Một năm ngày nhạc sĩ Huy Du qua đời (17/12/2007-17/12/2008):

Mấy kỷ niệm khó quên về một nhạc sĩ lớn

Thứ Hai, 22/12/2008, 16:00
Thế là nhạc sĩ Huy Du đã vĩnh biệt chúng ta được tròn một năm. Ngày 17/12/2007 vào hồi 20h 50’, tại Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội, ông trút hơi thở cuối cùng. Ông ra đi để lại một kho báu tác phẩm luôn vang vọng trong tâm khảm người nghe giữa những ngày đạn bom khốc liệt nhất của chiến tranh cũng như lúc đất nước trở lại thanh bình.

Dường như càng theo thời gian, những giai điệu ấy càng có sức sống mãnh liệt.

Tôi là thế hệ hậu sinh so với ông, thuộc lớp đàn em, học trò. Vì trong đời từng có thời gian làm phóng viên âm nhạc ở một tờ báo nên có nhiều dịp được tiếp xúc với Huy Du.

Vốn từ lâu đã rất yêu thích và thuộc lòng gần như tất cả những bài hát của ông mà những cuộc gặp gỡ với ông thường dễ trở nên gần gũi, không có khoảng cách mặc dù giữa ông và tôi có sự chênh lệch đáng kể về tuổi tác, vị thế. Huy Du từng là Phó rồi Chánh Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam (nay là Chủ tịch Hội).

Là đại biểu Quốc hội và một vài cương vị xã hội khác, nhưng ông luôn rất hồn nhiên, có tâm hồn và phong cách đích thực nghệ sĩ. Ông ít khi tự cho mình đang mang trọng trách để tỏ ra quan trọng, càng không bao giờ quan cách. Ai cũng có thể gặp ông vào bất cứ lúc nào, miễn ông đang không vướng bận gì.

Một lần tôi sang Hội Nhạc sĩ tìm ông để phỏng vấn cho một bài báo. Lúc này ông là Tổng thư ký. Ngày ấy vẫn chưa phổ biến điện thoại di động. Tôi cũng quên khuấy việc gọi điện trước. Sang tới nơi (ở 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) đúng lúc ông đang sắp chủ trì một cuộc họp hoặc tiếp khách gì đó.

- Tớ sắp phải đi họp. Sao cậu không điện thoại trước?

- Xin lỗi anh, em quên. Cứ sang hú họa may thì được việc, không để bữa khác cũng không sao.

- Việc gì vậy? Có thú vị không?

- Em muốn phỏng vấn anh.

- Về vấn đề gì?

- Đương nhiên là tình hình âm nhạc. Anh là người đứng đầu Hội, sẽ phán được nhiều điều cần thiết.

- Thôi, có... gì đâu. Hội hè là chỗ vui vẻ nơi anh em nhạc sĩ lui tới gặp gỡ, thăm hỏi, cùng động viên khích lệ nhau làm ăn. Tớ được bầu lên để tập hợp anh em lại. Chẳng có quái gì đáng phải nói. Cậu phỏng vấn về sáng tác thì tớ sẵn sàng dông dài dăm ba điều. Còn về tình hình âm nhạc thì thôi, để bên Vụ Nhạc - Múa họ phán. Họ là cơ quan quản lý Nhà nước mà.

Rồi ông nói với người phụ trách văn phòng:

- Này! Cậu bảo anh em hoãn nhé để tớ tiếp Nguyễn Đình San.

- Thưa anh, mọi người đến cả rồi: Lịch từ tuần trước mà anh.

Ông đành nói tôi thông cảm để khi khác.

Một lần ông có mặt trong một hội nghị cộng tác viên cuối năm của Tạp chí Văn nghệ quân đội. Chẳng hiểu người ta mời ông với tư cách gì: Nhạc sĩ nổi tiếng hay người đứng đầu Hội Nhạc sĩ. Nhưng ông phát biểu rất thoải mái. Mọi người ai cũng nói năng trịnh trọng, cảm ơn và chúc tụng.

Riêng ông lại “hồn nhiên” chẳng cần suy nghĩ: “Trong cái túi quà tặng có nhiều thứ quá, xách nặng tay nhưng không thiết thực, chắc nhiều người không có nhu cầu sử dụng. Kể mà ban tổ chức chuyển hết thành tiền thì hay”.

Mọi người cười rộ thú vị. Phần vì một vị “to” trong giới nghệ sĩ, lại đang là “ông nghị” (lúc ấy Huy Du là đại biểu Quốc hội) mà chẳng cần giữ... sĩ diện gì, phần nhiều hơn là ông đã nói đúng ý nghĩ mọi người nhưng không phải ai cũng dám bộc lộ.

Sau đó có dịp đến chơi với ông, tôi nói: “Anh em họ bảo Huy Du mới nói được chứ người khác sẽ bị đánh giá, nên chẳng thể nói. Mà anh cũng độc đáo thật. Ai lại một ông có tầm cỡ như anh lại nói chuyện vặt ấy”.

Ông nói luôn: “Các cậu buồn cười! Muốn gì thì cứ nói ra. Lần sau người ta mới rút kinh nghiệm”. “Sao anh không góp ý gì cho tạp chí?”. “Người ta mời chúng ta đến cho vui vẻ, mang tính chất hiếu hỉ, chứ ai cần nghe ta dạy. Cho nên chỉ những người dở hơi mới góp ý con cà con kê bắt người khác phải nghe”.

Khi đã về nghỉ hẳn, không còn đảm trách vai trò đứng đầu Hội Nhạc sĩ, một lần Huy Du khoe với tôi: “Tớ vừa được một người trong ban tổ chức báo bài hát đã lọt vào vòng chung khảo”. Đó là một cuộc thi sáng tác ca khúc khá lớn do mấy cơ quan Trung ương cùng phối hợp tổ chức.

Tôi nói: “Điều lệ của cuộc thi là giấu tên tác giả để giữ sự khách quan cho việc chấm giải kia mà. Sao họ lại biết là của anh mà báo?”. Ông cười: “Cậu ngây thơ thế. Nói là một chuyện, còn sự thật lại là chuyện khác. Anh em cả chẳng lẽ không nể nhau. Tớ chủ trì những trò này bao lần rồi phải biết rõ chứ”.

Tôi nói: “Tầm cỡ như anh tham dự làm gì”!. Ông lại cười: “Thì mất gì, bài đã có sẵn từ lâu, chỉ việc cho vào phong bì bỏ hộp thư bưu điện. May mà trúng vớ được món tiền”.

Có thể thấy rõ nét bao trùm  nhất trong tính cách của Huy Du là hồn nhiên, rất “nghệ sĩ”. Một lần tôi hỏi thăm về một chương trình âm nhạc nào đó nói về ông sắp đưa lên truyền hình.

Ông cho biết mọi việc đã chuẩn bị xong, chỉ còn thiếu người dẫn chương trình (M.C) Bỗng ông nói: “Mình chưa thích mấy người vẫn dẫn lâu nay. Họ cứ nói liến thoắng mà không tạo nên được không khí lắng đọng - những dấu lặng cần thiết. À mà sao lại không là cậu nhỉ? Cậu rất hiểu mình, lại là nhà diễn thuyết, nói hay. Cậu dẫn cho mình nhé”.

Khi mà tôi đang còn lưỡng lự thì ông đã bấm điện thoại luôn cho ai đó đề nghị không cần người dẫn chương trình ở Đài mà ông tự kiếm. Hình như họ nói là đã mời, đã chuẩn bị, từ chối không tiện.

Ông quay sang nói với tôi: “Đành chấp nhận họ vậy. Cứ tưởng đề cao, trân trọng người ta nhưng một nguyện vọng tối thiểu cũng không chiều. Thôi, dịp khác vậy”. Thú thực là tôi không muốn xen vào việc người khác làm gì, mang tiếng tranh công cướp việc, mặc dù biết rõ để dẫn một chương trình về một nhạc sĩ lớn như ông, không thể chỉ là người nói năng giảo hoạt mà đúng như ông nói, phải có khả năng hiểu sâu sắc đối tượng, mà điều này thì rõ ràng các M.C ở các đài truyền hình hiện nay còn rất yếu kém.

Những chuyện đáng nhớ liên quan đến Huy Du còn nhiều lắm, không thể kể hết. Nhưng tất cả đã khép lại. Giờ đây trong tôi vẫn nguyên vẹn, tươi rói những kỷ niệm cùng những giai điệu vĩnh hằng do ông sáng tạo nên luôn âm vang những dư vị rất đỗi đậm đà, sâu sắc và lãng mạn, không dễ kiếm tìm

Nguyễn Đình San
.
.
.