Đừng biến tâm linh thành mê tín

Thứ Bảy, 02/01/2021, 12:05
“Đầu năm đi lễ, cuối năm trả lễ”, càng về cuối năm, các cửa hàng vàng mã càng tấp nập. Ngựa, xe ô tô, xe máy, xe đạp, nhà lầu, vi la biệt thự, nón, quần áo, mắt kính... được chở đi hàng xe tải. Tại các nơi hóa vàng ở không gian tín ngưỡng tâm linh, bừng bừng lửa cháy.

Nhiều người với tâm lí “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, hay “lễ càng lớn, lộc lá càng nhiều”, nên khắp đền nọ phủ kia từ cuối tháng 9 cho đến dịp cuối năm càng thêm nhộn nhịp. Các thanh đồng cũng vô cùng háo hức: “Cô thương thì muốn làm người thường cũng khó” nhưng ngặt nỗi năm nay bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, không phải ai cũng rủng rỉng tiền bạc, mà làm lễ hẻo quá thì sợ thánh quở, cô trách, nên đôn đáo, chạy vạy dẫn đến nhiều chuyện dở khóc, dở cười.

Héo hắt để kiếm tiền làm lễ

Nhiều thanh đồng tự nhận là con nhà thánh, được thánh cho ăn lộc nên hay được thánh “sang tai” mách bảo chuyện gì nên làm, chuyện gì không nên làm. Các đồng thầy lúc nào cũng có con nhang đệ tử theo “hầu”. Thầy có lộc thì hàng trăm đệ tử, thầy ít thì vài ba chục, thầy mới thì vài ba người. Cả làng, cả xã biết đến tên thầy, tiếng thầy, “tiếng lành đồn xa” tên thầy vang rền “thiên hạ”. Chỉ ngặt nỗi, lắm khi thầy khó ở, khó chiều, các con nhang đệ tử cấm làm phật ý thầy, thầy ghét, thầy quở, tình mà rớt thì lộc cũng thưa.

Nằm sát dòng sông Hồng được bao phủ cả một quần thể đền từ đền Ghềnh, đền Mẫu Thoải, đền Rừng, đền Núi, đền Đôi Cô..., vào những ngày cuối năm gần như ngày nào cũng rộn ràng kèn trống, vi vu sáo nhị, tiếng hát câu hò, các thanh đồng náo nức vào ra tấp nập. Những nơi tâm linh như Công đồng Bắc Lệ (Lạng Sơn), Phủ Dầy (Nam Định), đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo (Hải Dương), đền cô Chín Giếng (Thanh Hóa), Cô bé Suối Ngang, Cô bé Cửa Suốt cũng vô cùng nhộn nhịp. 

Theo chân đồng thầy M.V. (Hà Nội) đi đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở Hải Dương, mới chứng kiến cái cảnh dở khóc dở cười. Thầy M.V. vốn là một kĩ sư về điện máy, nhiều năm làm công chức nhà nước. Sau khi lấy vợ và có hai con, thầy bỗng dưng muốn ra hầu cửa Thánh.

Thầy bảo: “Chả hiểu làm sao mà năm thầy 35 tuổi, “cái tuổi mà trai 30 tuổi đang xoan, gái 30 tuổi đã toan về già” thầy còn đang xoan như vậy mà cứ ốm khật khừ, khắp chân tay tê bì, người lúc nóng lúc lạnh, đi khám Đông - Tây y kết hợp mà cả bác sĩ nội, ngoại khoa vẫn chẳng tìm ra nguyên nhân. Thầy đi xem bói, người bảo ma làm, kẻ bảo thánh hành, ra hầu cửa thánh sẽ hết. Thầy M.V bán tín bán nghi đang từ một công chức mẫn cán, thầy lại đi muộn về sớm. Thấy thường lui tới những nơi đền phủ để dự hầu, lời ca tiếng hát dìu dặt, dắt thầy từ cõi phàm mơ về cõi thánh.

Thấy những đồng nam, đồng nữ, ngồi oai dũng trên sập ở bóng cửa các quan, các hoàng, thấy mê đắm mụ mị thân tâm. Chỉ khoảng một năm đi dự hầu, thầy về tuyên bố với vợ con là thầy phải đi hầu. Đấy là nơi nương tựa và giữ nghiệp của thầy. Và rồi, nhờ được người đồng thầy đi trước chỉ bảo tận tình, thầy M.V. nhanh chóng nắm bắt và tiếng lành đồn xa.

Kể từ ngày đó, năm 1998 cho đến nay thầy càng đông đúc con nhang đệ tử theo hầu. Không biết bệnh tình của thầy có khỏe ra, có đỡ đi được nhiều không nhưng chị Phượng vợ thầy bảo tôi: “Trước thì “ma hành”, giờ thì tiền hành. Lúc nào cũng nhắng cả lên vì tiền. Mọi năm, đệ tử sắm cho từ A đến Z thì mâm cao cỗ đầy, lễ cao lộc trọng.

Năm nay, vướng vào dịch COVID-19 đói kém, có vài doanh nghiệp đầu năm tết ra hứa với thầy lúc nào thầy làm đàn lễ, con cúng cho thầy dăm ba trăm triệu làm cho thật hoành tráng. Nhưng, vướng vào dịch, thất bát làm ăn, người hứa vài trăm thì cố gắng lắm đưa vài chục, người hứa vài chục thì chỉ có vài triệu. Thôi cũng cố mà nhận chứ, có phải tại người ta đâu. Cái này là bị ảnh hưởng khắp toàn cầu”.

Cảnh hầu đồng cuối năm tại một số cơ sở tâm linh.

Thầy M.V. vốn đã quen với lễ quá to, làm đàn ở đâu thì nhất quyết phải tiếng vang ở đó. Giờ, đáng lý tháng 3 âm lịch thầy đã có lịch hầu ở Phủ Dầy (Nam Định) nhưng bị hoãn lại đợi đến tháng 10 âm mới làm, giờ làm đàn lễ mà “đơn sơ, đạm bạc quá thì không có được”.

Không ai dám chơi như thầy, ngựa trăm con, nhà xe hàng nghìn chiếc, quần áo thì hàng vạn. Cộng tất cả khóa lễ của thầy đến bạc tỉ. Nhưng, nhiều con nhang đệ tử sợ thầy mếch lòng, lắm người chạy vạy vay mượn nhiều nơi. Vợ chồng Nam và Yến lấy nhau đã dăm năm nay mà chưa có con, lần này thầy bảo làm đàn lễ, hai vợ chồng chắt chiu gom góp cho thầy số tiền 60 triệu.

Đây là lần thứ ba vợ chồng Nam - Yến theo đàn lễ của thầy. Hai lần trước làm đàn lễ tốn kém cũng nhiều nhưng vẫn chưa có tin vui. Thầy M.V bảo: “Đấy là các thánh thử lòng xem có thật lòng với các thánh không(?!). Thánh mà nghi ngờ lòng thành thì thử thách còn chán”. Hai vợ chồng không dám cãi lại lời thấy lấy nửa câu. Thầy bảo bao nhiêu, đều gom đủ cả, với hi vọng sẽ được các thánh chứng minh công đức.

Cô Hà  ở  ngõ  76 Yên Lạc, Vĩnh Tuy, Hà Nội, gần 70 tuổi, có cậu con trai đã 40 tuổi mà vẫn không vợ con. Cô đã nhiều lần theo chân các thầy đồng làm lễ vô cùng tốn kém mà cậu con trai “duy ngã độc tôn” của mình vẫn không chịu lấy vợ.

Cô Hà bảo: “Nó sạch sẽ, tỉ mẩn, vô cùng khó tính, tính thì dở hâm, dở hấp mà ai nó cũng chê. Đứa thì nó chê vô duyên, đứa nó lại chê ở bẩn, đứa thì nó chê là kém hiểu biết... Không biết bao giờ nó mới lấy vợ, sinh con để cô có cháu nội bế bồng”. Sự mong ngóng đã thôi thúc cô gặp thầy M.V. Thấy thầy oai phong, đường bệ, giọng sang sảng nên cô Hà yên tâm lắm, nghĩ mình đã được gặp đúng người cần gặp.

Theo ý của thầy, cậu Hiếu con trai cô 40 tuổi mà chưa lập được gia thất là vì người âm theo, muốn giải được vong này thì phải làm lễ trả nợ tình duyên. Lễ này nơi khác làm ngót nghét chục triệu nhưng lễ thầy làm tốn kém gấp 20 lần.

Cảnh làm lễ giải hạn cuối năm.

Thầy bảo: “Bà làm nhiều nơi chục triệu rồi, con trai bà vẫn chưa lấy vợ sinh con là vì chưa đúng cách, gặp chưa đúng thầy. Lễ tôi tuy lớn nhưng đảm bảo có tin vui. Cái này thì tùy duyên, không ép. Không lại bảo thầy bắt làm”. Thầy còn nói thêm: “Bỏ ra 200 triệu mà con trai có vợ, có con, bà có dâu thì còn đắn đo cái nỗi gì”.

Cô Hà từ ngày nghỉ hưu ở nhà chỉ trông vào mấy đồng lương hưu, cứ đến ngày thì ra phường lĩnh. Có mấy đồng tiền dành dụm được bị bạn thân lừa rủ chơi đa cấp nên mất sạch. Vậy là, tuổi già chỉ trông chờ vào sổ lương hưu, thế mà nghe lời thầy M.V. dỗ ngon dỗ ngọt, cô đã cầm sổ lương hưu của mình lấy 200 triệu đưa hết cho thầy, hồi hộp từng ngày, từng giờ trông chờ kết quả.

Đền Đức Thánh Trần (Hải Dương) các ban đều chật kín các thanh đồng, kèn nhạc vang lên rầm rĩ, người ngồi, kẻ đứng chật kín hết các cung. Bên Công đồng, thầy M.V cờ quạt sáng rực, lễ đàn của thầy rực rỡ như lễ hội lớn để đón quan, các thánh nhà trời.

Bên kia ở cung Sơn trang  cũng có một đám các thanh đồng khác đang tay cung, tay đao vô cùng náo nhiệt. Chưa hết, ban Đức Thánh cũng ồn ào không kém, dăm bảy cái loa, dăm bảy giá đồng khác nhau trong một không gian tâm linh gây nên cảnh vô cùng hỗn loạn, ồn ào. Mà nhất quyết không bên nào chịu nhường bên nào.

Tâm linh nhưng không mê tín, tránh lãng phí

Sư thầy Thích Đàm Thảo (trụ trì chùa Đông Linh, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) từng chứng kiến nhiều lễ cắt tiền duyên, hay lễ phả độ chúng sinh gây nên sự vô cùng tốn kém cho gia chủ.

Những đàn lễ hoành tráng tốn kém.

Với những gia đình điều kiện kinh tế có thì không sao, chứ nhiều gia đình kinh tế hạn hẹp, đôn đáo chạy vạy để làm đàn lễ, thầy nói: “Bỏ quá nhiều tiền để làm lễ cốt chỉ làm yên lòng người bỏ tiền mà hiệu quả chưa chắc đã có. Vì thiếu ở đâu thì phải bổ sung ở đó. Người khổ là do thiếu phước nên ta cần bồi trồng căn lành tạo phước đức. Ý nghĩ tốt, hành đồng thiện, tâm trong sáng thì tạo nên phước đức”.

Theo Đại đức Thích Nguyên An, trụ trì chùa Lục Nghĩa Trúc (Giáo hội Phật giáo tỉnh Thanh Hóa): Việc dùng tiền thật, có giá trị kinh tế để mua những đồng tiền giấy, vàng mã rồi theo ngọn lửa thành tàn tro không có ý nghĩa gì mà còn dẫn đến lãng phí, gây hại nhiều đến môi trường và sức khỏe của con người. Đầu tiên phải nói đến việc sản xuất những đồng tiền giấy, vàng mã là tổn hại đến tài nguyên rừng.

Giấy được làm từ gỗ, gỗ được khai thác từ cây. Việc phá cây lấy gỗ gây nên những cánh rừng bị xói mòn nghiêm trọng, lũ lụt thiên tai cũng từ đây mà gây họa cho con người. Chúng ta tâm linh nhưng không mê tín dị đoan, không lãng phí tiền bạc và của cải.  

Trần Mỹ Hiền
.
.
.