Hội nghị Viết văn trẻ Hà Nội lần thứ 3: Lắng nghe người viết trẻ
- Nhà văn trẻ trăn trở về cuộc sống (!)
- Hội nghị Những người viết văn trẻ TP.HCM: Mở rộng đại biểu trẻ từ các tỉnh ĐBSCL
Hội nghị Viết văn trẻ lần này là điểm nhấn quan trọng trong hoạt động văn học của Hội Nhà văn Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2020, để ghi nhận bước đầu của văn học trẻ Hà Nội với một thế hệ tiềm năng của đời sống văn học đương đại phong phú, đa dạng và nhiều màu sắc, sau nữa là thúc đẩy sự sáng tạo nơi người cầm bút, nâng cao chất lượng sáng tác văn học, góp phần xây dựng Thủ đô hiện đại và phát hiện, bồi dưỡng những cây bút mới cho văn học Hà Nội cũng như cho đất nước.
Kéo lại độc giả đang rời xa thơ văn
Với mục đích tập hợp những người viết trẻ đang sống và làm việc trên địa bàn Hà Nội nhằm thúc đẩy sự sáng tạo ở người cầm bút trẻ, nâng cao chất lượng sáng tác văn học, cũng là một dịp để những người viết trẻ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, cùng nhau có một định hướng, một lối đi để có những tác phẩm hay viết về Thủ đô.
Nhà văn Nguyễn Việt Chiến, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội chia sẻ, anh thường "vắt tay lên trán" hằng đêm lý giải sao khi thơ hiện đại mỗi ngày một ít độc giả? Phải chăng tiếng nói của nhà thơ không phải là tiếng nói của số đông trí thức (chưa nói đến quảng đại nhân dân)?
Nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh - Chủ tịch Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội. |
Phải chăng, tiếng nói của nhà thơ chưa rung động, chưa lôi cuốn được mọi người? Phải chăng, các nhà thơ đã khép chặt cõi thơ riêng của mình, không để cho những âm vang nhọc nhằn, bức bối của đời thường có cơ hội lên tiếng? Phải chăng, nhà thơ chưa tìm ra con đường đưa cái đẹp thi ca đến với trái tim con người hiện đại? Phải chăng, các bài thơ hôm nay đã xa rời đời sống cần lao của nhân dân nên đã không có được sự cộng hưởng tri âm trong lòng người đọc?
Nhìn lại nhiều năm qua, có thể nói, cũng giống như Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội (với gần 800 hội viên) đang dần bị “lão hóa” với khá nhiều người viết có tuổi đời khá cao và sức sáng tác ngày một yếu đi, trong khi đó những nhà văn trẻ của Thủ đô chưa được quan tâm đúng mức và tạo điều kiện bồi dưỡng để họ có thể phát triển tài năng và có được những tác phẩm văn chương đích thực góp phần vào sự phát triển của văn học nói riêng và xây dựng con người mới trong công cuộc phát triển Thủ đô hiện đại nói chung.
Anh cũng khẳng định, từ trước đến nay, các nhà thơ đích thực thường nói lên tiếng nói của nỗi đau và khát vọng dân tộc mình, các nhà thơ đã thở hơi thở đời sống cần lao của nhân dân mình. Nhà thơ chỉ có thể gắn bó với đời sống tinh thần của dân tộc mình khi những bài thơ của họ nhận được sự cộng hưởng, sự tri âm từ những con người yêu nước chân chính vào những thời điểm đất nước gian lao.
Thời gian trước đây anh cho rằng, thơ hay (giống như một tấm gương phản chiếu) là loại thơ soi vào thấy mình, thấy cuộc sống con người hiện lên sinh động với các chiều kích khác nhau ở trong đó, còn thơ dở thì có soi vào mãi cũng không thấy gì.
Còn thời gian gần đây, anh lại nhận ra rằng, thơ hay là thứ thơ làm cho người ta phải kinh ngạc và thật sự rung động bởi một ý tưởng mới, một suy tưởng mới, một sức sống mới đang làm nên những dạng thức mới của ngôn ngữ thơ. Nhưng, có một điều dễ nhận ra, thơ hay là thứ thơ còn đọng lại được qua sự thử thách khắc nghiệt của thời gian, bởi thời gian là thước đo sòng phẳng nhất đối với mọi giá trị sáng tạo đích thực của nghệ thuật văn chương.
Cùng tâm trạng, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, (Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội), khẳng định rằng, một nền văn học đầy đủ không chỉ có sáng tác. Nó không thể thiếu vắng một bộ phận quan trọng là lý luận phê bình (LLPB), nghiên cứu văn học và hoạt động tương tác với bạn đọc, hoạt động giao lưu, hội nhập để kéo độc giả trở lại với văn chương. Đội ngũ nhà văn làm công tác LLPB ở Hội Nhà văn Hà Nội hiện nay rất đông đảo và cơ bản giỏi nghề.
Tuy nhiên, hội viên chuyên ngành này trong hội chưa đến 1/10. Trong 1/10 ấy không phải ai cũng viết tốt và tập trung cho hội. Nghĩa là chỉ mạnh về cá nhân, chưa mạnh về tổ chức và đã lão hóa.
Ngoài việc đọc tác phẩm, đề cử giải thưởng và xét kết nạp hội viên hằng năm và một số hội thảo khoa học, Hội đồng chưa có một định hướng và kế hoạch hoạt động của từng nhiệm kỳ, chưa thật sát vào phong trào sáng tác của Hội Nhà văn Hà Nội nên chưa có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ. Việc giới thiệu sách ít "dùng roi" mà chỉ dùng "kẹo bột bọc đường", rất dễ gây nhiều chứng bệnh nguy hiểm và tự làm tha hóa sự phê bình...
Thế hệ nhà văn trẻ Hà Nội đang dần định hình
Có thể nói, đời sống của Thủ đô với nhiều va đập và nhiều câu chuyện là mảnh đất màu mỡ cho những cây viết trẻ. Tuy nhiên, họ đang ở đâu, đang làm gì và thực tế đang hoạt động ra sao trong đời sống văn chương Thủ đô thì chưa có một sự định hình cụ thể.
Nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh, Chủ tịch Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội chia sẻ: Với bản chất đa dạng và phức tạp của xã hội hiện đại khi mà thế giới ảo đang được thúc đẩy bằng cuộc cách mạng 4.0, việc thỏa mãn nhu cầu giải trí cũng như thưởng thức theo lối ảo bằng những thể loại kì ảo, giả tưởng, siêu thực, khoa học viễn tưởng, dã sử, phiêu lưu, sci-fi/fantasy... là một tất yếu khách quan và không ít tác phẩm của những dòng này đã đạt được thành tựu với sự ghi nhận của giải thưởng văn học tuổi 20.
Các tác phẩm viết về Hà Nội của tác giả Nguyễn Trương Quý. |
Hầu hết các tác phẩm này đều thể hiện sự tưởng tượng thuần túy. Các tác phẩm này vừa bắt nguồn từ cuộc sống ảo, cái cần cho người viết trẻ hiện nay là vốn viết được tích lũy từ những cái đầu (vốn đọc và mạng Internet) chứ họ sống làm sao cho lại, vừa là xu thế tương lai.
Khi giới trẻ liên tục dán mắt vào màn hình (điện thoại thông minh, laptop, iPad) thì văn học ảo chắc chắn sẽ lên ngôi. Điều này đảm bảo nguyên lý vĩnh cửu là tưởng tượng (hư cấu - fiction) tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong văn chương... Để các phong cách ý tưởng, quan niệm có điều kiện va chạm cọ xát, ngõ hầu tìm ra chân lý với mong muốn đưa lại không gian đa chiều, đa thanh tới đời sống văn học.
Vừa qua, Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội đã tổ chức một cuộc trao đổi thảo luận “Văn xuôi trẻ Hà Nội: Có gì ngoài hiện thực?” với sự tham gia của chuyên gia Trần Ngọc Hiếu, tuy số lượng tham dự không nhiều nhưng rất có chất lượng, hàng loạt vấn đề được cày xới trao đổi tranh luận chân tình, thẳng thắn, sôi nổi.
Có thể nói khá nhiều tác phẩm “phi hiện thực” đã đụng chạm tới những vấn đề nhân sinh, tư tưởng triết học, đi sâu nhấn mạnh thế giới nội tâm con người bỏ qua hình thức bên ngoài. Các tác giả có xu thế viết bằng vốn đọc (từ sách và mạng) và quan trọng hơn là bước đầu tiệm cận, hòa vào mạng văn chương thế giới.
Tác giả trẻ Nhật Phi. |
Nhà văn trẻ Nhật Phi (tên thật là Đỗ Minh Quân), sinh năm 1991 tại Hà Nội thì lo lắng về văn hóa đọc. Hiện tại anh đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Anh là tác giả trẻ đã xuất sắc đạt Giải Nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 lần V (do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Báo Tuổi trẻ, Nhà xuất bản Trẻ phối hợp tổ chức) với tác phẩm “Người ngủ thuê” (truyện dài, Nhà xuất bản Trẻ, 2014).
Anh cho rằng, thế kỉ 21, với sự lên ngôi của truyền thông đa phương tiện, trước nhất, sách giấy đã tỏ rõ sự lép vế so với vô vàn hình thức giải trí khác. Người hiện đại có điện ảnh, có nhiếp ảnh, có truyền hình, có trò chơi điện tử, có âm nhạc tân thời và trên hết, có mạng xã hội.
Tất cả trong một thiết bị đặt vừa lòng bàn tay. Sao phải đọc sách? Và ngay cả khi họ muốn đọc một thứ gì đó thuộc về ngôn từ, mạng xã hội cũng hoàn toàn đáp ứng được cho họ, với những bài đăng không thử thách tính kiên nhẫn. Thậm chí tồn tại cả một thành ngữ hiện đại “Dài quá, ngại đọc” để chỉ bài viết tóm tắt.
Thế rồi, ngay cả trong cái vòng nhỏ hơn của “sách”, “sách giấy”, văn chương cũng đã không còn là một ưu tiên.
“Thế giới đang trở nên ngày một phẳng hơn, tạo điều kiện cho những “vùng trũng” như xứ ta tiếp cận với tất tần tật các khía cạnh của văn minh thế giới. Và từ đó, văn chương thế giới tràn vào Việt Nam, lấn đi phần lớn “quota” đọc của độc giả phổ thông. Các bạn trẻ mà tôi biết ngưỡng mộ Murakami Haruki, say đắm Patrick Modiano, ngây ngất với Guilliam Musso hay Marc Levy... Các độc giả khó tính hơn thì mỗi năm đều có đủ đầy những Nobel, Pulitzer, Franz Kafka để mà đọc, để mà nghiên cứu. Họ chẳng buồn ngó tới giải Hội Nhà văn Việt Nam chứ đừng nói tới văn học tuổi 20 như chúng tôi.
“Em không đọc văn học Việt”, đừng nói rằng chúng ta chưa từng nghe câu nào tương tự thế nhé. Văn chương Việt vẫn đang thua ngay trên sân nhà, chỉ tính về doanh số bán sách. Cũng đúng thôi, khi mà chúng ta chỉ là một trong số gần 200 quốc gia, với một nền văn học chỉ là một trong chừng vài chục nền văn học mà người Việt tiếp cận được.
Tọa đàm thường kỳ của Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội. |
Ngay cả khi in những cuốn sách của nhà văn trẻ trong nước, một điều Nhà xuất bản Trẻ vẫn đang cần mẫn thực hiện, đó vẫn giống như một nghĩa cử, một trách nhiệm với nền văn học nước nhà, nhiều hơn là toan tính về lợi nhuận... Nhưng, tôi mong rằng chúng ta vẫn có thể tiếp tục viết, vì chính chúng ta trước hết và mong rằng trong hàng trăm ngàn chữ chúng ta viết ra, có thể rơi ra được một điều gì đó lay động dù chỉ một tâm hồn. Có khi như vậy đã là tốt lắm rồi”.
Có nhà phê bình trẻ từng nói: “Người viết hãy viết. Người đọc hãy kiên nhẫn. Còn nhà phê bình hãy ghi nhận”. Rõ ràng mọi sáng tạo cần được khuyến khích, trân trọng lắng nghe, nhìn nhận chia sẻ, để phần nào cổ vũ cho những cây bút dũng cảm như chàng Don Quixote trên con đường tìm tòi sáng tạo đầy thử thách nhưng lý thú, miễn là không có tiếng nói nào, dù mới lạ đến đâu, bị rớt lại phía sau và chìm vào hư vô, quên lãng.
Bản chất của đời sống sáng tạo là trăm hoa đua nở, để làm được điều đó, việc cần thiết là tôn trọng khác biệt, tính dân chủ, đối thoại, điều này có tác dụng cổ vũ, khuyến khích vẫy gọi, tìm kiếm sự thay đổi tạo nên sự đa thanh là đặc trưng của hiện đại hay hậu hiện đại. Điều này đang được bàn luận kỹ càng tại Hội nghị viết văn trẻ lần thứ 3 này. Để hy vọng vào một nền văn học trẻ đóng góp cho Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.