Làm vợ thi nhân

Thứ Ba, 19/03/2013, 14:40

Bà Bùi Thị Thạch và Trần Thị Lâm Yến là vợ của hai nhà thơ nổi tiếng Quang Dũng và Tế Hanh. Hai người phụ nữ với hai số phận khác nhau nhưng họ giống nhau là cả một đời hy sinh, lao động, chăm bẵm con cái vì sự nghiệp của chồng, để những thi nhân yên tâm với sự nghiệp sáng tạo… Và hai người phụ nữ ấy, một người 94 tuổi, còn người kia cũng đã 86 tuổi rồi, đối diện với cuộc sống của ngày hôm nay với hai số phận khác nhau và ở một góc độ nào đó, đều có chút đáng thương và xa xót… 

Bà Bùi Thị Thạch, vợ nhà thơ Quang Dũng: Ở tận cùng vô thức

Một buổi chiều trở gió, tôi tìm đến Nhà Tuổi Vàng, một ngôi nhà dưỡng lão nhỏ nhắn, nơi bà Bùi Thị Thạch, vợ nhà thơ Quang Dũng đang ở. Vì là ngày thường, nên cả khu nhà chìm trong không khí vắng vẻ đến u tịch. Tầng một, chị Bình, Giám đốc Nhà Tuổi Vàng đang tất bật ở bếp nấu cháo chiều cho các cụ. Chị bảo, gần đây một nhân viên của trung tâm nghỉ việc nên chị bận rộn hơn nhiều. Ngồi chờ ở phòng khách còn có một bác khoảng gần 70 tuổi cao ráo, đứng ngồi không yên khiến tôi để ý, chị Bình bảo, bác này mới xuống đây được vài ngày, vì giận vợ, giận con rồi bỏ đi, giờ bác đang ngồi chờ điện thoại. Mà lạ thế, thằng con hẹn gọi lại mãi cả tiếng đồng hồ chẳng thấy, làm bác chờ suốt.

Trước khi tìm đến Nhà Tuổi Vàng này, tôi vẫn hình dung đây sẽ là một trung tâm dưỡng lão có diện tích rất lớn, nằm trong một khuôn viên rộng có không gian để các cụ hàng ngày được đẩy đi dạo hoặc ngắm cảnh… như ở một vài trung tâm dưỡng lão lớn tại Hà Nội mà tôi có dịp tham quan. Tuy nhiên, Nhà Tuổi Vàng giản dị và ấm cúng hơn vì đây là một căn nhà ống nằm trong quần thể những ngôi nhà của khu dân cư Linh Đàm được chị Bình thuê lại. Và vì diện tích hẹp nên hiện nay nhà chỉ có 9 cụ ở. Chị chia sẻ, tới đây, chị sẽ chuyển Nhà Tuổi Vàng đến một địa chỉ khác (cũng là một nhà dưỡng lão thứ 2 nữa do chị làm giám đốc), để tập trung các cụ lại thành một mối để tiện chăm sóc.

Tôi lên tầng 2 gặp cụ Thạch. Phòng rộng chừng hơn 10m2 nhưng khá thoáng vì mở cửa sổ là có một không gian thoáng ở bên ngoài. Chị Huyền, quê ở Phú Xuyên, Hà Nội vừa đưa bánh quy cho cụ vừa nói đùa: "Gớm, cụ Thạch ăn giỏi lắm, bánh quy chị Thảo (chị Bùi Phương Thảo, con gái cụ - PV) gửi vào, nhoắng cái là hết". Rồi chị lại ngồi cạnh vuốt tóc chải đầu cho cụ: Đấy, 94 tuổi rồi, mà da dẻ vẫn hồng hào như thế này. Hồi trẻ chắc cụ đẹp phải biết! Mà cụ ăn giỏi lắm, ngày ba bát cháo hết veo, chưa kể đồ ăn vặt, cái gì cụ cũng ăn được, kẹo cứng đến mấy cho vào miệng ngậm, lấy sụn nhai nhai rồi lại xin cái khác…".

Cụ Thạch bây giờ so với cách đây 5 năm khi vào ở Nhà Tuổi Vàng, đã yếu và lẫn đi nhiều. Cụ hầu như không nhận ra những người xung quanh, kể cả chị Thảo, con gái mình. Cuối tuần nào cũng vào đây đều đặn thăm cụ nhưng có lúc cụ nhận ra, có lúc không. Những lúc lẩn mẩn như thế, cụ nói chuyện một mình, rồi vỗ vỗ tay hoặc nghịch đồ đạc, chăn chiếu xung quanh chỗ ngồi. Cụ không đi lại được vì di chứng của chân gãy từ cách đây nhiều năm.

Tôi ghé vào tai cụ hỏi: "Cụ còn nhớ ông Dũng không ạ? Nhà thơ Quang Dũng ấy!". Cụ thủng thẳng: "Ông Dũng à, có chứ. Mãi không thấy ông ấy về, sốt cả ruột, kỳ này viết nhiều thế!". Biết cụ ngày xưa từng là một thợ đan len giỏi, thậm chí, nhờ bàn tay dẻo dai ấy, mà cụ đã nuôi nấng 5 người con ăn học nên người. Tôi hỏi cụ: "Cụ còn nhớ cách đan len không?". Cụ nhìn tôi một lúc: "Đan à, làm gì có len mà đan. Phải mua len tốt. Ở đây chả có len tốt!". Rồi cụ lại vỗ vỗ tay.

Chị Minh cho biết, cụ Thạch là một trong những cụ lành nhất ở Nhà Tuổi Vàng, đêm đến, uống thuốc ngủ xong là đi ngủ một mạch cho đến 2 - 3 giờ sáng. Hầu hết các cụ ở đây đều bị lẫn. Cụ Thạch tuổi cao đã đành, có những người chỉ mới ngoài 60 - 70 nhưng bệnh xem ra còn nặng hơn. Đang đêm, các cụ tỉnh dậy và nói một mình như trò chuyện cùng vô thức.

Sau khi đến thăm cụ Thạch, tôi có dịp ngồi trò chuyện cùng chị Bùi Phương Thảo, con gái út của cụ. Chị hiện là Hiệu phó Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Hà Nội). Không chỉ bận công việc quản lý ở trường, chị còn thay mặt người cha quá cố của mình làm công việc Trưởng ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến, rồi là thành viên Ban chủ nhiệm CLB Văn nghệ xứ Đoài. Tất bật với những công việc đối nội, đối ngoại, song, chị vẫn tranh thủ thời gian để trò chuyện.

Tôi kể lại chuyện gặp cụ Thạch ở Nhà Tuổi Vàng, chị chia sẻ: "Thực ra thời gian đầu, cụ cũng không muốn vào Nhà Tuổi Vàng đâu. Khóc suốt đấy. Gặp cụ cứ năn nỉ: "Cho mẹ về nhà"! Nhưng mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nên tôi đành động viên mẹ ở lại để tiện cho việc thuốc thang chăm sóc. Bây giờ thì cụ tuổi mỗi ngày một cao, lẫn hết cả rồi. Tuần nào tôi cũng cố gắng sắp xếp thời gian xuống chơi với cụ vài tiếng, rồi lại bù đầu với bao nhiêu công việcå".

Tôi lo lắng: "Cụ yếu thế, có bao giờ chị và các anh chị em có ý định đưa cụ về nhà không? Nói dại mồm chẳng may cụ… quy tiên thì lại không gặp được con cháu!". Chị ngậm ngùi: "Thì tất cả mấy anh chị em chúng tôi cũng đã xác định tư tưởng rồi. Anh cả tôi ở Thái Nguyên, xa xôi trung tâm y tế, lo ngại cụ lúc trái nắng trở trời. Ngày xưa cụ ở với anh thứ hai ở Hà Nội thì giờ anh đã mất, còn chị dâu đã hưu trí và các cháu cũng còn phải học hành. Tôi dù ở gần đây nhưng nhà tập thể chật chội, cheo leo, đưa cụ về thuê ôsin chăm cụ thì mình lại phải thêm người… trông ôsin thì… quá tội! Đành phải để cụ ở Nhà Tuổi Vàng, nếu chẳng may cụ ra đi thì ở đó cũng đã có các dịch vụ lo hậu sự cho cụ, nên con cháu cũng yên lòng!".

Rồi chị Thảo đọc cho tôi nghe bài thơ mới nhất chị viết về mẹ vào rằm tháng Giêng vừa rồi: "Cơn mưa phùn thả dài từng sải chân/ Đèn lên/ Bừng sáng từng dãy phố/ Những nụ đào bật hoa và lá xanh như ngọc…/ Phút giao thừa náo nhiệt/ Ở lại phía sau cánh cửa khép hờ/ Mẹ ngồi đấy/ Lặng thầm đếm giao thừa đủ đầy một bàn tay/ Khói trầm hương ướt đẫm/ Từng lời nguyện cầu con cài trắng tóc mẹ/ Tóc đã thành mây bồng bềnh tiên cảnh.../ Trên thân cây mốc thếch/ Những nụ đào bật hoa, lá mướt xanh như ngọc/ Con đếm giao thừa còn mẹ…" (Giao thừa còn mẹ).

Bà Trần Thị Lâm Yến.

Bà Trần Thị Lâm Yến, vợ nhà thơ Tế Hanh: Ở lại cùng nhớ

Bà Lâm Yến nay đã 86 tuổi nhưng mọi thứ trong trí nhớ của bà về người chồng quá cố, nhà thơ Tế Hanh, chưa bao giờ mờ phai trong ký ức. Trên căn gác nhỏ ở Nguyễn Thượng Hiền, bà vẫn túc tắc cái chân đau và cái ba toong lích xích từng bước. Ngôi nhà yên tĩnh đầy ắp kỷ niệm dường như chưa bao giờ cũ về người chồng yêu thương bà vẫn thường xuyên gợi nhớ với bạn bè của chồng, với các phóng viên khi đến tìm hiểu về nhà thơ Tế Hanh.

Bà kể: Tôi còn nhớ khi gần 80 tuổi, anh là con trưởng và có ước nguyện cùng các em tu sửa lại nhà thờ, nơi ông bà cha mẹ đã sống ở đó và cũng là nơi anh cất tiếng khóc chào đời, lớn lên và trưởng thành những năm đầu. Anh chưa làm được thì ngã bệnh. Tôi cùng các em trai anh góp tiền chung lo và giao trách nhiệm cho con trai chúng tôi là cháu Việt Thanh. Nhà thờ làm xong đến ngày khánh thành thì sức khỏe của anh cũng sa sút rất nhiều, lúc tỉnh, lúc mê. Tôi có nói cho anh biết nhà thờ đã tu sửa xong, hiện đã được giao cho người cháu trông nom chu đáo. Bỗng dưng anh nắm chặt tay tôi, hai hàng nước mắt chảy dài. Tôi cảm nhận được anh rất mừng và cảm ơn tôi đã thay anh lo việc lớn cho gia đình".

Mới đây, bà làm được một việc coi như là trọn vẹn với sự nghiệp của nhà thơ Tế Hanh, đó là bà đem giao toàn bộ tư liệu, sách vở sự nghiệp của ông cho Trung tâm Lưu trữ Thư viện Quốc gia. Vì bà vốn tự coi mình, đối với thi ca, là người ngoại đạo. Bà là vợ của một nhà thơ, là mẹ sinh ra những đứa con cho nhà thơ, là người nâng giấc cho ông trong suốt cuộc đời từ bữa ăn, giấc ngủ, chăm nom khi đau yếu… Song đối với thơ ca của chồng mình, bà coi đó là một chân trời khác đầy sự quyến rũ mà bà không bao giờ có thể nắm giữ được, không hiểu được và phân loại được. Cũng chính vì không muốn các tư liệu về ông bị mất, thất lạc đi, bà chỉ còn một cách duy nhất là trao gửi nó ở Trung tâm Lưu trữ để khi có ai cần tìm hiểu sẽ tường tận mọi vấn đề thuộc về thơ ca và cuộc đời của nhà thơ Tế Hanh.

Khác với bà Bùi Thị Thạch, bà Lâm Yến có một căn nhà đàng hoàng để ở, dù không lấy gì làm rộng lớn nhưng bà được tự do, tự tại trong không gian sống của mình. Bà và nhà thơ Tế hanh có 3 người con. Con gái cả của bà có thời làm việc ở nước ngoài nhưng hiện nay, đang về sống cùng bà trên căn gác ở Nguyễn Thượng Hiền. Chị vốn là một y tá nên mọi việc chăm nom mẹ đều trông cậy cả vào chị. Con gái thứ hai của bà làm việc tại một ngân hàng nước ngoài, cuộc sống khấm khá nên chị chu cấp cho mẹ đầy đủ thuốc men, tiền bạc để mẹ có một đời sống ổn định. Anh con trai út hiện làm báo hình, cũng đã có một đời sống riêng trọn vẹn, khiến bà cảm thấy tự hào vì đã chăm lo được cho các con ăn học nên người.

Bà Lâm Yến nhớ lại: "Tôi không bao giờ quên được hình ảnh của anh Tế Hanh lúc mẹ con tôi đi sơ tán theo Trường Phụ nữ Trung ương, cách Hà Nội 30-40 cây số. Ngày chủ nhật, ngày lễ anh thường xuyên đến thăm, đi chiếc xe đạp cũ kỹ, không phanh, không chắn bùn, lại đèo theo hai chai nước mắm, chai dầu hỏa, bánh xà phòng, gói đường, gói mì chính… là những thứ được cơ quan anh phân phối. Có lần anh mang cả mùn cưa đến để nấu cháo cho con. Quần áo xốc xếch, đầu đội mũ rơm… trông như ông nông dân, không có bóng dáng gì của nhà thơ ở thành phố về. Chị em ở cơ quan tôi gọi đùa là "ông chủ nhiệm hợp tác xã".

Có lẽ bởi điều này, bà chưa bao giờ có một lời than vãn trong suốt hơn 10 năm chăm chồng nằm liệt giường, chắt chiu từng đồng bạc lẻ, luôn luôn ở bên cạnh chăm chút từng thìa cháo, thìa sữa cho ông cho đến này ông về cõi vĩnh hằng. Ngay cả bây giờ, dù đã ở tuổi 86, song tất cả những công to việc lớn ở trong nhà, những việc liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Tế Hanh vẫn một mình bà lo liệu. Không những thế, bà là nơi để con cháu đi về sớm tối. Bà bảo, nhà thơ Tế Hanh là người để các con tự hào và sống tốt vì danh dự của người cha, nhưng bản thân bà, dù đau yếu, nhưng phải như là một gốc cây già để con cháu tựa nương, sum vầy về mặt tình cảm.

Bà kể: "Cũng bởi muốn níu giữ tất cả những ký ức về gia đình nên tất cả mọi đồ đạc, cách bài trí trong căn nhà này, vẫn cứ nguyên vẹn như hồi anh Tế Hanh còn sống, kể cả khung cảnh thiên nhiên bên ngoài ban công. Anh vốn rất yêu căn nhà này, thậm chí anh cũng không muốn rời ngôi nhà nhỏ của chúng tôi ở Nguyễn Thượng Hiền khi cơ quan có kế hoạch phân cho anh nơi rộng rãi hơn. Có lần bạn cho cây hoa quỳnh, hoa cẩm cù và hoa giấy màu vàng. Anh mang về cho tôi trồng trong chậu đặt ở ban công, ngày nào anh cũng chăm tưới cây, khi cây ra hoa anh bắc ghế ngồi xem hoa nở… Chính thiên nhiên thơ mộng ở Hà Nội mà anh rất thích đã là nguồn cảm hứng cho nhiều bài thơ củ anh về Hà Nội như "Hà Nội vắng em", "Hai ông cháu và cái hồ"…".

Trong câu chuyện với bà, tôi có buột miệng kể lại câu chuyện tôi vừa gặp bà Bùi Thị Thạch ở nhà dưỡng lão. Bà Lâm Yến sửng sốt: "Ôi, thật khổ cho chị Thạch. Kể ra thì người già như chúng tôi, chẳng muốn đi đâu cả, kể cả vào nhà dưỡng lão có sướng đến giời thì vẫn muốn ở lại ngôi nhà mà mình đã sống gần hết cuộc đời, bên cạnh có con cháu có bóng dáng người thân. Chứ ở một nơi xa lạ, quạnh quẽ như nhà dưỡng lão thì buồn lắm, tủi lắm".

Rồi bà nhìn tôi như cần một lời giải thích, tôi cũng chẳng biết nói gì, chỉ biết nói lại câu của chị Thảo: "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Câu chuyện đang trầm lại thì bà Lâm Yến dắt tôi sang phòng ngủ kế bên, căn phòng hẹp chừng hơn chục mét vuông đủ kê một cái gường, một cái bàn nhỏ xinh và một toilet. Bà chỉ vào cô cháu ngoại (con người con gái cả) có nước da trắng, xinh xắn, đã ngoài 20 tuổi bị bệnh tự kỷ đang nằm vừa ngủ vừa nói mê ở trên giường: Đấy cháu xem, thực ra đã là số phận thì ai cũng phải chấp nhận. Cháu bà đấy, hơn 20 năm nay, mẹ nó vất vả làm lụng chỉ đủ để nuôi con, thuốc men, chăm bẵm, thậm chí là chịu đựng hy sinh nhiều thứ để chăm con nhưng, con mình sinh ra, có cha mẹ nào mà không thương, dù con khôn hay con dại. Cũng như cha mẹ, có ai được quyền lựa chọn. Biết cuộc sống đôi khi đã được ông trời định đoạt, song, mỗi người chúng ta phải biết sống để không bao giờ phải hối hận vì những ngày mình đã sống…

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.