NSND Lan Hương (Hương Bông): Nhớ Thủy trong “Mùa ổi”

Thứ Tư, 13/07/2016, 11:25
Người ta vẫn gọi chị là Hương Bông để tránh nhầm lẫn với Hương (Em bé Hà Nội). Tóc chị thời trẻ bông xù tự nhiên ôm lấy gương mặt thanh thoát, mái tóc gợn sóng đổ dài xuống dáng vẻ mảnh mai của chị, và giờ đây nhờ công nghệ hiện đại, mái tóc ấy đã ép thẳng, siêu mềm mịn, nhưng người ta vẫn quen gọi chị bằng tên cố định: Hương Bông.

Hơn ba mươi năm gắn bó với nghề, là gương mặt phim truyền hình quen thuộc, đồng thời có hàng loạt vai diễn trên sân khấu kịch, ở địa hạt nào chị cũng có thành công nhất định, nhưng nhắc đến bộ phim gây ấn tượng nhất của Hương Bông, người ta nhớ ngay đến Thủy trong "Mùa ổi" của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh. Với vai diễn này, năm 2001 chị đã giành được giải "Diễn viên xuất sắc nhất" trong kì Liên hoan Phim quốc tế tại Singapore.

NSND Lan Hương.

Tung hoành trên sàn diễn của Nhà hát kịch Việt Nam, nơi mệnh danh là "Anh cả đỏ" của sân khấu thủ đô,  nghệ sĩ Hương Bông có hàng trăm vai diễn lớn nhỏ trên mấy mét vuông sàn diễn. Nhưng cũng như bao diễn viên nổi tiếng khác để khán giả cả nước biết đến là nhờ công của truyền hình.

Chị từng tham gia nhiều phim "Khoảnh khắc yên lặng trong chiến tranh", "Con đường hạnh phúc", "Vệt nắng cuối trời", "Tình yêu không hẹn trước", "Những công dân tập thể", "Bí thư tỉnh ủy"… vai diễn mà các đạo diễn ghi nhận nhất là Thủy trong "Mùa ổi" của Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh.

Phim  kể về cuộc sống của một người đàn ông nhiều tuổi nhưng tâm hồn chỉ là một cậu bé có trí tuệ chậm phát triển. Năm 13 tuổi, Hòa (Bùi Bài Bình đóng) bị té từ trên cao xuống và bị ảnh hưởng đến não.  Cuộc sống của Hòa từ đó trở đi lúc nào cũng chỉ như một cậu bé 13 tuổi. Hòa vốn thật thà, tốt bụng, ai có việc gì nhờ, Hòa đều chăm chỉ nhiệt tình làm không công, nên đã không ít người xem Hòa là một người để sai vặt.

Chỉ riêng Thủy (Hương Bông đóng), chị ruột của Hòa là cảm thấy đau lòng. Thủy vẫn thường quan tâm đến Hòa, và điều khiến Thủy lo lắng là Hòa hay lén về ngôi nhà cũ của gia đình, nơi Hòa ngã vì hái ổi. Bao nhiêu năm rồi, ngôi nhà đã có người chủ mới nhưng cây ổi vẫn còn ở đó.

Người đàn ông không bình thường này có niềm say mê thích thú khi ngày ngày về thăm lại căn nhà cũ và nhìn qua lỗ hổng mà người ta mở khóa để quan sát ngôi nhà. Mới đầu sự việc điên rồ này đã làm cho cô con gái của gia đình chủ mới của căn nhà rất sợ và tưởng là kẻ trộm. Nhưng sau khi hiểu ra, cô đã lén bố mẹ cho Hòa vào thăm lại ngôi nhà. Những cảnh vật quen thuộc; từng căn phòng, từng cánh cửa, từng khoảng sân và cành cây đưa anh về trở lại kỉ niệm của tuổi thơ. Ở đó anh có một gia đình hạnh phúc, có bố mẹ, có chị…

Bộ phim thành công đến độ, đã mười lăm năm từ ngày bộ phim ra đời, nhưng nhắc đến Hương Bông, người ta lại nhớ đến “Mùa ổi”. Hoặc khi nhìn thấy cây ổi, người ta lại nghĩ đến Hương Bông.

Chị là người Hà Nội gốc, bà ngoại chị ở làng Ngọc Hà, ngôi làng ở thủ đô nức tiếng trồng hoa. Chị kể: Khi mình lớn lên về làng Ngọc Hà bây giờ là làng Vạn Phúc, thì lúc đấy không còn làng trồng hoa nữa. Nhưng ngôi nhà của bà ngoại ở đấy có cả một cái vườn rộng. Có nhiều cây ăn quả, cây ổi, khế lúc lắc trĩu quả… Mỗi lần được về trên đấy chơi thì đi mất năm xu tàu điện, xuống bến tàu đi bộ một quãng vào nhà. Bà ngoại mất đã từ lâu lắm nhưng ấn tượng về bà ngoại trong chị vẫn không bao giờ phai mờ.

Chị bảo: Trong nhà bên nội không có ai theo nghiệp diễn nhưng họ ngoại thì từ các bác, các cậu, các dì ai nấy đều có tố chất nghệ sĩ từ trong máu. Mọi người không phải là nghệ sĩ nhưng hát rất hay, biết chơi đàn. Bác chị có thể chơi măng-đô-lin, violin, cậu chị cũng có thể đánh măng-đô-lin, ghi ta, thổi sáo. Cậu và mẹ hát rất hay…

Bà ngoại cũng vậy, thời Pháp bà làm nghề làm bánh rán, làm xôi chè, gói bánh chưng, để nuôi một lúc 8 người con và 6, 7 người cháu. Nhà chị rất đông, mỗi lần ăn cơm là mọi người phải đứng xung quanh một cái bàn to. Bàn như một cái giường lớn rộng đến hai mét. Mọi người đứng xung quanh ăn, khoảng dưới chân bàn rất rộng có thể để cho hai, ba đứa trẻ nằm ở dưới.

Nhà bà không giàu nhưng bà luôn cố gắng để cho các con được ăn học, tất cả cô dì chú bác trong gia đình đều được học hành đến nơi đến chốn, và ai cũng có tố chất nghệ sĩ. Bà thuộc nhiều thơ văn, các câu ca dao và bà hát rất hay, bà có những câu hát ru mà bây giờ chị vẫn nhớ. Mẹ chị cũng được hưởng nền giáo dục ấy, mẹ chị cũng có những câu hát ru để hát cho các con các cháu.

Có lẽ được hưởng đức tính chịu khó từ bà, từ mẹ nên chị là người làm việc chăm chỉ. Khi chị bước chân vào nhà hát, học nghề diễn viên; lúc đó thời bao cấp khốn khó, ở nhà chị phải làm thêm rất nhiều việc, như đan, thêu, dệt len, may quần áo. Năm lên 6 tuổi chị có thể đan được; rồi đến khi chị vào nhà hát chị đã mua được cái máy dệt, chị dệt các áo len cho các tổ sản xuất, ngoài ra   còn dệt cho người thân quen.

Có những người khách nói: "Chị ơi ngày mai em phải có cái áo để mặc đi đám cưới thì chị có thể hoàn thiện chiếc áo ấy suốt cả một đêm đến 5, 6 giờ sáng xong chị lại ra Nhà hát đi tập bình thường mà không cảm thấy mệt gì cả. Có những người bạn lớn tuổi sẽ bảo là "Hương tài thật đấy", hoặc nhà chị có phẩm chất đó. Chị bảo: "Mẹ chị cũng có thể làm thế, chị gái làm như thế, chị cũng sẽ làm như thế mà không thấy mệt mỏi. Và nếu hôm sau có mệt một tí nhưng mà khi khách hàng nhận được cái áo len ấy thì chị thích lắm. Chị vẫn thích làm hoặc là chị làm cho ai vui thì chị có thể bỏ hết sức lực làm mà không thấy mệt gì cả".

Ngay kể cả bây giờ chị vẫn giữ nguyên phẩm chất đáng quý đó. Vào mùa đông, khi trời lạnh đến dưới 10 độ C, Đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang đóng bộ hầm hố và trên cổ ông quàng một chiếc khăn len màu đen rất dày và đẹp. Vị đạo diễn khoe: "Hương Bông đan cho anh đấy". Hoặc khi chị có cháu nội, chị bỏ công ra đan, cắt may quần áo cho cháu và chị rất vui khi làm điều đó.

Chị và anh Đỗ Kỷ vào Nhà hát Kịch Việt Nam từ năm 1978,  đến  năm 1987 thì hai người tổ chức đám cưới. Cho đến giờ xấp xỉ 30 năm sống chung trong một mái nhà, và mọi người đều ngạc nhiên tại sao hai vợ chồng chị lúc nào cũng ríu rít như đôi sẻ non như thể thời gian càng làm cho đôi uyên ương thêm thắm lại. Chị cười bảo: Năm nào đến dịp kỉ niệm ngày cưới họ lại bảo: "Úi giời, lại được một năm nữa rồi đấy nhé."

Chị tâm sự: Người đàn bà quan trọng nhất là tìm cho mình được một bờ vai, người đàn ông mà mình có thể tin tưởng. Cả hai vợ chồng chị có cùng quan điểm sống nên ít gặp rắc rối, chứ trong cuộc sống gia đình thì cũng có lúc này lúc kia, nhưng do cách ứng xử của cả hai người và có sự lựa chọn trùng hợp nên không gây sự ầm ĩ.

Chị và anh yêu nhau 10 năm và lấy nhau đến bây giờ thành như là một thói quen, có thể cùng ngồi chuyện trò hoặc đi đâu vẫn cứ rủ rà rủ rỉ hai người. Nhiều bạn bè, nhân lúc chờ cảnh quay còn bảo: "Tôi cũng chịu hai ông bà, ở nhà nói chuyện vẫn chưa hết, ra đây vẫn tiếp tục nói chuyện?". Hai người tạo cho nhau cảm giác chưa bị cảm thấy nhàm chán. Điều đó là một cố gắng và cũng là sự may mắn của cả hai. Quan trọng là cái ý thức luôn phải ở trong đầu.

NSND Lan Hương - Đỗ Kỷ.

Bí quyết của chị là luôn giữ ngọn lửa trong gia đình, cũng chẳng khác gì từ khi chị làm nghề đến bây giờ chị vẫn phải giữ ngọn lửa nghề nghiệp. Hương Bông từng bảo: "Làm sao nói đến nghề nghiệp thì cứ bật tanh tách ấy. Có thể nói luyên thuyên từ sáng đến tối, thì trong cuộc sống gia đình cũng thế thôi. Làm sao mà mình về nhà mọi người cảm thấy thích khi mình về và khi về nhà thì không khí trong nhà vui vẻ, thích không khí ở gia đình. Đi làm về mà cảm thấy ngài ngại về nhà thì cần phải xem lại ngay."

Cả hai vợ chồng chị đóng nhiều phim như vậy, nhưng họ đều không thích mình nổi quá, điều đó tạo cho chị cảm giác không thoải mái. Chị thích khán giả yêu mình qua các vai diễn của mình ở trên sân khấu hay trong truyền hình. Nhưng khi đi ra đường chị không thích ai nhận ra chị.

Chị thích được sống một cách tự do thoải mái, chị bảo: "Giá mà người ta không nhận ra mình là tốt nhất, chị sẽ làm những cái gì mà chị thích, chị có thể ngồi ăn ốc luộc, ăn nộm, làm cái gì đó bát ngát, buôn dưa lê với ai đó một cách thoải mái".

Trong cuộc đời diễn viên của chị cũng có những kỉ niệm buồn. Đó là hôm chị diễn vở "Phán xử", đúng buổi tổng duyệt ở rạp Hồng Hà thì nhận tin mẹ chồng mất. Buổi biểu diễn mở màn vào lúc 9 giờ sáng thì 10  giờ chị dâu chị gọi điện cho chị bảo cô về ngay bà đang hấp hối. Chị báo cáo lãnh đạo nhà hát nhưng hôm đó là buổi tổng duyệt, nên tất cả mọi người đang ngồi duyệt ở dưới, có cả Bộ Văn hóa và Cục Nghệ thuật Biểu diễn xuống.

Lúc ấy đang diễn được màn một rồi, hết màn một. Bắt buộc phải duyệt vào sáng hôm đó vì nếu không duyệt thì hôm sau không thể mang vở  vào Đà Nẵng được. Phải duyệt xong buổi sáng, buổi chiều đạo diễn còn sửa chữa, buổi tối hội đồng duyệt lại một lần nữa để hôm sau vào Đà Nẵng diễn vì đã kí hợp đồng rồi.

Vở diễn đang diễn dở không thể nói với khán giả là diễn viên của tôi không diễn được nữa các bạn về đi, diễn màn một thì phải diễn màn hai. Bấy giờ chị nói: "Gia đình gọi em về vì bà đang hấp hối", mọi người bảo thôi cứ diễn xong đi chắc bà chưa đi ngay được đâu. Nhưng rõ ràng từ lúc ấy tâm lý bị áp lực kinh khủng.  Diễn xong hết màn hai, nghe điện thoại thì chị dâu báo: "Cô về đi, bà vừa đi xong".

Hôm đó, khi vở diễn kết thúc khi kim đồng hồ chỉ 12 giờ trưa. Chị về thấy mọi người đang ngồi chờ. Lúc đấy cả nhà mới họp gia đình vì bà ở cùng với vợ chồng chị. Tình huống như thế không phải là một mình chị mà nhiều diễn viên khác cũng đã từng trong cảnh tương tự.

Chị bảo: "Có những khó khăn trong nghề bắt buộc mình phải vượt qua. Có những sắc thái tình cảm khác nhau mình vẫn phải thể hiện, và không thể mang nỗi buồn của mình ra trình bày với khán giả được. Vui hay buồn tự mình chịu, vai diễn vẫn phải hoàn thành".

Hương Bông là vậy. Lo toan chăm chút gia đình, là dâu hiền, con thảo ân cần với từng công việc, và là một nghệ sĩ đích thực.

Mỹ Trân
.
.
.