Người thay thế chân dung Tổng thống Mỹ trên tờ tiền 20 USD là ai?
Đã có không ít gương mặt nữ giới xuất hiện trên những tờ tiền Mỹ như nữ hoàng Isabella của Tây Ban Nha - gương mặt của đồng xu 1 USD năm 1893, hay Đệ nhất Phu nhân Washington - bà góp mặt trên tờ tiền giấy 1 USD năm 1886. Tuy nhiên, việc gương mặt của một người phụ nữ da đen có xuất thân thường dân, không biết đọc biết viết có vinh dự thay thế chân dung tổng thống Mỹ trên một tờ tiền có trị giá tương đối lớn là vô cùng đặc biệt.
Harriet Tubman là một nhà hoạt động nhân đạo người Mỹ gốc Phi và là một điệp viên Liên bang trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ. Tên thật của bà là Araminta “Minty” Ross. Cha mẹ của bà, ông Ben Ross và bà Harriet Green cũng là nô lệ. Giống như vô vàn những nô lệ da đen ở Mỹ, Harriet Tubman không có năm sinh và quê quán rõ ràng.
Nhà sử học Kate Larson cho rằng, Harriet sinh năm 1882, dựa theo các hoá đơn ở bệnh viện và giấy tờ của bà ở ngân hàng. Trong khi đó, nhà nghiên cứu Jean Humez khẳng định Harriet sinh trong khoảng năm 1818-1820. Trong đơn xin trợ cấp cho goá phụ của những binh lính đã hy sinh trong cuộc nội chiến, Harriet tự khai năm sinh của mình là năm 1825, trong giấy chứng tử của bà là 1815, nhưng trên bia mộ lại là 1820.
Có lẽ Harriet cũng không thực sự biết rõ năm sinh của chính mình, tuy nhiên có một điều mà các nhà sử học đều đồng ý, đó là Harriet trưởng thành trong giai đoạn đàn áp nô lệ da đen tàn bạo nhất.
Harriet có 8 anh chị em, nhưng 3 người em của cô bé Harriet là Linah, Mariah và Sophia đã bị bán đi, khiến gia đình của Harriet mãi mãi bị chia cắt. Một thời gian sau đó, khi một nhà buôn từ Georgia ngỏ ý muốn mua cậu em út của Harriet là Moses, mẹ của Harriet đã che giấu đứa con trai suốt cả tháng trời trong nhà của rất nhiều nô lệ trong vùng.
Cuối cùng, khi biết không thể chạy trốn mãi được, mẹ của Harriet đã hăm doạ tên lái buôn: “Tôi biết ông đang muốn bắt con trai tôi đi, nhưng chỉ cần ông bước vào đây thôi là tôi sẽ bổ đôi đầu ông ra”. Cuối cùng, tên lái buôn đã phải rút lui.
Sự kiện này đã ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của Harriet Tubman và góp phần thúc đẩy bà trở thành một nhà hoạt động nhân quyền đấu tranh cho quyền lợi của nô lệ da đen.
Giống như những đứa trẻ da đen khác, cô bé Harriet “nối nghiệp” cha mẹ mình từ rất sớm. Khi Harriet mới 6 tuổi, ông chủ của mẹ cô là Brodess đã “chuyển nhượng” cô cho một người chủ khác là quý cô Susan. Công việc chính của Harriet là trông trẻ, và mỗi lần đứa trẻ thức dậy hoặc khóc, Harriet sẽ bị ăn một trận đòn đau.
Harriet Tubman. |
Sau này bà kể lại với người viết tiểu sử rằng có những hôm chưa tới giờ ăn sáng, bà đã bị quất roi đến ngất lịm đi. Tuy nhiên có lẽ do chịu ảnh hưởng từ người mẹ dũng cảm, Harriet không bao giờ cam chịu nằm yên để bị hành hạ, có lần cô bé đã trốn khỏi nhà chủ 5 ngày liền, lần khác Harriet mặc quần áo thật dày để bị đánh cũng đỡ đau. Thậm chí khi lớn và khoẻ hơn một chút, Harriet đã liều mạng đánh trả chính chủ nhân của mình.
Chưa hết, khi từ chối giúp chủ nhân bắt lại một người nô lệ da đen đang chạy trốn, cô đã bị chủ ném một hòn đá vào đầu. Brodess từ chối đưa nô lệ đi bênh viện, vậy là Harriet phải nằm trên ghế bành, và theo như lời bà kể là “chảy máu đến mức không nhìn thấy gì nữa” suốt 3 ngày liền. Tai nạn này còn để lại di chứng dài lâu cho Harriet là những cơn chóng mặt và đau đầu dai dẳng suốt phần đời còn lại.
Sự việc này như giọt nước tràn ly khiến cô gái trẻ Harriet bỏ chạy khỏi gia đình chủ, đi tìm tự do cho chính mình. Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau đó, Harriet đã nhận ra rằng cô không thể an hưởng tự do một mình. Cô gái thông minh và dũng cảm này đã tự mình thành lập “Đường ray ngầm”, một tổ chức bao gồm những nô lệ da đen đã tự do và những nhà hoạt động vì nhân quyền người da trắng.
Cô đã thực hiện hơn 13 phi vụ và cứu thoát cũng như tìm việc làm mới cho 80 nô lệ, trong đó có cả cha mẹ và em trai của cô. Năm 1856, tin tức về những lần đào tẩu của Harriet được lan truyền rộng rãi và nhà hoạt động vì nhân quyền William lloyd Garrison đã đặt cho Hariet biệt danh Moses - nhà tiên tri từng dẫn dắt người Do Thái khỏi kiếp nô lệ thời Ai Cập cổ đại.
Năm 1861, khi cuộc nội chiến ở Mỹ đang bước vào hồi căng thẳng nhất, cựu nữ nô lệ Harriet đã đầu quân cho quân đội Liên bang với tư cách là một điệp viên. Cô là người giữ vai trò phát hiện vị trí đặt mìn của quân Ly khai để báo cho quân Liên bang, và đồng thời cũng là người góp công rất lớn vào chiến thắng của quân Liên bang trong trận đánh ở thượng nguồn sông Cambahee, South Carolina.
Sau này, cô thậm chí còn tập hợp 9 thuỷ thủ da màu thạo đường sông nước, hướng dẫn họ thu thập các thông tin tình báo về vị trí chốt canh của phe Ly khai ở South Carolina. Hơn thế nữa, các nhà sử học ở Mỹ đã ghi nhận, nếu không có bà thì cuộc giải cứu 700 nô lệ từ phe Ly khai của tướng James Montgomery sẽ không thể nào thành công.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Harriet Tubman vẫn không ngừng cống hiến. Bà đi khắp các thành phố của bờ Đông nước Mỹ để diễn thuyết ủng hộ cho quyền bầu cử của phụ nữ.
Khi đã có tuổi, bà lui về sống tại Auburn. Tuy nhiên, bà vẫn làm đủ thứ việc để phụng dưỡng cha mẹ già, bao gồm cả việc cho những cựu nô lệ thuê trọ. Một trong những người khách quen của bà là ông Nelson Charles David - một thợ đóng gạch - đã nhanh chóng phải lòng bà Harriet.
Cho dù Nelson trẻ hơn Hariet đến 22 tuổi, hai người vẫn kết hôn vào năm 1869, sau đó cặp vợ chồng nhận nuôi một bé gái mồ côi tên Gertie và sống hạnh phúc bên nhau cho đến khi bà qua đời năm 1913.
Đánh giá về những đóng góp vượt bậc của bà Harriet Tubman cho phong trào giải phóng nô lệ da đen trên toàn nước Mỹ, nhà văn Fergus Bordewich đã viết: “Harriet Tubman là biểu tượng cho lòng dũng cảm của người Mỹ trong công cuộc bài trừ chủ nghĩa nô lệ.
Hơn hết, bà là minh chứng sống cho thấy, người da trắng không phải là vị cứu tinh của những nô lệ da đen, mà chính những người nô lệ bị đày đoạ ấy đã tự đứng lên để cứu lấy chính mình”.