Người phụ nữ đầu tiên vào vai nữ anh hùng Võ Thị Sáu

Thứ Ba, 31/07/2018, 07:37
Trong làng nghệ thuật nước nhà có một gia đình 3 chị em gái đều là diễn viên điện ảnh nổi tiếng. Ở họ, mỗi người mang biểu tượng vẻ đẹp riêng biệt, đậm chất Á Đông, hay nói đúng hơn là mang hồn cốt người con gái thanh lịch đất Tràng An.

Trò chuyện với cậu của 3 mỹ nữ xinh đẹp Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Lê Chức bảo bởi cả 3 người cháu đều được hưởng sự tinh túy, hun đúc từ bà ngoại là Đinh Ngọc Anh, diễn viên đầu tiên thể hiện hình tượng nữ anh hùng Võ Thị Sáu trên sân khấu, vợ của nhà viết kịch, nhà thơ Lê Đại Thanh.

Người đàn bà đẹp

Nói đến 3 ái nữ nhà Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trần Tiến và NSƯT Lê Mai, người ta thấy cả 3 cô con gái rượu của ông bà theo con đường nghệ thuật từ tấm bé và đều có thành tích đáng kể. Nhưng ít ai biết rằng bà ngoại Đinh Ngọc Anh chính là khởi nguồn mọi đam mê để các con cháu noi theo và được hưởng những giọt mật tinh túy chắt lọc từ bà. Cuộc đời bà có thăng, có trầm như đợt sóng thủy triều, lôi cuốn, hấp dẫn đầy ma lực.

Cụ ngoại ông của 3 chị em Vân, Khanh, Vi là người quê ở Nam Trực, buôn đồ sứ Giang Tây, nhà có nhiều tàu thuyền lớn đi trên biển. Cụ ngoại bà là người Bát Tràng trong một gia đình nhiều đời Nho gia. Cụ ông trong một lần ghé vào đất gốm sứ nổi tiếng Bát Tràng để mua đồ đánh đi các vùng khác vô tình nhìn thấy cụ bà đứng sau bức rèm.

Vẻ đẹp yêu kiều, nền nã, thùy mị ấy đã khiến người trai trẻ ở đất Nam Trực, với hiệu danh Vạn An Trường đổ gục ngay từ cái nhìn đầu tiên. Chẳng bao lâu họ nên duyên chồng vợ và lần lượt sinh ra những người con. Đinh Ngọc Anh là con út.

Đất Hải Phòng là nơi giao thương với nhiều tàu thuyền quốc tế tấp nập đến địa phận của Việt Nam, nhà tư sản Vạn An Trường đưa vợ con vào đất cảng sinh sống, để tiện việc kinh doanh cho gia đình. Ngoài việc xuất - nhập đồ sứ Giang Tây, ông cho lập nhiều xưởng dệt may với hàng trăm công nhân, ngoài ra còn nuôi ngựa đua. Chỉ có những nhà tư sản mới đủ giàu và được phép nuôi ngựa như một thú chơi sang của tầng lớp thượng lưu thời bấy giờ.

Vốn là con của nhà tư sản nên Đinh Ngọc Anh được sống trong nhung lụa, trong nhà không thiếu gì con sen, người ở, vú em. Năm 16, tuổi của tâm hồn mộng mơ, bồng bềnh mây gió, bà gặp nhà thơ, nhà viết kịch Lê Đại Thanh. Ngay lập tức bà bị hút vào bởi con người hào hoa và rất đa tài cao tới 1m8 này. Họ nên duyên chồng vợ.

Quãng đời làm vợ nhà thơ, nhà viết kịch Lê Đại Thanh đầy biến động thăng trầm. Đã có lúc hạnh phúc ngập tràn như mặt trời ban mai nhưng lại có lúc thấm đẫm nước mắt, như vườn hoa bị bão tố dập vùi.

Diễn viên Đinh Ngọc Anh, người đầu tiên thể hiện vai diễn nữ anh hùng Võ Thị Sáu trên sân khấu.

NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhớ lại: “16 tuổi mẹ tôi lên xe hoa. Hơn 16 tuổi, mẹ tôi đã sinh người anh cả và cứ thế sinh. Tôi nghe nói, mẹ tôi sảy 2 lần thì không biết 15 năm đẻ 10 lần và sảy 2 lần thì như thế nào? Lắm lúc tôi cũng không hiểu trong điều kiện ấy mẹ tôi trở thành một diễn viên không chuyên nghiệp nhưng được đánh giá rất cao như thế nào. Có nhiều bài báo viết về bà.

Sau 9 năm, bố tôi từ kháng chiến về Hải Phòng thành lập một đoàn kịch mang tên “Gió Biển”. Ông viết và làm đạo diễn, mẹ tôi tham gia trở thành người thể hiện hình tượng Võ Thị Sáu đầu tiên trong lịch sử sân khấu. Mẹ tôi sinh năm 1914, năm 1958 lần đầu đóng Võ Thị Sáu mẹ đã 44 tuổi nhưng bà đẹp lắm. Lê Khanh có nét mặt của bà ngoại nhưng so với bà ngoại thì Lê Khanh vẫn phải kính cẩn trước sắc đẹp của bà.

Mẹ tôi là người cấp tiến, có tư tưởng tiến bộ. Đó là người phụ nữ đầu tiên ở đất Hải Phòng làm tóc phi-dê, tay đeo nhẫn ru-bi Ấn Độ. Đặc biệt nhất là chiếc cổ cao, thon của mẹ. Mỗi lần vấn tóc lên, lộ ra chiếc cổ thon, làn da trắng ngần mềm mại. Vẻ đẹp ấn tượng đến độ, họa sĩ Lê Đại Chúc vẫn thường vẽ chân dung mẹ và gọi bức tranh nghệ thuật đấy là: “Người đàn bà có nét cổ cao”. 3 bức chân dung với một tỉ lệ không bình thường của một cái dáng cổ rất cao. Người ta mới hỏi Chúc: “Sao lại vẽ thế này?”. Chúc bảo: “Mẹ tôi điển hình của sự kiêu sa, đài các”.

Sinh trưởng trong gia đình giàu có, mẹ lại là con út nên được cưng chiều. Mẹ ham học, ngay từ thời còn rất trẻ, mẹ đã nói tiếng Pháp thành thạo. Với tất cả chúng tôi, mẹ là người có sắc đẹp, có tài năng trên sân khấu. Đôi mắt của Lê Khanh là đôi mắt có tiếng nói riêng của mình và được hưởng nét đẹp đấy từ bà ngoại. Mẹ tôi được đi học ở trường Tây và đọc các sách văn học, tiểu thuyết bằng tiếng Pháp.

Mỗi sáng thức dậy, mẹ tôi có thói quen ăn bánh mỳ nướng già lửa chấm muối tiêu. Mẹ là diễn viên nên rất ý thức về sắc đẹp. Mặc dù sinh nhiều con nhưng dáng vẻ của mẹ vẫn thon thả, thanh thoát. Lúc gia đình còn khá giả, sau mỗi lần mẹ sinh anh em chúng tôi, trong nhà đều có 2 bà vú nuôi làm nhiệm vụ thay phiên cho các con của mẹ bú sữa.

Mặc dù sinh nhiều và dày nhưng mẹ rất nghiêm khắc. Mẹ thích tất cả phải ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng. Mẹ thường dạy chúng tôi để guốc dép luôn phải để ngang nhau. Khi nào chưa vừa ý, mẹ lại gọi chúng tôi đến xếp cho thẳng hàng rồi mới được làm việc khác. Cứ mỗi khi ngủ dậy, chị sen thay ga giường, tất cả anh chị em chúng tôi không bao giờ được ngồi lên giường của mẹ. Chúng tôi chỉ có thể chơi ở sân, trong phòng khách hay bất cứ đâu chứ tuyệt đối không được trèo lên giường của mẹ mà nhảy nhót nô đùa...”.

Gia đình nghệ thuật

Đoàn kịch do nhà thơ Lê Đại Thanh thành lập hằng ngày tập ngay trong gia đình vì nhà có diện tích rộng. Ông là tác giả kiêm luôn đạo diễn. Người bạn đời của ông lại là diễn viên. Cả gia đình là một đoàn kịch thu nhỏ. Lê Mai trở thành diễn viên và đóng cùng với mẹ. Vì thế họ tập ngay ở căn nhà lớn của gia đình. Đến tối, mọi người diễn tại Nhà hát Lớn Hải Phòng.

Thời điểm năm 1960, không khí về văn hóa nghệ thuật thật là tuyệt diệu giống như con người được mở lòng sau những năm kháng chiến chống Pháp gian khổ. Tình yêu nghệ thuật của bố mẹ hun đúc cho các con. Người con cả Lê Đại Châu cũng tham gia vào viết, người con thứ Lê Đại Chương thì đã đi vào đoàn Cổ Phong...

NSƯT Lê Chức ngậm ngùi nhớ về mẹ: “Có nhiều người kể lại rằng, lúc người Pháp sang Việt Nam đô hộ đã ra những chính sách hà khắc và lúc đó cũng không ít người tham gia Việt Minh ngay những buổi đầu kháng chiến. Trong một lần về quê chồng ở Nam Trực, gặp lúc quân Pháp càn quét, chúng trói hơn chục người và đòi xử bắn.

Lúc đó có một người con gái dáng vẻ mảnh mai rất hiên ngang đứng ra nói với bọn chúng bằng giọng Pháp chuẩn: “Các ông thử nhìn mà xem, ở đây không có Việt Minh nào cả. Đây là những con người vô tội. Họ là dân làng. Toàn là người già và trẻ em. Các ông không thể kết tội họ”.

Nhờ sự mạnh mẽ của một người phụ nữ can đảm mà sau đó giặc Pháp đuối lí nên thả tự do cho những người làng. Có lẽ, cũng chính bởi kỉ niệm từ những ngày tuổi trẻ với tinh thần yêu nước như vậy mà đến năm 1958, mẹ đóng vai Võ Thị Sáu rất đạt chăng? Báo chí ngày đó và hôm nay vẫn ca ngợi hình tượng người anh hùng Võ Thị Sáu trên sân khấu do nữ diễn viên Đinh Ngọc Anh hóa thân”.

Quá khứ khi xưa cứ nối tiếp nhau ùa về trong hồi ức người con út của gia đình, chuyện qua đã lâu mà như vừa mới xảy ra ngày hôm qua, ông kể tiếp: “Gia đình tôi có một thuận lợi là kinh tế cũng còn. Mẹ là người hiếu khách, bố quảng giao nên nhà tôi trở thành chiếu nghỉ, là nơi qua lại của những nghệ sĩ lớn từ Hà Nội trên đường xuống Hải Phòng đi Đồ Sơn, đi Cát Bà, Cát Hải. 

Sau này, đời sống kinh tế đi xuống, nhà không còn giúp việc nhưng mẹ vẫn cứ chiều lòng bố. Cũng nhờ mẹ thân thiện, luôn ân cần vui vẻ mỗi khi có khách đến chơi nhà nên mọi người rất vui vẻ tới thăm và ở lại nhà tôi. Tôi nhớ những ngày họa sĩ Dương Bích Liên đến ở nhà tôi, anh trai của tôi Lê Đại Chúc cũng bị tác động bởi anh Liên. Cứ buổi sáng tôi lại phải đi gánh nước ở ngoài đường về cho anh Dương Bích Liên tắm vì chúng tôi không có máy nước. Không có tiền trả tiền nước. Mỗi lần như vậy, anh nói với tôi: “Anh cảm ơn”.

Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức cùng cháu gái Lê Vân và vợ chồng Lê Vi.

Kinh tế xuống đến độ nhà chúng tôi không có cả tiền để mua dầu hỏa trắng, chúng tôi phải đốt bằng dầu mazut. Nhưng nhờ tấm lòng hiếu khách của mẹ mà nhà chúng tôi vẫn là cánh cổng đón chào những người bạn của bố như nhà văn Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Bùi Xuân Phái qua lại và cứ ăn ở nhà tôi như thế. Khi bố tôi và các người bạn nghệ sĩ đàm đạo, mẹ xuống bếp tự tay nấu ăn mang lên cho tất cả mọi người”.

Thời gian dần trôi, các con như đàn chim đã lớn và chúng tự bay đi để tìm mồi. Lê Mai ra Hà Nội lập gia đình với Trần Tiến và lần lượt sinh ra 3 người con. Cả hai vợ chồng đều là diễn viên của Nhà hát kịch Hà Nội. Có những lúc hai vợ chồng bận đi diễn, Lê Mai lại ôm những cô công chúa nhỏ của mình về cho bà ngoại trông. Ở bên bà, một người với tâm hồn nghệ sĩ dạt dào và có kiến thức sâu rộng đã manh nha gieo vào lòng những cô cháu nhỏ một giấc mơ màu xanh để đi đến bến bờ nghệ thuật.

Làm vợ một con người tài hoa đầy chất nghệ sĩ như Lê Đại Thanh là một nguồn hạnh phúc nhưng cũng không ít khổ đau. Ngay cả người con út Lê Chức cũng thừa nhận: “Trong mấy chục năm trời, không ít lần bố làm khổ mẹ bởi tính đào hoa, đa tình của ông”.

Hãy thử tưởng tượng xem một người với những vần thơ ngây ngất mùi yêu đương tràn ngập thì hẳn tâm hồn ông cũng mơ mộng gió trăng: “Nước mắt em là chuỗi ngọc xanh/ Mắt tôi sông nước sáng long lanh/ Em ngồi đãi thóc chiêm mùa trộn/ Tôi bắt chim vàng thả lượn quanh”.

Chẳng ai có thể ngờ rằng một cụ già đến tám mươi lăm tuổi vẫn làm những câu thơ đầy ắp tình yêu chan chứa, sóng sánh đến nhường này: “Tôi vui ngắm nắng chiều hôm/ Tìm ra ngôn ngữ cái buồn không gian/ Cái buồn xanh của Ngưu Lang/ Cái buồn vàng của trăng vàng lưỡi trai/ Cái buồn trắng của ban mai/ Hoa mơ, hoa mận, hoa nhài, ngọc lan/ Cái buồn tím ngát hoa xoan/ Buồn mai cua chín một giàn đăng tiêu/ Cái buồn đỏ của tình yêu/ Mặt trời lửa đốt cháy thiêu tâm hồn”.

Nhưng bà Đinh Ngọc Anh mang một sứ mệnh đặc biệt từ ngay những ngày đầu của tuổi non xanh để làm vợ nhà văn hóa, nhà thơ, kịch sĩ Lê Đại Thanh và đã đi cùng ông trọn con đường. Con đường đó dù có ghập ghềnh gió bão thì bà vẫn lèo lái và chèo chống con thuyền bằng tình yêu của người vợ tần tảo, thủy chung với chồng và tình yêu rộng lớn với các con.

NSƯT Lê Chức nhớ lại: Đã từng có một thời gian gia đình riêng của ông lâm vào cảnh khốn cùng, mọi chuyện xảy ra quá khắc nghiệt. Ít nhất 2 lần NSƯT Lê Chức muốn tìm đến cái chết nhưng đều được ngăn lại bởi cá tính mạnh mẽ, quyết đoán của mẹ. Bà nhẹ nhàng bảo: “Con ơi, cần phải sống, cái chết không giải thích được gì cả và những khó khăn rồi sẽ qua đi thôi”.

Chính nhờ câu nói của mẹ đã làm thức tỉnh người con út đấy, nên hôm nay ông mới ngồi ở đây để kể lại câu chuyện này, câu chuyện về mẹ ông, diễn viên Đinh Ngọc Anh, người phụ nữ nghị lực đứng đằng sau chồng, nhà văn hóa Lê Đại Thanh.

Cả một đời gắn bó với người chồng tài hoa, khoáng đạt, bà thăng hoa, lên bổng xuống trầm theo từng nốt nhạc. Cho đến cuối đời, nhà văn hóa Lê Đại Thanh mắt đã mờ, tay đã run, ông vẫn làm câu thơ thấm đẫm chất tình chan chứa để tặng cho người vợ tao khang của mình: “Đời là sa mạc lửa thiêu/ Tôi khao khát một tình yêu cháy lòng/ Em con chim nhỏ lượn vòng/ Tôi quay lưới nhốt giữa lòng tim tôi”. Chắc ở nơi xa lắm, bà sẽ mỉm cười mãn nguyện.

Trần Mỹ Hiền
.
.
.