Diễn viên nghệ thuật truyền thống: Nhọc nhằn cơm áo

Thứ Hai, 06/10/2014, 20:25

Chưa bao giờ sân khấu truyền thống Việt Nam như tuồng, chèo, cải lương… phải chịu nhiều cám cảnh đìu hiu, vắng vẻ như bây giờ. Đã ăn lương thì phải lên sân khấu, nhưng có những hôm, cả chục người tham gia vở diễn chỉ để phục vụ… 2 khán giả. Vắng khách đồng nghĩa với việc vé không bán được, diễn viên cũng vì thế mà không có thêm thu nhập, chỉ trông chờ vào đồng lương cơ bản.

Cũng bởi vậy, cuộc sống của hầu hết các diễn viên nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là các diễn viên trẻ từ các tỉnh xa về Hà Nội lập nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, nuôi mình còn khó nói gì đến cả một gia đình. Các diễn viên sân khấu truyền thống dù có đam mê đến mấy, yêu nghề đến mấy họ cũng phải tìm mọi cớ mưu sinh trong cơn bão giá hiện nay.

Chân ngoài dài hơn chân trong

Gặp NSƯT Hán Văn Tình trong một buổi chiều tan sở tại Nhà hát Tuồng Việt Nam, anh gầy và già đi rất nhiều so với cái thuở đóng phim "Đất và người" với vai diễn nổi tiếng Chu Văn Quềnh. Tôi hỏi đùa anh khi anh đang lật đật dắt chiếc xe Wave tới bãi đỗ xe trong cái dáng đi tất tưởi: Nhà hát Tuồng (nơi anh làm Phó Giám đốc) mới kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, được thưởng nhiều hay sao mà trông anh vui thế?

Anh Tình cười: Ôi làm gì có, 50 năm thì cứ đến hẹn lại lên thôi, chứ nghèo và khó thì vẫn là bài toán chung mà mỗi diễn viên chúng tôi hằng ngày phải đối mặt. Nghệ thuật truyền thống đang "chết" chung rồi, nhưng dân tuồng như anh em chúng tôi là nghèo nhất so với mức bình quân. Lương thì ăn theo ngạch bậc của Nhà nước quy định, thu nhập bên ngoài hầu như không có gì ngoài đi  diễn một đêm được 50 nghìn đồng, về đói bụng làm bát phở là hết, còn dành dụm được gì đâu. Bởi vậy nhiều diễn viên trẻ của chúng tôi phải đi làm thêm để kiếm đồng ra đồng vào như là  đi đánh trống, múa lân nhân dịp Trung thu, ai mà quen biết rộng hơn, thì có những hợp đồng biểu diễn ở các hội nghị, hội thảo tổng kết này nọ.

Tôi là người "già" trong nhà hát, không còn đi làm thêm những nghề lao động tay chân, nhưng các em chúng nó biết có một thời các diễn viên trẻ, các cháu đi làm thêm không phải bằng nghề của mình, bởi vì biết hát tuồng ở đâu mới được, nên họ cứ phải trằn ra để lao động chân tay, có nhiều em bỏ nghề, dở dang cả cái bằng đại học vì nó không thể giúp nuôi sống các em trong cơn "bĩ cực" này.

Phan Hiền, một diễn viên trẻ của Nhà hát Chèo Việt Nam, sau 4 năm học Đại học Sân khấu và Điện ảnh, anh là một trong những người may mắn vì được nhận về một nhà hát chèo có uy tín và là cái nôi của nhiều tên tuổi trong làng chèo Việt Nam. Cho đến nay đã là 12 năm anh đứng trên sân khấu với vai trò là một người chuyên vào vai kép chính trong các vở diễn, nhưng không phải vì thế mà cuộc sống của anh bớt khó khăn, anh chỉ là một trong số cả trăm diễn viên với hơn 2 triệu đồng tiền lương một tháng đang lâm vào hoàn cảnh tương tự khi đối mặt với thời bão giá này.

Quê ở Thái Bình nên Phan Hiền may mắn được ở nhà tập thể cơ quan, dù chỉ được 20m2 cho cả gia đình gồm vợ chồng, con, ông (bà) nội ngoại thay phiên nhau lên trông  cháu, nên anh không phải trả thêm một khoản tiền nhà đắt đỏ như nhiều bạn trẻ khác. Dù vậy, ngoài những lúc đi diễn anh cũng phải làm đủ nghề kiếm thêm thu nhập để cải thiện đời sống như bán quần áo trẻ em ở chợ Đồng Xa (Cổ Nhuế - Từ Liêm), đi làm đạo cụ cho các vở diễn, đi múa lân ở các lễ hội…

Nói đến việc tìm một căn nhà (dù nhỏ) trong tương lai gần, anh chỉ lắc đầu cười trừ vì đó là một điều viển vông mà anh không nghĩ tới. Phan Hiền cũng thổ lộ rằng, vì cuộc sống khó khăn mà các đồng nghiệp của anh, có người trụ được để ở bên nhau, nhưng cũng có những người không thể chờ đến ngày "cam lai" nên đã đường ai nấy đi để tìm một con đường khác tốt đẹp hơn. Nhiều bạn nữ có chút nghề thì đi hát tại các đám cưới, hội họp... Họ đều "chân ngoài dài hơn chân trong", họ thường nhận lời hầu hết các sô diễn để có thể kiếm thêm thu nhập.

Diễn viên Nguyễn Tiến Hiệp (nghệ danh Hiệp "Vịt", vốn là "con nhà nòi", bố anh, NSƯT Linh Dược từng là một diễn viên hài nổi tiếng của Nhà hát Cải lương Việt Nam. 23 năm trong nghề, không được vào biên chế nhưng cũng không đủ cơ hội để kiếm tiền bên ngoài, cho đến nay, gia tài của Tiến Hiệp chỉ vỏn vẹn là những vai diễn hài trong các vở cải lương. Muốn kiếm tiền và nổi danh như các diễn viên gạo cội như Xuân Hinh, Thanh Thanh Hiền nhưng đối với Hiệp, đó chỉ là giấc mơ xa vời mà thôi. Anh chỉ có thể lo chạy những sô hài nhỏ để sống. Thường là các "sô" diễn ở các tỉnh xa, đêm hôm, rét mướt hay nắng nóng đều phải bắt xe khách lên đến tận nơi với một số tiền cát-xê ít ỏi vài triệu đồng chia cho anh và bạn diễn. Diễn xong, 2-3 giờ sáng vẫn phải bắt xe trở về vì nếu ở lại thuê trọ, ăn uống thì coi như không còn đồng nào mang về nuôi vợ con cả.

Anh Hiệp chia sẻ: "Đôi khi ngồi trên xe ôtô ứa nước mắt vì mệt nhoài, chỉ mong về đến nhà để chợp mắt một lúc. Nhưng sáng sớm dậy là đối diện với cuộc sống cơm áo, là tiền sữa, tiền học của con… Đồng lương diễn viên và tiền thù lao đi diễn của nhà hát chỉ chừng 50 nghìn một đêm làm sao mà sống được. Tôi đi diễn hài còn xoay xở đồng ra đồng vào, những diễn viên khác thì chạy xe ôm, làm tóc, buôn bán thêm… để kiếm sống, thực tế là họ không đủ sống ở mức trung bình trong xã hội bây giờ, nói gì đến mua nhà, sắm xe.

Đối với tôi, kiếm sống bằng sức lao động chân chính chẳng có gì là đáng hổ thẹn, nhưng buồn nhất là khi đi diễn hài ở các đám cưới, đám hỏi, mình được mời đến thì cứ làm việc rồi lấy tiền đi về thôi, nhưng nhiều khi, người ta mải ăn uống, chúc tụng chẳng có nổi một tiếng vỗ tay cho nghệ sĩ dù họ đang rạc cổ họng diễn. Đôi khi nghĩ bụng, ê chề thế này thì thôi lần sau chẳng nhận lời nữa, nhưng không làm thì biết lấy gì để sống, để trả tiền thuê nhà, mua sữa cho con… đành tặc lưỡi cho qua để lại tiếp tục đi nhận lời làm các "sô" lớn nhỏ".

NSƯT Hán Văn Tình trong một vai diễn.

Có lẽ câu chuyện của các diễn viên tại các nhà hát truyền thống đang đối mặt không phải là câu chuyện mới mẻ gì. Cũng bởi phải lo miếng cơm manh áo nên họ thực sự không chuyên tâm cho nghệ thuật. Giáo sư Hoàng Chương, người cả đời theo đuổi nghệ thuật tuồng chia sẻ rằng, khó có thể có một sự phát triển nghệ thuật truyền thống khi mà các em, các cháu chỉ chăm chắm đi làm thêm mà không chịu "văn ôn võ luyện", không tập tành sau giờ lên sân khấu. Học nghề này là học cả đời, làm cả đời thì khán giả mới theo mình được.

Không nên đòi hỏi khán giả phải đến rạp khi mà bản thân các diễn viên, nghệ sĩ không yêu cái nơi mình gắn bó. Muốn vậy thì Nhà nước phải đưa ra các phương án để giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống bằng cách bồi dưỡng, động viên kịp thời và có chính sách nuôi dưỡng nhân tài, tìm nguồn nhân tài, chứ bản thân đầu vào bây giờ không có, không ai đi thi vào tuồng, chèo, cải lương, mà chạy hết sang kịch nói, diễn viên, ca nhạc để mong kiếm tiền nhanh hơn, nổi tiếng nhanh hơn.

NSƯT Minh Thu (Nhà hát Chèo Việt Nam) thì chia sẻ: "Đi đến tận vùng sâu vùng xa để tuyển 20 em theo học thì tổng thể chỉ có 18 em đi thi. Cả một lớp sắp đến ngày tốt nghiệp, tôi nhìn ra được một em xinh xắn, giọng hát hay và có thể trở thành một tài năng thì bỗng dưng em… bỏ cuộc vì tìm được một anh "đại gia" làm chồng! Có những em vào nhà hát chỉ để mượn "cửa" thôi chứ tình yêu nghề chưa có. Chưa học được cái gì ra hồn đã chỉ mong cô dạy cho mấy bài hát để đi hát nhà hàng, quán karaoke. Chữ thầy lại trả cho thầy mà thôi".

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Vậy vấn đề đặt ra ở đây là các cấp quản lý có thấu hiểu được những nỗi niềm của đào kép thời nay để có những giải pháp hữu hiệu đối với các đoàn nghệ thuật truyền thống?

Liên hoan sân khấu hài tại Quảng Ninh.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: "Vấn đề này Bộ đã tính đến từ khá lâu. Bộ đã và đang xây dựng quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn trong đó có nghệ thuật truyền thống. Việc quy hoạch, định hướng, sắp xếp các đơn vị nghệ thuật truyền thống luôn phải đảm bảo hài hòa và từng bước nâng cao chất lượng giữa các nhà hát và các đoàn nghệ thuật.

Trên thế giới, nhiều nước cũng đã duy trì các đoàn nghệ thuật truyền thống như một vốn quý: "Quý hồ tinh bất quý hồ đa", người ta cho phép các đoàn nghệ thuật truyền thống tồn tại như một thứ để bảo tồn, bảo tàng và phát huy di sản văn hóa dân tộc, có thể thường xuyên đỏ đèn nhưng chỉ có độ chục người thực sự giỏi làm nghề. Tuy nhiên, phát triển nghệ thuật dân tộc cần sự chung tay của cả xã hội. Bản thân tôi cũng đã theo dõi, hiểu và chân thành chia sẻ những khó khăn của người nghệ sĩ và những người làm nghề trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống.

Thực trạng khó khăn này chúng tôi đã biết và đã nhiều lần đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục như: triển khai thực hiện đề án sân khấu học đường đưa nghệ thuật truyền thống đến với học sinh; tổ chức các cuộc liên hoan nghệ thuật truyền thống; đưa nghệ thuật truyền thống vào các chương trình giao lưu văn hóa quốc tế, các tuần văn hóa, ngày văn hóa Việt Nam ở nước ngoài; chỉ đạo dàn dựng các tác phẩm nghệ thuật truyền thống chất lượng cao; tổ chức các trại sáng tác và các chương trình tập huấn chuyên môn cho các biên đạo, đạo diễn, nhạc công… Để giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống, chúng ta đã cố gắng, nỗ lực rất nhiều.

Tuy nhiên, nước ta còn nghèo, nguồn ngân sách dành cho văn hóa nói chung và nghệ thuật truyền thống nói riêng còn hạn hẹp, không đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống. Những cơ chế chính sách về đào tạo, tuyển dụng và chế độ đãi ngộ đối với văn nghệ sĩ hiện nay còn rất hạn hẹp, chưa đủ mạnh để kịp thời động viên, khích lệ các nghệ sĩ trong nền kinh tế thị trường và chưa tạo được sức hút để giới trẻ tìm đến và gắn bó với nghệ thuật truyền thống. Bên cạnh đó, thị hiếu của công chúng hiện nay luôn chạy theo cái mới, ngoại lai; nếp sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa không có nhiều thời gian để công chúng dành cho nghệ thuật truyền thống.

Nói gì thì nói trong thời buổi mọi thứ đều khó khăn như hiện nay, có lẽ sự khó khăn của loại hình này không chỉ nằm ở giải pháp mà còn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan… Việc nó phát triển hay không phụ thuộc rất nhiều ở sự vào cuộc của truyền thông nhằm quảng bá để thổi lòng yêu, gìn giữ, nâng cao, kéo khán giả lại cùng mình để nâng cao vị trí xứng đáng nghệ thuật truyền thống như lòng tự hào, tự tôn của dân tộc, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các nghệ sĩ để đến gần hơn với công chúng. Bởi xét cho cùng, để phát triển nghệ thuật truyền thống rất cần những người biết giữ lửa, mà để có lửa thì bản thân những người làm nghề phải thực sự yêu nghề và hy sinh cho bộ môn nghệ thuật mà cả đời mình đã trót theo đuổi…

Thiên Kim
.
.
.