Nghệ sĩ múa rối nước: Gian nan tìm “con đường sáng”

Thứ Ba, 08/09/2015, 10:18
Thời buổi công nghệ thông tin phát triển với rất nhiều loại hình nghệ thuật hấp dẫn, các "món ăn" thuộc lĩnh vực nghệ thuật dân tộc đang dần bị mai một. Mặc dù là một trong những bộ môn nghệ thuật ăn khách hiện nay, bởi nhu cầu của khách du lịch muốn tìm hiểu khám phá, nhưng múa rối nước cũng đang nằm trong tình trạng khó khăn chung và kéo theo nó, là sự khó khăn vất vả của đời sống các nghệ nhân, nghệ sĩ múa rối.

1. Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm nổi tiếng trong làng rối nước không chỉ với việc "cha truyền con nối" bởi anh sinh ra trong một dòng họ có 7 đời làm nghề rối nước. (Anh là con trai nghệ nhân Phan Văn Ngải - một nghệ nhân nổi tiếng ở làng rối nước Nam Chấn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Ðịnh), mà anh nổi tiếng bởi dám từ bỏ Nhà hát múa rối Trung ương, một nơi gắn bó với anh từ thuở đầu cha ông anh đã lập nghiệp để tự tìm cho mình một "con đường sáng".

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm.

Sinh sống ở Hà Nội, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đã tìm mọi cách để gắn bó với con rối, để có thể duy trì nghề diễn bằng cách sáng tạo ra loại hình độc diễn rối nước. Cũng bởi vậy, anh đã mang cả sân khấu rối nước về nhà mình, ngôi nhà 30m2 lọt thỏm trong lòng những con ngõ ngoằn ngoèo ở Ngõ Chợ Khâm Thiên. Từ tầng 1 đến tầng 4 của ngôi nhà, ở đâu cũng bày la liệt những con rối và những thứ liên quan đến nghề múa rối.

Tầng 1 là xưởng làm rối và "tạp phí lù" những thứ bảng biểu của những chuyến đi biểu diễn. Tầng 2 của ngôi nhà là không gian giới thiệu về lịch sử làm nghề rối của gia đình anh. Tầng 3 là nơi nghệ sĩ dành cho không gian chế tác quân rối. Còn tầng 4, được anh bố trí một thủy đình mini để trình diễn màn múa rối nước. Ở đó có sân khấu múa rối dành cho hơn 20 khán giả thưởng thức. Bể nước nhỏ hình bán nguyệt được quây bằng tôn, mái đình đỏ, nổi trên mặt nước là những mảng bèo, có thêm cây đa và khóm tre vàng.

Phan Thanh Liêm cho biết, anh muốn giới thiệu cả lịch sử và những nét văn hóa đặc trưng của người Việt với bạn bè quốc tế như "cây đa, bến nước, sân đình" hay "tre vàng Thánh Gióng"... Buổi biểu diễn bắt đầu bằng tiếng gà gáy, ếch nhái kêu... rồi chú Tễu từ sau cánh gà đi ra sân khấu giáo trò. Những tích trò rối nước như: Cưỡi trâu thổi sáo, Múa rồng, Tứ linh, Cày cấy... xuất hiện sống động ngay trong căn gác nhỏ. Mỗi khi có khách đặt hàng xem biểu diễn, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm cùng vợ anh xoay trở từ công tác chuẩn bị, cho đến biểu diễn, rồi giới thiệu các tích trò đến khán giả. Nhìn anh cặm cụi với  các con rối, các vật dụng cho buổi biểu diễn, có lẽ bất cứ ai cũng cảm nhận được lòng yêu nghề và đam mê nghề múa rối của anh.

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm chia sẻ: "Thường thì một phường rối nước cần đến hàng chục người cho mỗi buổi diễn, vì mỗi người chỉ có thể điều khiển một vài quân rối. Tuy nhiên, khi không có tòa thủy đình, cũng không thể duy trì được một phường rối nước với hàng chục người, mình đã tìm cách biến sân khấu rối nước thành sân khấu độc diễn để có thể sống được với nghề. Tất cả những con rối ở đây đều do tôi đục đẽo, chế tác để phù hợp với sân khấu thủy đình mini của nhà mình. Bởi vì sân khấu nhỏ nên tôi phải tạo ra những quân rối chỉ nhỏ bằng nửa quân rối thông thường. Sau đó thì trong hàng chục tích trò truyền thống, tôi cũng lựa chọn những tiết mục phù hợp khả năng biểu diễn của một đến hai người. Tôi cũng đã cải tiến con rối với đế bằng cao su thay cho đế gỗ truyền thống, vừa bền, vừa nhẹ. Vì thế tôi có thể dễ dàng điều khiển một lúc 2 con rối, thậm chí cả đội hình múa gồm 8 cô tiên".

Tuy nhiên, bên cạnh niềm đam mê và sáng tạo thì nghệ sĩ Phan Thanh Liêm, trong quá trình tìm cho mình một con đường đi riêng cho rối nước, cũng gặp không ít những khó khăn, vất vả.

Anh chia sẻ: Căn nhà riêng của hai vợ chồng và hai cậu con trai bị thu hẹp không gian sống đến mức tối thiểu. Căn nhà thành nơi biểu diễn vì thế mất đi khoảng riêng tư và ưu tiên tuyệt đối cho mọi sự khám phá của khách hàng muốn tìm hiểu và thưởng thức nghệ thuật rối nước. Hai vợ chồng và hai cậu con trai, cậu anh 15 tuổi, cậu em 10 tuổi sống trong căn phòng ở tầng 2 chừng 10m². Cũng không còn cách nào khác vì điều kiện kinh tế của hai vợ chồng cùng làm nghề chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày chứ chưa đủ dư giả để có thể mua một căn nhà chung cư dù nhỏ thôi để cho các con có điều kiện sống tốt hơn. Cũng may mà các con của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm cũng thích thú với những con rối, tuổi thơ của chúng gắn liền với những chú rối tinh nghịch và vui nhộn.

Nhưng nói gì thì nói, dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ cho con đường độc diễn rối nước, song thời buổi bão giá như hiện nay, không phải lúc nào anh cũng có khách, trong khi đó, khách của anh chủ yếu là khách du lịch và những nhóm người Việt là các lớp học của các cháu thiếu nhi muốn tìm hiểu về nghệ thuật múa rối. Thường phải 10 người trở lên thì sân khấu mới hoạt động được bởi vì phải chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều công đoạn phục vụ biểu diễn. Chính vì vắng khách nên ở thủy  đình, nơi có sân khấu rối nước mini dù được anh chăm chút cẩn thận nhưng mùa mưa đến bị ủ dột, mốc meo, nước bị rỉn ra ngoài. Nước để lâu cũng tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi.

Thỉnh thoảng anh mới thay nước, bởi vì mỗi lần thay hàng chục khối nước của sân khấu mất rất nhiều thời gian và công sức mà một mình anh không thể một lúc kham nổi. Hỏi anh về việc hợp đồng với các đơn vị hoặc đoàn khách du lịch để có lịch diễn thường xuyên, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm lắc đầu ngán ngẩm: "Cũng tùy lúc thôi, tôi cũng đã gửi điện thoại, thông tin của mình cho vài công ty du lịch nhưng khách phập phù lắm. Khi cả nhà phụ thuộc vào một cái nghề mà cái nghề đó bị bão hòa thì cuộc sống đang gặp rất nhiều khó khăn, cũng chỉ mong là nhà nước có những chính sách mở cho nghề rối nước, để cho những người làm nghề và yêu nghề như chúng tôi sẽ bớt khó khăn hơn".

2. Cũng một niềm đam mê múa rối, nghệ sĩ trẻ Trần Minh Toàn, diễn viên của Nhà hát múa rối Trung ương có một cách thể hiện khác với nghệ sĩ Phan Thanh Liêm. Với Toàn, những con rối không đơn thuần là một vật dụng hay là một công cụ của con người điều khiển nữa, mà đó như những người bạn, những người đồng nghiệp có thể chia sẻ những tâm sự và đồng hành với nghệ sĩ cả những khi thành công hay thất bại.

Rối nước.

Không có điều kiện để thực hiện một sân khấu nhỏ như anh Phan Thanh Liêm, nhưng với nghề múa rối, Toàn đã dành toàn tâm toàn ý cho những ý tưởng của đạo diễn và cũng lồng ghép những sáng tạo của mình cho linh hồn những con rối. Không chỉ điều khiển những con rối dưới nước, Toàn còn là một nghệ sĩ trẻ với hình ảnh những con rối cạn đầy hấp dẫn trên sân khấu. Nhìn những động tác uyển chuyển, điêu luyện để đưa bạn diễn của mình là những con rối tưởng vô tri vô giác trở thành một gương mặt trên sân khấu, chúng ta đều có thể khẳng định được rằng, nghệ thuật rối nước của Việt Nam không thua kém bất cứ một đất nước nào trên thế giới.

Rối cạn.

Chia sẻ về đời sống của mình, Toàn tâm sự: "Dĩ nhiên, nếu nói về lao động, tập luyện của múa rối so với những ngành nghệ thuật hiện đại thì không thể so sánh nổi vì mức chênh lệch là quá cao. Để có một vở diễn, những nghệ sĩ múa rối phải tập luyện rất cực nhọc và mất nhiều thời gian nhưng tiền thù lao thì cũng chỉ theo mức quy định của nhà nước. Tiền cát xê biểu diễn và tập luyện cũng theo quy định của nhà nước, và số tiền đó khoảng 50 -100 nghìn đồng một đêm diễn và nếu có hợp đồng thì có thể có tăng lên được khoảng 200 nghìn đồng. Nghe thì có vẻ nhiều so với nghề truyền thống chúng tôi, song để so sánh với cátxê của ca sĩ ca nhạc nhẹ chẳng hạn, thì cả đoàn diễn một đêm có khi chưa bằng một nửa thù lao người ta hát một bài. Dĩ nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng, trông lên thì không bằng ai nhưng nhìn xuống thì mình cũng còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp ở các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, là vì múa rối vẫn còn có nhiều đất diễn cho khách du lịch, đi lưu diễn ở nước ngoài và đời sống vẫn được đảm bảo ở mức trung bình. Cũng có những bạn đi làm thêm để tăng thu nhập như đi đóng phim, làm MC… nhưng trên hết vẫn dành thời gian cho múa rối".

3. NSƯT, đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Nhà hát múa rối Trung ương, một người đã có nhiều năm trong nghề múa rối đã chia sẻ: "Nếu bạn xem một nghệ sĩ múa rối tập một vở diễn hay một trích đoạn ngay từ những bước đầu tiên đến khi thành thạo thì đó là cả một quãng thời gian vô cùng vất vả và đầy khổ luyện. Nếu như các loại hình nghệ thuật khác, chỉ cần diễn viên làm tốt vai trò của mình là đủ, thì nghề rối nước, các diễn viên phải toàn tâm toàn ý cho một "người" thứ hai đó là những chú rối.

Phải làm sao để cho khán giả xem một bạn diễn đầy linh hồn, chứ không phải là một thứ gỗ, mây tre… di chuyển trên sân khấu. Điều này đòi hỏi sự khổ luyện và công phu lắm. Chính vì thế, nếu không đam mê, không yêu nghề thì không thể nào làm được. Khi đã yêu nghề, khi đã có lòng đam mê thì dĩ nhiên, sẽ có những sự đền bù xứng đáng. Nhà hát chúng tôi đã có những hợp đồng biểu diễn ở khắp nơi trên thế giới.

NSƯT Nguyễn Tiến Dũng.

Năm 2014, tiết mục "Giai điệu quê hương" đã được giải Nhất toàn thế giới, trên 100 nước tham gia thi tài và rối nước Việt Nam đã được vinh danh trên thế giới. Điều này đã khích lệ tinh thần của toàn bộ diễn viên tin tưởng vào nghề nghiệp đã lựa chọn. Tôi nghĩ rằng, nghệ thuật truyền thống khó có thể đua chen với một số ngành nghề giải trí thuộc về đời sống số, đời sống hiện đại hiện nay, nhưng không phải nó bị mất đi, không bị mai một, cái quan trọng là cách làm của anh để anh vẫn có vị trí trong lòng khán giả. Phải biết phù hợp với xu thế để có thể kéo khán giả đến rạp, mặc dù tôi biết rằng, hiện tại, thói quen mua vé của khán giả chưa thực sự có, nhưng với một tinh thần cầu thị, đam mê và yêu nghề, dần dần tôi tin rằng, khán giả sẽ quay trở lại…".

Có lẽ mong muốn của NSƯT Nguyễn Tiến Dũng cũng là mong muốn của hầu hết những nghệ sĩ, nghệ nhân theo đuổi nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật dân gian, nhưng để làm được điều này cần sự chung tay của nhiều cấp chính quyền,  nhiều nhà quản lý, cần sự đồng thuận của khán giả, của người xem để tạo điều kiện cho nghệ sĩ, nghệ nhân phát triển và nâng cao đời sống. Bản thân những nghệ sĩ trẻ, họ yêu nghề và toàn tâm toàn ý để phát triển nghề truyền thống, song thực sự nếu không đủ "miếng cơm manh áo" để nuôi sống gia đình cùng sự tồn tại của bản thân họ, thì khó lòng tồn tại và phát huy nghệ thuật truyền thống được.

Với nghệ sĩ Phan Thanh Liêm, thì rối nước ngoài niềm đam mê, ngoài vật chất nuôi sống gia đình, thì còn một lý do khiến anh muốn theo đuổi nghề đến cùng, đó là mang sân khấu nhỏ đến với các trẻ em Việt Nam. Anh chia sẻ: "Lý do tôi quyết định mang sân khấu mini về nhà phần vì yêu nghề, phần vì thương con trai cả". Anh kể, trong một buổi học ở lớp, khi hỏi về phần nghề nghiệp của cha mẹ, đến lượt con anh, khi cháu nói đến bố mẹ làm nghề múa rối thì cả cô và trò cười phá lên. Thế rồi con anh ghét múa rối từ đó. Đó cũng chính là lý do mà bao nhiêu năm nay, anh cần mẫn với sân khấu mini của mình vừa là để mưu sinh, vừa để nuôi dưỡng tâm hồn yêu nghệ thuật truyền thống, trước hết là trong gia đình anh, sau đó là vì nghề gia truyền của cha ông mà anh không muốn bị mai một…

Thiên Kim
.
.
.