NSND Trần Hạnh: Hạnh phúc với những đạm bạc cuộc đời

Chủ Nhật, 01/09/2019, 14:48
Trong thời gian qua, thông tin nghệ sĩ Trần Hạnh được phong tặng Nghệ sỹ nhân dân (NSND) lan truyền và được đông đảo khán giả ủng hộ. Bản thân ông, khi biết tin thì niềm vui nhân lên gấp bội. Ông không còn mong mỏi gì hơn nữa trong 90 năm đã sống và được cống hiến cho nghề nghiệp của riêng mình.

Từ anh thợ đóng giày đến vai diễn trên sân khấu

Vẫn là con ngõ nhỏ phố nhỏ trên đường Trần Quý Cáp, con đường và quán nước nhỏ cũ kỹ quen thuộc đã bao lần tôi được ngồi trò chuyện cùng ông. Mọi thứ, kể cả nghệ sĩ Trần Hạnh, chẳng có gì thay đổi, ngoài việc ông gầy hơn, tóc bạc hơn, dáng đi chậm rãi hơn, dù ông, trong suốt cả cuộc đời gần như lúc nào cũng đầy ắp một ám ảnh đối với tôi, về một con người giản dị, lầm lũi, khắc khổ, cả trong những thước phim lẫn trong cuộc đời.

NSND Trần Hạnh sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Ông từng có một tuổi thơ viên mãn trong vòng tay của cha mẹ: Cụ thân sinh ra ông làm việc tại nhà máy in Ngô Tử Hạ ở phố Nhà Thờ, còn mẹ ông là một tiểu thương. Nhưng rồi, hạnh phúc chưa được bao lâu thì trong một cơn đau yếu, bố ông đã ra đi để lại vợ con côi cút. Lúc đó Trần Hạnh mới 8 tuổi.

NSND Trần Hạnh.

Ông đã phải sống tự lập rất sớm. Để giúp mẹ nuôi sống gia đình, ông làm nghề đóng giày thuê ở phố Tràng Tiền. Vừa đóng giày, Trần Hạnh vừa tham gia sinh hoạt diễn kịch ở Câu lạc bộ Thanh niên (của Thành đoàn Hà Nội).

Trong Câu lạc bộ có nhiều người bạn sau này đã trở thành những tên tuổi gạo cội trong làng kịch Việt Nam như NSƯT Phạm Bằng, NSND Trọng Khôi, NSND Đoàn Dũng… Nói đến đây, gương mặt ông chùng xuống, ông bảo, vậy mà họ cũng đã ra đi cả rồi, sống ít bạn, cô đơn và cũng nặng trĩu những ký ức về thời xa xưa.

Ông cho rằng, đời người về cơ bản số phận đã được ông trời sắp đặt, chẳng ai nói trước được điều gì. Bản thân ông cũng thế. Những ngày còn tuổi trẻ hăng hái, ông chỉ tham gia diễn kịch nghiệp dư. Trần Hạnh chỉ nghĩ rằng nó là sự vui vẻ tạm thời, như sự giải khuây trong chốc lát sau những giờ làm việc vất vả của một công nhân đóng giày, để được hòa mình vào một đời sống khác, một cảnh huống khác, một tâm trạng khác của cuộc đời vốn đa diện này. Nào ngờ, cái duyên nghiệp sân khấu đã ngấm vào ông.

Hay cũng có thể nói, số phận đã chọn ông để vào vai những ông già nhà quê với gương mặt đầy nếp nhăn tuổi tác, sống như thể để nhận hết những khốn khổ của cuộc đời. Ông cười đầy nếp nhăn trên khóe mắt.

Nếu như "thuận buồm xuôi gió" thì có lẽ anh thợ đóng giày Trần Hạnh xa xưa đã có cuộc đời bình lặng đến tuổi nghỉ hưu, chứ không phải sống thêm nhiều cuộc đời khác trên sân khấu, trên phim ảnh, long đong, nay đây, mai đó. Khi gặp những vai diễn đầu tiên, ông đã biết rằng, ông thuộc về những số phận khác nhau của sân khấu và màn ảnh.

Trong khi bạn bè vào học khóa đầu tiên đào tạo diễn viên chính quy của trường Sân khấu thì ông đành phải rẽ ngang về Đoàn kịch Hà Nội bởi lý do duy nhất là phụ cấp ở đó cao hơn 10 đồng. Ông bảo, vừa đi làm vừa có tiền nuôi vợ con, vì nghệ sĩ Trần Hạnh lấy vợ, sinh con khi mới ngoài 20 tuổi. Khi về Đoàn kịch Hà Nôi, người thắp lên cho ông ngọn lửa đam mê lúc đó chính là NSND, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi.

Chính cụ Nghi đã giảng dạy những bài học đầu tiên trên sân khấu của nhà hát kịch những năm xa xưa ấy. Có lần cụ đến nhà hát lúc cửa đóng then cài, cụ thốt lên: "Những ngày sân khấu không làm việc/ Nhà hát buồn như một nghĩa trang...".

Tại sân khấu Đoàn kịch Hà Nội, ông cũng đã tham gia dự thi và đoạt giải thưởng cao trong một số liên hoan sân khấu toàn quốc, những vai diễn, những giải thưởng đã mang lại cho ông chức danh Nghệ sĩ ưu tú.

Khắc khổ trên phim và trong cuộc đời

NSND Trần Hạnh lại được công chúng biết đến nhiều qua các vai diễn trong phim điện ảnh, truyền hình. Thời kỳ đầu, ông hóa thân vào các vai diễn đôn hậu, ấm áp, dáng dấp hơi cũ, khắc khổ. Có lẽ lâu dần nhìn thành quen, các đạo diễn đều giao cho ông các nhân vật người cha, người chồng với gương mặt khắc khổ.

 Đó là một Đại tá Sinh trong phim "Núi rừng yên ả"; bố An trong phim "Chuyện cổ tích cho tuổi mười bảy"; bố Lài trong phim "Tướng về hưu"; bố Lực trong phim "Cỏ lau"; ông Khiển trong "Người cầu may"...

NSND Trần Hạnh vui mừng chia sẻ với phóng viên tại lễ trao tặng danh hiệu.

Vai diễn điện ảnh bố của Lực trong phim "Cỏ lau" của đạo diễn Vương Đức là một thành công về diễn xuất của nghệ sĩ Trần Hạnh. Dù đó là vai diễn xuất hiện không nhiều, kiệm lời, nhưng ông thể hiện được chiều sâu nhân vật, nỗi đau khổ tột cùng của một người cha đã bị chiến tranh cướp mất đứa con trai duy nhất, nhưng lại nén nỗi đau vào trong để Quảng, người chồng mới của con dâu, người từng cưu mang ông nhiều năm tháng loạn lạc khỏi buồn phiền...

Khi Quảng giật những tấm ảnh của Lực từ tay ông, ông "hứt" lên rồi quỵ xuống. Ngôn ngữ không lời ấy gieo vào lòng người xem niềm xót xa đồng cảm với nỗi bất hạnh nén đặc của nhân vật.

Một trong những vai diễn truyền hình đầu tiên, và cũng là vai mà ông tâm đắc nhất là vai ông Cần trong phim "Cuốn sổ ghi đời" của đạo diễn Tất Bình. Vai diễn này thành công bởi một lẽ, những cảnh huống trong phim rất gần với cuộc đời thực của Trần Hạnh.

Đó là câu chuyện kể về một người cha nghèo, vì nhà chật nên con trai của ông không lấy được vợ. Muốn xây nhà cho con, ông chỉ còn cách ngày ngày âm thầm đi lượm ve chai gom góp tiền để xây nhà cho con và ghi chép số tiền ấy vào một cuốn sổ. Nhưng rồi, mơ ước chưa được thực hiện thì ông Cần ốm và ra đi vào cõi vĩnh hằng.

Kể về những cảnh phim, nghệ sĩ Trần Hạnh ngậm ngùi bảo, thực sự đôi khi tôi diễn mà thầm khóc ở trong lòng "phim giả mà tình thật", vai diễn ấy mang tâm tư của ông, nó như cảnh đời mà ông đã phải trải qua trong suốt mấy chục năm nay.

Ông là một người cha mẫu mực, thế nên tình thương yêu của các con dành cho ông, cho dù đó là con dâu hay con gái, đều vô bờ bến. Họ yêu ông cho dù tài sản duy nhất ông có thể mang lại đó là tinh thần và sự quan tâm mà ông đã lầm lũi cả một đời trao tặng.

Nghệ sĩ Trần Hạnh trong phim "Người đàn bà thứ 2".

Họ dành cho ông sự tôn trọng, dù ông, ở vị trí của một diễn viên nổi tiếng, chỉ có ngôi nhà hơn chục mét vuông của ông nằm trong khu Trần Quý Cáp chật chội, dột nát quanh năm với 9 nhân khẩu, dù thời gian qua con cái đã chắt bóp để xây được thành một ngôi nhà mới khang trang hơn.

NSND Trần Hạnh bảo, quả thật, ông không phải là người tài giỏi kiếm tiền hoặc nhanh nhạy trong cuộc đời. Ông chỉ giỏi phân thân trong các vai diễn. Bởi vậy, làm phim chỉ đủ tiền chi tiêu trong gia đình, hỗ trợ được các con phần nào trong cuộc sống, chứ ông chẳng dám mơ màng đến dư giả để xây nhà, dựng cửa...

Nghệ sĩ Trần Hạnh bảo rằng, người ta ai cũng có số phận cả, số phận ông chỉ được đến thế, nên hạnh phúc với sự đạm bạc của cuộc đời, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Tuổi già nhì nhằng trông quán bán tạp hóa, quần áo cho con dâu ở cổng ga. Ngày xưa khi còn khỏe thì yên vị trên chiến xe máy cũ là bạn đồng hành cùng ông trên những nẻo đường đi xe máy đến các tỉnh đi diễn cùng các đoàn làm phim.

Ông chia sẻ, cho dù nghèo thì cũng tự trọng với nghề. Ông ít nói, ít chuyện trò, nhưng làm việc luôn nghiêm túc, chẳng đòi hỏi mức cat-xê hay vai diễn chính hay phụ. Bởi ông đi diễn một phần vì phải kiếm tiền nuôi gia đình, nhưng phần cơ bản là vì ông yêu nghề, nhớ nghề. Bây giờ, tuổi 85, vai diễn ít mà sức khỏe cũng không cho phép ông đi lại nhiều, chính vì thế, có thời gian rỗi, ông vẫn ngồi quán trông coi hàng cho con. Khi rảnh rang, ông bắt xe bus đến thăm vài người bạn ở xa để có thể hàn huyên, tâm sự.

Có nhiều người cho rằng, diễn viên chỉ "khổ trên phim" mà thôi. Khổ bởi vì họ diễn giỏi. Nghệ sĩ Trần Hạnh có sự thâm trầm, ít lời, bi hài, thiên về biểu hiện nội tâm qua ánh mắt lúc đau đáu, sửng sốt, lúc thất thần vô vọng, lúc nhẫn nhục cam chịu. Diễn đến thế là cùng. Nhưng quả thật, các nhân vật trên phim đã ám ảnh vào cuộc đời ông như định mệnh khó cưỡng.

Có một câu chuyện lần gặp ông đã lâu tôi vẫn bị ám ảnh mãi. Khi nhìn đôi giày da cũ ông đã đi sờn cả mép, những đường khâu đã bắt đầu đứt chỉ, tôi hỏi: "Đôi giày này chắc là bác tự khâu cho mình?". Ông lắc đầu: "Không, đôi giày này, ông hàng xóm bỏ đi nhưng tôi thấy còn tốt quá, tôi xin ông ấy. Thế mà cũng đi được mấy phim rồi đấy!".

Ông nói xong rồi châm thuốc hút, bao thuốc lá Thăng Long ông mở ra từ lúc tôi đến gặp ông mà chỉ một tiếng sau đã hết nhẵn vì ông đốt liên tục điếu này gối đầu điếu khác mà không để cho lửa tắt trên tay mình.

Tôi lại hỏi ông: "Bác hút nhiều thế này, nên mua thuốc ít chất nicotine hơn, đỡ hại phổi". Ông cười nhăn đuôi mắt: "Thuốc này thế là đã đắt hơn đấy. Dạo xưa mua sỉ chỉ có một nghìn tám, giờ lên đến hơn chục nghìn đồng rồi. Dạo xửa xưa, tôi chỉ hút thuốc lá Điện Biên hoặc thuốc lào quấn giấy thì sao, cũng ngon cả. Cái lẽ hút thuốc này tôi biết chẳng tốt, nhưng thói quen của mình từ thời xưa đến nay, cũng khó bỏ".

Nếu ai gặp NSND Trần Hạnh, sẽ nghĩ rằng, "ông già" này thật sự là ít chuyện, thậm chí, chẳng có gì vui cả. Bởi vì, ông đã có một cuộc sống quá nhiều biến cố. Cuộc đời của ông trên phim và trên thường nhật không khác nhau mấy.

Có khác là đời thường, muốn nghe được ông kể chuyện phải nỗ lực khơi lại những giấc mơ của ông về một thời xa xưa, khi chàng thanh niên đóng giày hào hứng trên sân khấu. Bởi đã quá xa rồi những ký ức và cũng xa lắm rồi các vai diễn vừa bi hài, vừa xót xa của người nghệ sĩ già đã có nhiều năm tháng sống cùng sự thăng trầm của nền điện ảnh Việt Nam.

Bao nhiêu thế hệ con cháu đã trưởng thành, họ nối tiếp cha anh, họ thành công hơn nhờ nhiều thứ hào nhoáng bên ngoài vai diễn, nhưng mỗi thời đại có một cách khác nhau. Bản thân ông không nhìn ai để so sánh, ông tự nhìn vào mình và ông khẳng định, sống được giờ này, để nhìn thấy bao nhiêu đổi thay của đất nước, là mình cũng có lãi rồi. Còn danh vị, được thì mừng quá, cũng là cả một đời cống hiến.

Danh hiệu nghệ sĩ nhân dân được trao tặng cho ông cũng như các nghệ sĩ khác là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, của đồng nghiệp và công chúng vì những đóng góp cho nghề nghiệp mà cả một đời ông cống hiến. Từ lâu lắm rồi trong con ngõ nhỏ của cuộc đời và của ngôi nhà gắn bó suốt mấy chục năm, ông đã trở thành một hình ảnh thân thuộc của nhân dân...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.