Dùng chính sách tiền tệ có chống đỡ được khủng hoảng?

Chủ Nhật, 03/05/2020, 09:13
Trước nguy cơ suy thoái do dịch bệnh, các ngân hàng trung ương đã thực hiện chính sách tiền tệ sâu rộng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã cắt giảm lãi suất. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tính đến việc mở rộng các chương trình mua trái phiếu, trong đó có cả trái phiếu vĩnh viễn.

Một câu hỏi đặt ra là liệu các biện pháp này có mang lại hiệu quả, đủ sức trấn an thị trường và thực sự hỗ trợ nền kinh tế như mong muốn hay không?

Cả  ECB và FED đã thực hiện các biện pháp chính sách tiền tệ đồng loạt như cắt giảm lãi suất, công bố các chương trình cung cấp thanh khoản cho ngân hàng và mở rộng các chương trình mua trái phiếu hiện có hoặc thiết lập các chương trình cụ thể mới.

Phạm vi của các biện pháp này là rất lớn và có thể so sánh với các đợt mua trái phiếu đầu tiên của Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008-2009 và của ECB trong cuộc khủng hoảng nợ châu Âu năm 2010. Mặc dù các phản ứng chính sách tiền tệ hiện tại của FED và ECB tương tự nhau nhưng điểm bắt đầu của hai tổ chức này lại có sự khác biệt.

Về hiệu quả của chính sách tiền tệ hiện chưa thể đánh giá được hết. Tuy nhiên, có thể xác định liệu các biện pháp chính sách tiền tệ mới nhất có ảnh hưởng đến lợi suất trái phiếu chính phủ và giá cổ phiếu ở các quốc gia và khu vực kinh tế khác nhau hay không. Điều này sẽ cung cấp thông tin ban đầu về hiệu quả của chính sách tiền tệ.

Sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt.

Trái phiếu chính phủ thường được coi là chứng khoán thanh khoản và gần như không có rủi ro, đóng vai trò các giá trị tham chiếu cho lãi suất vay đối với thị trường. Các biện pháp thông thường và đặc biệt mở rộng là nhằm mục đích hạ lãi suất thị trường đối với các khoản vay và qua đó hỗ trợ cho vay và nhu cầu kinh tế nói chung.

FED đã đưa ra 3 quyết định chính sách tiền tệ quan trọng vào tháng 3. Quyết định thứ nhất là Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) thuộc FED đã hạ lãi suất cơ bản nửa điểm phần trăm xuống còn từ 1% đến 1,25% để chống lại rủi ro kinh tế có thể nảy sinh do sự lây lan của dịch bệnh và những hạn chế kinh tế sâu rộng. Quyết định thứ hai có phạm vi rộng hơn, được đưa ra vào ngày 15-3, thông báo nối lại việc mua trái phiếu với tổng trị giá 700 tỷ USD và tiếp tục hạ lãi suất cơ bản xuống gần 0%.

Nguyên nhân dẫn tới bước đi không theo lịch trình này cũng do tính khó dự đoán của dịch bệnh. Tổ chức Y tế thế giới (WTO) đã xác định đây là một đại dịch và nước Mỹ khi ấy đã chứng kiến sự gia tăng số người nhiễm theo cấp số nhân. Quyết định thứ ba được đưa ra trong tháng 3 khi tình hình ngày càng xấu đi, với việc Chính phủ Mỹ công bố các biện pháp tài khóa sâu rộng và FED cũng đưa ra tuyên bố vào ngày 23-3 về việc tiếp tục mua tài sản vô thời hạn.

Lần cắt giảm đầu tiên không có ảnh hưởng đáng kể đến lợi suất. Tuy nhiên, tình hình lại thay đổi khi thông báo ngày 16-3 được đưa ra. Khi đó lợi suất trái phiếu chính phủ tất cả các kỳ hạn đã giảm khoảng 0,2 điểm phần trăm. Sự suy giảm này là đáng kể so với những biến động quan sát được về lợi suất trái phiếu chính phủ kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19.

Cả hai khu vực Mỹ và EU cần những biện pháp chính sách tiền tệ cụ thể hơn nữa để vực dậy nền kinh tế.

ECB cũng đã có phản ứng với 3 quyết định chính sách tiền tệ quan trọng để ổn định nền kinh tế đang thực sự rơi vào khủng hoảng do dịch bệnh. Ngày 12-3, khi tình hình ở Italy trở nên phức tạp và bắt đầu lan nhanh ra các quốc gia thành viên EU, ECB đã tuyên bố trong cuộc họp thường kỳ rằng họ sẽ kiểm duyệt chương trình mua trái phiếu hiện có. Ngoài ra, việc cung cấp thanh khoản có mục tiêu đã được điều chỉnh thông qua các chương trình hiện có.

Quyết định quan trọng thứ hai được đưa ra sau đó với việc công bố chương trình mua khẩn cấp dành riêng cho đại dịch COVID-19 (PEPP) để tăng khoảng 30% khối lượng trái phiếu do ECB nắm giữ. Quyết định chính sách tiền tệ quan trọng cuối cùng là thay đổi mức trần cổ phiếu đối với trái phiếu do ngân hàng trung ương nắm giữ.

Trước đây, ECB cam kết không nắm giữ hơn 1/3 trái phiếu chính phủ của một quốc gia, cũng để giải phóng khỏi những nghi ngờ về hoạt động tài trợ của chính phủ. Giới hạn này đã được nới lỏng vào cuối tháng 3.

Nhìn chung, việc mở rộng mua trái phiếu của ECB không tác động đến lợi suất trái phiếu trong khu vực đồng euro, không đạt được hiệu quả cắt giảm lãi suất như mong muốn. Ngược lại, lợi suất của trái phiếu khu vực đồng euro đã tăng lên trong những ngày này. Tuy nhiên, sự gia tăng lợi suất này chỉ có ý nghĩa đối với trái phiếu chính phủ dài hạn. Do thị trường trái phiếu vốn đã biến động mạnh mẽ trong cuộc khủng hoảng, nên sự suy giảm này cũng không thể được coi là đáng kể.

Tuy vậy, với một số trường hợp cụ thể thì lại có tác dụng. Chẳng hạn như thông báo chính sách tiền tệ đầu tiên của ECB chỉ có tác động nhỏ đến trái phiếu Đức, Hà Lan và Tây Ban Nha. Trái lại, lợi suất trái phiếu chính phủ Italy và Pháp đã tăng mạnh lần lượt 0,2 và 0,15 điểm phần trăm.

Nhìn chung, các biện pháp chính sách tiền tệ sâu rộng của cả ECB lẫn FED đều chưa thể mở ra một bước ngoặt về giá cổ phiếu, vốn đã giảm đáng kể từ đầu năm 2020. Nền kinh tế ở cả hai khu vực quan trọng nhất của thế giới là Mỹ và EU còn cần những biện pháp cụ thể khác nữa để đủ sức chống đỡ với cuộc khủng hoảng vì đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng của nó đem lại.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.
.