NSƯT Lý Huỳnh: Vẫn cháy mãi khát vọng nghệ thuật

Thứ Tư, 08/09/2010, 08:25
Cái tên Lý Huỳnh với những vai diễn dữ dằn và đầy cá tính đã trở thành niềm hâm mộ của không ít khán giả điện ảnh từ hơn 3 thập kỷ trước. Cũng như nhiều người, tôi không lạ gì ông trên màn ảnh. Thế nhưng lần gặp ông đầu tiên, tôi đã ngỡ ngàng và suýt... không nhận ra.

Hoàn toàn trái với vẻ hầm hố, dữ tợn với bộ râu rất "đặc trưng Lý Huỳnh" trong các vai phản diện, ngoài đời, Lý Huỳnh hiền khô, dễ gần và bảnh bao, trẻ trung, dẫu ông đã ngấp nghé tuổi 70. Chỉ có vẻ chân thật, chất phác của "ông Hai Lúa" trong "Vùng gió xoáy" là còn lại, khiến chả ai nghĩ Lý Huỳnh là người Sài Gòn chính hiệu. Bên bàn nhậu với bè bạn thân thiết, Lý Huỳnh còn nổi hứng ca tài tử, giọng ca ngọt ngào, da diết, day dứt đủ làm rơi nước mắt nhiều người và của cả chính ông.

Không ai nghĩ, một võ sư nổi danh cả nửa thế kỷ qua, lại là con người giàu tình cảm đến thế! Hóa ra, có nhiều điều về người nghệ sĩ "4 trong 1 này" (võ sư, diễn viên điện ảnh, đạo diễn điện ảnh và nhà sản xuất phim), mà không phải ai cũng biết.

Từng là Cận vệ của tướng Nguyễn Cao Kỳ

Lý Huỳnh tên thật là Lý Kim Tuyền, sinh năm 1942, tại Vĩnh Long. Niềm đam mê võ thuật của người cha vốn là võ sư gốc Hoa nổi tiếng đã chảy trong huyết quản Lý Huỳnh, nên từ nhỏ, cậu đã được cha mẹ gửi gắm ở nhiều lò võ nổi tiếng. 12 tuổi, Lý Huỳnh đã là học trò của võ sư cổ truyền nổi danh Hai Yến. 3 năm sau, Lý Huỳnh tiếp tục theo học võ sư Huỳnh Tiền, cũng là một tên tuổi trong làng võ. Người thầy thứ ba của Lý Huỳnh là võ sư Thiếu Lâm Huỳnh Đạt Vân, người Trung Quốc.

Việc đào tạo chân truyền của 3 người thầy nổi tiếng thuộc 3 dòng võ, cộng với tài năng thiên bẩm và chịu khó học hỏi của Lý Huỳnh, đã giúp ông tỏa sáng rất sớm. 12 lần thượng đài, ông giành chiến thắng tới 10 lần, còn hòa một lần, chỉ thua một lần, Lý Huỳnh đã trở thành 1 trong 4 võ sư nổi tiếng nhất miền Nam những năm trước 1975, được gọi là "Tứ tú" (bốn ngôi sao).

17 tuổi, ngay trong lần đầu chính thức bước lên võ đài, Lý Huỳnh đã chạm mặt võ sĩ Léote Francoise, vô địch quyền Anh của quân đội Pháp. Nhưng bản lĩnh, sự tự tin và khả năng cá nhân xuất sắc đã khiến Lý Huỳnh giành chiến thắng trước võ sĩ nhà nghề dày dạn kinh nghiệm. Thắng lợi này đã khiến Lý Huỳnh trở thành tâm điểm của báo giới khi đó cùng với biệt danh "Báo đen" mà công chúng ngưỡng mộ dành cho ông. Sau bước khởi đầu đầy ấn tượng, Lý Huỳnh liên tiếp khẳng định trước các võ sĩ tên tuổi như Mạch Trung Phương, Anh Thạch, Văn Đại, v.v...

Tên tuổi của Lý Huỳnh nổi danh đến độ lọt vào "mắt xanh" của tướng Nguyễn Cao Kỳ, khi đó là Tổng Tư lệnh không quân của chế độ Sài Gòn.  Để rồi, Lý Huỳnh đã trở thành cận vệ của Nguyễn Cao Kỳ trong suốt 10 năm.

Nuôi lợn để... đóng phim

Từ thập niên 60 của thế kỷ XX, Lý Huỳnh đã bén duyên với điện ảnh. Tên tuổi của ông nổi như cồn trong làng võ thuật, nên đã được đạo diễn người Hồng Kông là võ sư Hà Anh Kiệt (người đã làm phim "Đường sơn đại huynh" về Lý Tiểu Long) mời vào vai võ sư trong phim "Long hổ sát đấu". Đạo diễn Hà Anh Kiệt yêu cầu Lý Huỳnh thực hiện "liên hoàn bát cước" là chiêu rất hiếm người trong giới võ thuật làm được, nhưng ông đã tung chưởng hoàn hảo đến nỗi vị võ sư cao cường phải thốt lên đầy thán phục: "Giỏi!".

Sau khi hoàn thành vai diễn, Hàn Anh Kiệt hỏi ông có dám đấu với Lý Tiểu Long không. Câu trả lời của Lý Huỳnh là thách đấu! Ông kể, ông muốn quyết đấu vì câu hỏi chạm đến lòng tự tôn dân tộc, hơn nữa, chiến thắng từ 10 lần thượng đài cho ông đủ tự tin trước đối thủ chỉ biểu diễn võ thuật trên phim ảnh. Câu trả lời của Lý Huỳnh khi đó đã được báo chí Nam Việt Nam và Hồng Công thuật lại rùm beng. Nhưng cuộc thách đấu đó mãi mãi không bao giờ thành hiện thực, vì ngôi sao huyền thoại Lý Tiểu Long đột ngột qua đời sau đó ít lâu! Nhưng lần chạm ngõ điện ảnh ấy đã mang lại cơ duyên, để Lý Huỳnh tiếp tục có mặt trong nhiều bộ phim hành động của nước ngoài như "Quái nữ sợ ma", "Hải vụ 709", "Quái nữ diệt quyền đao", "19 bậc thềm" v.v...

Sau chiến tranh, cũng như bao gia đình khác, gia đình Lý Huỳnh cũng sống rất chật vật. Dù trong diện được sang Mỹ nhưng Lý Huỳnh không đi, phần vì cha mẹ già không thể bỏ lại, phần vì ông không muốn rời xa mảnh đất quê hương. Hào quang của Lý Huỳnh tưởng như không còn cơ hội tỏa sáng vì "áo cơm ghì sát đất" (Nam Cao). Cả nhà ông dựa vào 2 việc chính là nuôi lợn và bán bút bi. Võ đường rộng lớn được ngăn để làm chuồng nuôi lợn và cơ sở làm bút bi, do vợ ông gầy dựng. Lý Huỳnh nhớ lại: "Hơn 10 năm, chúng tôi phải làm tất cả mọi việc để kiếm sống. Cả tôi và các con trai Lý Sơn, Lý Hùng đều phải đi chở cám lợn, rồi chăn lợn, tắm cho lợn và đi bỏ mối bút bi khắp thành phố".

Thế nhưng, niềm đam mê nghệ thuật chưa khi nào tắt trong trái tim người võ sĩ - nghệ sĩ Lý Huỳnh. Giải phóng miền Nam được vài tháng, bỗng một hôm, có người mặc đồ bộ đội đến nhà tìm Lý Huỳnh. Ông tự giới thiệu là đạo diễn Khương Mễ, đến mời Lý Huỳnh tham gia phim "Cô Nhíp". Lý Huỳnh ngạc nhiên vì vừa mới giải phóng, mà đạo diễn đã biết ông. Thì ra, đạo diễn Khương Mễ đã thông qua các nghệ sĩ điện ảnh ở Sài Gòn để tìm một diễn viên nam cao to, dáng vẻ dữ dằn, để vào vai Đại tá Hoàng và được mọi người giới thiệu Lý Huỳnh.

Nghe về nhân vật, Lý Huỳnh thật sự ngạc nhiên, sợ mình không đảm đương nổi, vì trước nay ông toàn vào vai võ sư chứ đã đóng lính tráng bao giờ. Đạo diễn Khương Mễ động viên Lý Huỳnh rằng, vai diễn ông dành cho Lý Huỳnh rất hay và ông sẽ giúp đỡ để Lý Huỳnh nhập vai tốt.

Quả thật, với sự giúp đỡ của đạo diễn Khương Mễ, sự lao động sáng tạo của Lý Huỳnh, vai Đại tá Hoàng trong bộ phim "Cô Nhíp" đã tạo được ấn tượng với người xem, góp phần mang lại giải Bạc cho phim tại LHP Việt Nam và Bằng khen cho cá nhân ông. Là nghệ sĩ Sài Gòn đầu tiên được mời đóng phim sau giải phóng, thành công của Lý Huỳnh còn góp phần mang lại sự an tâm hoạt động nghệ thuật cho các nghệ sĩ miền Nam khi đó.

Năm sau, khi NSND Hải Ninh vào Nam làm phim "Mối tình đầu", cũng lại tìm đến Lý Huỳnh, mời ông vào vai Ba Búa - một kẻ giang hồ. Chính NSND Thế Anh, lúc này đã rất nổi tiếng sau phim "Nổi gió" và "Em bé Hà Nội", trực tiếp đi gặp Lý Huỳnh. Rồi Lý Huỳnh là người trực tiếp giúp đỡ, huấn luyện Thế Anh một vài miếng võ, để khi vào vai, Thế Anh có thể "thắng" được.  Sau lần kết tình huynh đệ trong "Mối tình đầu", hai người trở thành đôi bạn thân thiết cho đến tận bây giờ.

Thành công của 2 bộ phim với 2 đạo diễn nổi tiếng của dòng phim cách mạng lại đưa Lý Huỳnh lọt vào mắt xanh đạo diễn Hồng Sến. Với vai Đại úy Long trong "Mùa gió chướng" và Trung úy Xăm trong "Hòn đất", Lý Huỳnh  tiếp tục khẳng định tên tuổi của mình ở thể loại phim mới. NSƯT Lý Huỳnh kể lại: "Với dáng to cao, vẻ bề ngoài bặm trợn, tôi cứ mặc bộ đồ sĩ quan ngụy vào là đạo diễn đã khen "ra vai!"”. Lại thêm lối diễn chân thật, từ tính cách, đến ngôn ngữ, cử chỉ, đã khiến Lý Huỳnh một thời "đóng đinh" với các vai phản diện, để ông có mặt trong hàng loạt bộ phim: "Nhiệm vụ hoa hồng" (đạo diễn Hồng Sến), "Người không mang họ" (đạo diễn Long Vân), "Rừng lạnh" (đạo diễn Trần Phương), CLB Không tên (đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi), "Nơi gặp gỡ tình yêu" (đạo diễn Long Vân), v.v...--PageBreak--

Võ sư giỏi thành diễn viên xuất sắc

Ấy nhưng, đạo diễn Hồng Sến còn nhìn ra tài năng tiềm ẩn của Lý Huỳnh khi ông mời vào vai ông Hai Lúa trong phim "Vùng gió xoáy". Lối diễn mộc mạc, chân thật và đầy sáng tạo đã giúp Lý Huỳnh giành được giải Diễn viên nam chính xuất sắc tại LHP lần thứ 6 với vai diễn này.

NSƯT Lý Huỳnh bồi hồi nhớ lại: "Sau khi cộng tác với đạo diễn Hồng Sến trong một loạt phim, đều là vai phản diện, bỗng đạo diễn mời tôi vào vai ông Hai Lúa, có những tính cách điển hình của một nông dân Nam Bộ. Xưa nay chỉ toàn đóng võ sư với lính ngụy, lại chưa một ngày làm nông dân, làm sao diễn nổi?". Thấy Lý Huỳnh ngần ngại, đạo diễn Hồng Sến cả quyết: Ông nông dân này là một trung nông, từng theo kháng chiến chống Pháp, nhưng nay nhất định không vào HTX. Nhân vât lỳ lợm này rất hợp với Lý Huỳnh. Đạo diễn giải thích mãi, cuối cùng, Lý Huỳnh nhận lời. Thế là ông lăn ra học thuộc kịch bản, rồi xây dựng lý lịch nhân vật để tập làm... ông Hai Lúa. Tính ông thế, đã nhận lời là hết mình luôn.

Ba tháng trời Lý Huỳnh xa vợ con, về tận Thủ Thừa, Long An, sống với những người nông dân chân lấm tay bùn, cùng mặc đồ bà ba, cùng lội ruộng, học cày, học đánh xe ngựa, nhuộm nâu da bằng nắng gió miền Tây. Ông còn học cách đi, đứng, ngồi, đến cách quấn thuốc rê, cả cách nhậu của người dân miệt vườn. Giai điệu đờn ca tài tử cũng ngấm vào ông, như thể ông được sinh ra trên chính mảnh đất này. Có lẽ, vì vậy mà những câu vọng cổ ông ca mới da diết và rung động đến thế?

Ở nhờ nhà ông Ba Thành, Lý Huỳnh quan sát, thấy mỗi khi nằm võng, ông cụ đều gối một tay dưới đầu, một tay phe phẩy quạt, hay khi ngồi ghế, ông cụ co chân ra sao... tất cả đều được Lý Huỳnh đưa vào nhân vật thật ngọt. Thấy Nguyễn Hồ, tác giả của "Vùng gió xoáy" bị nói lắp, Lý Huỳnh liền vận dụng luôn "tật" này cho ông Hai Lúa, khiến đạo diễn rất hài lòng. Lý Huỳnh cũng lấy một "tật" của chính đạo diễn Hồng Sến cho nhân vật của mình: mỗi khi không vừa ý điều gì, ông đều xoa ngực trái và kêu: cha!

Bằng cả tình yêu nghệ thuật, Lý Huỳnh đã đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp của mình với vai Hai Lúa. Chỉ qua một cảnh ông Hai Lúa co chân trên ghế, rê thuốc hút bên ánh đèn măng-sông, trăn trở với những câu hỏi vang lên: "Hai Lúa, sao ông không vào HTX? Sao ông cứng đầu thế?...". Lý Huỳnh đã diễn tả rất thành công nội tâm phức tạp của người nông dân, để bộ phim mang ý nghĩa đặc biệt về cuộc đấu tranh giữa 2 con đường trong giai đoạn đó!

Lý Huỳnh trong một cảnh phim.

NSƯT Lý Huỳnh có quyền tự hào về những đóng góp của mình cho điện ảnh, vì sức ảnh hưởng của bộ phim không nhỏ: Cái tên Hai Lúa trở thành một điển hình văn học, để mọi người dành gọi những người mang đậm tính cách nông dân. Sau bộ phim, ở TP Hồ Chí Minh, nhiều nhà hàng mang tên Hai Lúa đã ra đời.

Nghệ sĩ "4 trong 1"

Dường như những vai diễn chưa đủ tải hết niềm đam mê của NSƯT Lý Huỳnh với điện ảnh. Ông muốn thực hiện những ý tưởng của chính mình qua các tác phẩm điện ảnh, bằng việc hợp tác làm phim. Vợ ông, người phụ nữ xinh đẹp và đảm đang vốn là một võ sĩ đồng môn, đã đồng hành cùng ông suốt bao thăng trầm, từng nuôi lợn, bỏ mối bút bi để nuôi chồng con làm điện ảnh cả chục năm qua, giờ lại sẵn sàng bỏ những đồng tiền ki cóp được, để chồng thỏa niềm đam mê.

Năm 1989, Lý Huỳnh trở thành tư nhân đầu tiên làm phim và đến nay, cũng chưa hãng phim tư nhân nào vượt được Lý Huỳnh về số lượng hơn 30 bộ phim, trong đó, 6 phim nhựa, 24 phim video. Đa phần phim ông làm là hành động, dã sử như "Lửa cháy thành Đại La", "Thăng Long đệ nhất kiếm", v.v... bởi đó là sở trường, cũng là đam mê của Lý Huỳnh. Có tới 22 bộ phim do ông chỉ đạo võ thuật. Những năm 1990, phim của Lý Huỳnh gần như tung hoành khắp trong Nam ngoài Bắc và góp phần làm nên tên tuổi của Lý Hùng qua những vai yêu cầu cao về võ thuật.

Cách đây chưa lâu, Lý Huỳnh lại hợp tác với các hãng phim nước ngoài để sản xuất "Võ sĩ siêu đẳng" và "Viên đạn tốc độ". Làm phim hành động cho thỏa chí tang bồng, nhưng Lý Huỳnh cũng phải trả giá bằng nhiều lần cấp cứu ở bệnh viện, dẫu bao năm làm võ sĩ mà không hề bị tai nạn. Ông từng bị cứa đứt cổ tay trong một pha đấm, rồi bị dây thép gai đâm thủng chân và vô số những lần đi cấp cứu do đóng phim.

Có điều, các phim của Lý Huỳnh chưa bao giờ bị lỗ, dù làm phim hành động cực kỳ tốn kém. Vì thế, "đại gia" Lý Huỳnh mới có thể thuyết phục vợ tiếp tục bỏ ra 12 tỉ đồng, để làm bộ phim dã sử "Tây Sơn hào kiệt" hoành tráng nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam từ trước đến nay, để được các nhà chuyên môn như NSND Đình Quang, NSND Huy Thành, NSND Hải Ninh, NSND Bùi Đình Hạc, nhà sử học Lê Văn Lan v.v... không tiếc lời ca ngợi.

Những ngày này, ra Hà Nội với bộ phim "Tây Sơn hào kiệt" chuẩn bị dự 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, NSƯT Lý Huỳnh luôn bị "quây" giữa sự chúc tụng của bạn bè, đồng nghiệp và của báo giới. Mệt mỏi, nhưng đó cũng là hạnh phúc với Lý Huỳnh, khi không phải người nghệ sĩ nào đã qua thời hoàng kim vẫn tiếp tục tỏa sáng như ông

Thanh Hằng
.
.
.