Nghệ sĩ Việt cúng tổ nghiệp hay cúng giỗ tổ nghề?

Thứ Năm, 22/09/2016, 15:35
Hằng năm, theo truyền thống lưu truyền từ thời xa xưa, giới sân khấu hát bộ, cải lương đều "ốp đoàn" (ngưng diễn) để tổ chức lễ cúng tổ rất trang nghiêm, thành kính. Từ lẽ đó, ngày 4-1-2011 Chính phủ ban hành Quyết định số 13/QĐ-TTg, lấy ngày 12 tháng 8 (âm lịch) hằng năm là "Ngày Sân khấu Việt Nam". Tuy nhiên, kể từ ngày đó, không ít người đã tận dụng "Ngày Sân khấu Việt Nam" để đánh bóng tên, tạo "củ tuổi" cho cá nhân rất hài hước.

Một nghi lễ tôn nghiêm mang tính trọng vọng các bậc tiền hiền đã bị một số nơi biến thành một đám cúng bát nháo, thiếu tín ngưỡng, thừa dị đoan.

Cúng giỗ ai?

Ông Hai "móm" (92 tuổi, cư ngụ tại thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) là người được truyền "ấn hàm và kiếm pháp" tổ nghiệp hát bộ "nhánh Bình Định" cho biết: "Nếu xem việc cúng tổ là một tín ngưỡng thì phải tín ngưỡng cho đúng. Tổ nghiệp rất linh thiêng, không phải ai muốn lập bàn thờ tổ là lập. Cha tôi phải làm lễ thỉnh tổ để xin keo. Tổ đồng ý mới dám giao ấn hàm, kiếm pháp và bàn thờ tổ cho tôi. Từ khi nhận bàn thờ tổ, ngày 12-8 âm lịch hằng năm tôi đều cúng tổ nghiệp mặc dù đã rã gánh từ hơn 30 năm nay. Khi khấm khá thì cúng lớn. Khi eo hẹp thì cúng nhỏ. Cứ đến lệ cúng tổ là đào kép của gánh đang phiêu bạt ở đâu cũng phải về mặc đồ, trang điểm, lên sân khấu hát để cúng khấn tổ nghiệp".

"Đào, kép" mà ông Hai nhắc đến, nhỏ tuổi nhất cũng đã trên... 70 tuổi. Tất cả họ, kể cả con cháu đều không còn hát nữa mà làm đủ thứ nghề để mưu sinh.

Ấn hàm, kiếm pháp của cha truyền lại cho nghệ sỹ Hoàng Bé.

Sân khấu nhà ông Hai chỉ là bộ ván ọp ẹp. Những nghệ sỹ "móm mém" ấy đã ra bộ không còn vững, hơi đã hụt, giọng đã lạc nhưng vẫn say sưa hát với lòng thành kính hướng về tổ nghiệp.

Khi hỏi, tổ nghiệp là ai, chết vào năm nào mà cúng giỗ, ông Hai phẩy tay: "Gọi cúng giỗ tổ là sai hoàn toàn. Từ thời xa xưa truyền đến đời cha tôi, rồi tới tôi đều gọi ngày 12-8 âm lịch là ngày cúng tổ chứ không gọi là giỗ tổ. Không ai biết cụ thể tổ là ai, chết vào ngày nào thì làm sao cúng giỗ được? Cũng có người gọi là ngày cúng thầy tổ. Vì mỗi dịp cúng như thế, các thế hệ kế thừa có dịp thăm lại người thầy dìu dắt mình vào nghiệp. Điều chắc chắc là không ai gọi là tổ nghề mà phải gọi là tổ nghiệp".

Ông giải thích, nghề và nghiệp là 2 phạm trù khác biệt. Nghề là một công việc cụ thể mang tính kỹ thuật. Người ta hành nghề để mưu sinh. Khi một nghề không đáp ứng được thu nhập, người ta kiếm nghề khác làm kế sinh nhai. Còn nghiệp là một việc làm mang tính kiếp nợ, không làm không được, không có lợi nhuận cũng phải làm. Người nghệ sỹ được thầy truyền nghề (kỹ thuật hát) nhưng để đạt được cái "thần" của nghề hát còn phải có "tổ độ" về nghiệp.

Ông cũng khẳng định, tổ nghiệp hát bộ là tổ chung của giới trộm đạo, ăn cướp, cái bang và mại dâm. Ông nói: "Tôi không hiểu lý do. Có lẽ hát bộ là kế thừa nghề ca kỹ 7 chữ 8 nghề nên thờ chung tổ. Riêng giới ca sỹ tân nhạc, kịch sỹ, phim, chụp ảnh, múa... dứt khoát không chung tổ với giới hát bộ tụi tôi. Tổ của họ bên Tây chứ liên quan gì ở đây. Ngày xưa, khi cúng tổ chỉ có ông bầu, ông nhưng, đào, kép đứng khấn trước bàn thờ thôi. Còn hậu đài và các bộ phận khác chỉ đốt nhang.

Khấn trước bàn thờ tổ là nghi lễ. Bánh trái, hoa quả là lễ vật. Khi đến phần cúng, họ phải lên sân khấu biểu diễn cho tổ xem. Cúng chính là động tác biểu diễn chứ không phải cúng món ăn. Đâu phải đám giỗ mà cúng món ăn. Giới hậu đài chỉ khấn tổ chứ không cúng tổ. Tổ ở đây là tổ của đào, kép. Heo quay, gà quay là để chiêu đãi quan khách và đào kép chứ không phải lễ vật dâng tổ. Lễ vật dâng tổ phải là đồ chay, chứ không được mặn".

Bầu Hoàng Bé có cùng nhận định. Hoàng Bé cũng được cha truyền bộ "ấn hàm, kiếm pháp". Ông là hậu duệ thứ tư của bầu Minh Ngọc nổi tiếng miền Tây Nam bộ từ thời Pháp thuộc. Gánh hát bộ Minh Ngọc được khai bang kỳ ở Núi Sập, huyện Thoại Sơn (An Giang) từ đầu thế kỷ 20 có sự chứng kiến của chủ tỉnh và quan thống đốc xứ Nam Kỳ.

Gánh Minh Ngọc được xem là một trong những gánh hát bộ thuộc hạng đại bang lúc bấy giờ. Thuở đó, gánh Minh Ngọc đứng hàng đầu trong "ngũ đại bang" miền Tây gồm: Gánh Minh Ngọc, gánh Tấn Phát (của bầu Sáu Dương), gánh Sao Vàng (bầu Bình), gánh Minh Khai (bầu Tuyết), gánh Xuân Chiều.

Bầu Hoàng Bé cho biết, từ thuở xưa, cái nghiệp hát bộ bị xem là “xướng ca vô loại” nên rất hiếm người ngoài dòng họ chịu theo học nghề. Do sợ tổ hành nên những người hát bộ phải truyền dĩ nghiệp cho con cháu trong dòng họ mặc dù biết cái kiếp cầm ca là kiếp bạc bẽo. Bởi vậy, miền sông nước Cửu Long mới có câu hát: “Trồng trầu mà lộn dây tiêu/ Con theo hát bộ mẹ liều con hư”.

Bầu Hoàng Bé giải thích: “Dây trầu đẻ ra dây trầu, dây tiêu đẻ ra dây tiêu, dân hát bộ đẻ ra dân hát bộ, dân dã thì đẻ ra dân dã. Người dân dã có đứa con gái cứ đòi theo gánh hát bộ học nghề thì kể như lộn dây, lộn giống rồi. Ngày xưa, dân dã nhìn dân hát bộ bằng con mắt khinh thị lắm”.

Không chỉ riêng ông Hoàng Bé, ông Hai "móm" mà rất nhiều người sống nghiệp hát bộ, cải lương ở miền Nam đều thừa nhận rằng: Ăn trộm, ăn cướp, ăn mày, gái mại dâm và hát bộ, cải lương đều thờ chung một ông tổ nghề.

Không ai biết vì sao lại có chuyện lục lâm thảo khấu cùng giang hồ chi địa lại thờ chung một ông tổ nhưng ai cũng biết dân hát bộ không bao giờ bố thí cho ăn mày, ăn cướp không bao giờ chặn ghe của hát bộ, không có gánh hát bộ nào bị ăn trộm, dân hát bộ không được phép mua dâm (nhưng được phép bán dâm) và gái mại dâm không được lấy tiền của kép hát bộ.

Những giai thoại về tổ nghiệp

Nghệ sỹ Bạch Long là người được truyền thừa bàn thờ tổ của dòng tộc gánh Minh Tơ. Dòng tộc Minh Tơ có công chuyển thể loại hình hát bộ, hồ quảng sang cải lương hồ quảng, cải lương tuồng cổ. Dòng tộc Minh Tơ đã tạo cho sân khấu nước nhà những gương mặt sáng giá như: Bạch Lê, Bạch Liên, Bạch Lựu, Bạch Lý, Thanh Tòng, Bạch Long, Thành Lộc, Quế Trân, Vũ Luân, Tú Sương, Trinh Trinh, Xuân Yến, Thanh Lan, Trường Sơn, Công Minh, Thanh Sơn, Chi Bảo...

Nghệ sỹ Bạch Long còn là người gìn giữ bang kỳ Đồng Ấu Bạch Long để truyền nghề, đào tạo hàng trăm nghệ sỹ, trong số có nhiều người đạt danh hiệu nghệ sỹ ưu tú. Ông cũng đang gìn giữ quyển "Thiên hồi ký của nghệ nhân Nguyễn Thành Tôn" (NSND Thành Tôn). Trong đó NSND Thành Tôn có viết: "Ngày xưa, có danh từ gọi là ngày cúng ông, giới trẻ không dám nói chữ tổ. Người lớn gọi là ngày cúng tổ, sau này ước độ vào năm 1944 mới có cụm từ ngày giỗ thánh tổ như bây giờ...".

Bàn thờ tổ nghiệp của gánh Hoàng Bé (trái); Trương Quả Lão - một vị trong Bát Tiên được cho là Bạch Mi thần.

Trong quyển này, NSND Thành Tôn cũng khẳng định, ngày cúng tổ phải cúng tại nhà ông bầu giữ bàn thờ tổ chứ không cúng ở đình chùa miếu. Trên bàn thờ tổ có Tổ, bà Tổ, Tam giáo đạo sư, Đức Lưu tiên sinh, tiền hiền hậu hiền, tiên sư, tổ sư, thánh sư. Dưới cùng là "bàn kín" thờ ông Ngỗ Nghịch. Ngoài ra còn có bàn thờ ông Hổ và nhánh cây sung, bàn thờ ông Địa và lá đu đủ. Trước bàn thờ tổ có thêm 1 bàn hương án Thập nhị công nghệ, thổ công, thổ thần, nhạc sư, ca công, sư huynh, sư thúc, sư bá, nhơn công, Long thần lực sỹ, thập nhị cô hồn, thập loại cô hồn...

Căn cứ vào cách trình bày bàn thờ như trên thì Thập nhị thánh tổ chỉ là "khách mời" chứ không phải là chính tổ của nghiệp hát bộ.

NSND Thành Tôn cũng không biết cụ thể ông tổ là ai nhưng ông căn cứ vào lời truyền khẩu viết rằng, Tam vị thánh tổ là 3 ông Tiên sư, Tổ sư và Thánh sư. Kế đến là ông tổ Càn và bà tổ Phạm Thị Trân, nghệ nhân cung đình thời Đinh Tiên Hoàng.

Nghệ sĩ Bạch Long cho biết: “Bà Phạm Thị Trân là nghệ nhân cung đình, mất ngày 12-8 âm lịch. Mấy chục năm nay chúng tôi đều lấy ngày giỗ của bà làm ngày giỗ tổ”.

Tuy nhiên, các nghệ sỹ chèo vùng Hải Dương, Hưng Yên (theo sử liệu, đó là quê hương của Huyền nữ Phạm Thị Trân) lấy ngày 18-2 âm lịch làm ngày cúng giỗ bà.

Ngoài ra, NSND Thành Tôn cũng viết thêm về giai thoại 3 tổ tên gọi là ông Càn, Chơn, Chất. Trong đó có giai thoại ông tổ Hoàng Chơn hành nghề ăn cướp, ăn trộm để giúp dân nghèo.

Nghệ sỹ Bạch Long giải thích thêm: "Có thể từ giai thoại về ông tổ Hoàng Chơn nên giới hát tuồng thờ chung tổ với nghề ăn cướp, ăn mày. Còn việc thờ Bạch Mi thần của gái mại dâm thì tôi không nghe nhắc tới".

Cúng dường hoang phí như thế này là sai với truyền thống tổ nghiệp.

Thuyết Bạch Mi thần

Ông Hai "móm" cho rằng, ăn cướp, ăn trộm, ăn xin và mại dâm thờ chung tổ vì ảnh hưởng Thiên Địa hội. Trong phong trào phản Thanh, phục Minh, người của Thiên Địa hội ly tán khắp thế giới. Thiên Địa hội lánh nạn sang nước ta mang theo nghề hát hồ quảng. Họ lấy ngày 12-8 làm ngày cúng Bạch Mi lão tổ (tức Bạch Mi thần). Bạch Mi thần là vị tổ huấn luyện kỹ năng kháng chiến bí mật của Thiên Địa hội, trong đó có nghề ca kỹ. Vì vậy, ta cúng theo họ.

Bầu Hoàng Bé và nhiều bậc kỳ lão trong giới cải lương thì khẳng định, nghiệp hát tuồng xuất thân từ nghề ca kỹ nên thờ chung tổ là chuyện đương nhiên.

Giới nghệ nhân ca trù Hà Bắc thì cho rằng tổ nghề hát tuồng là bà Trần Liễu (có đình thờ phong sắc). Bà Trần Liễu qui tựu nữ sỹ yêu nước mở quán ca kỹ để dụ dỗ lính nhà Thanh xâm lược uống rượu say, ném xuống sông. Tác giả Linh Chi viết trong quyển “Địa chí Hà Bắc” rằng, một số đền thờ ca trù ở đây có lệ thờ Bạch Mi thần.

Những bang hội người Hoa sinh sống lâu năm ở Việt Nam thì căn cứ vào Đạo giáo cho rằng, vị thánh tổ trong hát tuồng chính là Trương Quả Lão - 1 vị tiên trong Bát Tiên. Tiên ông Trương Quả Lão có bộ râu, lông mày trắng, cưỡi ngược trên lưng lừa nên người ta gọi là Bạch Mi lão tổ. (7 vị còn lại là Lý Thiết Quài, Hàn Trương Tử, Hà Tiên Cô, Lý Đồng Tân, Tào Quốc Cựu, Lam Thể Hòa, Hớn Chung Ly).

Một số người Hoa khác thì cho rằng, Bạch Mi thần chính là Bạch Mi lão tổ (1 trong 5 vị tổ của Thiếu Lâm võ phái). Ông đã quy tựu những người ủng hộ nhà Minh chống lại nhà Thanh thành lập Thiên Địa hội.

Căn cứ vào những thuyết trên, ngày 12-8 âm lịch là ngày "cúng tổ nghiệp" hát bộ, cải lương chứ không phải là ngày "cúng giỗ tổ" như nhiều người tưởng nhầm.

Còn "thập nhị công nghệ" thì có ngày cúng tổ riêng chứ không liên quan đến ngày cúng tổ của giới hát bộ, cải lương. Ông tổ của giới ca nhạc, kịch, phim thuộc về phương Tây.

Dựa vào truyền thống nghi lễ đó, Chính phủ đã công nhận đó là “Ngày Sân khấu Việt Nam". Cần phải hiểu, đó là ngày tôn vinh các loại hình sân khấu của bản sắc Việt. Tất cả các nghệ sỹ Việt Nam có quyền tổ chức họp mặt, giao lưu và ôn lại thành quả cống hiến.

Ai đó đã biến “Ngày Sân khấu Việt Nam" thành việc mổ thịt heo, gà, đốt nhang "cúng giỗ tổ" là sai với truyền thống tổ nghiệp, lại càng sai với ý nghĩa của “Ngày Sân khấu Việt Nam". Cách làm đó hoàn toàn mang tính mê tín, phản khoa học. Nếu thật sự tín ngưỡng nghiệp tổ, nghệ sỹ nên chọn ngày qua đời của các ông, bà tổ thuần Việt để cúng giỗ. Ngược lại, hãy xem ngày 12-8 âm lịch hằng năm chỉ là ngày "cúng tổ nghiệp", chỉ dâng lễ chay và biểu diễn hiến tổ.

Nông Huyền Sơn
.
.
.