Nhà văn Chu Lai: “Tôi bây giờ hình hài đang phản bội trái tim”

Thứ Sáu, 13/05/2011, 10:30

Chu Lai vẫn vậy, người săn rắn, da đen giòn, tóc xoăn quăn tít, rối bời. Dáng hình nhanh nhẹn của một anh lính đặc công thủa nào vẫn in dấu dù rằng chiến tranh đã qua đi hơn 30 năm. Giọng nói, khẩu khí hiếm thấy của lãng tử sinh ra ở đất Hà Thành.

Ấy thế mà, nghe nói ông lại rất dễ rơi lệ. Chả biết có phải vậy hay không nhưng cứ có dịp được tiếp xúc, chuyện trò với con người sặc mùi chiến trường binh đao khói lửa này thì thấy ẩn bên trong cái vẻ ngoài mạnh mẽ, vạm vỡ ấy là một tâm hồn đa sầu, đa cảm. Lần trở lại này, ông khiến tôi ngạc nhiên, càng lùi về khoảng cuối của con đường, Chu Lai phải chăng đã thoát xác mà đạt đến chữ “Thiền” rồi chăng?!

Ông ngồi vào bàn gọi một cốc cà phê, rồi châm thuốc hút. Khoan thai, nhẹ nhàng nhả khói. Tiếng xô bồ, hỗn tạp của thế giới quanh ông, hẳn, chẳng thể làm ông bận tâm khi trong ông là tiếng lòng đang dồn dập chực chờ bung nén. Ông kể, ví von mình với con chó. Có đời nào lại thế chăng?! "Chạy như con chó đạp lửa", đấy là hình ảnh của Chu Lai bây giờ khi ông tự diễn tả nỗi bận bịu với công việc lu bù ở Hội Sân khấu khi chăm lo cho anh em hội viên vào những vụ mùa ở trại sáng tác. Nhưng, đứng đằng sau những tiếng kêu mệt nhọc, thì xem ra, ông lại thấy thích thú là vì được mọi người tin cậy.

Phóng viên (PV): Được tín nhiệm bầu vào Thường vụ Ban chấp hành của Hội Sân khấu vắng mặt, lại thấy ông thoắt ẩn, thoắt hiện với vai trò giám khảo của các cuộc thi lớn bé từ sân khấu, điện ảnh đến văn học.  Lấn sang nhiều sân như thế, liệu có oải không, các cụ nhà ta có câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” mà?!…

Nhà văn Chu Lai: Có lẽ bản thân tôi là hội viên của cả ba cái sân này, tôi chơi trên nhiều sân mà sân nào cũng chơi hết mình nên có thể vì thế mà nó đạt đến tầm tạm gọi là thạo việc. 

Nhưng, quả thực, cho đến giờ tôi vẫn chuyên một thứ, đấy là văn học. Từ văn học tôi chuyển nó sang điện ảnh, hay sân khấu. Mà chuyển đến nơi đến chốn thì tự nhiên thành sành điệu. Dù vậy, cần phải lấy văn học thành cán chuôi để nếu bạn xem kịch hay xem phim của tôi mà chán, thì tôi cám ơn. Không sao. Bạn làm ơn quay về cầm cuốn tiểu thuyết của tôi, hy vọng  bạn có thể hài lòng.

PV: Bây giờ thấy ông có vẻ như viết ít, nhưng qua truyền thông thì khán giả cả nước không lạ lẫm gì dáng vẻ của Chu Lai…

Nhà văn Chu Lai: Không viết mà nói nhiều là bi kịch của người cầm bút. Nhưng ở đời cũng có những người nói nhiều mà viết cũng nhiều. Ở đời biết thế nào được.

30-4 năm nay đất nước đã 36 năm im tiếng súng, và mình đã có một hành trình đáng kể với 10 năm cầm súng, 36 năm cầm bút, cộng với 18 năm đi học.  Cuộc đời đến lúc này đã có chiều trùng xuống  và sức viết đã bắt đầu cạn cợt. Đáng nhẽ sau chiến tranh phải làm một cái nghề gì đó nhẹ nhàng để được thư giãn, ấy vậy mà sau 10 năm tận sức lại rơi vào một cái nghề khủng khiếp hơn nghề cầm súng là nghề cầm bút.

PV: Người khẩu khí nói năng như ông, người yêu cũng lắm, kẻ ghét cũng nhiều là lẽ đương nhiên thôi, đúng không?

Nhà văn Chu Lai: Được người ta ghét cũng là một hạnh phúc. Sợ nhất của người nghệ sĩ hay người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật là mọi người không biết đến mình là ai, chẳng yêu chẳng ghét gì cả, số không, mờ nhòa. Mà người ta yêu mình có khi lại là một sự bất hạnh. Được đố kị, được ghen ghét đấy cũng là một tiêu chí, cũng giống như là sợ vợ là một giá trị đàn ông. Hoạt động nhiều sân chơi, đi lại nhiều, xuất hiện nhiều, lảm nhảm nhiều, bây giờ tôi sợ cứ phải chường mặt ra với thiên hạ lắm rồi. 10 cuộc truyền hình hay truyền thanh tôi từ chối 9. Mặt báo cũng vậy. Cô là ngoại lệ đấy nhé!

PV: Vậy ư?

Nhà văn Chu Lai: Cô đơn là bí quyết làm nghề của tất cả chủ thể sáng tạo, kể cả hội họa, sân khấu, điện ảnh, văn chương… Một mình anh âm thầm đánh vật tơi tả với thế giới nhân vật của anh mới mong tìm ra một lối đi, còn ham vui ư? Láng cháng ư? Viết qua loa đại khái cho có thêm đầu sách ư? Khó đấy. Có khi còn phản ngược. Nàng văn đỏng đảnh và khó tính không lường, thật giả là biết ngay, trừng phạt đến nơi đến chốn. Còn tôi, có lẽ sự cô đơn pha chút lười nhác, vị kỷ đã cho tôi có một khoảng thời gian nhất định  để ngồi vào bàn viết được kha khá, kha khá về lượng thôi chứ về chất, cái đó để cho thời gian và người đọc phán xét. Tức là tôi đã quen dần với sự cô đơn, quen đến nỗi thành nghiện, thành nếm được cả cái vị ngọt ngọt đắng đắng của nó.

PV: Thật là khó cắt nghĩa, anh mắc bệnh ngại xuất hiện trước đám đông, nhưng  anh thường xuyên xuất hiện trên các diễn đàn, một nghịch lý chăng?

Nhà văn Chu Lai: Đến bây giờ tôi vẫn không có thói quen và cảm hứng giao du, ăn nhậu với bất cứ ai, trừ những ca đặc biệt như gặp lại chiến hữu một thời hay những người tri kỷ, cần mượn ly rượu để xổ hết ruột gan. Song bù lại tôi lại khoái một mình một tay lái lãng du đến bất cứ một vùng đất xa lạ nào với triết lý đi nhiều là phong lưu. Tự nghĩ đến tuổi này mà còn đi được, viết được, chơi thể thao được đã là một hạnh phúc to lớn rồi, trong khi bao đồng đội… Sau chiến cuộc, tôi may mắn đang nằm trong số: "Sống ngày nào lãi ngày đó, còn thằng nào được thằng đó", Vậy là tôi đã lãi cả 36 năm rồi, quá lãi, còn ham hố gì nữa, phải tội chết!

Điều thứ hai, cái này nó vận vào khi tôi hay cao đàm khoát luận: Năng lượng tình yêu, trong đó có tình dục bao giờ cũng tỉ lệ thuận với năng lượng sáng tạo. Các danh nhân, danh tướng đánh giặc giỏi, sáng tạo giỏi thì năng lượng tình yêu của họ thường mãnh liệt vô cùng. Đó là một cái hỏa lò, là cảm hứng trung tâm hâm nóng tất cả các cảm xúc khác. Khi cảm hứng với tình yêu, với cái đẹp không còn thì tình yêu với đất nước chắc cũng khó có. Một thằng đàn ông bỗng một ngày nhìn đàn bà với tư cách là biểu tượng của cái đẹp vô cảm như nhìn cột đèn, cây cối, trái tim cứ trơ khấc ra thì người đàn ông ấy dễ trở thành bệnh hoạn, độc địa, thích đánh đá, kiện cáo, thích nặc danh, lật đổ, chia rẽ nội bộ lắm.

PV: Còn anh?

Nhà văn Chu Lai: Thì bây giờ cái năng lượng tình yêu trong tôi nó đập chậm lại và nghèo đi, năng lượng kia tất nhiên nó cũng nghèo đi theo. Tuổi tôi bây giờ đang rơi vào một thảm cảnh: ăn uống thì khó khăn, yêu đương thì nhọc nhằn. Chán không?

PV: Nghe anh nói có vẻ sầu khổ nhỉ. Mỗi người có một thời của mình. Thời của anh nằm ở đâu?

Nhà văn Chu Lai: Thời của tôi nằm ở trong chiến tranh. Ở tuổi trẻ. Cái thời gian khổ nhất, hiểm nghèo nhất, dễ chết nhất nhưng lại là thời cao đẹp nhất. Con người nhẹ như mây bay gió thoảng, chỉ có một suy nghĩ độc tôn là sống hay chết chính vì thế mà con người nam nhi đại trượng phu lắm. Và khi con người một chiều suy nghĩ thì trở thành thanh thản. Như một nhà văn chỉ một chiều sáng tạo không phải vật lộn mưu sinh, không phải lo quản lý va chạm thì sẽ thanh thản.

Ngày ấy, cả một thế hệ cắt máu ăn thề xin đi vào trận như một cái gì hào sảng của lịch sử thổi ào ạt ở phía sau. Thế, giả dụ, bây giờ có ngoại xâm, thế hệ này còn hào sảng nữa không? Về tâm thức vẫn có thể.  Hôm tôi nói trong một buổi truyền hình trực tiếp, sau khi nói xong thì 4 cô gái trẻ chạy lên ôm tôi và nói: "Ngày mai bọn cháu đi Harvard, bọn cháu cảm thấy có gì đấy băn khoăn, nhưng giờ nghe chú nói chúng cháu yên tâm lên đường rồi".

PV: Ông đã nói gì khiến các cô ấy xúc động vậy?

Nhà văn Chu Lai: Tôi bảo: Lòng yêu nước không thể là độc quyền của riêng ai, của riêng thế  hệ nào. Thế hệ cha anh thể hiện lòng yêu nước bằng cách xông pha vào trận, thế hệ bây giờ triển khai bằng cách làm giàu cho mình và làm giàu cho xã hội bằng mọi cách. Nhưng các thế hệ đều chung một hạt kim cương ủ ấm trong lồng ngực là lòng tự trọng. Nếu tới đây có một ai đó, thế lực nào đó động chạm đến bàn thờ tổ tiên, xúc phạm đến phẩm hạnh dân tộc thì tôi tin rằng, thế hệ hôm nay tưởng như chỉ biết hưởng thụ cũng sẽ mở những cuộc hành binh ra trận đẹp và oai hùng như cha anh để giữ được lòng tự trọng giống nòi. Câu đó là gan ruột.

PV: Ông vẫn rất đậm chất kiêu hùng của người lính. Hình ảnh Anh bộ đội Cụ Hồ là một hình mẫu lý tưởng trong văn học Việt Nam, vừa lãng mạn lại đầy hào sảng.

Nhà văn Chu Lai: Hình ảnh người lính cầm súng mãi mãi tạc vào từng mốc son của lịch sử dân tộc không bao giờ buông rơi. Số phận người lính gắn bó với số phận dân tộc, sống trong lòng dân tộc, được dân tộc yêu thương. Và, đã gọi là người lính thì cứ chiến tranh là xông pha, cứ hy sinh, gian khổ là có mặt.

Đã có lần trong một chương trình vào đêm giao thừa cuối năm, ngồi cạnh tôi là một cô hoa hậu. Cô ấy đẹp và cao lắm, tôi quay sang bảo với nàng: "Thưa em, dù tôi có thả cái đàn tưởng tượng sặc sỡ lên bầu trời thế nào đi chăng nữa thì tôi cũng không dám cầm bút viết về mối tình giữa một hoa hậu quốc gia và một anh lính biên phòng mà có thể chỉ viết tình yêu của anh lính biên phòng với cô giáo vùng cao". Cô hoa hậu nhanh nhẹn trả lời: "Anh cứ viết đi, trái tim phụ nữ chúng em có lý lẽ riêng, biết đâu lại có một chuyện tình như thế". Tôi bảo: "Anh thay mặt những người lính biên cương hải đảo cám ơn em". Nhưng ít ngày sau nghe nói cô ấy… lấy đại gia.

PV:  Tôi tin rồi sẽ đến lúc mọi giá trị sẽ trở về với đúng vị trí của nó.

Nhà văn Chu Lai: Phải như thế chứ. Hình ảnh người lính vẫn nằm ở trong nhân dân, vẫn khắc sâu trong hình bóng của dân tộc. Giá trị người lính thay đổi bất thường trong chiến tranh "Trai thời loạn, gái thời bình", sự hy sinh khốc liệt của họ đã khiến cả nước trong đó có hàng triệu trái tim con gái hướng vọng về như hướng về sự yêu thương, kính trọng.

Đã có lúc trái tim các cô gái hướng đến những chàng thủy thủ viễn dương hay những gã đàn ông đeo mác Việt kiều. Trái tim con gái không hướng về những người lính nữa. Bỗng một ngày đất nước chuyển đổi thành cơ chế thị trường, kinh tế phát triển, giá trị người lính lên theo, bây giờ trái tim các cô gái lại đập về phía những người lính như đập về những mẫu hình đàn ông tương đối chuẩn mực. Người ta thấy ở người lính sự tử tế và tin cậy.

PV: Trong chiến tranh sự sợ hãi nó khác, còn bây giờ mặt trận thì không còn tiếng súng nhưng sao lòng người lắm lúc vẫn cảm thấy bất an? Vậy có gì giống và khác nhau ở đây?

Nhà văn Chu Lai: Hai cái bản chất khác nhau. Trong chiến tranh, sợ hãi là sợ hãi về sự sống còn của chính mình. Sự sống chết của cá nhân mình, gia đình mình và của dân tộc mình. Sự sợ hãi đó làm con người lớn lên. Bây giờ sự sợ hãi đói nghèo, sợ cuộc sống bấp bênh làm cho con người thấp xuống, khiến luôn cảm thấy bất ổn, bất an.

Lý do tại sao bây giờ người ta đi lễ đền chùa nhiều hơn, ở đây phản ánh không phải chỉ vì tâm linh mà cuộc sống này đang bất ổn, khiến cho một số người không tự tin vào chính mình mà tin vào thần phật. Con người không biết lúc nào đói, lúc nào nghèo, khi mà giá cả dân sinh đang thi nhau nhảy múa, khi mà cái ác, nạn tham nhũng vẫn chưa thuyên giảm. Trong chiến tranh sinh tử, đánh B-52 trên trời, đánh một binh đoàn thiết giáp hùng mạnh, thì con người tin vào chính mình với lòng dũng cảm. Nhưng bây giờ lòng dũng cảm nhiều khi trở thành thừa mà cần cái sự nhẫn nhịn và nhẫn chịu đặng chờ xem rồi tới đây cuộc sống trôi về đâu.

PV: Đâu chỉ nỗi lo cơm áo gạo tiền, người ta còn có nhiều nỗi lo ám ảnh chứ, bệnh tật, tai nạn, hỏa hoạn, tình yêu mất mát,…

Nhà văn Chu Lai: Lo đồng đôla sụt giá, chứng khoán tăng giảm, nhà đất biến động, động đất sóng thần, tai nạn xe cộ, bạn bè hiềm khích vẫn là nỗi lo về vật chất cả thôi.

Cái lo nhất là ở đời là mất đi chữ Nhàn, bỗng con người không cảm thấy nhàn nữa, không cảm thấy thanh thản. Sợ nhất là trong lòng không còn cảm thấy thanh thản. Trong chiến tranh lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, lòng đi một hướng thanh thản. Còn bây giờ 100 thứ trên đời dồn vào một con người xâu xé. Nhân cách, văn hóa, các giá trị tinh thần đang có chiều lung lay.

Một đại gia mà nhìn thấy con cái không học hành, mà chơi bời tụ bạ thì đây là nỗi lo chiến lược. Một nhà giáo nhìn gia đình mình không còn nề nếp gia phong thì đó là nỗi lo đau đớn. Bây giờ tiếng gào của dạ dày không gào vì đói, nhưng gào lên sự khao khát hưởng thụ. Và sự khao khát hưởng thụ này tác động lên tất cả giá trị cơ bản của tinh thần, các khái niệm vẻ đẹp, các khái niệm về tình yêu.

Thế giới đầy biến động này làm vỡ ra từng mảng và đấy là cái lo. Tôi giờ đã lên chức ông nội rồi mà không phải không có những nỗi lo băn khoăn, bâng quơ. Như không hiểu đứa cháu nội ra đời này, nó đang ngon như một thỏi socolate thế này thì rồi sóng gió hành tinh nào sẽ đến với nó đây. Mà sóng gió tình người chứ động đất sóng thần cũng đâu có ghê gớm lắm. Liệu nó sống trong một nền giáo dục nào? Tâm hồn, tư cách của nó sẽ được nhào nặn theo giá trị nào?  Nó sẽ thành gì đây??! Tin và lo đều mơ hồ, phấp phỏng, thế đấy

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.
.