Khí nhạc Việt lép vế trong đời sống âm nhạc

Thứ Ba, 23/10/2018, 13:05
Trong đời sống âm nhạc đương đại đầy sôi động hiện nay, dòng thanh nhạc (nhạc có lời) vẫn luôn chiếm ưu thế, thậm chí đang lấn át dòng khí nhạc (nhạc không lời).

Ngay cả trên các phương tiện truyền thông của đài truyền hình, đài phát thanh từ trung ương đến địa phương được phát sóng vào các khung giờ vàng hay những chương trình ca nhạc được diễn ra tại các nhà hát, người ta vẫn thấy dòng thanh nhạc gần như chiếm lĩnh toàn bộ còn dòng khí nhạc xuất hiện nhỏ bé như một chấm nhỏ trên bản đồ âm nhạc Việt Nam đương đại.

Qua rồi thời hưng thịnh của khí nhạc

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đất nước đã sản sinh ra không ít những nhạc sĩ tài năng và tác phẩm khí nhạc của họ đã tạo nên dấu ấn đậm nét. Như nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương có “Adagio Bên dòng sông Thương”, “Giao hưởng thơ Đồng Khởi”, “Trở về đất mẹ” cho violoncelle và piano. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận với: “Mùa xuân trên rừng”, “Tứ tấu đàn dây Tây Nguyên”, “Tổ khúc giao hưởng Điện Biên”, “Chiến thắng Điện Biên”, “Mở đường Trường Sơn”. Nói đến Hoàng Việt có giao hưởng “Quê hương”; nhắc đến Chu Minh có “Miền Nam tuyến đầu”.

Ở thế hệ sau này có nhiều thế hệ nhạc sĩ có đóng góp lớn cho nền khí nhạc như nhạc sĩ Hồng Đăng, Hoàng Vân, Ca Lê Thuần, Trọng Bằng, Thế Bảo, Đặng Hữu Phúc, Đỗ Hồng Quân, Nguyễn Thiện Đạo…  Còn trẻ hơn nữa như  Trần Mạnh Hùng, Lê Bằng, Vũ Việt Anh, Đỗ Bảo, Xuân Thuỷ….

Buổi biểu diễn Hòa nhạc giao hưởng số 41 của Mozart.

Nhạc sĩ Hồng Đăng, tác giả của ca khúc nổi tiếng “Hoa sữa”, “Biển hát chiều nay”, “Hà Nội mùa chim làm tổ”, chia sẻ: Trong âm nhạc chia ra hai dòng nhạc là thanh nhạc (nhạc có lời) và khí nhạc (nhạc không lời). Bản thân ông nhiều năm dạy học tại Nhạc viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, có giáo án khí nhạc cho học trò. Ông cũng đóng góp cho khí nhạc với nhiều sáng tác nhưng công chúng biết đến ông chủ yếu qua bài hát phổ biến trên sóng đài truyền hình, phát thanh. Ông nói, thanh nhạc là âm nhạc dễ tiếp cận với công chúng hơn và tầng lớp nào trong xã hội cũng có thể đón nhận được.

Còn về khí nhạc đòi hỏi người nhạc sĩ sáng tác công phu hơn nhưng lại ít được chú ý, chính vì vậy mà bấy lâu nay gần như người ta sao lãng và bỏ quên một mảng lớn của âm nhạc, đó là khí nhạc. Ông nói: “Có thể viết hàng trăm ca khúc được yêu thích, nhưng không cảm thấy mãn nguyện như viết một tác phẩm khí nhạc làm cho mình hài lòng”.

Một cá tính của làng nhạc Việt - nhạc sĩ Lê Minh Sơn cũng từng thốt lên: anh rất thương những nghệ sĩ của dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Anh bảo họ nghèo, đồng lương và tiền cát sê èo uột, mà để đào tạo ra một nhạc sĩ chơi nhạc giao hưởng mất rất nhiều năm học, từ sơ cấp, lên trung cấp, đại học, trên đại học...

“Nhất bên trọng, nhất bên khinh”

Mới đây nhất cuối tháng 9 vừa qua, Hội Âm nhạc Việt Nam đã tổ chức cuộc liên hoan sáng tác ca khúc về chủ đề quê hương và biển đảo quy mô lớn với 31 tỉnh thành tham dự. Hội đã nhận được 43 tác phẩm, trong đó có đến 40 tác phẩm là thanh nhạc, chỉ có ba tác phẩm là khí nhạc.

Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết: “Khí nhạc không có giao hưởng mà ở đây chúng ta gọi là nhạc thính phòng, nhạc để diễn trong phòng nhỏ thôi. Chỉ cần nhìn vào tác phẩm dự thi ta sẽ thấy rõ nét nhất bức tranh toàn cảnh về nền khí nhạc Việt Nam”.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân kể: 11 năm qua có trên 30 cuộc liên hoan do Hội đứng ra tổ chức, cùng với hai festival quốc tế lớn năm  2014, 2016 và sắp tới đây là cuối năm 2018. Như vậy đã có các cuộc liên hoan mang tính đại chúng ở các khu vực, các vùng miền, vừa mang tính xã hội vừa mang tính nghệ thuật. Hội cũng cố gắng đưa âm nhạc không lời đến với công chúng. Từ các cuộc liên hoan đến dự thi thì chủ yếu các tác phẩm của nhạc sĩ người Việt là thanh nhạc chiếm đại đa số.

Có điều đặc biệt là tại festival âm nhạc quốc tế Á - Âu tổ chức hai năm một lần được khởi xướng từ năm 2014, đã thấy rõ sự khác biệt lớn giữa tác phẩm dự thi và trình diễn trong nước, nước ngoài. Nếu như mấy chục nhạc sĩ Việt chỉ chú trọng đến các tác phẩm thanh nhạc thì có đến 200 nghệ sĩ quốc tế mang đến các tác phẩm khí nhạc từ tam tấu, hoà tấu, độc tấu piano đến những bản  concerto,..

Tại sao lại có độ vênh rất lớn này, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết: “Anh chị em viết chính về thanh nhạc vì có nhiều lí do, trong đó lí do là đáp ứng được nhu cầu công chúng cần nghe, thói quen thưởng thức âm nhạc ca khúc, và ta thấy trên sóng truyền hình từ trung ương đến địa phương 4/5 thời lượng phát sóng âm nhạc là nhạc có lời.

PGS. TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Chúng tôi cũng nói mãi là làm sao để tăng thể loại âm nhạc không lời lên, vì nhạc không lời cực kì quan trọng, có giá trị rất cao về nghệ thuật. Nhưng rất đáng tiếc là chúng ta không có điều kiện để phát sóng nhiều, để khán giả tiếp cận với loại hình âm nhạc không lời này. Điều đó cũng khiến các nhạc sĩ có tâm huyết với âm nhạc không lời cũng nản và tránh, khiến người nhạc sĩ không thể trăn trở ngày đêm tìm viết  một ý, một tứ trong bản nhạc”.

Lý giải tại sao nhạc sĩ sáng tác ngại đụng chạm đến khí nhạc, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ khẳng khái nói: “Viết thanh nhạc thì dễ hơn trong việc dàn dựng, dễ hơn trong việc phổ biến, dễ hơn trong việc đi vào công chúng và dễ hơn trong cả việc nổi tiếng. Nhắc đến các nhạc sĩ chuyên viết về khí nhạc như Giáo sư - nhạc sĩ Nguyễn Văn An, người đã viết được chín giao hưởng cho giàn nhạc giao hưởng Việt Nam đấy cũng là một kì công chưa chắc nhạc sĩ đương đại nào có thể làm được; nhưng để hỏi Giáo sư Nguyễn Văn An là ai thì đôi khi chúng ta cũng không biết.

Đấy là một điều thiệt thòi cho người nhạc sĩ sáng tác khí nhạc. Tác phẩm khí nhạc bao giờ cũng ít được nghe hơn thanh nhạc.  Âm nhạc thanh nhạc và khí nhạc như là một chân tươi và một chân héo rồi.

Nói về thực trạng sáng tác trong Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ: “Tôi gần 30 năm qua giảng dạy khoa sáng tác ở Nhạc viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam từ năm 1986 đến giờ, mỗi năm đào tạo ra rất nhiều nhạc sĩ trẻ. Đã đào tạo ra trường là phải biết khí nhạc, bài tốt nghiệp phải là một bản nhạc giao hưởng và một hoà tấu nhạc cụ  nhưng bây giờ tìm lại các tác phẩm đó ở đâu?! Báo cáo tốt nghiệp xong nằm im ở đó, hoặc rất ít các em theo được con đường khí nhạc, và để trưởng thành bằng con đường khí nhạc là một vấn đề nan giải”.

Giao lưu nhạc giao hưởng Việt Nam – Nhật Bản.

Nỗi buồn khí nhạc Việt Nam

Nhạc trưởng Fukumura, người từng chỉ huy nhiều dàn nhạc giao hưởng thế giới đã nhận xét về dàn nhạc giao hưởng Việt Nam với những nghệ sĩ hầu hết được đào tạo tại Nhạc viện Hà Nội: “Tôi vô cùng thích thú vì thấy Hà Nội có một giàn nhạc giao hưởng toàn là người Việt Nam. Đây là một dàn nhạc có trình độ cao, các nghệ sĩ được đào tạo chính quy và cơ bản như thế này thì Việt Nam đã có một tài sản đáng giá ngàn vàng. Nếu được tạo điều kiện tốt hơn thì họ sẽ trở thành một trong những dàn nhạc số một của châu Á”.

Một nhạc sĩ nước ngoài cũng đã từng nói: “Tôi có may mắn được đi học tập và thăm nhiều nhạc viện ở trên thế giới như ở Nhật, châu Âu và hầu hết các quốc gia ASEAN, phải nói rằng Nhạc viện Hà Nội (Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam) là một trong những nơi tập trung nhiều nhân tài nhất mà tiếc rằng còn ít người biết về các bạn”.

Quả là đáng tiếc thật nhưng có lẽ khi phần đông thị hiếu đã có thói quen nghe thanh nhạc thì khí nhạc chỉ là vũng nước nhỏ so với bể rộng của nền nhạc Việt. Những năm gần đây trên các kênh sóng của đài truyền hình, nhiều game show âm nhạc ra đời nhưng chỉ ưu ái dành riêng cho thanh nhạc phát sóng vào khung giờ vàng và phát sóng trực tiếp. Trong khi đó ta thấy thực sự hiếm hoi để có một cuộc thi khí nhạc hay cuộc dạo chơi âm nhạc nào đó để khí nhạc có đất để phát triển.

Ca sĩ Tùng Dương mang nhạc giao hưởng đến Đại ngàn Tây Nguyên.

Một thực trạng đáng buồn nữa là ở những nhà hát lớn nơi diễn ra các buổi biểu diễn thì chương trình thanh nhạc của một ca sĩ nổi danh nào đó, nhạc sĩ tài hoa gì đấy luôn bán được vé và căn phòng sẽ đầy ắp khán giả. Còn buổi biểu diễn khí nhạc, nhạc thính phòng gần như rất kén người nghe, khách đến chủ yếu là người trong nghề và khách nước ngoài.

Có nhiều lần xảy ra tình trạng “dở khóc dở cười” khi khán giả đến thưởng thức âm nhạc của giàn nhạc quốc tế biểu diễn bản nhạc của những Bach, Tchaikovsky, Mozart tại Việt Nam…. Lúc đầu khán giả rất háo hức sau đó thì nhiều người ngủ gục ở trong rạp, còn những người đang chăm chú lắng nghe thì lại vỗ tay vô tội vạ.

Sự vỗ tay này bất bình thường đến nỗi khiến các nghệ sĩ biểu diễn quốc tế vô cùng ái ngại và loay hoay không biết phải làm sao. Sau này, ban tổ chức đã phải cài người vào để “mớm mồi” vỗ tay cho đúng không làm quê mặt, giữ thể diện cho khán giả quê hương.

Sự vênh nhau về mức cát sê cũng là điều đáng nói. Nếu như người ta sẵn sàng bỏ từ 1 đến 2 triệu mua 1 cặp vé đi xem thanh nhạc thì lại lưỡng lự nếu bỏ từng đấy số tiền đi nghe nhạc giao hưởng. Một nhạc sĩ tên tuổi cho biết nếu nhạc sĩ diễn viên của dàn nhạc giao hưởng sống bám vào đồng lương thì “chết đói”.

Nhiều năm trở lại đây, một số gia đình trung lưu muốn cho con cháu hiểu biết về âm nhạc nên đã “mướn” các nghệ sĩ này dạy nhạc theo giờ, và người nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn nhạc không lời như piano, violin, guitar… cũng có thêm thu nhập. Còn đối với các loại nhạc cụ khác kém thịnh hành hơn thì đành nhận biểu diễn cho các quán ăn, nhà hàng để giải quyết cái “trước mắt”.

Song sự thực, một khi đã là nghệ sĩ sáng tác, là nghệ sĩ biểu diễn chắc chắn họ sẽ muốn biểu diễn trên sân khấu cho khán giả công chúng thưởng thức hơn là làm nghề “gõ đầu trẻ” một cách bất đắc dĩ.

Trần Mỹ Hiền
.
.
.