Nimrud, cổ thành quý giá của nền văn minh Assyria

Thứ Tư, 25/03/2015, 16:35
Vùng Lưỡng Hà, bao gồm Iraq và Syria ngày nay, nổi tiếng đem lại cho nhân loại nhiều thành quả đầu tiên như là: chữ viết, thành phố, bộ luật thành văn và đế chế. Do đó, người dân Iraq có quyền chính đáng để hãnh diện về di sản cổ quý giá của họ.

Tuy nhiên, sau vụ hủy diệt các di chỉ cổ Nineveh và Nhà bảo tàng Mosul, chiến binh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tiếp tục dùng xe ủi đất phá tan hoang cổ thành Nimrud của Iraq đã khiến thế giới phẫn nộ và lên án đây là hành động man rợ nhằm vào dân tộc nước này đồng thời cũng là bi kịch cho di sản văn hóa thế giới.

Irina Bokova, lãnh đạo cơ quan văn hóa của Liên Hiệp Quốc UNESCO, đã lên tiếng tố cáo vụ phá hoại di chỉ khảo cổ của IS: “Việc phá hoại di sản văn hóa có tính toán là tội ác chiến tranh. Tuyệt đối không có động cơ chính trị hay tôn giáo nào có thể biện minh cho hành động phá hoại di sản văn hóa loài người”.

Nimrud - một trong những di chỉ khảo cổ nổi tiếng nhất Iraq - là kinh đô của đế chế đầu tiên trên thế giới - Đế chế Tân Assyria - thuộc thế kỷ thứ 13 trước CN.

Nằm cách thành phố hiện đại Mosul của Iraq 35km về phía nam, Nimrud chiến diện tích khoảng 3,5 km2 với nhiều công trình cổ quý giá của nhân loại. Đó là những cung điện khổng lồ của vài vị vua Assyria cùng với hai ngôi đền thần chiến tranh Ninurta và thần chữ viết Nabu.

Bức tượng con bò đầu người có cánh tại nhà bảo tàng ở Baghdad, Iraq.
Những món đồ tạo tác của Nimrud hiện được bảo tồn tại Nhà bảo tàng Anh.

Nimrud được vua Ashurnasirpal II mở rộng và phát triển thành kinh đô mang tên gọi Kalhu của đế quốc Assyria từ khoảng năm 880 trước CN và tiếp tục là thành phố quan trọng cho đến năm 612 trước CN cùng với sự sụp đổ của đế quốc Tân Assyria.

Cung điện Ashurnasirpal - cũng được gọi là cung điện Tây Bắc - được nhà thám hiểm người Anh Austen Henry Layard khai quật lần đầu tiên trong thập niên 1840. Những bức tượng con bò đầu người và có cánh (gọi là lamassu) gác cổng cung điện do Layard khai quật hiện được triển lãm tại Nhà bảo tàng Anh.

Layard cũng khám phá một số bức phù điêu bằng đá vôi lát tường các căn phòng và sân trong cung điện. Những bức phù điêu này mô tả chi tiết cuộc sống trong cung điện cổ xưa - nhà vua ngồi trong những bữa yến tiệc, những cảnh săn sư tử hay cảnh chiến trường và nghi lễ tôn giáo.

Sau đó, những cuộc khai quật quy mô hơn được tiến hành vào thập niên 50, 60 thế kỷ trước do Max Mallowan (chồng của nữ nhà văn truyện trinh thám người Anh nổi tiếng Agatha Christie) lãnh đạo.

Bò cõng con bê trên lưng bằng chất liệu ngà voi.
Tượng Bò đầu người có cánh đứng gác trước lối vào Cung điện Tây Bắc của Vua Ashurnasirpal II.

Mallowan cùng với đoàn khảo cổ của ông tái dựng bản đồ phức tạp của những cung điện, đền thờ và thành trì; và những cuộc khai quật của ông tiếp tục khám phá thêm nhiều cổ vật quý giá - đồ nội thất khắc bằng ngà voi, lọ đá và đồ kim loại cùng với hàng trăm bức phù điêu và tranh tường.

Gần lối vào phòng ngai vua của cung điện, Mallowan phát hiện phiến đá đứng thẳng không có giá đỡ thể hiện hình ảnh nhà vua trong tư thế thực hiện nghi lễ tôn giáo và một văn bản dài bằng chữ hình nêm cổ Assyria mô tả việc xây dựng cung điện cũng như những khu vườn bao quanh nó.

Văn bản cổ nêu chi tiết về cánh cửa bằng kim loại, những thanh xà bằng gỗ tuyết tùng và hàng trăm người thợ thủ công phục vụ cho quyền lực đế quốc Assyria.

Văn bản cũng đề cập đến bữa yến tiệc cực kỳ xa xỉ dành cho 70.000 thực khách diễn ra trong cung điện với hàng trăm món chế biến từ động vật, chim, trái cây, bia và rượu chảy tràn.

Phế tích ngôi đền Nabu, năm 2008.
Phù điêu Nimrud tại Nhà bảo tàng Anh.

Những phần rộng lớn khác của cung điện nhà vua Ashurnasirpal được chính quyền Iraq cho trùng tu trong suốt 2 thập niên 70 và 80, bao gồm công việc phục hồi những bức phù điêu lát trên vách tường nhiều căn phòng.

Những bức tượng bò có cánh canh gác lối vào những căn phòng và sân trong quan trọng cũng được tu sửa lại.

Những con bò đầu người có cánh này nằm trong số những biểu tượng đặc thù của thế giới Assyria cổ xưa - phần đầu người tượng trưng cho sự thông thái, phần thân bò tượng trưng cho sức mạnh thể xác, đôi cánh chim đại bàng chứng tỏ khả năng bay cao quan sát để ngăn chặn cái ác.

Dự án phục hồi di chỉ khảo cổ của chính quyền Iraq cũng tiếp tục phát hiện thêm vài cổ mộ của các nữ hoàng đế quốc Assyria. Trong những cổ mộ là kho tàng đồ trang sức quý báu bao gồm: vương miện, nữ trang bằng vàng, những chiếc bình bằng vàng và đồng, chén bát bằng ngà voi. Khả năng kỹ thuật cũng như trình độ thẩm mỹ của người cổ Assyria được đánh giá là không có đối thủ cạnh tranh.

Diên San (tổng hợp)
.
.
.