Khai thác vàng bất hợp pháp ở Uganda

Thứ Tư, 23/08/2017, 13:51
Công nghiệp khai thác mỏ vàng ở Uganda tăng trưởng ngoạn mục trong những năm gần đây. Xuất khẩu vàng nước này đạt 340 triệu USD năm 2016 - tăng từ 237.000 USD năm 2014. Những điểm khai mỏ mới đang mở ra khắp đất nước, tạo nhiều công công ăn việc làm cho hàng ngàn người dân nghèo.

Nhưng theo báo cáo mới từ tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường Global Witnees, đàng sau công nghiệp khai mỏ này là mảng tối - tham nhũng, xung đột, vi phạm nhân quyền và hủy hoại môi trường.

Nguồn sống của dân nghèo và trẻ em bị vắt kiệt sức lao động

Đối với nhiều người dân Uganda, mỏ vàng nằm sâu bên dưới lòng đất vùng đồi vùng Mubende miền trung nước này là nguồn sống của họ. Trong vòng 5 năm qua, ước tính có khoảng 70.000 người đã từ bỏ nhà cửa mà di chuyển đến mỏ vàng ở Mubende nhằm tìm kiếm vận may nuôi sống gia đình. Những thanh niên leo lên từ dưới hố sâu hơn 100 mét cùng với thúng đất cát để sau đó đãi vàng. Họ làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm.

Phụ nữ chỉ làm việc trong các quán ăn phục vụ đội quân đàn ông tìm vàng hay tham gia công việc sàng lọc đất tìm vàng. Theo niềm tin của người Uganda, phụ nữ không được phép đi xuống mỏ vàng dưới lòng đất vì như thế sẽ khiến cho vàng... biến mất!

Đội quân khai thác vàng bất hợp pháp ở Mubende.

Không chỉ có thợ mỏ lớn tuổi mà còn có rất nhiều trẻ em săn vàng. Cậu bé tên là Agaba (không phải tên thật) 15 tuổi nằm trong số 15.000 đứa trẻ làm việc tại mỏ vàng Mubende. Thậm chí có đứa trẻ nhỏ chỉ mới 8 tuổi. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) của Liên Hiệp Quốc mô tả đây là hình thức trẻ em tự nguyện bị cưỡng bức lao động do cái nghèo vây bủa.

Agaba làm việc suốt 11 giờ mỗi ngày và thường xuyên tiếp xúc với nước và thủy ngân. Cũng giống như Agaba, một số trẻ tìm được vàng sẽ bán cho người trung gian luôn có mặt tại mỏ để thu mua. Trẻ em ở Mubende không hề biết gì về những mối nguy hiểm chết người luôn rình rập như là thủy ngân hay dịch bệnh.

Stephen Turyahikayo, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu giải pháp bền vững - tổ chức phi chính phủ của Uganda - nhận định: “Không một ai quan tâm đến số phận của những đứa trẻ này. Cả chính phủ lẫn các công ty đều không hề quan tâm”.

Theo số liệu điều tra từ ILO, hơn 1 triệu trẻ em lao động trong các mỏ vàng khai thác thủ công và bất hợp pháp trên toàn cầu. Nadine Osseiran, nữ chuyên gia ILO, đánh giá: “Những gì mà chúng ta nhìn thấy được là những mỏ vàng quy mô nhỏ ở Uganda cũng như khắp châu Phi và phần còn lại của thế giới đang sử dụng lao động trẻ em. Tại những mỏ vàng vàng khai thác thủ công bất hợp pháp và không được kiểm soát không hề có những cơ cấu bảo vệ người lao động”.

Lao động trẻ em ở mỏ vàng Mubende.

Vấn đề chính là trẻ em cố gắng kiếm tiền trong khi những mỏ vàng đang hủy hoại tương lai các em nhỏ. Trẻ em làm việc cực nhọc nhưng chỉ nhận được số tiền công ít ỏi trong khi không hề biết sự độc hại của thủy ngân là như thế nào. Các tổ chức phi chính phủ địa phương cũng như tổ chức bảo vệ quyền trẻ em thừa nhận họ bất lực trong nỗ lực ngăn chặn sử dụng lao động trẻ em tại những khu mỏ vàng.

Với hơn 60% dân số Uganda kiếm được chưa đến 3 USD một ngày và tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ vào khoảng 65% thì đội quân lao động trẻ em tại khu mỏ Mubende tự coi là may mắn có công ăn việc làm!

Đường đi của vàng

Theo phân tích từ công ty nghiên cứu Hà Lan Somo và tổ chức liên minh Stop Child Labour, lượng vàng xuất khẩu có nguồn gốc từ những khu mỏ khai thác thủ công và bất hợp pháp của Uganda lên đến con số khổng lồ 2,8 tấn/năm.

Irene Schipper, chuyên gia nghiên cứu Somo, đánh giá: “Thực tế cho thấy hoạt động khai thác và kinh doanh vàng ở Uganda rất sôi động và đây cũng là nơi có khoảng 30% lao động là trẻ em. Nghiên cứu của chúng tôi chứng minh được rằng sự khác biệt giữa số liệu vàng xuất khẩu chính thức và số lượng vàng xuất khẩu trên thực tế là rất lớn. Khai thác vàng hoàn toàn không có sự kiểm soát ở Uganda”.

Vàng khai thác thủ công được bán cho những thương lái độc lập. Một thương lái độc lập - vốn là sinh viên tốt nghiệp ngành tin học nhưng thất nghiệp và sớm nhận ra cơ hội mua bán vàng thu về lợi nhuận cao ngất bất chấp được coi là bất hợp pháp - tiết lộ anh đi từ mỏ này đến mỏ khác để thu mua vàng rồi mang về thủ đô Kampala bán lại cho người Ấn Độ để họ xuất khẩu đến Trung Quốc và Dubai.

Phụ nữ chỉ lo công việc đãi vàng.

Trong khi đó, giới chức chính quyền Uganda hoàn toàn không biết về các giao dịch bất hợp pháp này. Một nhân viên công ty kinh doanh vàng ở Kampala thừa nhận: “Chúng tôi mua vàng mà không cần quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ. Những người thợ mỏ cho rằng, nếu xem đây là khai thác bất hợp pháp thì họ không có lỗi vì không ai xin được giấy phép chính thức từ chính quyền.

Mark Asaph, lãnh đạo Hiệp hội Thợ mỏ quy mô nhỏ và thủ công, giải thích: “Chúng tôi cố gắng xin cấp giấy phép song chính quyền không hề hồi âm”.

Diên San (tổng hợp)
.
.
.