NSND Lê Tiến Thọ - Tướng tuồng lâm trận

Thứ Bảy, 27/07/2013, 16:05

Xuất thân từ một diễn viên đầy tài năng của Nhà hát Tuồng Việt Nam, ông được Tổ đãi đặc ân cho làm nghề một cách say mê, miệt mài và để đời với hàng chục vai diễn ấn tượng. Nói đến bộ môn nghệ thuật truyền thống này không thể không nhắc đến NSND Lê Tiến Thọ. Nói như NSND Lê Huy Quang: “Một mặt, nghệ thuật tuồng đã làm tôn vinh NSND Lê Tiến Thọ, một mặt NSND Lê Tiến Thọ cũng tôn vinh nghệ thuật tuồng”.

Ông được Nhà nước phong danh hiệu NSƯT, NSND được coi là sớm nhất, trẻ nhất trong các nghệ sĩ thành danh ở nước ta. Bước ngoặt cuộc đời, sau khi không còn rong ruổi đời nghệ sĩ, NSND Lê Tiến Thọ theo nghiệp quan trường. Ông từng kinh qua hai nhiệm kỳ làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, và giờ đang ở vị trí Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

Căn phòng nhỏ, xinh xắn, ăm ắp sách trên tầng 4 là nơi làm việc hằng ngày của ông khi ông quay lại nguồn cội của mình, trong môi trường sân khấu, giữ chức Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Trong căn phòng đó có 2 bức tranh vẽ khuôn mặt tuồng được treo trên tường ngay đằng sau phía ông ngồi. Nhìn bức tranh tuồng đó tôi bất giác nhớ lại, trước đây không lâu, năm 2010, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, có rất nhiều hoạt động văn hóa và các công trình văn hóa, vì công việc, tôi thỉnh thoảng sang gặp ông ở Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch. Lúc đấy ông đang đương chức thứ trưởng.

Căn phòng của ông ở Bộ to rộng, bề thế hơn rất nhiều so với căn phòng ở Hội lúc này. Trong căn phòng của người lãnh đạo cao cấp, tôi đã ngay lập tức bị ấn tượng với cả chục gương mặt tuồng với những trạng thái biểu cảm khác nhau. Những bức tranh mang màu sắc tương phản mạnh mẽ, và cả những cái mặt nạ tuồng treo trên tường, những khuôn mặt mở mắt nhìn trừng trừng, đường nét sắc nhọn, biểu cảm dữ dội, mà dám chắc những ai thần kinh yếu sẽ… hết hồn.

Mặc dù đã từ lâu lắm, ông không còn là kép chính của Nhà hát Tuồng, không còn tối tối tung người thăng hoa, để bay trong các vai diễn nặng ký, tả xung hữu đột trong bộ môn nghệ thuật truyền thống được cho là rất khó nghe, khó xem, khó diễn này. Nhưng có lẽ cái thuở, một thời lừng lẫy, oanh liệt đấy đến nay vẫn chưa ngừng cuộn chảy, ầm ào trong ông. Nó xuất hiện mọi lúc, mọi nơi, ăn vào mọi ngóc ngách trong trái tim và tâm hồn người nghệ sĩ. Phải rồi, nói đích xác, ngay cả khi ông ở vị trí lãnh đạo với cấp hàm cao - Thứ trưởng - thì trái tim và tâm hồn người nghệ sĩ vẫn luôn thổn thức. Chính nhờ điều đó mà những người bạn nghệ thuật, các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, các nghệ sĩ diễn viên của nền sân khấu và điện ảnh… mới thấy thân mật, gần gũi hơn khi tiếp xúc với ông.

Nhiều nghệ sĩ nói lại, thật may mắn vì lúc đó ở trong ngành văn hóa nghệ thuật có được một người ở vị trí cao mà lại xuất thân trong môi trường nghệ thuật, đi lên từ diễn viên tài năng, sáng giá. Điều đó, nhất định, ở một khía cạnh nào đó, sẽ có sự đồng cảm và giao thoa giữa những tâm hồn nghệ thuật. Với lợi thế đó, người lãnh đạo sẽ có sự hiểu biết cặn kẽ, có con mắt xanh để đánh giá sâu sắc hơn trong đời sống hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Khi xưa, đặt chân vào phòng làm việc của ông ở Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, giữa ông và tôi là những câu chuyện khác. Đó là đề tài về các công trình văn hóa 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, lúc đó ông bù đầu với hàng tá tài liệu bản thảo dang dở cần phải giải quyết gấp. Bây giờ, được quay về “an dưỡng” trong cái nôi nghệ thuật của mình, được trở lại tắm mình trong “dòng sông xanh” mà ngay từ thuở ban đầu đầy lưu luyến ấy, gắn bó ăm ắp kỷ niệm. Giờ đây, tất cả hiện hữu trong ông cứ như thước phim quay chậm…

Ông sinh ra tại mảnh đất xứ Thanh, là con út trong gia đình 7 anh chị em. Năm 12 tuổi, một trưa hè cậu bé Thọ mồ hôi nhễ nhại, hớt hải chạy về nói với mẹ: “Mẹ ơi, thấy bảo có tuyển người đi văn công ở trên huyện, người ta đến đông lắm. Mẹ cho anh con đi thi đi”. Người mẹ âu yếm nhìn cậu trai út đang hào hứng kể, nói với cậu bé: “Anh con còn có nhiều việc phải làm. Đi làm sao được. Con đăng ký đi thi đi”. “Ôi, con không thi đâu” - cậu bé giãy nảy.

Hôm sau, sợ mẹ bắt đi thi, lúc đó, trong suy nghĩ non nớt của cậu bé, Hà Nội là một thiên đường xa xôi lắm, phải xa tất cả cậu không đành lòng. Vậy nên, mới sáng sớm hôm sau, cậu trốn biệt. Người mẹ đi tìm khắp rồi cuối cùng thấy cậu ở đầm sen, mẹ dỗ dành, hứa nếu cậu chịu đi thi sẽ cho mấy hào ăn kem. Cậu bé một mặt muốn vui lòng mẹ, lại thèm được mút que kem mát lạnh nên ngồi sau xe người chú chở hơn 10 cây số lên huyện rồi đêm hôm đó ngủ lại nhà một người quen để sáng sớm hôm sau còn kịp thi tuyển. Nhà văn hóa huyện hôm đấy đông kín, tấp nập người ra vào, cơ duyên đưa đến, cậu bé Thọ trúng tuyển.

Hôm lên đường nhập học ở Hà Nội, người thầy từ lâu quý cậu bé như con cưng lắc đầu buồn bã bảo: “Trò không chịu nghe thầy, trò đi thế này là nhầm đường rồi. Nghiệp của trò phải theo con đường khác. Thôi, khuyên thế nào trò cũng không nghe. Thế này, đường công danh sự nghiệp của trò chẳng có tương lai gì rồi…”.  Suốt một thời gian dài, ông vừa thương vừa giận người học trò của mình, người học trò mà ông đặt hết cả niềm tin và hy vọng…

Khi đến với bộ môn nghệ thuật truyền thống này, ngay lập tức cậu bé đã gây ấn tượng mạnh với các thế hệ tiền bối đi trước. Được sống trong cái nôi của nghệ thuật, đêm đêm dưới ánh đèn sân khấu, ánh đèn lung linh như những vì sao sáng lấp lánh, hòa trong tiếng kèn đồng, tiếng trống rộn ràng, lời ca tiếng hát, cung đàn say mê, tự lúc nào, nghiệp tuồng ngấm vào từng thành mạch nhỏ chảy li ti trong huyết quản người nghệ sĩ. Năm 30 tuổi, người diễn viên ấy được phong NSƯT, đồng thời cũng là NSƯT trẻ nhất được phong đợt 1.

Lúc đó, lần đầu tiên Nhà nước phong danh hiệu cho các nghệ sĩ tài năng có sức sáng tạo và đóng góp to lớn với ngành nghệ thuật. Thế là, điềm nhiên, chàng diễn viên điển trai, kép chính của Nhà hát Tuồng Việt Nam được “ngồi cùng chiếu” với các bậc bề trên, những người thầy của mình. Cả thầy và trò cùng một lúc được phong danh hiệu NSƯT.

Khi danh sách NSƯT được đăng tải trên báo, tết năm đó, các cán bộ cấp cao của xã và huyện đến nhà riêng của ông ở xứ Thanh để chúc mừng. Người cha của ông đứng ở cửa run lập cập vì không biết có chuyện gì. Tại sao các cán bộ xã và huyện lại kéo đến đông thế này? Đến khi biết lý các cán bộ đến chúc mừng vì cậu trai út đã vinh dự đạt danh hiệu NSƯT trong đợt Nhà nước xét tặng đầu tiên và là nghệ sĩ ít tuổi nhất, người cha mới hết run và thở phào nhẹ nhõm. “Ô! Thì ra cậu con mình cũng được đấy chứ. Thế mà, hằng ngày mình cứ trách mắng nó suốt” - ông cụ vui mừng.

Còn người thầy giáo cũ vẫn quan điểm cũ, nhất quyết bảo với cậu học trò: “Con vẫn đi sai đường rồi trò ạ!”. Mãi 9 năm sau, khi bước vào tuổi 39, ông được phong NSND và cũng là NSND trẻ tuổi nhất trong làng nghệ thuật sân khấu.  Đến lúc này, người thầy năm nào, đã già yếu lắm, mới điện thoại cho người học trò của mình nói một câu: “Chúc mừng trò”. Một câu nói thôi, mà cả hai thầy trò xúc động đến trào nước mắt.

Khi được phong NSƯT, tiếng tăm của người diễn viên trẻ nổi như cồn. Làng xã, ủy ban khấp khởi chia vui tự hào vì nơi đây có người nghệ sĩ ưu tú. Trong một buổi từ thủ đô Hà Nội về quê mình để tuyển sinh cho lớp diễn viên, ông cùng một đồng nghiệp vào ủy ban xã để làm việc. Lúc bấy giờ phong trào thời trang của thanh niên là để tóc dài, và mặc quần ống loe. Tại ủy ban người ta trưng một cái biển to tướng: “Không tiếp ai để tóc dài, mặc quần loe”.

Nghệ sĩ của chúng ta, cũng hứng thú với trào lưu ấy, lại là diễn viên có hạng nên ông để tóc dài lượt thượt và cái ống quần thì…ôi thôi…rộng ơi là rộng, loe hết cỡ.  Anh cán bộ xã nhìn thấy NSƯT Tiến Thọ đi vào liền nhanh tay quay cái bảng có ghi những dòng chữ ấy vào phía trong bàn, coi như chưa từng có chuyện gì, hồ hởi nói chuyện với người nghệ sĩ mình ngưỡng mộ từ lâu.

Đợt tuyển sinh lần đó, mắt xanh của ông đã tuyển được hai cô gái trẻ mà ngay sau đấy ông dắt lên thủ đô. Sau này họ đều là nghệ sĩ thành danh, được công chúng yêu mến là NSND Hương Thơm, và NSƯT Vương Hà.

Tại sao là một diễn viên tuồng ông lại được các bậc tiền bối cưng nựng, âu yếm. Nhiều lão làng trong làng nghệ thuật truyền thống bảo, bộ môn này xuất phát từ miền Trung gắn liền với cung đình với tích tuồng cổ với những đề tài quân quốc, có phần cứng ngắc khó xem được chàng trai xứ Thanh như một cơn gió mát lành, trong trẻo, phả vào sự thăng hoa, bay bổng, mềm mại của đất Bắc, khiến nghệ thuật tuồng  thêm sinh khí của sự tươi mới.

Trong cuộc đời làm diễn viên, ông để lại ấn tượng sâu đậm với các vai diễn khác nhau: Trọng Thủy, Ôtenlô, Lý Phụng Đình, Nhiếp Chính Bang… NSND Trần Bảng đã từng thốt lên: “Khi xem Tiến Thọ biểu diễn, có cảm giác như anh đang báo cáo một công trình nghệ thuật tuồng đề tài hiện đại”. Sau này, khi đã hiểu biết phong phú, sâu sắc về kiến thức loại hình nghệ thuật độc đáo này, ông chuyển thể tuồng và đạo diễn các vở cho sân khấu tuồng.

Một lần giáo sư Nguyễn Lộc vô tình biết được con người này xuất thân chỉ từ một diễn viên mà đã chuyển thể kịch bản tuồng hay đến vậy, ông càng ngạc nhiên hơn khi tìm hiểu con người này chưa từng học qua một trường ngữ văn nào. Vị giáo sư đáng kính khuyên nghệ sĩ Lê Tiến Thọ thi vào Đại học Tổng hợp văn. Lúc đấy, ông đang bộn bề với lịch diễn hàng tuần lại đạo diễn nhiều vở sân khấu truyền thống khác. Vốn kiến thức xưa, nay rơi rụng đã nhiều. Người nghệ sĩ cũng “đánh quả liều” đi thi và không may ông thiếu nửa điểm.

Lúc đấy, các bậc tiền bối trong ngành đôn đáo lo cho ông tờ giấy xác nhận do quá bận với công việc nghệ thuật nên thi bị thiếu nửa điểm. Nhưng rồi, không thể có một ngoại lệ như vậy, nhà trường cũng không chấp nhận tờ đơn ấy. Bẵng đi một thời gian, một lần khác GS Hà Minh Đức sau khi xem xong một vở tuồng do ông làm đạo diễn.

Giáo sư, nhà giáo, đến thẳng trước mặt người nghệ sĩ tài hoa rồi thủng thẳng nói: “Tôi đã xem rất nhiều vở của anh diễn và đạo diễn. Anh quả thực rất có tài. Nếu không đi học ngữ văn thì rất phí vì đi học sẽ có thêm kiến thức hỗ trợ  nghề nghệ thuật của anh…”. Lời khuyên chân thành, giản dị của nhà giáo khiến cho ông thêm quyết chí. Lê Tiến Thọ quyết tâm ôn học, năm 1986 ông đỗ vào Trường đại học Ngữ văn, đến năm 1991 thì tốt nghiệp ra trường.

Năm 1986, những ai học tại Trường đại học Ngữ văn năm đó đều nhớ, khi đó cả chỗ để xe của trường đại học, trong bạt ngàn xe đạp thì có hai cái xe máy duy nhất. Một của một thầy giáo vừa đi dạy ở Nhật về, một của nghệ sĩ tuồng tài hoa Lê Tiến Thọ.

Năm 1991, tốt nghiệp ra trường, ông giữ các cương vị: Giám đốc nhà hát Tuồng; năm 1996, ông là Cục phó, rồi Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn, năm 2003 ông giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ VH-TT (sau này là Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch). Ở vị trí quan trường bận bịu với không ít các việc lớn bé to nhỏ trong ngành văn hóa nghệ thuật, NSND Lê Tiến Thọ vẫn dành nhiều thời gian để đi xem sân khấu, nhất là với nghệ thuật tuồng, ông vẫn luôn đau đáu và chung tình trên hết.

NSND Đàm Liên, NSND Mẫn Thu biết tính của ông, cả hai vẫn thường nói với các diễn viên diễn không đạt rằng: “Bọn bay mà diễn thế này thì ông Thọ (NSND Lê Tiến Thọ) mòn hết cả răng”. Chả là, lúc nào ông cũng đau đáu, canh cánh với bộ môn nghệ thuật này, nếu diễn viên diễn hay thì hạnh phúc run rẩy, cảm xúc trào dâng, tim ông thắt lại, còn diễn viên diễn dở, ở dưới hàng ghế khán giả, ông bức bối, tức giận, nghiến răng kèn kẹt. Nghiến nhiều thì sẽ mòn răng chứ sao?!

Giờ đây, trong những ngày này, sức khỏe của ông không được tốt như xưa. Người ông cứ gầy và sút cân. Căn bệnh kỳ lạ mà cả một quãng thời gian dài bác sĩ không tìm ra nguyên nhân. Các bạn bè thân thiết nhìn ông không khỏi xót xa, gia đình lo lắng, bản thân ông cũng không hiểu mình mắc bệnh gì. Mới đây, bác sĩ đầu ngành đã phát hiện ra bệnh, một loại nấm lạ ở cổ họng rơi xuống dạ dày khiến cho hệ tiêu hóa có vấn đề. Ông gầy, xanh, nhưng yên tâm điều trị theo đơn thuốc của bác sĩ. Ốm vậy, nhưng nói đến nghề, trong con người nghệ sĩ chân chính ấy vẫn bừng bừng một ngọn lửa sáng rực, mãnh liệt.

Các bạn bè một thuở, cái thời oanh liệt đó, đến nay, người còn người mất, những NSND lẫy lừng ấy ai đã ra đi, phiêu diêu bồng bềnh trong thế giới bên kia, còn lại những NSND đang sống, họ gắng gỏi từng ngày để nếu còn làm gì được cho nghệ thuật, cho nghề Tổ họ vẫn sẽ hiến mình đến cùng, dù có thể kiệt sức, ngã gục trong lúc làm nhiệm vụ. Hạnh phúc chỉ đơn giản là được chết với những gì mình yêu

Trần Mỹ Hiền (mytrantcsk@yahoo.com)
.
.
.