Nhà thơ Anh Ngọc và chuyện về nhà báo Nhật hy sinh trong chiến tranh biên giới

Thứ Bảy, 27/06/2015, 20:25
Nhà báo người Nhật Bản Ishao Tacano hy sinh ở tỉnh Lạng Sơn trong chiến tranh phía Bắc năm 1979. Xúc động trước sự hy sinh của Tacano, nhà thơ Anh Ngọc đã viết bài thơ "Gửi cháu Emy Tacano" (Emy Tacano là con gái của nhà báo). Nhà thơ Anh Ngọc kể cho chúng tôi nghe câu chuyện ra đời của bài thơ đó.

Ngã xuống nơi chiến địa

Nhà thơ Anh Ngọc sinh năm 1943 tại Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An, hiện công tác, sống ở Hà Nội. Tốt nghiệp Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1964, ông đi dạy trung cấp và đại học 7 năm. Năm 1971, Anh Ngọc nhập ngũ, làm lính thông tin chiến đấu ở Quảng Trị, sau đó làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân (QĐND)...

Ông đã in gần 20 tác phẩm: thơ, trường ca, tùy bút, ký sự, tạp văn, tiểu luận phê bình, tạp bút, dịch thơ và dịch tiểu thuyết của Ph. Dostoyevsky "Những kẻ tủi nhục". Giải thưởng chính: Giải nhì (1973) và giải A (1975) của báo Văn nghệ, Giải thưởng Sông Mê Kông (2009), Giải thưởng nhà nước về VHNT (2012).

Ishao Tacano (có khi viết Isayo Takano, sinh năm 1943, mất năm 1979) là đặc phái viên tại Hà Nội của Báo Akahata (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản). Trong lúc chụp ảnh để đưa tin về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, anh đã ngã xuống tại tỉnh Lạng Sơn vì đạn bắn tỉa của quân đội Trung Quốc từ bờ bên kia sông Kỳ Cùng tại biên giới Việt - Trung. Hiện nay, ở nghĩa trang biên giới Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn có mộ của Tacano, nhưng không có thi hài.

Cố nhà báo Tacano (Ảnh tư liệu).

Nhà thơ Anh Ngọc hai lần gặp (đúng hơn là nhìn thấy) nhà báo Tacano. Lần đầu ông gặp Tacano ở Campuchia, vào tháng 1/1979, sau khi chế độ Pol Pot bị lật đổ. Hôm ấy chính quyền quân quản Phnôm Pênh tổ chức mít tinh, diễu binh ở sân vận động Olympic ở thủ đô. Lúc đó Anh Ngọc là phóng viên Báo QĐND có mặt để đưa tin.

Lần thứ hai Anh Ngọc gặp Tacano là sáng 7/3/1979 cũng là ngày Tacano hy sinh. Ông kể: "Tôi và nhóm phóng viên Báo QĐND và các báo trong nước và thế giới đang túm tụm ở đường 1, cách thị xã Lạng Sơn khoảng dăm cây số, không thể vào được thị xã, mặc dù Bắc Kinh đã tuyên bố rút quân từ đêm 5/3, do Trung Quốc bắn pháo chặn ở cây số 2 rất dữ dội. Hôm đó tôi lại nhìn thấy Tacano và bạn anh (hình như tên là Nacamưra) cũng đang nói chuyện với nhau. Lúc đó tôi đang đứng ngay cạnh.

Một lúc sau, tôi thấy Tacano thương lượng gì với mấy anh du kích địa phương, đoạn anh theo họ đi xuống phía triền núi. Có ai đó nói gì với anh và anh bỏ cái mũ vải trắng, vo viên, nhét nó vào túi. Một lúc sau thì Tacano, bạn anh và mấy anh du kích mất hút dưới triền đồi dẫn về phía Lạng Sơn.

Đêm đó chúng tôi mắc võng nằm trong chuồng bò nhà dân, trằn trọc không ngủ được vì thấy lăn tăn cho mình, nhà báo địa phương mà chịu nằm lại, trong khi nhà báo nước ngoài người ta lại vào được!

Mờ sáng, chúng tôi cuốn võng ra đường, thì lập tức thấy anh bạn Nacamưra của Tacano mặt nhem nhuốc toàn than, tro, bụi… nước mắt đầm đìa kể là Tacano đã bị bắn chết trong thị xã Lạng Sơn.  Mọi người đều choáng váng. Tôi không nhớ lúc ấy người ta đã mang thi thể anh ấy ra chưa, nhưng chúng tôi đã cho Nacamưra mượn chiếc commăngca đít vuông để đưa thi thể Tacano về phía sau. Một lúc sau thì chúng tôi vào thị xã, bấy giờ quân Trung Quốc đã rút lui hẳn.

Quang cảnh thị xã Lạng Sơn thật tan hoang, cây cối đổ ngổn ngang, lá cành rụng tan tác… tất cả như sau một trận bão lớn. Chúng tôi lần xuống phía cầu Kỳ Cùng và tìm được chỗ anh Tacano ngã xuống.

Hôm sau về Hà Nội, tôi tìm vào nhà xác Bệnh viện Việt - Xô để viếng anh. Một mình tôi đứng trong phòng đại thể lạnh lẽo, thấy Tacano nằm trên bàn. Tôi nhìn thấy trên trán anh hai vết băng dính, một ở thái dương, một ở trên trán. Chắc là viên đạn đã đi vào một bên và chui ra ở phía bên kia. Tình cờ, khi tôi quay ra thì nữ thi sĩ Thúy Bắc cũng tìm vào viếng Tacano. Thế là cả hai cô cháu nhà thơ Việt Nam cùng cúi lạy và viếng nhà báo Nhật mà chúng tôi vô cùng yêu quý, thương tiếc.

Nhà báo Tacano (bên phải ảnh) trước khi hy sinh. (Ảnh tư liệu)

Mấy hôm sau, người ta tổ chức lễ tang Tacano ở cơ quan ngoại vụ gì đó, tôi lại quyết định đến viếng anh. Tôi mặc quân phục tề chỉnh đến đứng trong nhà tang lễ, nhìn cảnh gia đình anh khóc lóc. Mẹ già anh đeo một chiếc gối dính chặt sau lưng (kiểu người Nhật), con gái anh, cháu Emy Tacano (khoảng 4 - 5 tuổi) ngây thơ ôm con búp bê, ngơ ngác nhìn bà, nhìn mẹ và mọi người, có lúc cháu còn nhoẻn miệng cười!

Còn vợ anh, chị Tacano (hình như tên là Michico) lúc lên đọc lời vĩnh biệt chồng và cảm ơn mọi người, tôi thấy chị rất bản lĩnh, lời lẽ nghe rất đanh thép và đầy tình nghĩa. Thương cảm vô cùng!".

Thông điệp của tình yêu

Nhà thơ Anh Ngọc kể: "Ở đám tang anh về là tôi ngồi viết bài thơ "Gửi cháu Emy Tacano" và đăng ngay trên Báo Nhân dân. Mọi người trong cơ quan tôi đều thích bài thơ. Nhà nhiếp ảnh Vũ Ba thì khen mấy câu đầu gợi nhớ bài thơ "Emily, con" của Tố Hữu gây ấn tượng mạnh, nhưng ông không thích đoạn sau cho lắm. Nhưng thực sự chỉ có cái tên hai đứa trẻ là gần nhau thôi, mọi sự thực và cách nhìn, cách cảm, cách viết giữa hai bài khác nhau xa”.

"Gửi cháu Emy Tacano" có những câu thơ rất xúc động, truyền tải thông điệp của tình yêu con người, khát vọng hòa bình: “...Tiếng súng bạo tàn rồi sẽ bị lãng quên/ Duy cái tiếng khẽ khàng kia còn lại/ Tiếng bền bỉ của ngón tay bấm máy/ Lẫn vào trong nhịp đập trái tim...”.

"Sau này thỉnh thoảng bài thơ được nhắc lại, nhưng nói chung là ít. Tacano, vì thế mà gần như bị quên!", nhà thơ Anh Ngọc chia sẻ.

Nhà thơ Anh Ngọc hiện nay.

Ngày hôm sau, nhà thơ Anh Ngọc bắt đầu viết bài ký pha tùy bút nhan đề "Ishao Tacano, tôi gọi tên anh như gọi tên một người lính". Lúc tạp chí Tác phẩm Mới của Hội Nhà văn in bài viết này, trong một cuộc họp cơ quan, nhà văn Nguyễn Khải đã khen và nói đại ý "Phải là một người trẻ mới viết được".

Gặp và chứng kiến sự hy sinh của nhà báo Tacano, nhà thơ Anh Ngọc cảm phục, ấn tượng về một hình ảnh đẹp lý tưởng của nhà báo nơi Tacano. Đó là tinh thần làm việc, chí khí can trường, thái độ văn minh và vẻ ngoài rất đáng yêu.

Việt Nam và Nhật Bản từng có mối quan hệ thân tình từ xưa như phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu…  Trong bối cảnh hiện  nay, chúng ta càng cần phải phát huy mối thân tình đó”. Nước Nhật và người Nhật là tấm gương đẹp cho ta về cách sống, lao động, làm chủ chính mình và nước mình. Tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn coi tình hữu nghị với Nhật như một sức mạnh, trên nền tảng tôn trọng nhau, ta cần học tập họ và đoàn kết sâu rộng với nhân dân Nhật. Tôi cũng rất mong có dịp sang thăm Nhật", nhà thơ Anh Ngọc bày tỏ. 

Cảm phục trước sự hy sinh cao cả của nhà báo Takano, nhạc sĩ  Phó Đức Phương đã viết ca khúc "Takano - nhân chứng quả cảm". Bài hát là một khúc mặc niệm, khúc tráng ca thật  day dứt, nao lòng, hào hùng, xúc động. Giai điệu đậm chất dân gian, với sự kết hợp tài tình những luyến láy của dân ca Nhật Bản và làn điệu hát then của dân ca Việt Nam: “Xin hát về người con của đất nước tuyết trắng Fuji hùng vĩ. Anh đã đến quê tôi trong những ngày lửa khói, tâm hồn anh tươi thắm như hoa anh đào hé nở...”.

Nhà thơ Huy Cận cũng có thơ về Tacano:

Quân thù nó bắn anh khi

Anh cầm máy ảnh đang ghi nắng chiều”.

Phạm Huy Văn
.
.
.