Lý do Ấn Độ rút khỏi RCEP

Thứ Ba, 24/12/2019, 17:40
Việc Ấn Độ gần đây rút khỏi các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thỏa thuận thương mại tự do giữa các nước thành viên ASEAN, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc cho thấy sự nghi ngại của New Delhi về ý định chiến lược của Bắc Kinh.

Trên thực tế, giữa hai bên vẫn tồn tại những mâu thuẫn lớn khó dung hòa ngăn trở sự cải thiện quan hệ song phương, chưa nói tới việc Ấn Độ có thể cũng sẽ có chính sách ngả về các cường quốc khác để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Lợi ích kinh tế khác biệt

Trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh RCEP ở Bangkok, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lập luận rằng mặc dù "Ấn Độ đã chủ động, tích cực và có tính xây dựng khi tham gia các cuộc đàm phán RCEP ngay từ ban đầu", song dự thảo thỏa thuận RCEP "không phản ánh đầy đủ tinh thần cơ bản và các nguyên tắc chỉ đạo đã được nhất trí của RCEP" và thậm chí cũng "không giải quyết thỏa đáng những lo ngại và những vấn đề còn tồn tại của Ấn Độ".

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bangkok, quan chức của Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vijay Thakur Singh nói: “Ấn Độ đã thông báo quyết định của mình tại cuộc họp thượng đỉnh là không tham gia RCEP”.

Chiếm một nửa dân số thế giới, RCEP có sự tham gia của Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand cùng với 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Được đề xuất bởi các nhà lãnh đạo ASEAN vào năm 2012, nếu hình thành, RCEP sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.

Về cấu trúc kinh tế thế giới, mặc dù cả Ấn Độ và Trung Quốc đều chính thức tuyên bố muốn một hệ thống quốc tế với Mỹ và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) làm nòng cốt nhưng những khác biệt lớn về lợi ích kinh tế cốt lõi đang khiến hai nước ngày càng cách xa. Quyết định này là kết quả của việc Ấn Độ sợ cạnh tranh nước ngoài và khả năng thống trị kinh tế của các nhà sản xuất Trung Quốc. Điều đó cũng khiến Ấn Độ mất đi khả năng tiếp cận một thị trường lớn gấp 8 lần so với nền kinh tế của họ hoặc khoảng 1/3 GDP toàn cầu.

Lãnh đạo Trung Quốc - Ấn Độ gặp nhau lần đầu tiên ở Vũ Hán.

Trong bối cảnh quan hệ thương mại Mỹ-Trung leo thang căng thẳng, Trung Quốc đặc biệt muốn chứng kiến Hội nghị RCEP kết thúc thành công và đã hết sức thúc đẩy để đạt được mục tiêu đó. Tuy nhiên, vấn đề của Ấn Độ cũng nằm ở đó. Trong các cuộc đàm phán RCEP, Ấn Độ đưa ra những yêu cầu sau: lùi năm cơ sở để cắt giảm thuế quan từ năm 2014 xuống năm 2019; tránh việc hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc tăng lên đột ngột bằng cách đưa một loạt mặt hàng vào danh sách áp dụng cơ chế kích hoạt thuế quan tự động; kêu gọi các quy định nghiêm ngặt hơn về nguồn gốc nhằm ngăn chặn việc phá giá từ Trung Quốc và một thỏa thuận tốt hơn trong lĩnh vực dịch vụ. Do đó, có thể thấy nhân tố Trung Quốc đóng vai trò then chốt trong đánh giá về chi phí và lợi ích dẫn tới quyết định rút lui của New Delhi.

Mâu thuẫn an ninh chiến lược

Các tuyên bố chính thức của cả hai quốc gia này sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Chennai đều cố thể hiện rằng thế giới quan của lãnh đạo hai nước đang ngày càng gần nhau. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công khai tuyên bố về mong muốn của họ là “cùng nhau tạo ra một tương lai tươi đẹp cho mối quan hệ Ấn-Trung”.

Tuy nhiên, quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ là mối quan hệ cạnh tranh và có quá nhiều vấn đề gai góc. Cả hai bên đều không muốn từ bỏ lập trường lâu nay đối với các lợi ích cốt lõi của mình.

Bắc Kinh đã ra sức chèn ép New Delhi trên trường quốc tế khi ngăn Ấn Độ tham gia Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Nhóm cung cấp hạt nhân (NSG) vì điều này sẽ làm tổn hại đến đồng minh lâu đời của họ, đó là Pakistan. Trung Quốc đã công khai ủng hộ Pakistan sau khi Ấn Độ hủy bỏ Điều 370 Hiến pháp, chuyển quy chế tự trị của Jammu và Kashmir sang quy chế lãnh thổ trực thuộc Liên bang Ấn Độ. Bắc Kinh đã thay mặt Islamabad đưa vấn đề Kashmir ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Cụ thể hơn, ngày 8-10, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiếp đón Thủ tướng Imran Khan ngay trước thềm chuyến thăm Ấn Độ và hai nước đã tiến hành tập trận không quân Shaheen-VIII với quy mô lớn nhất từ trước tới nay vào tháng 8 vừa qua.

Về mặt thực địa, hai nước vẫn còn tranh chấp nhiều khu vực lãnh thổ, với tổng diện tích lên tới 120.000 km2. Sau 21 vòng đàm phán biên giới song phương, hai bên mới dừng lại ở những nguyên tắc chung nhất và ngay cả thỏa thuận trao đổi bản đồ cũng chưa thực hiện được. Ngày 11-9, Trung Quốc đã gây ra vụ đối đầu giữa lực lượng biên phòng Trung - Ấn tại phía Bắc hồ Pangong tại Ladakh.

Đáp lại, Ấn Độ đã tổ chức tập trận Changthang Prahar, công bố hình ảnh xe tăng và vũ khí trên thực địa lên truyền hình, nhằm trả đũa việc Trung Quốc tập trận tại Aksai Chin. Ngay sau đó, Thủ tướng Narendra Modi đã thăm Mỹ và thể hiện mối thân tình với Tổng thống Donald Trump.

Có thể nói hiện Ấn Độ vẫn coi Trung Quốc là thách thức đối ngoại lớn nhất. New Delhi sẽ không gia nhập Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc vì nó sẽ làm suy yếu vị thế của Ấn Độ trong khu vực và cũng không ủng hộ một trật tự thế giới mới lấy Trung Quốc làm trung tâm.

Ấn Độ đã tăng cường quan hệ với Mỹ với việc Washington và New Delhi ký Thỏa thuận Trao đổi hậu cần (LEMOA), Hiệp ước An ninh và Tương thích liên lạc (COMCASA) và có thể cả Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi cơ bản (BECA) nhằm phối hợp tác chiến giữa quân đội hai nước. New Delhi cũng mở rộng ngoại giao hải quân với các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tham gia Tứ giác kim cương về hợp tác an ninh hàng hải với Washington, Canberra và Tokyo.

Chính sách "Hành động hướng Đông" cũng nhắm đến các quốc gia Đông Nam Á như một sự cân bằng chiến lược quan trọng. Ấn Độ ký kết các thỏa thuận đối tác chiến lược với Malaysia và Singapore cũng như đặt nền móng cho các sáng kiến mang định hướng kinh tế hơn, bao gồm cả việc thúc đẩy tiến độ dự án đường cao tốc 3 bên (Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan) dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2020 và Hành lang kinh tế Mekong - Ấn Độ (MIEC) nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thương mại và đầu tư.

Nam Sơn
.
.
.