Hành trình tìm mộ “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương

Thứ Năm, 06/09/2018, 14:23
Hồ Xuân Hương được coi là “bà chúa thơ Nôm” Việt Nam sống ở giai đoạn cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỷ XIX (1772- 1822). Cuộc đời và sự nghiệp thơ của bà là câu chuyện mang đầy màu sắc ám ảnh cho kiếp hồng nhan làm lẽ: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/ Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng/ Năm thì mười hoạ hay chăng chớ/ Một tháng đôi lần có cũng không”.

Tình thơ, ý thơ của bà là tiếng lòng của người thiếu phụ rên xiết, quẫy đạp với một phong thái khác lạ trong đêm tối mịt mờ của xã hội phong kiến đương thời. Trải qua dâu bể thời gian, gần 200 năm sau ngày mất của nữ sĩ, ngày nay con cháu dòng họ Hồ vẫn lần theo dấu tích còn sót lại, đau đáu đi tìm hài cốt của bà trong mênh mông bao la trời đất.

Nhà ông Hồ Bá Hiền, trưởng ban sử, ban liên lạc dòng họ Hồ tại Việt Nam ở một khu chung cư cao tầng trên phố Lạc Long Quân, Hà Nội, nằm ngay cạnh hồ Tây dập dềnh sóng vỗ. Khi nói đến vấn đề tìm mộ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, ông đã quá xúc động, hai hàng nước mắt chảy dài trên khuôn mặt già nua vì tuổi tác, bệnh tật và run run bảo: “Tôi năm nay đã 90 tuổi, di nguyện của cuộc đời là tìm cho bằng được mộ của bà, sau nhiều lần tìm kiếm cùng với các con cháu dòng họ Hồ mà vẫn chưa thành. Không biết tương lai còn ai tiếp tục công việc này nữa không?”.

Nhà nghiên cứu Hà Nội Vũ Văn Luân (Vũ Hồ Luân) - con cháu dòng họ Hồ - kể về việc tìm mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Ông Hiền cho biết thêm, ngày nay tuy chưa tìm thấy mộ nhưng người đời vẫn nhớ và thờ phụng bà, tại quê hương của bà làng Quỳnh, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đó là một ngôi làng cổ có trên 500 năm tuổi, đã có tấm bia tưởng niệm Hồ Xuân Hương do người đời sau thương nhớ, trân trọng tài năng, con người và sự nghiệp thơ của bà mà dựng lên.

Là một nhà nghiên cứu và chép sử cho dòng họ Hồ, nói về lai lịch Hồ Xuân Hương, ông bảo: Trước đây từng có hội thảo và nhiều ý kiến khác nhau về thân thế và sự nghiệp của bà, người ta còn đặt ra nghi vấn Hồ Xuân Hương là nhân vật có thực hay chỉ là nhân vật của trí tưởng tượng. Căn cứ vào những chứng tích ngày nay, người ta một lần nữa khẳng định Hồ Xuân Hương là nhân vật có thật.

Thơ của bà với người chồng đầu tiên - ông Tổng Cóc. Tổng Cóc đã vợ con đề huề nhưng lại là người thích văn thơ, say mê nhan sắc phụ nữ nên lấy Xuân Hương làm thứ thiếp. Ông làm cái nhà thủy tạ cho bà ra trông coi ao cá và bảo nàng làm thơ viết vào gỗ.

Hiện nay, tại nhà thờ của ông Kiều Phú, thôn Đại Đình, xã Sơn Dương, Lâm Thao, Phú Thọ, vẫn còn tấm ván gỗ mít ghi những nét thơ Nôm được cho là của Hồ Xuân Hương.

Ngày nay, có nhà nghiên cứu còn đưa ra giả thiết bà là một kĩ nữ sau khi phân tích tập thơ mà mãi sau này người ta mới tìm thấy là “Lưu Hương ký” được học giả Trần Thanh Mại phát hiện công bố vào năm 1964. Hay lại có ý kiến phác họa dung nhan của bà qua những câu thơ rồi nói bà không đẹp, mặt tàn nhang, dáng vẻ khô cứng.

Tuy nhiên, ông Hiền cũng cho biết: Dòng họ Hồ ở Quỳnh Đôi, Nghệ An, đã khẳng định chắc chắn trong gia phả: Hồ Xuân Hương là con ông Hồ Phi Diễn (1703-1786) ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông thi đậu tú tài năm 24 tuổi thời Lê Bảo Thái dạy học ở Hải Hưng, Hà Bắc. Tại đây ông đã lấy cô gái Bắc Ninh họ Hà làm vợ thứ và sinh ra Hồ Phi Mai (1772-1822) nghĩa là hoa mai bay trên hồ, bút hiệu Xuân Hương. 13 tuổi, thân phụ mất, Phi Mai theo mẹ rời làng Khán Xuân, rồi ở Thọ Xương, gần hồ Hoàn Kiếm.

Theo ông Hồ Bá Hiền, đầu thế kỉ thứ XIX, Thọ Xương có 194 phường thôn thuộc 8 tổng. Thọ Xương có người cho là khu vực vườn Bách Thảo, gần hồ Tây bây giờ. Nhưng hiện nay có một con ngõ nhỏ tên là ngõ Thọ Xương, thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm và ngay gần đấy có một ngôi chùa thờ quan tri huyện Thọ Xương trên phố Lý Quốc Sư.

Từ ngày theo mẹ rời làng ra Thọ Xương, Hà Nội, con đường thơ văn và tình duyên của bà trở thành đề tài bàn luận cho hậu thế. 

Hồ Tây, nơi dòng họ Hồ nhiều lần tìm mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Đến nay người ta vẫn tranh luận nữ sĩ Hồ Xuân Hương thực chất có hai hay ba đời chồng? Từ ông Tổng Cóc cho đến ông Phủ Vĩnh Tường và chàng thư sinh Chiêu Hổ?! Những mối tình mang màu sắc kì ảo khi Hồ Xuân Hương lập ra Cổ Nguyệt Đường ở Tây Hồ để đàm đạo thơ văn và có mối quan hệ éo le, trắc trở với đại thi hào Nguyễn Du.

Về thơ và những lần lập gia đình, ngay cả những mối tình giăng gió ướt át của bà chúa thơ Nôm bị mang ra mổ xẻ. Thơ còn lại cho hậu thế nhưng mộ phần của bà nay ở đâu lại là một dấu hỏi lớn.

Theo nhà nghiên cứu sử dòng họ Hồ,  ông Hồ Bá Hiền: Người đời sau chỉ được biết đến mộ phần của bà ngoài mấy câu thơ chữ Hán đề trong “Long Biên trúc chi từ” của Tùng Thiện Vương, em trai vua Thiệu Trị năm 1842 khi theo anh trai ra Bắc tiếp sứ thần nhà Thanh có ghé lại thắp hương cúng Phật một ngôi chùa bên Hồ Tây có làm một bài thơ, sau này được giáo sư Hoàng Xuân Hãn dịch: “Đầy hồ rực rỡ hoa sen/ Sai người xuống hái để lên cúng dàng/ Chớ trèo qua mộ Xuân Hương/ Suối vàng còn giận tơ vương lỡ làng/ Sen tàn, phấn rữa mồ hoang/ Xuân Hương đã khuất bên đàng cỏ xanh/ U hồn say tít làm thinh/ Gió xuân mấy độ thổi tình không hay...”. Chính nhờ tài liệu này, con cháu dòng họ Hồ cùng một số nhà nghiên cứu lịch sử họ Hồ đã mầy mò tìm kiếm mộ phần của bà.

Ông Hồ Sỹ Bằng, nguyên Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, thuộc Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã dày công nghiên cứu và khẳng định viết trong cuốn sách: “Họ Hồ trong cộng đồng dân tộc Việt Nam” đưa nghi vấn: “Các nhà nghiên cứu thiên về thuyết mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương nằm ở nghĩa địa ven hồ Tây”.

Nhà nghiên cứu lịch sử Hà Nội, người có nhiều bài viết về những ngôi mộ cổ hồ Tây, ông Vũ Văn Luân nói: “Tôi vốn là con cháu của họ Hồ. Khi triều đình nhà Nguyễn diệt nhà Tây Sơn, để tránh truy sát, dòng họ Hồ chạy ra vùng hồ Tây, Hà Nội, sinh sống, đổi họ thành họ Vũ”. Ông Luận cho hay, trong gia phả của họ Hồ ở Quỳnh Đôi, Nghệ An, thì Hồ Xuân Hương có ông tổ 5 đời, cùng đời thứ 27 của Đức Nguyên tổ Hồ Hưng Dật.

Ông Vũ Văn Luân (tức Vũ Hồ Luân) nhận định, nhà ông lâu đời ở làng Hồ Khẩu, một ngôi làng gần như cổ nhất trong các làng ven hồ Tây. Trước đây, quanh khu vực Tây Hồ có nhiều nghĩa địa. Nghĩa địa Lạc Chính gần hồ Trúc Bạch đối diện với Tây Hồ cách một con phố nay là đường Thanh Niên. Nghĩa địa Đồng Táo ở làng Nghi Tàm, một làng trồng hoa nổi tiếng của Hà Nội.

Nghĩa địa trên gò Thất Tinh giữa Thụy Khuê và làng Hồ Khẩu. Sách “Tây Hồ Chí” của Viện Viễn Đông Bác Cổ viết về hình thế hồ có ghi: “Thôn Lạc Chính (tên cũ là Ngũ Xá) ở giữa hồ gồm hai bãi bồi lớn, nhỏ hình con lân. Bãi lớn rộng vài trăm mẫu là khu dân cư. Bãi nhỏ khoảng ba bốn chục mẫu có nhiều phần mộ”.

Nhà nghiên cứu Hà Nội cho biết hàng nghìn ngôi mộ và rất nhiều ngôi chùa bao bọc xung quanh Tây Hồ mà dấu ấn vẫn còn lưu lại cho đến tận ngày hôm nay như chùa Trấn Quốc, chùa Võng Thị, chùa Kim Liên, chùa Thiên Niên, chùa Tĩnh Lâu, chùa Vạn Niên, chùa Tảo Sách... Có một đặc điểm là nghĩa địa Đồng Táo nằm bên cạnh chùa Kim Liên, cách chùa một đoạn khoảng 5 phút đi bộ.

Trải qua dòng thời gian biến thiên đất bồi đắp lở, sông nước hồ Tây ngày càng trở nên mênh mang rộng lớn, mỗi lần kết cấu địa tầng thay đổi do điều kiện tự nhiên và nghĩa địa Đồng Táo bị chìm xuống lòng hồ cùng một số nghĩa trang khác. 

Ông Hồ Bá Hiền, Trưởng Ban Sử, Trưởng ban Liên lạc dòng họ Hồ Việt Nam.

Ông Vũ Hồ Luân gặp ông Hồ Sỹ Bằng, kết hợp với nhà nghiên cứu sử dòng họ Hồ Việt Nam, Hồ Bá Hiền cùng với hậu duệ của tộc Hồ đang làm việc và sinh sống ở Hà Nội đã tập hợp ra một nhóm 8 người, trong đó có 4 người họ Hồ thuộc Trung chi II ở Quỳnh Đôi, là hậu duệ đời thứ 6 của nữ sĩ Xuân Hương.

Ông Vũ Hồ Luân kể: Nhóm 8 người chúng tôi gồm Hồ Sỹ Bằng, Hồ Bá Hiền, Hồ Văn Vĩnh, Hồ Vũ, Hồ Tâm, Hồ Đắc Hoài, Hồ Thị Oanh và tôi Vũ Hồ Luân bắt đầu cuộc hành trình tìm mộ bà từ ngày 16-3-2003. Nhóm 8 người đó gồm 2 tiến sĩ và 6 kỹ sư đã căn cứ vào các tài liệu thu thập để đi tìm thì bước đầu đã tạm thời xác định rằng Hồ Xuân Hương mất tại Khán Xuân, được nhân dân trong phường chôn cất chu đáo.

Mộ bà trước đây được xây vuông, đặt ở ven nghĩa địa Đồng Táo. Cạnh mộ của bà còn có bia khắc tên nữ sĩ Xuân Hương. Trải qua bao nắng mưa của thời gian, lũ lụt, vỡ đê, nghĩa địa Đồng Táo nay đã chìm sâu trong làn nước xanh mát của hồ Tây. Nhiều người đánh cá lội xuống hồ Tây, có những ngày nước rút còn chạm cả vào những mộ phần đưới đấy.

Nhà nghiên cứu Vũ Hồ Luân kể: Thứ sáu ngày 2-4-2003, bắt đầu từ 9 giờ sáng, những thành viên trong nhóm trên một con thuyền của nhà thuyền đánh cá hồ Tây rẽ sóng đưa mọi người đến Phủ Tây Hồ. Khi lễ Mẫu và thần linh, thổ địa xong, thuyền rời bến. Từ khoảng giữa mênh mông của hồ, ước chừng khoảng cách không gian từ khách sạn 10 tầng và chùa Kim Liên đến thuyền đúng như dự tính ban đầu, mọi người bắt đầu công việc tìm kiếm.

Bằng hai cây sào kết hợp với sự vận động của con thuyền lúc tiến, lúc lùi, lúc rẽ trái, lúc rẽ phải theo những số đo ước lệ, đáy hồ lủng củng những mồ mả. 8 người thay nhau lõm bõm dùng sào dò suốt 3 tiếng đồng hồ mà chưa lúc nào tiếp cận điểm gần nhất của ngôi mộ. Sau cuộc tìm kiếm ngày hôm đó có thêm 2 cuộc tìm kiếm mộ bà nữa nhưng vẫn chưa thành công.

Theo nhà nghiên cứu sử dòng họ Hồ, ông Hồ Bá Hiền, kể sau các lần tìm kiếm mộ bà lần nào cũng xảy ra chuyện cả. Có hôm trời đang mát cũng tự nhiên âm u, mây đen từ đâu kéo đến, thuyền đang đi bình thường bỗng đột ngột dừng lại vì gặp sự cố không nổ được máy. Hoặc đang dò tìm mộ, trời bất chợt đổ mưa dông. Dù sự việc chưa có kết quả nhưng tất cả dữ liệu đó cũng là thông tin để tham khảo cho người đời sau trong việc tìm mộ bà.

Những con cháu dòng họ Hồ sau nhiều lần đi tìm mộ nữ sĩ đều có kết luận: Nước hồ Tây mênh mông quá, lòng hồ lại sâu, không sao xác định bằng ca nô và sào chống. Phải áp dụng phương tiện hiện đại hơn, có thợ lặn và nguồn kinh phí đầu tư lớn mới mong có kết quả được.

Cho đến nay, gần 200 năm ngày bà chúa thơ Nôm yên nghỉ, mộ bà đang nằm ở đâu trong lòng hồ vẫn là dấu hỏi cho hậu thế.

Hơn chục ngôi chùa của cả bốn phía Nam - Bắc - Đông - Tây, bao bọc xung quanh mặt hồ rộng lớn xanh biếc một màu, tựa như cánh hoa sen ôm lấy mặt hồ là nhụy sen. Tiếng chuông chùa vang lên trầm lắng từ các ngôi chùa cổ có tự bao đời, khói nhang mịt mù bay vơ vẩn tỏa hương thơm dịu, cảnh sắc Tây Hồ của bốn mùa trời đất xuân hạ thu đông đều tuyệt đẹp như bức tranh thủy mặc hữu tình. Trải qua bao năm tháng thời gian, bà vẫn nằm yên nghỉ sâu trong lòng nước mát. Giấc ngủ ngàn thu của bà chúa thơ Nôm trong lòng bông hoa sen, loài hoa tinh khiết đẹp giản dị mà sang trọng đến nao lòng.

Trong bảng lảng mây khói huyền hoặc nên thơ kì bí của đất trời hồ Tây, tên cúng cơm từ thuở chào đời do cha mẹ đặt Hồ Phi Mai, hoa mai bay trên hồ thật đúng với tình cảnh này. Trong dập dờn xanh biếc của mênh mang sóng nước, một hồn hoa thơm mát nhẹ bẫng, lơ lửng la đà dạo chơi trên mặt hồ.

Trần Mỹ Hiền
.
.
.