Guernica - Biểu tượng chống chiến tranh, vì hòa bình
- Người "soán ngôi" của danh họa Picasso
- Danh hoạ Picasso và những cuộc tình khơi nguồn sáng tạo
- Hậu "Picasso"
Nó được hưởng những vinh dự đặc biệt. Một trong những vinh dự đó là 3 năm nay, vào tháng 7, 8 và 9, nó được trân trọng tưởng niệm ở nhiều nơi trên thế giới, như một sự kiện nhân văn xúc động khó tả.
Năm 2017, đất nước Tây Ban Nha tổ chức kỷ niệm 80 năm ra đời bức tranh. Năm 2018, Bảo tàng quốc gia Picasso - Paris của Cộng hòa Pháp mở cuộc triển lãm có một không hai: triển lãm một bức tranh thôi - triển lãm Guernica mà không có “Guernica”.
Năm nay, giới nghiên cứu xã hội, văn hóa và lịch sử khắp nơi điềm nhiên tri ân nó, như dấu ấn bàng hoàng hơn cả, của cuộc nội chiến kỳ lạ và đáng nghiền ngẫm bậc nhất lịch sử nhân loại.
Là con nhà nòi, Picasso si mê vẽ từ nhỏ, học hành đến nơi đến chốn. Vẽ hình, sáng tác tranh từ khi còn nhỏ tuổi, ông theo đuổi hội họa không chỉ như một nghề, mà hơn thế, như một nghiệp.
Ông mê mải khám phá và tiếp thu những cái hay nhất của nghệ thuật dân gian, không những của quê cha đất tổ mà của toàn thế giới. Ví dụ, ông hết sức yêu thích và trân trọng mặt nạ đủ kiểu của dân châu Phi. Ông tìm hiểu kỹ càng hầu như tất cả các trường phái hội họa và liên tục thử vận dụng chúng vào sáng tác của mình. Đương nhiên, không phải để rập khuôn mà để phát minh ra những cái mới.
Danh họa Pablo Picasso. |
Chẳng hạn, từ năm 1904, thời điểm ông định cư hẳn ở Pháp, tới 1972, ông làm được 2.000 bức khảm đồng giá trị. Chưa kể hàng ngàn bức phác thảo về mọi mặt đời sống. Tác phẩm nhiều loại hình của ông: vẽ, đồ gốm, điêu khắc, khảm, tranh, văn học,... là khổng lồ và không dễ khai thác trọn vẹn.
Nguyên bộ phận mênh mông những tác phẩm chưa kịp công bố đã khiến nhiều nhà nghiên cứu choáng ngợp. Trong đó có những loạt không khác những trang nhật ký sống động của một trái tim nhân hậu và một khối óc minh mẫn, sáng suốt lạ thường.
Cho nên, không bỗng dưng, từ khi mới vào nghề, ông đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng của dân thường, những người thấp cổ bé họng. Sự thương xót, đồng cảm, kính phục của ông đối với họ mau chóng được nhận chân. Lương thiện và hạnh phúc cho nhân dân, chống áp bức, bóc lột, bất công và chiến tranh phi nghĩa, bảo vệ quyền sống bình đẳng và bác ái, cũng như tự do và hòa bình - hình ảnh chim câu ông vẽ năm 1949 đã trở thành biểu tượng của hòa bình thế giới, những giá trị ấy ngồn ngộn trong các tác phẩm của Picasso.
Với lượng tác phẩm phong phú đa dạng về thể loại và loại hình, từ năm 1920, ông đã nổi danh là một nghệ sĩ đặc sắc và có ảnh hưởng bậc nhất trên thế giới.
Trong khi ở Pháp, ông lăn mình vào nghệ thuật phục vụ nhân loại, đất nước quê hương ông cũng chuyển đổi không ngừng theo thời cuộc.
Từ năm 1933, xuất hiện ở Tây Ban Nha tổ chức Falange espanola, cự tuyệt cả tư bản chủ nghĩa lẫn xã hội chủ nghĩa, chủ trương cho Tây Ban Nha một nhà nước chuyên chế tập quyền. Người gia nhập tăng lên chóng mặt. Đó là cái nôi của phong trào dân tộc chủ nghĩa, sẽ gây ra cuộc nội chiến, 1936-1939, giữa chính phủ cộng hòa của mặt trận bình dân vừa mới ra đời và các tướng lĩnh do Francisco Franco (1892-1975) chỉ đạo.
Cuộc nội chiến vô cùng thảm khốc và man rợ đã thảm sát gần nửa triệu trong số 26 triệu dân Tây Ban Nha. Được phát xít Đức và Italy hỗ trợ, Franco lật đổ được chính phủ cộng hòa và dựng lên một chế độ độc tài, từ đó cho tới khi vị tướng qua đời.
Thực tế chứng minh rằng lựa chọn của Falange espanola là không đúng. Sai lầm lịch sử ấy, Picasso nhận thấy ngay và từ 1933, đã gần như hàng ngày bộc lộ lo lắng và đau buồn trong nhiều tác phẩm, điêu khắc, hội họa. Nổi trội là hình ảnh con bò tót - một trong hai biểu tượng dân tộc, biểu tượng kia là con ngựa - bị xỏ mũi, lợi dụng và bị tiêu diệt.
Đầu năm 1937, Chính phủ (cộng hòa) Tây Ban Nha đặt hàng Picasso một bức tranh lớn để trưng bày tại hội chợ triển lãm quốc tế Paris. Picasso có phân vân rồi mới nhận lời. Ông mới dừng lại ở việc thể hiện trong bức tranh đời sống thường nhật của nhân dân Đất mẹ, thì một sự cố hy hữu diễn ra, khiến ông suýt suy sụp. Ấy là ngày 26-4-1937, thành phố nhỏ Guernica bất ngờ bị 41 máy bay của Hitler và 13 máy bay của phát xít Ý ném bom có tính hủy diệt qua 3 đợt.
Hết bom sát thương lại đến bom gây cháy. Xen giữa là xả súng máy vào dân thường. 2/3 thành phố chìm trong biển lửa. 3/4 thành phố hầu như bị san phẳng. Gần 2.000 người, trong số hơn 7.000 dân của thành phố bị chết. Franco lên tiếng vu khống lực lượng cộng hòa. Rằng khi rời khỏi Guernica, họ đã phóng hỏa và xả súng vào nhân dân...
2 ngày sau thảm họa diệt chủng “Đoạt quyền bằng mọi giá” ấy, Picasso biết sự thật qua thư từ của gia đình và bạn hữu từ quê mẹ gửi sang và qua các báo của Cộng hòa Pháp... Sự thật đó: Franco quyết tiêu diệt bằng được một lực lượng cộng hòa lớn quy tụ về Guernica. Hitler thì dùng vụ đó để thử nghiệm loại bom gây cháy mà y sẽ sử dụng sau này. Bản chất vô nhân đạo của cuộc công kích Guernica đã lộ rõ.
Một bức thảm “Guernica”. |
Picasso quyết định đưa vụ thảm sát ấy lên bức tranh đặt hàng. Trong phòng vẽ khá rộng của mình, ộng dựng một khung sắt lớn. Ông căng lên đấy tấm vải lanh rộng gần 30 mét vuông, do một nhà hàng quen cung cấp với giá rẻ. Rất khó tiến lên, lùi xuống để vẽ, ông tán thành để bà Dora Maar (1907-1997), nhiếp ảnh gia và bạn tình bấy giờ của ông phụ việc.
Dora Maar, người Pháp, là một tài năng lớn về nhiếp ảnh và hội họa của bà cũng đáng nể. Một thời gian dài, tác phẩm của bà bị che khuất bởi mối tình oan nghiệt và cái bóng khổng lồ của danh họa. Biết ông sắp vẽ bức tranh tường quan trọng, một nhà xuất bản đề nghị Dora Maar ghi lại bằng ảnh mọi hoạt động liên quan của ông, để lần đầu tiên, chuyện “bếp núc” của một nghệ sĩ có tâm và có tài được tiết lộ.
Thế là từ ngày 1-5-1937, các phác thảo - 45 bức tất cả - nối đuôi nhau ra đời. Dora Maar hằng ngày chụp lại chúng và cảnh Picasso lao động miệt mài, chan chứa suy tư, tràn đầy xúc động. Ông nghiên cứu chúng, chỉnh sửa và nâng cao dần, theo hệ thống logic nội tại của chủ đề. Hoàn chỉnh bố cục cùng nhân vật và ý tưởng trung tâm xong, ông chuyển sang các nhân vật và ý tưởng phụ. Cuối cùng, ông dành 12 ngày để thể hiện bức tranh được đặt tên là “Guernica”.
Bức tranh hoàn thành ngày 4-6-1937. Vào hàng lớn nhất (349,3 cm x 776,6 cm, khoảng 27 m2), trong tranh hiện đại. “Guernica” kết hợp nhuần nhuyễn nghệ thuật cổ điển và hiện đại. Bức tranh gồm 7 khối hình - đây là dư âm ấm lòng của chủ nghĩa lập thể (1907-1924) mà Picasso là một đồng sáng lập - sắp xếp theo hình kim tự tháp - đặc trưng của phong cách hội họa cổ điển, đề tài lịch sử. Thoạt nhìn, tưởng rối rắm khó hiểu. Thực tế, chú ý đủ độ, sẽ nhận rõ những chân dung đầy sắc thái, có phần chấn động hơn những chân dung nổi tiếng nhất đã quen thuộc.
Hình ảnh những con vật và đồ vật, được cách điệu diệu nghệ, gây ấn tượng mạnh mẽ. Vị trí tưởng ngẫu nhiên của các hình khối nhỏ - phương thức đặc thù của chủ nghĩa lập thể - trong tổng thể lớn cuối cùng vẫn gợi lên chuẩn xác những điều mà nghệ sĩ muốn thổ lộ.
“Guernica” là tiếng nói đanh thép chống chiến tranh phi nghĩa, chống bạo lực phản lại nhân dân, chống phát xít, chống tập đoàn Franco, bảo vệ hòa bình và quyền sống của con người. Nhân vật trung tâm của bức tranh là con ngựa - biểu tượng của nhân dân Tây Ban Nha - và con bò tót - biểu tượng của sức mạnh nhân dân bị chuyển thành bạo lực phi nghĩa. Bạo lực gian trá này đã giáng cho nhân dân những đòn chí tử. Hậu quả là đau khổ ngút trời mà người dân phải gánh chịu.
Phía trái bức tranh, một phụ nữ bế đứa con đã bị giết chết, gào khóc thê thảm, ngước nhìn bò tót và trời cao. Trên ấy là bóng chim bồ câu gần như rã cánh. Cạnh chị là người chiến sĩ thất trận, thân bị nghiền nát thành nhiều mảnh, một bàn tay cầm vũ khí tan tành... Bên phải bức tranh là 3 phụ nữ, thể hiện những tâm trạng thời sự. Một khóc than tuyệt vọng nền hòa bình đang hấp hối. Một chạy về phía Tây, phía bò tót, để ngăn chặn hay khuyên nhủ (?). Một có lẽ vẫn an toàn trong nhà mình, nhô người ra ngoài, giơ cao cây đèn dầu, để nhìn cho rõ, để lý giải...
Ngoài hình bóng chim bồ câu có vẻ hư ảo, Picasso còn cố ý vẽ bông hoa duy nhất mọc bên trên cây súng đã gãy - vậy là hy vọng chưa mất đâu mà. Bên trên con ngựa là một con mắt, hay ngọn đèn điện. Con mắt của Chúa, của Trời. Đèn điện được hiểu là kiến thức, khoa học. Mọi chuyện sẽ được lịch sử soi sáng và ghi lại; chỉ khoa học hoặc kiến thức mới là chìa khóa hóa giải mọi rắc rối, mở đường cho tiến bộ muôn đời. Một “danh tác luận đề” thâm trầm và chí lý!...
“Guernica” được hoan nghênh ngay tại hội chợ triển lãm quốc tế Paris, tháng 9-1937. Sau đó, cho tới hết năm 1939, nó được lưu động trình bày ở nhiều nước châu Âu và Mỹ, quyên tiền ủng hộ Chính phủ cộng hòa Tây Ban Nha. Tiếp sau, theo nguyện vọng của Picasso, nó được trưng bày ở Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Mỹ. Và, chỉ trở về tổ quốc khi chế độ Franco sụp đổ (năm 1975).
Thực tế, bức tranh hồi hương tháng 10-1981. Từ 1992, bức tranh chuyển từ Bảo tàng Prado sang Bảo tàng quốc gia Tây Ban Nha Reina Sofia, khi bảo tàng này khánh thành. Từ năm 1985, một phiên bản thảm tranh của nó, do gia đình chính khách Mỹ giàu sụ Nelson Rockefeller (1908-1979) hiến tặng, treo ở lối vào trụ sở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, New York.
Năm 2003, khi Chính phủ Mỹ tìm kiếm sự đồng thuận của Liên Hiệp Quốc với cuộc chiến tranh của họ ở Iraq, nó bị che lại bởi một tấm vải xanh da trời... 80 năm qua, nó liên tục được sao chụp và làm phiên bản mới. Nổi bật nhất là 3 bức thảm lớn suýt soát “Guernica” gốc, do Jacqueline de La Baume - Durrbach (1918-2001) thực hiện. Họa sĩ Pháp kiêm thợ thêu siêu đẳng, bà không cần căn ke mà vẫn tái tạo được các bức tranh lập thể.
Nelson Rockefeller muốn mua lại “Guernica” đang trưng bày ở MoMA. Picasso không chấp thuận, gợi ý “chuyển tranh thành thảm”. Nelson Rockefeller tán thành. Ông nhận bức thảm “Guernica” đầu tiên năm 1955. 2 bức tiếp theo hoàn thành vào các năm 1976 và 1983.
La Baume - Durrbach còn nhân bản “Guernica” qua 11 thảm len sành điệu. Gần đây, 2 phiên bản sành điệu không kém là của Robert Longo, Mỹ, sinh năm 1953 - giấy than chì, 2014 - và Damien Deroubaix, Pháp, sinh năm 1972 - khắc gỗ, 2016. Tác phẩm này được trưng bày thay thế “Guernica” gốc ở Triển lãm Paris.
Ở triển lãm này, lần đầu tiên, quá trình thai nghén tác phẩm được trưng bày cụ thể. Kèm đó là chân dung to lớn của Dora Maar, ngụ ý rằng “Guernica” thực chất là tác phẩm của đôi bạn tình. Một chi tiết giật mình: Picasso, một bậc thầy về màu, chỉ dùng đen trắng cho “Guernica”. Phần để tỏ ý trân trọng công lao của Dora Maar.
Phần để tranh dễ chụp lại. Phần nữa, để cảm ơn báo chí Pháp, tháng 4-1937, đã cho ông biết sự thật vụ ném bom Guernica, điều kiện tiên quyết để ông làm nên một tiếng lòng nhân loại bất tử... Ở Picasso, tâm hồn dân tộc, muôn mặt đời thường và tình yêu nhân loại hòa quyện vào nhau tột độ. Đó là bí mật thành công kỳ diệu của ông.
Một viên phát xít Đức đến thăm xưởng vẽ của ông, nhìn thấy bức chụp “Guernica”, đã hỏi: “Ông làm ra cái này à?”. Picasso đáp: “Không. Các ông làm ra đấy chứ !”. Đọng lại từ nhiều cuộc phóng vấn thời ấy là câu nói bất hủ của ông: “Tranh làm ra không phải để trang trí các căn hộ. Đó là một công cụ chiến tranh, vừa phòng thủ vừa tấn công, chống lại kẻ thù”...