Nguyên mẫu phim "Mùa ổi": “Đứa trẻ” trong hình hài người đàn ông

Thứ Ba, 02/01/2018, 09:30
Phim "Mùa ổi" sống được trong lòng người xem bởi câu chuyện xuất phát từ những điều có thật, nhân vật có thật trong gia đình của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Câu chuyện đó có nguyên mẫu là ông Hoán.

Có những tác phẩm điện ảnh đã đi cùng năm tháng, lấy được nước mắt của người xem và trở thành một đề tài đầy nhân văn để những người yêu điện ảnh bàn luận. Bộ phim "Mùa ổi" của đạo diễn Đặng Nhật Minh là một phim như thế. Phim sống được trong lòng người xem bởi câu chuyện xuất phát từ những điều có thật, nhân vật có thật trong gia đình của đạo diễn. Câu chuyện đó có nguyên mẫu là ông Hoán.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Hà Nội trong những ngày cuối tháng 12 của năm 2017, mưa và lạnh, tôi đến tìm ông Nguyễn Hoán, nguyên mẫu của nhân vật Hòa trong bộ phim "Mùa ổi" ở phố Hàn Thuyên theo sự chỉ dẫn của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Ông Hoán ngồi co ro giữa cái rét và mưa dầm mùa đông trong ngôi nhà cổ và bộn bề nhiều thứ đã cũ theo thời gian. Ông không nói gì, ánh mắt khá bối rối khi gặp người lạ. Tôi thì đã từng gặp ông vài lần.

Có lúc gặp ông tại Trường Mỹ thuật Yết Kiêu, khi ông hết giờ làm mẫu vẽ trở về đi bộ trên con phố đông người qua lại. Thỉnh thoảng gặp ông ngoài đường, ông vẫn bảo cho ông vài đồng ông mua thuốc lá. Có lúc lại gặp ông trong căn nhà cũ của vợ chồng nghệ sĩ Bùi Bài Bình, Ngọc Thu khi ông đang ngồi cắm hoa.

Ông Hoán có vẻ là người vô danh trong cuộc sống đời thường, đôi khi ông đi lại trên đường như một cái bóng, nhưng ít ai biết rằng, chính cuộc đời ông Hoán và số phận của gia đình của một người Hà Nội gốc như gia đình ông đã góp phần làm nên tác phẩm điện ảnh "Mùa ổi" được giải Bông sen Vàng 2001 tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13 tổ chức ở Vinh, Nghệ An.

Ngoài hai giải thưởng ở Locarno (Giải Don Quichote của Hiệp hội Quốc tế các Câu lạc bộ điện ảnh và Giải của Ban giám khảo trẻ), “Mùa ổi” còn nhận được một số giải thưởng quốc tế khác nữa như Giải đặc biệt của Hiệp hội phê bình phim quốc tế tại LHP Oslo (Na Uy) năm 2001; Bằng khen đặc biệt tại LHP Namur (Bỉ) năm 2000; Giải NETPAC tại LHP Rotterdam (Hà Lan).

Ông Hoán trong bộ phim được gọi là Hòa, một người đã ngoại ngũ tuần nhưng trí óc vẫn dừng lại ở tuổi 13. Đó là cái tuổi ông đã bị ngã khi đang trèo cây ổi. Hình ảnh những quả ổi cứ ám ảnh không nguôi, trở đi trở lại trong suốt cả bộ phim.

Ông Nguyễn Hoán, một nguyên mẫu trong phim “Mùa ổi”.

Dù thời gian đã thay đổi, ngôi nhà cũng đã có chủ mới, nhưng đối với ông Hòa, đó vẫn là căn nhà của gia đình ông với một cuộc sống tốt đẹp, ấm êm, hạnh phúc của quãng đời thơ ấu mà ông và các anh chị em đã từng trải qua.

Ở đó, ông Hòa hiện lên là một người không bình thường trong con mắt của nhiều người nhưng không ai khác, chính ông lại là người duy nhất còn lưu giữ được những giá trị tốt đẹp của một người Hà Nội trong quá khứ. Một người tốt không thể tốt hơn, một người hiền lành không thể lành hiền hơn còn lưu giữ tất cả những tình cảm của gia đình những năm êm đềm nhất.

Ở đó, còn có hình ảnh người em gái, Thủy, cô thương anh đến thắt lòng khi phải chứng kiến những điều anh đã trải qua cũng như đã bị đối xử, phân biệt, hắt hủi trong cuộc đời đầy rẫy những bất trắc. Rồi hình ảnh cô gái trẻ là chủ nhân mới của ngôi nhà biết chia sẻ, cảm thông với hoàn cảnh của ông Hòa, trân trọng những ký ức tuổi thơ bên cây ổi sum suê trĩu quả mặc dù cô không được chứng kiến trong quá khứ của ông Hòa.

Ngồi trước ông Hoán, hình ảnh nhân vật Hòa đã hiện lên rõ rệt trong từng thước phim. Ông Nguyễn Hoán giờ đã ở tuổi ngoài 60 nhưng tâm hồn ông và hành xử của ông, vẫn hồn nhiên như một đứa trẻ ngày nào. Ông hàng ngày sống tự do, hồn nhiên như cây cỏ. Không biết chuyện trò, không biết làm tổn thương ai, cũng không có nhiều người thân thích ở Hà Nội ngoài gia đình người anh trai đang sống cùng ông ở phố Hàn Thuyên và bà Nguyễn Phương Nghi, vợ nghệ sĩ Đặng Nhật Minh (chính là em gái của ông Hoán).

Trí nhớ của ông bây giờ đã trở nên lẫn lộn, hỏi ông về quá khứ ông chỉ ừ, à rồi ông im lặng như một tảng đá. Hàng chục năm nay, được sự giới thiệu của đạo diễn Đặng Nhật Minh, ông đi làm mẫu vẽ cho các học sinh Trường Mỹ thuật Yết Kiêu. Cái nghề này có khi buộc ông ngồi bất động hàng giờ đồng hồ. Nhưng cũng chỉ ông, mới có thể làm tốt được như thế. Trở thành một người "nhà" của các họa sĩ. Lúc sinh thời, họa sĩ Vũ Giáng Hương vẽ rất nhiều tác phẩm mà người mẫu không ai khác chính là ông Nguyễn Hoán.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ rằng, có một lớp người của Hà Nội ít được phản ánh trong văn học, nghệ thuật đó là những người Hà Nội của những năm 50, không tham gia kháng chiến chống Pháp, ở lại Hà Nội sinh sống làm ăn. Họ là những nhà tư sản, trí thức tiểu tư sản, tiểu thương...

Cảnh trong phim "Mùa ổi".

Năm 1954 khi Chính phủ về tiếp quản thủ đô, những người này được gọi bằng cái tên chung là những người trong thành, hoặc là công chức lưu dung nếu trước đây có làm việc cho chế độ cũ. Những nhà tư sản thì được học tập cải tạo để từ bỏ lối sống cũ. Bà con tiểu thương thì được đưa vào các Hợp tác xã để làm ăn tập thể.

Những người trí thức cũ của Hà Nội luôn mong muốn được đóng góp công sức cho sự nghiệp chung, bù lại những ngày đã không làm gì cho kháng chiến. Ông biết rất nhiều gia đình như vậy, nhất là gia đình bên vợ của ông.

Trên cở sở của những hiểu biết đó ông viết lên truyện ngắn "Ngôi nhà xưa". Câu chuyện dựa trên những sự việc có liên quan đến ngôi nhà số 43 Hàng Chuối của ông bố vợ của đạo diễn Đặng Nhật Minh đồng ý cho cơ quan Bưu điện của nhà nước thuê tầng dưới để làm việc. Dần dần cơ quan vận động ông cho thuê nốt cả tầng hai. Ông vui lòng dọn đi ở nơi khác. Đến khi có chính sách cải tạo nhà cửa, ông được mời đi học tập cải tạo.

Đến lúc này ông mới biết rằng ai có diện tích nhà cho thuê trên 120m2 đều bị liệt vào diện phải cải tạo, phải tự nguyện giao nhà cho nhà nước quản lý, từ bỏ lối sống cũ.

Phải từ bỏ ngôi nhà của chính mình xây cất lên, nơi gắn bó với biết bao kỷ niệm buồn vui của gia đình là một điều vô cùng đau xót. Ông thấm thía được điều đó qua tâm trạng của vợ ông cùng những người thân trong gia đình bên vợ. Truyện ngắn "Ngôi nhà xưa" sau khi đăng trên Tuần báo Văn nghệ vào năm 1993 lập tức được nhiều độc giả chú ý, đặc biệt là những người Hà Nội cũ. Đài Tiếng nói Việt Nam đọc lại trong mục “Đọc truyện đêm khuya”. Câu chuyện của ông cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả và sau này, ông đã in một tập truyện ngắn lấy tựa đề "Ngôi nhà xưa".

Đạo diễn Đặng Nhật Minh đến với điện ảnh là tay ngang, như là số phận đã sắp đặt cho ông một sứ mệnh để làm nên những tác phẩm kinh điển của cho nền điện ảnh nước nhà và mang văn hóa, phong tục và câu chuyện của người Việt Nam đến với thế giới.

Ông cho biết, có nhiều người coi điện ảnh là niềm đam mê từ thơ bé, riêng ông, ông luôn bảo, ông đến với điện ảnh là do một sự tình cờ, tiếp đến là một chuỗi những sự tình cờ. Bộ phim đầu tiên ông được xem trong đời là bộ phim của Wall Disney: "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn". Đó là vào năm ông bảy tuổi.

Mãi đến năm lên mười ông mới được xem một bộ phim khác ở rạp Tân Tân đầu cầu Tràng Tiền ở Huế. Đó là phim "Zoro", một phim cao bồi Mỹ có nhân vật chính là một cao bồi, đội mũ rộng vành, phi ngựa, đeo mặt nạ đen chỉ để hở đôi mắt.

Ông không có niềm đam mê nào với môn nghệ thuật này ngoài sự hiếu kỳ của tuổi trẻ. Gia đình ông ở Huế là một gia đình phong kiến theo đạo Khổng Mạnh, lấy sự thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ làm lẽ sống, lấy chữ Hiếu làm đầu, hoàn toàn xa lạ với môi trường nghệ thuật. Trong nhà chỉ toàn những người làm nghề y và nghề dạy học, thích ngâm thơ, yêu truyện Kiều, ca dao tục ngữ và những câu hò xứ Huế.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng nói thêm rằng, thân phụ của ông, bác sĩ Đặng Văn Ngữ, cả đời nghiên cứu khoa học và đã hy sinh trong chiến trường. Gia tài cụ để lại cho cậu con trai Đặng Nhật Minh là một chiếc kính hiển vi nho nhỏ bằng một gang tay cụ mang về trong một lần đi Nhật, với hoài bão cậu con trai sau này sẽ đi theo con đường khoa học.

Và có lẽ, nếu cuộc đời không có những sự bất ngờ thì bây giờ Đặng Nhật Minh có thể đã là một bác sĩ, một nhà nghiên cứu y học nối nghiệp người cha đáng kính của mình. Nhưng đôi khi cuộc đời rất lạ và kỳ diệu nên không ai cố gắng để lý giải con đường đi của số phận, chỉ biết bám lấy nó để mà bước đi tiếp và làm tốt nhất có thể những bổn phận mà mình được giao phó.

Có lẽ vì có một truyền thống gia đình như vậy nên ông là một người nghiêm cẩn, kỹ tính và thẳng thắn. Ông là người của công việc, không đam mê những thứ phù du vặt vãnh, không trà dư tửi hậu, ông làm việc rất khoa học và tránh xa những vụ scandal liên quan đến giới nghệ thuật. Ông không có nhiều bạn, nhưng khi đã làm việc bao giờ ông cũng tìm đến những người giỏi và chuyên nghiệp nhất.

Nói đến sự thành công của phim "Mùa ổi" cùng số phận của người anh vợ, ông Hoán, đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ: "Ngoài sự xuất sắc trong diễn xuất của các diễn viên như Bùi Bài Bình, Lan Hương..., để "Mùa ổi" có được những thành công trên trước hết tôi muốn nhắc đến hai người đã giúp tôi rất nhiều từ khi đặt bút viết những dòng kịch bản đầu tiên cho đến khi phim được thu nhạc, hoà âm. Đó là vợ tôi Nguyễn Phương Nghi và con gái tôi Đặng Phương Lan. Gia đình Luật sư Bách được miêu tả trong phim chính là gia đình bố vợ tôi.

Ông Hòa trong phim chính là hình ảnh ông anh vợ tôi, cô Thủy em ông chính là hình ảnh vợ tôi. Vốn từng là nhạc công piano, vợ tôi đã gợi ý cho tôi rất nhiều ý tưởng về tính chất âm nhạc trong phim để làm việc với nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc, và anh đã làm hết mình vì chất lượng âm nhạc của bộ phim.

Con gái tôi tuy đang học Y ở Hungary nhưng đã đóng góp cho tôi rất nhiều nội dung cụ thể trong kịch bản. Trên phần génerique của phim có tên vợ tôi là biên tập âm nhạc và tên con gái tôi là người biên tập kịch bản. Chưa có phim nào tôi có nhiều kỷ niệm như thế với những người thân trong gia đình".

Những ngày mưa lạnh, ông Hoán ít ra đường. Ông đã già đi nhiều so với cái tuổi 13 xa xưa, nhưng dường như trong trí nhớ ông không có chỗ cho những đổi thay của thời cuộc và những nhiễu nhương sự đời.

Ông có những ngày ngồi bất động như một tảng đá để làm mẫu vẽ cho các cháu sinh viên, có những giờ lang thang trên phố một mình cô độc, có lúc những người xung quanh tránh xa ông vì ông ngửa tay xin tiền người đi đường để mua thuốc lá... Ít ai biết được rằng, ông là nguyên mẫu đặc biệt giúp tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Đặng Nhật Minh vươn tầm ra thế giới.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.