Mùa len trâu và mối tình đầu

Thứ Hai, 08/02/2021, 10:38
Tôi cứ thắc mắc tại sao con trâu lại quan trọng trong đời sống con người đến như vậy. Ngoại tôi nói, có người lấy mấy đời vợ, cất mấy xác nhà mà vẫn không mua được đôi trâu. Rồi ngoại tôi lại nói: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, là thước đo giá trị tài sản của con người.

Hồi nhỏ, tôi thường nghe ngoại tôi nói: Nhịn thuốc mua trâu, nhịn trầu mua đất.

Hoặc:

Tậu trâu, lấy vợ, cất nhà

Trong ba việc đó thật là khó thay.

Tôi cứ thắc mắc tại sao con trâu lại quan trọng trong đời sống con người đến như vậy. Ngoại tôi nói, có người lấy mấy đời vợ, cất mấy xác nhà mà vẫn không mua được đôi trâu. Rồi ngoại tôi lại nói: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, là thước đo giá trị tài sản của con người. Điều này thì tôi hiểu, trong xóm tôi, nhà nào khá giả nhất, tất nhiên, nhà đó có nhiều trâu.

Lớn lên, đi học trường làng, tôi lại mê bài ca dao trong sách giáo khoa:

Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta

Cấy cày vốn nghiệp nông gia

Ta đây trâu đấy ai mà quản công

Bao giờ ngọn lúa còn bông

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

Hơn ba mươi năm sau, tôi, cậu bé nhà quê ấy trở thành đạo diễn phim tài liệu và có duyên được thực hiện bộ phim về con trâu. Nhưng thật đáng buồn, bao nhiêu tháng trời, đoàn phim vác máy lang thang khắp các cánh đồng miền tây, hình ảnh những đàn trâu chỉ còn trong ký ức.

Bao giờ ngọn lúa còn bông

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

Hai câu kết của bài ca dao như lời thề xưa còn đó, giờ  lúa vẫn oằn bông, cỏ vẫn đầy đồng nhưng con trâu vắng bóng, hình ảnh con trâu được thay thế bằng những chiếc máy suốt, máy cày phun khói. Dẫu biết rằng cơ giới hóa nông nghiệp xuất hiện để thay thế sự ì ạch của sức trâu là khát khao, là mơ ước bao đời của đồng đất, của người nông dân; nhưng khi nhìn cánh đồng thiếu vắng bóng trâu, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. 

*
*    *

Tôi lớn lên trên đồng Phong Thạnh. Hồi ấy, đồng Phong Thạnh là một cánh đồng hoang vu hàng trăm ngàn mẫu chạy dài từ Điền Hãn qua Thất Giồng Bớm, Đầu Sấu, Chủ Chí, Phó Sinh, Phước Long, Cạnh Đền, Chủ Chọt… người ta gọi chung là Đồng Chó Ngáp. Ba tôi nói có một giai thoại rằng từ rất xa xưa, có một người thợ săn dẫn con chó đi qua cánh đồng này, đi mãi, đi mãi đến khi con chó mòn mỏi phải ngáp dài, ông gọi là Đồng Chó Ngáp.

Khi gia đình tôi về đây ở thì xa xa mới có một xóm nhà năm bảy cái, nhà này cách nhà kia năm bảy trăm thước, người ta khoét lõm giữa đồng hoang làm ruộng, ai muốn khai khẩn bao nhiêu cũng được, tùy theo sức lực của mình. Mà muốn khai hoang, trước hết nhà phải có trâu. Nhưng từ đất hoang trở thành đất thuộc phải mất năm bảy năm, đổ bao nhiêu công sức của người, của trâu, qua bao nhiêu mùa mưa nắng thì đất mới được thuần chủng và màu mỡ, gọi là “đất thuộc”, cho mỗi công chừng mười giạ lúa.

Trước mặt nhà tôi, phía bên kia sông là cánh đồng hoang, toàn cỏ năn hàng chục ngàn mẫu chạy dài từ Ngang Chà qua Công Điền, lên Cây Dương, Bến Mã, người ta gọi đó là cánh đồng trâu. Bởi hằng năm, sau mùa cấy, con trâu được nghỉ ngơi, hàng ngàn con trâu từ khắp nơi được chủ trâu lùa đến để thuê người chăn giữ. Gọi là mùa len trâu.

Từ những chú mục đồng đến những ông già, có cả những cô gái, mỗi người lãnh giữ vài ba chục đến năm bảy chục đôi trâu, mỗi người một chiếc xuồng con với cây sào dài ba bốn thước, trên xuồng có năm ba cây làn can tre bằng cổ tay, dài chừng năm sáu tấc dùng để phang, dí những con trâu rẽ bầy đi lệch hướng. Hàng chục chiếc xuồng lướt trên cánh đồng năn, tiếng la í ới, làn can phang vèo vèo, trâu chạy tứ tung, nước bay trắng xóa.   

Dường như trong “xã hội” của loài trâu cũng có cái luật giang hồ của nó. Mấy người chăn trâu kể với tôi rằng, khi họ nhận giữ một bầy trâu từ nhiều chủ khác nhau, nhập bầy được vài hôm thì những chú trâu đực to khỏe nhất đàn, gọi là trâu đực cổ bắt đầu thách thức đánh nhau, từng cặp, từng cặp chia nhau lần lượt làm cuộc chiến, con nào thua thì bị loại khỏi vòng chiến đấu, những con thắng tiếp tục đánh nhau, cứ thế, con nào thắng cuộc cuối cùng thì trở thành con đầu đàn, chăn giữ cả bầy trâu.

Vì vậy mà người chăn trâu chỉ cần quản lý tay anh chị đó là điều khiển cả bầy, không lo trâu bị thất lạc, bầy nào theo bầy đó như một đại gia đình. Khi chiều xuống, chỉ cần cột dây mũi tay anh chị đó vào cọc thì cả bầy ngoan ngoãn nằm theo, không con nào tách đàn đi nơi khác.

Những nơi cột trâu trong mùa len trâu người ta gọi là cái hầm trâu hoặc cái độn trâu. Ở đó trâu ngủ vài ba đêm tạo thành bùn lầy để con trâu trầm ngập mình xuống đó, tránh được muỗi mòng. Vào mùa hạn, tức hết mùa len trâu mấy tháng, đồng ruộng khô ráo, những cái hầm trâu cũng khô ráo trên lớp mặt, chim chóc khắp nơi bay về chen nhau tìm kiếm côn trùng.

Năm đó dường như tôi vừa lên bốn tuổi, mới về đây ở nên chưa biết gì về cái hầm trâu, bèn lao ra bắt chim, ai dè dưới mặt đất tưởng chừng khô ráo ấy là khối bùn non, vừa lao ra liền bị sụp hầm tới cổ. Cũng may là tiếng la làng của tôi cả nhà nghe được để kịp kéo tôi lên. Tai nạn thứ hai mà tuổi thơ chúng tôi thường gặp, đó là sụp lỗ chân trâu. Khi lúa vừa gặt xong, mặt ruộng còn ẩm ướt, những đàn trâu đi qua để lại những dấu chân trâu sâu hút. Một vài tháng sau gốc rạ nằm rạp xuống, che khuất lỗ hang, bọn trẻ chúng tôi ra đồng chạy giỡn, vô tình sụp lỗ trâu, có đứa khóc ròng vì đau đớn, phải nằm liệt giường, bó thuốc đến một hai tuần.

Lại nhớ bài đồng dao:

Con trâu có một hàm răng

Ăn cỏ đất bằng uống nước bờ ao

Hồi mầy còn sống mầy ở với tao

Bây giờ mầy chết, tao cầm dao tao xẻ thịt mầy

Thịt mầy tao nấu linh binh

Da mầy bịt trống tụng kinh trong chùa

Sừng mầy tao tiện con cờ   

Cán dao cán mác lược thưa lược dày.

Nghe mà buồn, mà đau đớn cho số kiếp con trâu. Nhưng dù muốn hay không thì đó cũng là sự an bài của tạo hóa.

Xóm tôi hồi ấy chừng như có một quy ước không thành văn, hễ nhà nào có trâu chết thì người ta không bán mà cho cả xóm tới xẻ thịt. Phần lớn trâu chết là do chiến tranh, có khi là cuộc giao tranh giữa hai bên, có khi là máy bay ném bom, cũng có khi là một trận pháo kích từ mặt đất, trâu chết đầy đồng, người ta phải đem chôn. Có một trận máy bay B-52 bừa vào mùa len trâu, đồng mênh mông nước, không đủ gò đất để chôn, trâu nổi lều bều, bốc mùi cả xóm, những đàn quạ hàng ngàn con khắp nơi kéo tới, thảm hại cả một vùng quê.

*
*    *

Tôi mê trâu, nhưng nhà tôi nghèo nhất xóm, nghèo đến nỗi không mua nổi một đôi trâu. Mùa cày, mùa cộ lúa đều phải thuê trâu của hàng xóm. Tôi khát khao được làm cậu bé chăn trâu như những bạn bè cùng trang lứa với mình. Cho nên chiều chiều tôi hay nhập băng theo đám bạn cưỡi trâu, đùa giỡn với trâu cho vơi bớt niềm khao khát.

Hồi ấy, chị Vân thường rủ tôi ra đồng giữ trâu với chị, chị nói đi một mình sợ ma, rủ tôi đi cho vui. Đó là những ngày sau tết, lúa đã vô bồ, còn lại cánh đồng mênh mông gốc rạ. Vào những buổi trưa nắng, chị Vân bảo tôi cột trâu lại, còn chị tìm đến một cái gò cao, lựa một đám gốc rạ còn xanh, chị lấy dao cắt một lõm đủ hai người nằm rồi trải dưới đất một lớp rạ khô, phần rạ tươi, chị phủ lên che nắng. Khi tôi cột xong mấy con trâu thì chị Vân cũng vừa làm xong cái chòi rạ. Chị nhìn tôi cười mỉm: “Giống cái túp lều lý tưởng hôn?”. Rồi không ai bảo ai, chị nằm xuống trước, tôi nằm theo sau, cạnh chị. Thỉnh thoảng, chị lại nhìn sang tôi cười mỉm, tôi cũng cười, rồi cả hai chìm trong giấc ngủ trưa. Có hôm tôi thức trước, chị Vân vẫn còn ngủ say, chị nằm thẳng người, hai tay úp lên ngực, hơi thở cứ đều đều. Lúc ấy trời đã xế dài, những tia nắng dìu dịu trùm lên cánh đồng rạ khô vàng rực, mênh mông. Chị Vân ngồi bật dậy, lại nhìn tôi cười rồi lại vỗ lên đầu tôi: “Ngủ ngon hôn, thằng nhóc!”.

Chúng tôi lùa trâu đến một cái đìa lớn giữa đồng, từng người bạn mục đồng cũng lần lượt lùa trâu đến. Tôi đứng dưới cầu thang múc từng thùng nước chuyền lên cho chị Vân đổ vào thau cho trâu uống. Như một thói quen, khi đàn trâu uống nước no nê thì đến lượt con người tắm rửa. Cả gái, cả trai cứ để nguyên quần áo, tắm xối xả trên bờ đìa. Trong bộ bà ba đen đẫm nước bó sát người, chị Vân gánh hai thùng nước đi tắt đường đồng về nhà, tôi ngồi trên lưng trâu lững thững theo sau. Đôi gánh oằn vai, chị đi trong bóng chiều thấp thoáng.

Tôi về nhà, cơm nước xong thì trời chạng vạng, hàng xóm lên đèn, trăng rằm tháng giêng cũng lấp lánh ở đầu sông. Tôi sang nhà chị Vân, hai chị em ra ngồi dưới cây rơm, bắt đầu công việc quấn hai con cúi dài để làm bếp un xua muỗi cho bầy trâu. Quấn xong, chị Vân đốt lửa, tôi lấy nước rưới lên con cúi cho lửa rơm đừng cháy, cho khói bốc lên ngun ngút, từng làn khói trắng cuồn cuộn, mịt mờ phủ lên cả bầy trâu, mùi khói rơm đầu mùa nghe thơm nồng như mùi lúa mới. Chúng tôi lại ngồi tựa dưới chân rơm. Bấc giác chị Vân xoa đầu tôi, chị hỏi tôi mấy tuổi, tôi nói mười lăm.

Chị bảo: “Nhỏ hơn chị hai tuổi, mà sao mầy khờ quá!”. Tôi chưa hiểu chị nói gì, rồi chị kể: “Cùng tuổi với mầy, nhưng thằng Tư nó đã yêu con Xuân, thằng Hòa làm thân với con Gấm, mùa nước mặn đuổi năm rồi, chúng nó đi giăng lưới. Con Xuân, con Gấm cũng lớn hơn tụi nó hai ba tuổi...”.

Tôi cúi đầu hổ thẹn, thẹn cho cái phận nghèo hơn là thẹn cho cái sự khờ khạo của mình. Tôi nghĩ chị Vân thương tôi như một đứa em, một đứa em nghèo khổ mà chị cần giúp đỡ. Hồi ấy, tôi luôn mặc cảm với bạn bè trong xóm vì nhà mình ít ruộng lại không có trâu, nhà nông mà không có trâu thì đương nhiên là nhà nghèo.

Mấy công ruộng nhà tôi, những công việc ngoài sức người đều dựa vào đàn trâu của chị Vân. Mùa cày mùa trục thì bác Năm – ba chị – tính tiền công, đến mùa gặt, cộ lúa vào sân cũng tính tiền công, nhưng trâu đạp lúa thì bác không tính tiền, nhưng bù lại tôi phải giữ trâu trả công cho bác trong một hai tháng trước và sau tết. Bác Năm quy ước với ba mẹ tôi là vậy, nhưng chị Vân ít khi để tôi giữ trâu một mình, ngay cả những ngày trâu đạp lúa, bác nói chỉ cho mượn trâu, tôi tự đánh trâu trên nhã lúa, nhưng chị Vân lúc nào cũng có mặt, thay phiên làm công việc ấy với tôi.

Ban đêm, khi cho trâu ngừng đạp để bắt bó, ra rơm, thay vì đốt đèn măng-xông thì chị Vân rủ tôi xuống bờ sông đốt lửa, chị nói mình chịu tốn công mà khỏi hao dầu. Tôi ôm từng ôm rơm quăng xuống nước, chị mồi lửa và lấy sào tre đẩy từng đống lửa trôi bồng bềnh, sáng rực một khúc sông. Cứ thế, không biết từ mùa lúa nào, việc gì tôi cũng làm cùng chị, việc gì chị cũng gọi tôi. Ngay cả những khi ra đồng cộ lúa, chị cũng rủ tôi lên chiếc cộ trâu ngồi với chị. Những buổi tối nướng bánh phồng đãi khách, chị cũng gọi tôi sang đốt rơm, chị kẹp bánh phồng chao tới chao lui trên ngọn lửa. Khi giê lúa, chị là người đứng trên giàn giê, chị lại bảo tôi đứng cạnh để chuyền từng thúng lúa lên cho chị.

Cũng chính lần ấy, lần đầu tiên trong đời tôi phát hiện ra chị Vân là người con gái đẹp. Hôm ấy chị mặc bộ bà ba màu đen, cái dáng cao cao, chị đứng trên giàn giê lúa cũng cao cao, từng cơn gió lùa qua, chị nghiêng vành thúng, lúa hột tuôn xuống, lúa lép bay bay, bụi rơm bay bay, tà áo chị cũng bay bay, ngược theo chiều gió là một cơ thể đẹp, những đường nét cong cong của vòng eo, vòng ngực căng tròn. Tôi cứ nhìn ngẩn ngơ mà quên chuyền lúa lên cho chị. Bất giác chị quay xuống, dường như bắt gặp ánh mắt của tôi, chị vội đưa tay níu nhanh vạt áo, mặt đỏ bừng. Tôi lại cúi đầu hổ thẹn, tiếp tục chuyền lúa lên mà không dám nhìn chị nữa.

Và, tôi không ngờ khi mình không còn “dại khờ” như chị nghĩ thì đó lại là mùa lúa cuối cùng tôi được gần gũi chị. Mùa sa mưa năm ấy, mẹ tôi đưa tôi ra chợ, từ giã rạ rơm để làm gã thư sinh giữa chốn thị thành. Khi tôi biết được tình yêu thì hình ảnh người con gái trong tôi là chị. Là chị với những giấc ngủ trưa trong chòi rạ giữa đồng, là chị với đôi thùng nước, chiếc đòn gánh oằn vai đi giữa đồng rạ khô trong bóng chiều thấp thoáng, quần áo ướt mem bó sát thân gầy, là chị ngồi dưới cây rơm quấn từng con cúi làm bếp un trâu, là chị ngồi đốt rơm sáng bừng cả một khúc sông, là chị với những đường nét cong cong, ngực căng tròn đứng trên giàn giê lúa... Nhưng năm sau, nghỉ hè, tôi về quê thì chị đã đi lấy chồng xa. Mùa sa mưa, cây rơm – chỗ tôi với chị hay ngồi quấn con cúi – đã rủ mục, những chiếc nấm rơm bung trắng một vùng tròn.

Hơn ba mươi năm, cuộc đời đưa đẩy tôi thành kẻ ly hương mà chưa được một lần gặp chị, chắc tóc chị bây giờ cũng lốm đốm như tôi. Nếu tình cờ đọc được những dòng này, chắc chị sẽ cười thầm và mắng thầm trong bụng: “Cái thằng quỷ, sao hồi xưa mầy khờ quá vậy!”.

California, mùa Đông 2020

Võ Đắc Danh
.
.
.