lượng toàn cầu suy giảm, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung-Mỹ và triển vọng kinh tế toàn cầu không sáng sủa. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hai lần hạ thấp dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu cho năm 2019. Nhưng trước nhu cầu suy yếu này, nguồn cung dầu thô vẫn dồi dào.
Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tiếp tục tăng, cạnh tranh với OPEC và làm tăng lượng tồn kho thế giới, vốn đã cao. Lo lắng trước tình hình này, Saudi Arabia đã giảm nguồn cung vượt xa mức cắt giảm trong thỏa thuận, chỉ bơm 9,70 triệu thùng/ngày trong tháng 5-2019, thấp hơn nhiều so với mức thỏa thuận 10,31 triệu thùng/ngày. Hầu hết các quốc gia tham gia thỏa thuận cũng đã làm điều tương tự.
Thái tử Saudi Arabia và Tổng thống Nga. |
Một ngày trước cuộc họp này tại Vienna, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ bên lề thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, rằng Nga và Saudi Arabia đã đồng ý gia hạn thêm từ 6 đến 9 tháng thỏa thuận cắt giảm sản lượng để hỗ trợ cho giá dầu. Thỏa hiệp này, mặc dù được Nga và Saudi Arabia đồng ý, nhưng phải được sự chấp thuận của tất cả 14 thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và 10 đối tác không thuộc OPEC. 24 quốc gia này, nơi bơm một nửa lượng dầu của thế giới, đã quyết định vào tháng 12-2018 giảm tổng cộng 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày để hỗ trợ giá.
Khi đến Vienna, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khaled al-Falih giải thích rằng "ưu tiên" của ông là gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm 9 tháng nữa. Người đồng cấp UAE, Suhail Mohammed Faraj Al Mazroui cũng cho biết ngày 30-6 rằng "việc gia hạn thỏa thuận là cần thiết" để "tái cân bằng" thị trường. Bất chấp sự phối hợp tại G20 giữa Moscow-Ryad về gia hạn thỏa thuận cắt giảm, "tiếng nói của mọi quốc gia đều được coi trọng, mọi người đều có thể phủ quyết", Bộ trưởng UAE cho biết, và nói thêm rằng thời hạn kéo dài việc cắt giảm sản xuất (sáu hoặc chín tháng) sẽ được đưa ra tranh luận.
Mặc dù theo truyền thống, OPEC thường đặt mục tiêu cho sáu tháng, nhưng có thể lần này họ sẽ thiết lập một cam kết đến đầu năm 2020 để đẩy giá dầu tăng lên rõ ràng. "Chúng tôi tin rằng các thỏa thuận ổn định nguồn cung của chúng tôi (...) đã có tác động tích cực", ông Putin nhận định trên tờ Financial Times của Anh ngày 28-6.
Chiến lược cắt giảm sản lượng của OPEC+ cho đến nay đã được đền đáp, vì giá của một thùng dầu Brent đã tăng 22% kể từ tháng 1-2019. Nhưng với Điện Kremlin, điều đó không phải là quan trọng nhất. Việc tham gia liên minh OPEC+ còn đem lại cho Nga một lợi thế ngoại giao quan trọng, cho phép Moscow tăng cường ảnh hưởng ở Trung Đông.
Mặc dù cùng trong liên minh ngăn chặn sự sụp đổ của giá dầu nhưng mong muốn của các bên có sự khác biệt. Với nguồn ngân sách hiện tại, Saudi Arabia mong muốn giá dầu vào khoảng 85 USD/thùng, trong khi Moscow hài lòng với mức giá dầu Brent hiện tại, 60-65 USD/thùng. Khi các giếng dầu của Hoa Kỳ đang mở hết công suất, căng thẳng thương mại và dấu hiệu tăng trưởng toàn cầu suy yếu có thể hạn chế mức gia tăng của nhu cầu dầu, thì việc Ryad mong muốn một mức giá cao để sản xuất ít hơn được Moscow xem là một nguy cơ vì Nga dường như không muốn mất thị phần về tay Hoa Kỳ.
Việc Mỹ cấm vận ngành dầu mỏ của Iran xét dưới góc độ nào đó là nhằm đẩy mạnh khả năng xuất khẩu dầu của Mỹ. Ông Francis Perrin, Giám đốc nghiên cứu của Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế và chiến lước Pháp (IRIS) cho biết việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ cũng coi như một cách hỗ trợ Iran vì khi giảm sản xuất giá dầu sẽ tăng. Như vậy những nỗ lực của Washington nhằm siết nền kinh tế của nước sản xuất dầu lớn thứ ba của OPEC coi như bị vô hiệu hóa một phần.
Thượng đỉnh OPEC+ tại Vienna ngày 1 và 2-7-2019. |
Mặc dù có đôi chút khác biệt trong mong muốn về giá cả nhưng nhìn chung Nga và OPEC đã giành lại quyền kiểm soát thị trường dầu mỏ bị khủng hoảng. Nếu như trước đây Moscow và OPEC, dẫn đầu là Saudi Arabia, thường đổ lỗi cho nhau về sự sụp đổ của giá dầu, phá hoại nền kinh tế của nhau thì từ 3 năm qua, họ đã phối hợp nhịp nhàng để ổn định giá cả thị trường.
"OPEC đã không còn chức năng điều tiết thị trường dầu mỏ như trước. Cơ hội duy nhất của OPEC để lấy lại khả năng điều tiết thị trường dầu mỏ toàn cầu là mở rộng đáng kể liên minh, trong đó có hợp tác với Nga", một chuyên gia tại Liên hiệp các nhà sản xuất dầu của Nga cho biết.
Nhận định về tương lai của liên minh này, Francis Perrin, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) nói rằng, mối quan hệ giữa Nga và OPEC đã "không luôn luôn dễ dàng. OPEC coi Nga như một vị khách bí mật, người đã tận dụng sự hợp tác này để thu lợi. Nhưng việc kéo dài hơn hai năm liên minh này là một thành công thực sự".
Với Nga và các đồng minh khác, OPEC+ đại diện cho một lực lượng tấn công có thể giữ giá dầu ở mức đủ để đảm bảo nguồn thu ngân sách nhưng lại không kéo theo sự bùng nổ các giàn khoan tại Mỹ. "Thị phần của OPEC sẽ giảm trong 20-30 năm tới, người Saudi Arabia nhận thức được điều này. Trước đối thủ Mỹ nặng ký, Moscow và Ryad có mọi quan tâm trong việc đồng ý ít nhất là giữ giá dầu ở khoảng 60 - 70 USD, điều này làm cho một số dự án của Mỹ trở nên lỗi thời”, ông Igor Delanoe, Phó giám đốc Đài thiên văn Pháp - Nga nói.
Nếu OPEC, và đầu tiên và quan trọng nhất là Saudi Arabia, đã bày tỏ rõ ràng mong muốn hợp tác với nhau trong một thời gian dài hơn, Nga dường như đạt được mong muốn. Tuy nhiên, người Nga biết những gì họ nợ liên minh này: giá dầu giảm do liên quan đến các lệnh trừng phạt của phương Tây áp dụng từ sáp nhập Crimea - gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế Nga sâu sắc trong năm 2015-2016.
Vị thế là một người đối thoại đặc quyền của OPEC cũng cho phép Nga khẳng định mình trên lĩnh vực năng lượng so với Hoa Kỳ, trong khi vẫn đóng vai trò trung gian giữa các quốc gia khác. “Trong liên minh, chỉ có một quốc gia có quan hệ thân thiện với mọi người", ông Rouslan Tankayev nói.
Tại hội nghị tháng 12-2018, OPEC suýt chút nữa thì không đạt được thỏa thuận vì căng thẳng giữa Ryad và Tehran. Các nhà quan sát thị trường đã nhấn mạnh vai trò của Bộ trưởng Bộ năng lượng Nga Alexander Novak, để có được một sự đồng thuận vào phút chót. Nhưng đối với Nga, không có chuyện trở thành thành viên chính thức của OPEC.
Francis Perrin nhấn mạnh: “Việc phải giao mức sản xuất dầu mỏ quốc gia cho OPEC điều tiết là điều rất khó chịu." Đặc biệt là vì Nga có hàng chục công ty dầu khí.