NSND Đặng Nhật Minh: ... Điện ảnh Việt Nam vẫn vậy thôi!

Thứ Năm, 15/04/2010, 12:40
Thật kỳ lạ, ông chưa hề có một bằng cấp chuyên môn về điện ảnh nào, cũng không phải con nhà làm nghệ thuật nòi. Ông là con của liệt sĩ, người thầy kính trọng, GS Bác sĩ Đặng Văn Ngữ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.

Được cử đi học tại Liên Xô, nhưng ông không đi mà ở lại đất nước để từng ngày chứng kiến sức sống bền bỉ dẻo dai, phi thường của dân tộc. Hơn 50 năm gắn bó với điện ảnh, phim ông làm là con số khiêm tốn, chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nhưng lắng đọng sâu sắc trong lòng khán giả và có giá trị bất biến qua thời gian.

Chả thế mà, sau hơn 20 năm từ ngày bộ phim "Bao giờ cho đến tháng 10" ra đời, năm 2008 một kênh truyền hình uy tín của Mỹ đã bầu chọn bộ phim này là 1 trong 18 bộ phim châu Á hay nhất mọi thời đại. Mới đây, "Đừng đốt" bộ phim có nhiều giải thưởng nhất trong nước năm 2009 và được đón chào ở một số nước trên thế giới. Tuy vậy, chuyện báng bổ nhau trong giới nghệ thuật không phải là ít...

Tôi miễn dịch từ lâu rồi

Phóng viên (PV): Chào NSND Đặng Nhật Minh, ông có cảm thấy phiền toái hay có một nỗi bực bội nào đó khi vừa mới đây "đứa con tinh thần của mình" bị "lời ra tiếng vào" hay ngay cả một số nhận xét được xem là thiếu thiện chí của một vài người không?

NSND Đặng Nhật Minh: Tôi đã quá quen với những chuyện đó rồi và cũng hiểu được những động lực bên trong của chúng nên không có gì lạ cả. Tôi đã từng bị một vài người túm vào “đánh hội đồng” sau khi làm xong phim “Thương nhớ đồng quê” cách đây 15 năm nên cũng miễn dịch từ lâu rồi.

PV: Tôi đã từng được đọc những trang đạo diễn tự bạch trong cuốn "Hồi ký của những người lính", có đoạn ông viết: "Tôi cảm nhận được cái khốc liệt của chốn bon chen này. Nhưng dù sao, tôi đã dấn thân vào rồi...". Thưa đạo diễn phải chăng ngay từ khi xác định dấn thân vào nghiệp này ông đã chuẩn bị cho mình tâm thế "vượt biển vào mùa bão".

NSND Đặng Nhật Minh: Chuyện ghen ghét đố kị trong giới nghệ thuật thì ở nước nào cũng có nhưng xúc phạm người nghệ sĩ công khai trên một số phương tiện thông tin như ở ta thì tôi chưa thấy đâu có. Họ chỉ có một vài người thôi nhưng cũng đủ làm ô nhiễm cả môi trường. Tôi thấy buồn chung cho nền điện ảnh nước nhà. Còn đối với tôi thì một khi đã xác định cho mình cái đích thì cứ thế mà đi với tất cả tâm huyết của mình mặc cho những sự xúc xiểm vây bổ xung quanh.

Kể ra thì nhiều lắm. Nhưng để cho tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện. Cái ác ở đâu cũng có chẳng cứ gì trong sinh hoạt điện ảnh. Tôi nhớ một lần đang quay phim “Hà Nội mùa đông 46” trên phố Hàng Khoai, giờ nghỉ trưa có một bác cán bộ về hưu mời tôi vào nhà nghỉ. Vào tới nơi đã thấy có chục cụ hưu trí đang ngồi chờ sẵn. Các cụ thấy tôi đang làm phim thì ngạc nhiên lắm bởi vì các cụ có theo dõi thấy phim “Thương nhớ đồng quê” bị phê phán ác liệt quá, các cụ cứ nghĩ rằng tôi không còn đủ nghị lực để làm phim nữa. Một cụ nói: "Họ đánh anh và chỉ mong anh nản chí không làm phim nữa. Thấy anh vẫn làm thế là chúng tôi mừng". Các cụ đều là cán bộ ngành giáo dục về hưu.

Lại một lần bị bệnh vào nằm bệnh viện. Mấy cô y tá biết tôi vừa làm giám khảo tại Liên hoan phim (LHP) ở Nam Định nhận xét: "Điện ảnh các anh  mạt sát nhau không ra gì trên các báo về kết quả của LHP. Trong giới điện ảnh chắc các anh cho thế là chuyện thường nhưng chúng em thấy lạ lắm".

Quả thật sau mỗi LHP, mỗi lần chấm giải lại có hiện tượng người xúc phạm, bôi nhọ nhau thoải mái trên mặt báo. Ban giám khảo chúng tôi lần ấy không hề bị áp lực từ bất cứ phía nào nhưng vẫn bị vu cho là chịu sự chỉ đạo từ trên. Nhưng tôi nghĩ việc mình mình làm, ai nói gì là việc của  họ. Nếu sợ những lời xúc xiểm như vậy thì có lẽ tôi đã phải giải nghệ từ sau khi làm xong phim “Cô gái trên sông” năm 1987 rồi kia.

Lê Vân trong phim “Bao giờ cho đến tháng 10”.

"Tôi thấy chất sex trong phim của ông rất mạnh"

PV: Trong mỗi phim của ông đều ăm ắp tình cảm và bao giờ cũng đầy chất thơ, cảm giác xao xuyến đến kỳ lạ. Vậy ngoài đời ông sống ra sao và cân bằng như thế nào khi trong tâm hồn ông luôn bùng cháy những cảm xúc bay bổng dữ dội và rất mãnh liệt?

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Phim là người. Tôi sống như thế nào thì phim tôi như thế, không khác được. Nhưng nhìn vẻ bề ngoài thì ít ai biết được những gì đang sôi sục bên trong con người tôi. Trong cuộc sống tôi cố ghìm những cảm xúc của mình để chỉ bùng ra trong phim mà thôi. Có thể nói trong tôi có một thế giới riêng ít khi hé lộ ra bên ngoài. Thế giới đó chỉ bộc lộ qua phim ảnh.

PV: Với riêng tôi, ông là ông Trương Nghệ Mưu của Việt Nam khi ông quá tài tình mà “phù phép” cho diễn viên bước vào thế giới điện ảnh của ông được nổi danh như cồn, đoạt danh hiệu giải thưởng cao quý. Xin hỏi ông một câu có tính chất riêng tư, sau khi những diễn viên qua tay ông được rạng danh và tung hô như thế, họ đã cư xử với ông như thế nào?

NSND Đặng Nhật Minh: Tôi không bao giờ dám ví mình như Trương Nghệ Mưu của Việt Nam, vả lại tôi cũng không có người đẹp nào đi suốt trong các phim của mình như Củng Lợi trong một loạt phim của Trương Nghệ Mưu. Nhưng những diễn viên đã từng làm việc với tôi người ít người nhiều đều giữ những kỷ niệm tốt đẹp về tôi.

Cá biệt cũng có người muốn phủ nhận điều đó nhưng tôi tin trong thâm tâm họ không nghĩ như vậy. Tôi đã mang lại cho họ những cơ hội để họ có thể bộc lộ hết khả năng của mình và ngược lại họ cũng đã giúp tôi rất nhiều trong các bộ phim mà tôi đã làm. Tình cảm tôi dành cho họ chính là tình cảm mà tôi dành cho các nhân vật mà họ diễn xuất. Họ cũng biết rõ điều đó bởi vì khi làm phim tôi chỉ biết đến bộ phim và các nhân vật của mình, không quan tâm đến chuyện gì khác. Phần thưởng mà họ có được là do công sức và tài năng của họ. Tôi chỉ góp một phần nhỏ là đặt họ vào đúng tâm trạng, tình huống mà họ có thể diễn tốt nhất rồi bấm máy vào đúng cái giây phút đó.

Có thể nói các diễn viên làm việc với tôi không vất vả nhọc nhằn mà rất thoải mái bởi vì tôi biết cách gợi ý cho họ chính xác những gì tôi muốn thấy ở vai diễn của họ. Ít khi tôi yêu cầu họ diễn đi diễn lại một cảnh nhiều lần. Phần lớn tôi chỉ quay mỗi cảnh một hoặc hai đúp là cùng.--PageBreak--

PV: Qua sự tài hoa, "phép phù thủy" đạo diễn nhà nghề của ông, có nhan sắc nào đó đã chủ động đến gặp ông và tha thiết xin vai...?

NSND Đặng Nhật Minh: Chắc chắn là không rồi.

PV: Ông chắc chứ?

NSND Đặng Nhật Minh: Tất nhiên. Không có ai tự động đến gặp tôi để xin vai cả. Họ đều biết rằng nếu hợp vai thì tôi khắc tìm đến họ. Còn nếu không hợp vai thì có gặp cũng không mang lại kết quả gì. Tôi không bao giờ mời ai đóng phim vì động cơ riêng.

PV: Tuy không nghi ngờ gì về phẩm chất trong sáng, vô tư của một đạo diễn nhà nghề như ông, nhưng tôi vẫn muốn hỏi. Từ trước đến nay chuyện "trai tài gái sắc", hay như "anh hùng khó qua cửa ải mỹ nhân" vẫn là câu chuyện của muôn đời, muôn thủa. Vậy có bao giờ ông xao xuyến và có cảm giác bay bổng lãng mạn với nữ diễn viên đa phần là hấp dẫn, xinh đẹp trong những bộ phim ông đạo diễn?

NSND Đặng Nhật Minh:  Cứ xem các phim của tôi thì bạn sẽ thấy tôi không phải là một người đàn ông khô khan. Có lần xem xong phim “Thương nhớ đồng quê”, một nhà văn ở TP HCM  nói với tôi: "Tôi thấy chất sex trong phim của ông rất mạnh". Tóm lại tôi cũng như mọi người đàn ông khác, cũng biết lãng mạn, cũng biết rung động trước vẻ đẹp phụ nữ. Có điều tôi thích bộc lộ những cái đó trong phim của mình hơn là ngoài đời. Cái gì phô diễn hết cả ra ngoài đời thì vào phim chẳng còn đọng lại chút gì. Chắc gì những anh chàng ngoài đời yêu hết cô này đến cô khác khi làm phim lại trữ tình và lãng mạn hơn người?

Ai muốn nghĩ sao thì tùy

PV: Vừa rồi trả lời báo chí về phim "Đừng đốt" ông có khẳng định "Bộ phim khiến tôi hài lòng nhất từ trước đến nay". Nhiều người đã tỏ ra nghi ngờ câu nói đó. Một số người cho đó là chiêu tiếp thị PR cho tác phẩm của mình. Còn có người nghĩ hiền lành hơn, chỉ bởi cảm xúc thăng hoa lên đến đỉnh điểm khi cho ra đời đứa con tâm huyết trong thời điểm hiện tại mà ông rất muốn chia sẻ với khán giả và độc giả. Nhưng cũng có người chép miệng buông: "Tài của NSND Đặng Nhật Minh đến đây là dừng lại". Ông có muốn nói gì đó không?

Đạo diễn Đặng Nhật Minh đang chỉ đạo diễn viên cho một cảnh quay.

NSND Đặng Nhật Minh: Câu nói cuối cùng của bạn làm cho tôi nhớ đến chuyện xảy ra cách đây đã lâu. Năm 1983, sau khi được giải Bông sen Vàng  cho phim "Thị xã trong tầm tay" đã có người nói một câu đúng như vậy. Tôi hiểu động cơ và mong muốn của họ nên không có gì ngạc nhiên cả. Từ xưa đến nay tôi làm phim trước hết là cho mình, nên tôi chẳng cần quan tâm đến ai nói gì và cũng chẳng cần làm PR làm gì. Phim tôi làm trước khi quay không họp báo, trong khi quay cũng không mời báo chí đến tham quan để viết bài. Làm xong ai muốn nghĩ sao thì tùy. Cái chính là tôi đã được làm như tôi muốn và có người cho tôi  tiền để tôi làm như tôi muốn. Tôi từng nói với anh chị em trong đoàn phim: "Hạnh phúc nhất đối với tôi là lúc đang làm phim chứ không phải lúc làm xong phim".

PV: Có nhiều đạo diễn cứ luôn miệng cho rằng điện ảnh Việt Nam bây giờ hiếm thước phim lay động nhân tâm vì thiếu kinh phí. Nhưng, thực tế đã chứng minh những bộ phim chất lượng vàng lại ra đời khi đất nước đang trong giai đoạn khốc liệt của cuộc chiến tranh hay những năm tháng thiếu thốn của thời bao cấp. Và cũng chưa bao giờ cơ chế nghệ thuật lại thông thoáng như bây giờ, sự kiểm duyệt không còn quá khắt khe, vậy mà điện ảnh nước nhà vẫn loay hoay như một bài toán khó giải...?

NSND Đặng Nhật Minh: Trước đây khi đất nước còn khó khăn thì người ta cắt nghĩa lý do không có phim hay là vì phương tiện kỹ thuật thiếu thốn, kinh phí nghèo nàn. Nay phương tiện kỹ thuật đầy đủ, kinh phí một bộ phim Việt Nam trung bình từ 200.000 đến 300.000 USD (bằng kinh phí trung bình của một phim thuộc thế giới thứ 3) không thể nói là ít!  Người ta quay sang đổ lỗi cho khâu kiểm duyệt, đòi bỏ hẳn kiểm duyệt thì mới có phim hay. Không biết đây có phải là khâu cản trở chủ yếu của điện ảnh Việt Nam?

Tôi biết có phim của một đạo diễn nọ khi đem vào chiếu tại một nước châu Á bị cắt bỏ một đoạn “hot” trong khi đó Hội đồng duyệt phim của Việt Nam không bắt cắt bỏ một hình ảnh nào. Tóm lại người ta tìm đủ mọi lý do đổ lỗi cho khách quan. Chừng nào chưa tìm ra cái lý do đích thực, chừng nào môi trường điện ảnh còn bị vấy bẩn, chừng ấy điện ảnh Việt Nam vẫn vậy thôi. Ở đâu sự độc ác, ghen ghét đố kị thắng thế, ở đó không có sự sáng tạo thăng hoa.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này...

Trần Mỹ Hiền
.
.
.