Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Viết bằng những hồi ức tuổi thơ
- Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kể "Ngày xưa có một chuyện tình"
- Sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được bạn đọc bình chọn nhiều nhất
- Nhà văn Nguyễn Nhật ánh ký tặng sách mới xuất bản tại Hà Nội
Những tên sách và những dấu ấn mang tên Nguyễn Nhật Ánh đã trở thành một hiện tượng trong văn hóa đọc như "Cho tôi một vé đi tuổi thơ"; "Hoa vàng cỏ xanh"; "Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ"; "Ngồi khóc trên cây"; "Chúc một ngày tốt lành"; Bảy bước tới mùa hè"; "Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng"...
Sáng ngày 18-9-2016, NXB Trẻ và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sẽ có buổi ra mắt cuốn sách mới "Ngày xưa có một chuyện tình" tại Hà Nội.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. |
"Ngày xưa có một chuyện tình" kể về câu chuyện cuộc đời của ba nhân vật Vinh, Phúc và Miền, ba người bạn cùng lớn lên ở một thị trấn miền Trung. Ba đứa trẻ trải qua những kỷ niệm khó quên của thời cắp sách đến trường, san sẻ nhiều niềm vui ngọt ngào, những nỗi buồn đắng ngắt đầu đời. Chúng có ước mơ, hoài bão nhưng ước mơ bị tan vỡ vì sa ngã của bản thân. Tình bạn đẹp của cả ba là mảnh đất cho tình yêu đâm chồi. Nhưng ở tuổi trưởng thành, các nhân vật bị đặt ở ngã ba đường. Họ phải trả giá cho sai lầm và phải lựa chọn một con đường để đến với hạnh phúc...
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ban đầu đặt tên cho sách là "Những đêm không ngủ ở Hà Lam" (Hà Lam là một thị trấn ở tỉnh Quảng Nam). Tuy vậy, ê-kíp làm sách cho rằng tên này chưa nêu bật nội dung tác phẩm. Họ mất nhiều tháng nghĩ ra tên sách. Cuối cùng, chính Nguyễn Nhật Ánh chọn tên "Ngày xưa có một chuyện tình". Theo thông tin được đưa ra, cuốn sách này của ông phát hành đợt đầu tiên với 70.000 bản bìa mềm và 10.000 bản bìa cứng (trong đó có 100 cuốn ấn bản đặc biệt được đánh số thứ tự và có chữ ký tác giả dành cho người sưu tầm).
Một cảnh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. |
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ: "Tôi viết cuốn sách này trong vòng 6 tháng. Thực ra nếu tính từ lúc viết dòng đầu tiên thì có lẽ lâu hơn. Vì đây là tác phẩm có cấu trúc không giống các cuốn sách trước đây của tôi nên có lúc tôi phải dừng lại để ngẫm nghĩ. Và trong khi tạm dừng, tôi chuyển qua viết cuốn "Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng" để nuôi dưỡng cảm hứng. Sau khi hoàn thành cuốn "Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng", tôi mới quay lại viết tiếp cuốn "Ngày xưa có một chuyện tình". Hồi tôi viết bộ truyện "Chuyện xứ Lang Biang" cũng vậy. Vì đây là bộ truyện pháp thuật có nhiều tình tiết lắt léo đan xen nhau nên đầu óc tôi rất căng thẳng khi phải bám sát và kiểm soát các diễn biến. Đây lại là bộ truyện 4 tập rất dày, khi in thành sách đã lên đến 3.000 trang. Trong quá trình viết bộ "Chuyện xứ Lang Biang", để thư dãn tôi nghĩ ra cách viết cuốn "Tôi là Bêtô" trong những lúc giải lao. Những trang "Tôi là Bêtô" với nhịp điệu chậm rãi giúp đầu óc tôi dịu lại, giúp tôi "hồi sức" để viết tiếp "Chuyện xứ Lang Biang". Tôi viết "Tôi là Bêtô" nhẩn nha giữa những trang viết "Chuyện xứ Lang Biang", vậy mà cuốn "Tôi là Bêtô" lại hoàn thành trước, mặc dù nó được in sau. Tôi gửi gắm trong tác phẩm "Ngày xưa có một chuyện tình" nhiều thông điệp khác nhau, khó có thể kể hết ra đây. Nhưng tựu trung, điểm nổi bật nhất là những suy nghĩ về tình yêu và tình bạn. Đó cũng là những vấn đề mà tôi nghĩ tuổi trẻ ở bất cứ thời nào cũng phải đối diện".
Tôi luôn nghĩ rằng, mỗi một nhà văn, đều gánh trên vai mình một sứ mệnh nào đó, có thể đó là sứ mệnh do ông trời sắp đặt, cũng có thể chỉ là sứ mệnh của chính bản thân mình với cuộc đời và những điều xung quanh. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không nằm ngoài quy luật đó. Có vẻ như ông sinh ra, như một định mệnh, là phải dành cả cuộc đời để viết về tuổi mới lớn. Năm 13 tuổi ông đăng báo bài thơ đầu tiên, nhưng rồi số phận đưa đẩy ông trở thành nhà giáo, dạy học môn văn tại một trường THCS tại Sài Gòn, rồi ông viết về sân khấu và phụ trách mục tiểu phẩm, trang thiếu nhi ở một số tờ báo...
Rất nhiều bạn đọc nhỏ tuổi hâm mộ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. |
Tác phẩm đầu tiên in thành sách của ông ban đầu không phải là truyện mà là một tập thơ: “Thành phố tháng tư”, NXB Tác phẩm mới 1984 (in chung với nhà thơ Lê Thị Kim). Truyện dài đầu tiên của ông là tác phẩm "Trước vòng chung kết" (NXB Măng Non, 1984). Và tính cho đến nay, hàng trăm tác phẩm về văn học thiếu nhi và tuổi mới lớn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã ra đời, có mặt trên giá sách của nhiều bạn nhỏ.
Ông cũng đã đoạt nhiều giải thưởng như: năm 1990, truyện dài “Chú bé rắc rối” được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, ông được bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của Thành đoàn TP HCM và Báo Tuổi trẻ, đồng thời được Hội Nhà văn TP HCM chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995).
Năm 1998 ông được NXB Kim Đồng trao giải cho nhà văn có sách bán chạy nhất. Năm 2003, bộ truyện nhiều tập “Kính vạn hoa” được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao huy chương Vì thế hệ trẻ và được Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng. Đến nay ông đã xuất bản gần 100 tác phẩm và từ lâu đã trở thành nhà văn thân thiết của các bạn đọc nhỏ tuổi.
Thú thực mà nói, đến bây giờ tôi vẫn đang luôn tự hỏi rằng, làm sao nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, một nhà văn đã ở tuổi “ngũ thâp tri thiên mệnh”, song lại luôn có một sức hút mạnh mẽ trong từng trang viết đối với lứa tuổi học trò đến thế? Tôi vẫn luôn tự hỏi, không hiểu, khi viết các tác phẩm của mình, anh đã làm cách nào để có thể trường vốn về tuổi "quỷ ma" đến thế? Anh có thường phải lang thang trong các trường học để lắng nghe và thấu hiểu hay không? Hay anh lấy các câu chuyện từ các con, các cháu của mình? Hay là anh tự "trẻ con hóa" mình bằng cách tưởng tượng ra các trạng huống...
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tâm sự: "Tôi viết về đề tài tuổi thơ có lẽ là do cái duyên. Lúc mới cầm bút, tôi viết nhiều đề tài, nhưng rốt lại viết về tuổi thơ là hợp với tôi nhất. Có lẽ do tôi xa quê từ bé, không nguôi nhớ về thời tuổi nhỏ của mình nên hễ chạm đến đề tài này là cảm xúc tự nhiên kéo về. Tôi từng rút ra kết luận từ kinh nghiệm bản thân "Cảm hứng của nhà văn đến từ ba nguồn: ký ức, óc quan sát và trí tưởng tượng".
Với một nhà văn chuyên viết về tuổi thơ như tôi, sự huy động ký ức đóng vai trò cực kỳ quan trọng, mặc dù trên thực tế cả ba yếu tố đó hòa quyện, bổ sung cho nhau chặt chẽ đến mức khó tách bạch ra được. Chẳng hạn trong "Ngày xưa có một chuyện tình", chuyện tình trong truyện không phải là chuyện của tôi, nhưng những nhân vật và những tình huống trong truyện đều thấp thoáng hình bóng những nguyên mẫu mà tôi còn nhớ được khi hồi tưởng về những năm tháng tuổi thơ ở một thị trấn nhỏ bé...".
Có lẽ bởi viết từ những hồi ức, nên văn của Nguyễn Nhật Ánh "có duyên" với điện ảnh. Năm 1990, bộ phim "Áo trắng sân trường" dựng theo truyện dài "Nữ sinh" của ông được nhiều thế hệ học trò yêu mến. Bộ phim "Kính vạn hoa" (năm 2004) cũng được cả một thế hệ tuổi thơ háo hức. Và một bộ phim đã tạo kỷ lục về độ ăn khách ở các phòng chiếu trong nước "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (năm 2015), bộ phim đoạt giải thưởng Bông sen Vàng này đạt doanh thu hơn 80 tỷ đồng đã một lần nữa đưa tên tuổi của Nguyễn Nhật Ánh ghi dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc nhỏ tuổi.
Chia sẻ về những bộ phim "ăn khách" dựa trên tác phẩm của mình, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết: "Trước nay, đã có nhiều tác phẩm của tôi được chuyển thể thành phim nhưng thú thật tôi chưa bao giờ đọc các kịch bản chuyển thể, dù các nhà biên kịch có gửi cho tôi nhờ góp ý. Chỉ vì tôi quan niệm mỗi độc giả đều cảm nhận cuốn sách theo cách của mình. Nhà sản xuất, nhà biên kịch, đạo diễn... cũng là những độc giả. Ngay cả tôi, khi cuốn sách được in ra, tôi cũng chỉ là một độc giả của cuốn sách như bao độc giả. Chỉ khác ở chỗ tôi là độc giả đầu tiên.
Khi đặt dấu chấm cuối cùng lên trang sách, tôi không còn thẩm quyền để phát ngôn, chẳng hạn "phải hiểu chỗ này như thế này", "ý tôi là như thế kia"... và khi cuốn sách được in ra hàng vạn bản, nó đã có cuộc sống riêng của nó, lúc đó nó đã thuộc về công chúng. Nếu tôi bảo phải hiểu cuốn sách là A nhưng người đọc cứ muốn hiểu là B thì tôi cũng không thể áp đặt được. Đó là tính dân chủ trong cảm thụ văn chương và khoảng trống văn bản trong tác phẩm của nhà văn luôn có chỗ cho óc sáng tạo và trí tưởng tượng của bạn đọc.
Cũng như vậy, tôi tin rằng khi chuyển thể thành tác phẩm "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", đạo diễn Việt Linh đã nhìn câu chuyện này theo cảm quan cá nhân của chị. Và khi Victor Vũ đọc cuốn tiểu thuyết của tôi và kịch bản của chị Việt Linh, anh ấy cũng lại nhìn câu chuyện dưới thứ ánh sáng riêng của anh ấy.
Tôi xem phim này tất cả là 3 lần, lần đầu tiên vào cuối tháng 10. Xem lần đầu, tôi không tránh khỏi cảm giác so sánh phim với truyện, mặc dù tôi không có ý định đó, chỉ là do tâm lý tự nhiên thôi. So sánh như vậy có phần bất công cho phim. Vì bất cứ ai nếu đã đọc truyện rồi (huống hồ tôi là tác giả) đều cảm thấy phim thiếu chỗ này, thừa chỗ kia so với tác phẩm văn học. Giống như người Quảng đi ăn mì Quảng vậy.
Lớn lên, ăn mì Quảng ở bất cứ đâu cũng không thấy ngon bằng tô mì mẹ nấu hồi bé. Không hẳn tô mì hôm nay dở hơn, chẳng qua cái gì ban đầu khi đã in sâu vào ký ức rồi lập tức trở thành một nỗi ám ảnh, biến thành một tiêu chuẩn, một thước đo vô hình, bất cứ cái gì khác đi một chút so với ấn tượng đầu tiên cũng thấy không ổn. Nhưng lần sau, khi cảm giác so sánh nhạt đi, đi xem phim như xem một tác phẩm độc lập, tôi thấy phim hay hơn so với khi xem những lần đầu.
Dù là một nhà văn quá thành công với sự nghiệp văn học của mình, nhưng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chưa một ngày ngơi nghỉ. Anh chia sẻ: "Hiện nay tôi vẫn viết mỗi ngày. Tôi cố sắp xếp công việc để có thể ngồi viết vào buổi sáng, vì đó là thời khắc tôi cảm thấy đầu óc minh mẫn, cơ thể khỏe khoắn nhất. Đó là thói quen tôi đã có từ 30 năm nay. Ngày nào không viết tôi cảm thấy ngày đó mình chưa sống đủ. Tôi viết vì tôi yêu nghề văn. Vì tôi cảm thấy hạnh phúc khi ngồi dưới mái nhà của mình thong thả viết những trang văn mình thích.
Tôi viết văn không phải để kiếm tiền và tôi nghĩ các nhà văn khác cũng vậy. Họ viết vì họ yêu thích, đam mê văn chương, họ tìm thấy niềm vui sống trong việc sáng tác, chứ nếu vì mục đích kiếm tiền chắc chắn họ sẽ chọn nghề khác. Tiền bạc với nghề văn, nếu có, chỉ là cái đến sau. Hiện nay có lẽ tôi là một trong số những nhà văn sống được bằng nhuận bút và tôi xem đó là may mắn của đời mình, vì nếu tôi kiếm được nhiều tiền nhưng không phải bằng cái nghề mình yêu thích từ bé như nghề văn thì niềm vui của tôi sẽ không trọn vẹn...".