Những tờ rơi nhảm nhí

Thứ Ba, 19/11/2013, 20:35

Tối thứ sáu, khi tôi vừa đi làm về và khi vừa mở cửa, thì dưới nền nhà là 2 tờ giấy khổ A4 in vi tính mà ai đó đã nhét qua khe. Cứ tưởng đó là những tờ quảng cáo mua gạo giá rẻ, mua gas đúng chất lượng, mua tivi máy giặt trả góp mà nhà tôi vẫn thường nhận được nhưng khi cầm lên coi, tôi thấy tờ thứ nhất có tiêu đề rất giật gân: "Nhà bếp chú ý! Những thực thẩm không nên chế biến cùng nhau", "Khuyến cáo của Bộ Y tế dự phòng, vì sức khỏe cộng đồng, vì tương lai tốt đẹp", do "Hoa Đức Huệ kính tặng".

Chưa rõ "Hoa Đức Huệ" chỉ là một cá nhân hay một nhóm người, nhưng đọc qua nội dung của nó, đã thấy rất nhảm nhí bởi lẽ Việt Nam không hề có "Bộ Y tế dự phòng" mà chỉ có Cục Y tế dự phòng, trực thuộc Bộ Y tế còn tại các tỉnh, thành, là Trung tâm Y tế dự phòng.

Điện thoại hỏi một người bạn hiện đang công tác tại Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, anh cho biết: "Bộ Y tế - cũng như Cục Y tế dự phòng hoàn toàn không in ấn, tán phát tờ rơi theo kiểu này. Nếu cần tuyên truyền về một vấn đề gì đó, Cục sẽ chỉ đạo cho các trung tâm rồi trung tâm sẽ hướng dẫn cho y tế quận huyện, y tế xã, phường, thực hiện".

Nội dung của tờ rơi "Nhà bếp chú ý" gồm 21 mục. Mở đầu là: "Trứng ngỗng + tỏi" (có thể hiểu là trứng ngỗng chế biến chung - hoặc ăn chung với tỏi) sẽ… chết người! Tiếp theo, "mật ong với đậu nành", "bột sắn dây với mật ong" cũng chết người. Ở mục thứ 4, Hoa Đức Huệ, khuyên "khi bị rắn cắn, không nên ăn cua, cá vì chết người". Riêng với bệnh ung thư thì theo Hoa Đức Huệ, các thức ăn sau đây nếu kết hợp với nhau sẽ bị ung thư: Thịt chó với nước chè (trà), khoai tây với cà chua, gan với giá đỗ…

Phần lớn người Việt sau bữa ăn, thường có thói quen uống trà vì một số chất trong trà như tanin (chất tạo vị chát đặc trưng của trà) chẳng hạn, có tác dụng trợ tiêu hóa, phenol giải độc, flourid bảo vệ men răng, catechin giảm nguy cơ gây ung thư…, trong lúc thịt chó chủ yếu là chất đạm, chất béo. Nếu ăn thịt chó rồi uống trà mà bị ung thư thì có lẽ hàng triệu đệ tử của món "cầy tơ" đã "lên đường" từ lâu rồi! Chưa kể món gan xào giá, hẹ, là món ăn thông dụng của người Hoa. Hầu như bất cứ một tiệm hủ tiếu xào, mì xào do người Hoa làm chủ ở TP HCM cũng đều có món này vì theo thuyết âm dương, gan có tính nóng (nhiệt), thuộc dương còn giá đỗ có tính lạnh (hàn), thuộc âm. Phối hợp giá đỗ với gan là để người ăn không khó tiêu hoặc lạnh bụng.

Khoai tây và cà chua cũng vậy. Một trong những thứ khoái khẩu của giới trẻ hiện nay là khoai tây chiên chấm sốt cà chua. Khảo sát thành phần của khoai tây, ta thấy nó có tinh bột, nước, đường, một số chất khoáng và vitamin còn cà chua cũng gồm tinh bột, chất khoáng, carotten, nước, đường, vitamin - nghĩa là không có gì đối chọi với nhau.

Ở các cửa hàng thức ăn nhanh (fastfood), khoai tây chiên chấm sốt cà chua là một trong những món chủ lực. Ấy thế mà tờ rơi của "Bộ Y tế dự phòng" do Hoa Đức Huệ phát tán, lại khuyến cáo người ta không nên dùng chung thì chắc hẳn McDonald, King Burger, KFC, Lotte và các tiệm bánh pizza sẽ dẹp tiệm sớm.

Tờ rơi "nhà bếp chú ý" của "Bộ Y tế dự phòng".

Có thể nói, trong tất cả 21 mục của tờ rơi "nhà bếp chú ý", chỉ có 2 mục tạm nghe được, là ăn "khoai tây nảy mầm bị ung thư" và "ăn nhiều rau cải, uống nước chè chống ung thư", còn thì 19 mục còn lại đều cực kỳ nhảm nhí.

Lương y Huỳnh Văn Khiết, ở quận 11, TP HCM khi xem tờ rơi này, đã nói: "Ở mục thứ 11, ăn tôm, cua, ốc, hến với tỏi, cà chua, cam, chanh là độc bảng A thì tôi không hiểu độc bảng A ở đây là gì. Trong Đông y, những vị thuốc độc bảng A gồm thạch tín, thủy ngân, cà độc dược, mã tiền, bã đậu, hoàng nàn, ô đầu và một số chất khác, còn thức ăn ngoại trừ mật cóc, mật cá trắm, mật cá nóc, vài loại sam biển, rắn biển… thì không có thứ nào phối hợp với nhau mà thành độc bảng A".

Bác sĩ Nguyễn, chuyên khoa Ngoại tổng quát, BV Chợ Rẫy, cho biết: "Theo tờ rơi, ăn khoai lang với quả hồng sẽ gây sỏi dạ dày thì người viết câu này xứng đáng nhận giải Nobel về… bố láo, bởi lẽ sỏi thường hình thành ở túi mật, bàng quang, tuyến tụy do nhiều nguyên nhân. Trong hơn 25 năm cầm dao mổ, tôi chưa thấy ai bị sỏi dạ dày bao giờ vì dạ dày là cơ quan có nhiệm vụ nghiền nát thức ăn rồi đẩy xuống.

Thí dụ sỏi có hình thành trong dạ dày chăng nữa, nó cũng bị đẩy xuống, chưa kể mục thứ 14 "ăn sữa chua với hoa quả", và mục 15 "ăn hải sản với hoa quả" sẽ bị khó tiêu, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy là điều không thể chấp nhận được vì có nhiều loại sữa chua được chế biến chung với hoa quả".

Với tờ rơi thứ hai, tiêu đề của nó là "Bài học nâng cao sức khỏe của người Nhật", gồm 10 mục, trong đó mục thứ 2 là: "Ăn ít muối, nhiều giấm". Ít muối thì đã đành rồi vì nó làm giảm nguy cơ cao huyết áp, nhưng khuyên người ta ăn nhiều giấm thì thật tai hại. Thành phần của giấm chủ yếu là axit acetic và ethanol. Nếu ăn nhiều và ăn thường xuyên, nó sẽ gây loét dạ dày đồng thời tiêu diệt những vi khuẩn có ích trong ruột, gây rối loạn tiêu hóa, chán ăn, cơ thể thiếu chất dinh dưỡng.

Trong mục thứ 5, tác giả khuyên người ta nên "mặc ít, tắm nhiều" thì không biết phải hiểu "mặc ít" là mặc như thế nào, và "tắm nhiều" thì một ngày cần tắm bao nhiêu lần, thời gian tắm mỗi lần là bao nhiêu mới đủ?

Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện những tờ theo kiểu này. Hơn nữa với tiêu đề: "Nhà bếp chú ý" lại mạo danh "Bộ Y tế dự phòng" - mặc dù cái tên ấy hoàn toàn không chính xác - vẫn có thể gây nhầm lẫn cho người dân, nhất là những người ít nắm vững thông tin về danh xưng của các cơ quan nhà nước, dẫn đến hoang mang, lo lắng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có bà nội trợ đã dán tờ rơi này lên bếp để "khỏi quên mỗi khi nấu nướng thức ăn" nên thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn kiểu tuyên truyền nhảm nhí này

Vũ Cao
.
.
.