Di sản đáng buồn trên núi Rushmore

Thứ Tư, 02/12/2020, 09:53
Được chạm khắc ở phía đông nam của núi Rushmore trong rừng quốc gia Black Hills, bang South Dakota, Mỹ, 4 khuôn mặt khổng lồ của 4 vị tổng thống Mỹ, gồm George Washington, Thomas Jefferson, Abraham Lincoln và Theodore Roosevelt là một trong những tác phẩm điêu khắc lớn nhất thế giới, hàng năm thu hút hơn 3 triệu khách du lịch.

Tuy nhiên với người da đỏ Lakota Sioux bản địa, núi Rushmore là một di sản đáng buồn vì đó là biểu hiện của sự chiếm đóng đất đai bất hợp pháp…

Sự ra đời của 4 khuôn mặt trên núi Rushmore

Năm 1910, Doane Robinson, nhà sử học ở bang South Dakota đưa ra ý tưởng chạm khắc chân dung những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử nước Mỹ ở rừng quốc gia Black Hills nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch. Thoạt đầu, Doane chọn núi Needles nhưng điêu khắc gia Gutzon Borglum lại muốn chọn núi Rushmore vì nó cao 3.000m. 

Thêm vào đó, sườn phía đông nam của Rushmore là những khối đá granit lộ thiên, nhận được nhiều ánh sáng mặt trời nhất, rất tiện cho việc chạm khắc cũng như chiêm ngưỡng vì từ xa hơn 100km vẫn nhìn thấy rõ. Theo Gutzon, không gì lý tưởng bằng chân dung của 4 vị tổng thống George Washington, Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt và Abraham Lincoln mà lúc hình thành, nó sẽ được gọi là "Khu tưởng niệm quốc gia".

Tượng chân dung 4 vị tổng thống trên núi Rushmore đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Sau khi chính quyền bang South Dakota và chính quyền liên bang thông qua ngân sách, việc xây dựng Khu tưởng niệm quốc gia chính thức khởi công vào năm 1927. Đến năm 1934, việc phát quang, dọn dẹp hiện trường hoàn tất, Gutzon  bắt đầu đục những nhát búa đầu tiên trên nền đá granit. 

Cho đến năm 1939, 4 tượng chân dung hoàn thành, mỗi tượng cao 18m. Theo dự kiến, 4 bức tượng sẽ được thể hiện từ đầu đến thắt lưng nhưng tháng 3-1941, Gutzon Borglum đột ngột qua đời. Con trai ông là Lincoln Borglum tiếp tục hoàn thiện công việc của cha nhưng do thiếu kinh phí, công trình tưởng niệm kết thúc vào cuối năm 1941 và vẫn chỉ với 4 khuôn mặt.

Tuy nhiên, ngay từ lúc Khu tưởng niệm quốc gia mới chỉ là ý tưởng, bang South Dakota đã vấp phải sự phản đối của người da đỏ bản địa. Theo đó, từ rất lâu trước khi có sự xuất hiện của người da trắng, núi Rushmore và rừng Black Hills đã được họ gọi là Lakota Sioux - có nghĩa là "Sáu vị cha già", là nơi sinh sống của 6 bộ lạc da đỏ Shoshone, Salish, Kootenai Crow, Mandan, Arikara và Lakota Sioux. Chính vì thế, Hiệp ước Fort Laramie ký năm 1868 giữa Chính phủ Mỹ và đại diện các bộ lạc đã trao quyền quản lý vô thời hạn vùng Black Hills cho bộ lạc Lakota Sioux.

Thế nhưng 8 năm sau, lúc phát hiện dưới đất có quặng vàng, một loạt những chiến dịch quân sự chống lại người da đỏ kéo dài từ năm 1876 đến 1877. Các chủ mỏ dựa vào sức mạnh của quân đội, đánh chiếm Black Hills, dẫn đến hệ quả là Chính phủ Mỹ buộc người da đỏ Lakota Sioux phải từ bỏ quyền quản lý của họ đối với vùng này.

Năm 1885, luật sư Charles E. Rushmore đồng thời là nhà thám hiểm đầu tiên đặt chân lên đỉnh núi. Từ đó, núi Sáu vị cha già được người Mỹ gọi là núi Rushmore. Chiến tranh Mỹ - Da đỏ kết thúc vào năm 1890 khi người da đỏ bị quân đội liên bang đè bẹp trong một cuộc thảm sát đẫm máu tại Wounds Knee. Cũng kể từ đó, người da đỏ Sioux và các nhà hoạt động người Mỹ da đỏ thuộc các bộ tộc khác nhau liên tục phản đối chính sách của chính phủ Mỹ đối với vùng đất tổ tiên họ, kéo dài đến tận ngày nay.

Những sự phản kháng

Ngày 6-6-1971, các thành viên thuộc phong trào Người da đỏ Mỹ (AIM) tiến hành chiếm giữ Khu tưởng niệm quốc gia trong một chiến dịch được gọi là "Ngựa núi giận dữ". Trong số những thành viên ấy có Lame Deer, người đã tổ chức cầu nguyện trên đỉnh núi bằng cách phủ một tấm vải liệm tượng trưng lên khuôn mặt 4 vị tổng thống với thông điệp: "Đó vẫn sẽ là hình tượng bẩn thỉu cho đến khi hiệp ước Fort Laramie được khôi phục". Kết quả là 20 người bị bắt, gồm 9 đàn ông và 11 phụ nữ với tội danh xâm phạm di tích lịch sử cấp quốc gia.

Ogala, thủ lĩnh bộ lạc Lakota Sioux biểu tình ngồi trên núi Rushmore.

Theo AIM, chân dung 4 vị tổng thống trên núi Rushmore mà giai đoạn nắm quyền của họ chính là thời kỳ người Mỹ tiến hành chiếm lĩnh đất đai của người da đỏ. Trước đó, ngày 29-8-1970, một nhóm người Mỹ da đỏ cũng đã leo lên đỉnh núi Rushmore dựng trại để phản đối Hiệp ước Laramie bị phá vỡ. Marcella Gilbert, nhà hoạt động cộng đồng Lakota kể lại rằng khi lên 11 tuổi, cô đã xem chương trình truyền hình về mẹ cô, bà Madonna Thunderhawk, lãnh đạo AIM trong việc chiếm giữ núi Rushmore năm 1970. 

1 năm sau, ở tuổi 12, Gilbert tham gia cuộc chiếm đóng tiếp theo. Cô nói: "Sự kiện ấy thật là tuyệt vời nhưng cũng căng thẳng. Khi nghe hiệu lệnh "hãy bắt đầu", tôi đã cùng những người khác chạy lên khu tưởng niệm trong lúc cảnh sát và kiểm lâm thuộc Sở Công viên Quốc gia tụ tập bên dưới. Trước tình hình ấy, người lãnh đạo của chúng tôi đưa ra quyết định: Tất cả các thành viên trẻ, bao gồm cả Gilbert, xuống núi trước khi cảnh sát đến".

Vẫn theo Gilbert, khi các thành viên trẻ vừa rời khỏi khu tưởng niệm, cảnh sát lập tức tấn công vào chỗ dựng trại của họ rồi xé rách lều, đạp đổ những cây cột dựng lều, dập tắt những đống lửa, lấy hết thức ăn, nước uống để buộc những thành viên AIM phải chấm dứt chiến dịch chiếm núi Rushmore. Tuy nhiên, những cuộc phản kháng đơn lẻ vẫn liên tiếp diễn ra, kéo dài đến năm 1980 khi  Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết, trao cho cộng đồng da đỏ Lakota Sioux 11 tỉ USD như là khoản bồi thường cho việc họ mất Black Hills nhưng Lakota Sioux từ chối. Thay vào đó, các bộ lạc tiếp tục yêu cầu trả lại đất và 11 tỉ USD vẫn nằm trong tài khoản ngân hàng chính phủ cho đến nay.

Nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của người Mỹ da đỏ, năm 2004, ông Gerard Baker, người da đỏ được Chính phủ Mỹ bổ nhiệm làm quản lý khu tưởng niệm. Trong lễ nhậm chức, Gerard Baker tuyên bố "sẽ mở thêm nhiều hướng thông hiểu" và rằng tượng chân dung của 4 vị tổng thống "chỉ là một hướng với một mục tiêu mà thôi".

Theo ông Gerard Baker, một trong những "hướng thông hiểu" là chính phủ sẽ xây dựng khu tưởng niệm Crazy Horse - Ngựa điên - bí danh của một tù trưởng Sioux ở một địa điểm trong vùng Black Hills để tưởng nhớ vị thủ lĩnh da đỏ nổi tiếng và cũng để cộng hưởng với núi Rushmore. Dự kiến công trình này sẽ lớn hơn công trình núi Rushmore. 

Bên cạnh đó, trên tinh thần "hòa hợp hòa giải", Baker cũng khuyến khích nhân viên Khu tưởng niệm quốc gia truyền tụng những câu chuyện về núi Rushmore như một phần lịch sử của người da đỏ Mỹ, chẳng hạn như nhà điêu khắc Gutzon Borglum đã chọn phiến đá đẹp nhất để tạc tượng chân dung tổng thống đầu tiên của nước Mỹ: George Washington. Thế nhưng Tổng thống Washington lại được người da đỏ bộ tộc Iroquois gọi là "Kẻ hủy diệt" vì năm 1779, ông đã kêu gọi quân đội "quét sạch và tàn phá hoàn toàn" các khu định cư của người da đỏ Iroquois ở  tất cả các vùng ngoại ô thành phố New York.

Chưa hết, với bức tượng chân dung của Tổng thống Jefferson, tác giả của bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ, phong trào AIM đưa ra những bằng chứng về việc Jefferson là người đặt nền móng cho việc mua lại đất đai của Ấn Độ, tiền thân của chính sách thuộc địa hóa đất đai của người da đỏ sau này. Với bức tượng chân dung Theodore Roosevelt, người đã nhậm chức tổng thống Mỹ thứ 26 vào năm 1901, AIM cho biết Roosevelt đã thiết lập mối quan hệ thù địch đối với người da đỏ Mỹ. Trong một bài phát biểu năm 1886, Roosevelt  nói: "Tôi không đi quá xa khi nghĩ rằng những người da đỏ tốt nhất là những người da đỏ đã chết, và tôi tin rằng cứ 10 người thì có 9 người như vậy".

Cuối cùng là bức tượng chân dung Tổng thống Abraham Lincoln. Vẫn theo AIM, khi Lincoln lãnh đạo việc bảo tồn đất nước trong cuộc Nội chiến Mỹ, ông cũng đã ký lệnh treo cổ 38 người da đỏ bộ tộc Dakota ở bang Minnesota, và đó đã trở thành vụ hành quyết hàng loạt lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Vì thế cũng dễ hiểu vì sao người da đỏ Mỹ từ chối sự hỗ trợ của quỹ liên bang trong việc xây dựng khu tưởng niệm "Ngựa điên", cũng như chủ đề nói trên lại trở thành chuyện gây tranh cãi ngay cả trong cộng đồng bản địa Mỹ.

Di sản đáng buồn

Năm 1980, sự việc tưởng như đã được giải quyết ổn thỏa khi Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết rằng nước Mỹ đã chiếm đất trái phép của bộ tộc Lakota Sioux. Từ phán quyết này, chính phủ liên bang đề nghị bồi thường 11 tỉ USD nhưng người Sioux từ chối. Họ chỉ muốn lấy lại núi Rushmore và rừng Black Hills. 

Người da đỏ Mỹ biểu tình dưới chân núi Rushmore vào ngày lễ Độc lập Mỹ.

Năm 1991, Núi Rushmore kỷ niệm 50 năm thành lập sau khi trải qua dự án trùng tu trị giá 40 triệu USD. Cơ quan Công viên Quốc gia, nơi quản lý núi Rushmore ghi nhận hơn 3 triệu du khách mỗi năm trong lúc nhiều nhà hoạt động Sioux đã kêu gọi dỡ bỏ tượng đài đồng thời tiếp tục phản đối điều mà họ coi là sở hữu bất hợp pháp của Mỹ  đối với đất đai của tổ tiên họ.

Gần đây nhất, đúng vào lễ Độc lập của nước Mỹ 4-7, một nhóm biểu tình chủ yếu là người Mỹ da đỏ đã chặn con đường dẫn lên núi Rushmore trong 3 tiếng đồng hồ trước khi Tổng thống Donald Trump có bài phát biểu tại Khu tưởng niệm quốc gia. Một số cầm những tấm bảng ghi dòng chữ "Bạn đang ở trên vùng đất bị đánh cắp". Khi họ từ chối giải tán, Lực lượng vệ binh quốc gia bang South Dakota bắn đạn cao su vào chân họ cùng với hơi cay. Đến 7 giờ tối, 15 người biểu tình không chịu rời đi đã bị bắt.

 Trong bài phát biểu của Tổng thống Trump sau đó, ông nói đất nước đang bị bao vây bởi những kẻ phát xít cực tả, họ tiến hành "một chiến dịch tàn nhẫn nhằm xóa sạch lịch sử của chúng ta, bôi nhọ các anh hùng của chúng ta, tàn phá các giá trị của chúng ta…". Hehakaho Waste, trưởng lão của bộ tộc Sioux nói với hãng tin AP: "Tổng thống cần phải mở rộng tầm mắt. Chúng tôi cũng là con người và trước tiên đó là đất của chúng tôi".

Cũng trong cuộc biểu tình, người Mỹ da đỏ còn yêu cầu không bắn pháo hoa, vốn đã bị cấm trong khu vực này gần 1 thập kỷ do những e ngại về cháy rừng. Từ năm 1998 đến năm 2009, ít nhất đã có 27 vụ cháy rừng xảy ra xung quanh núi Rushmore trong các buổi bắn pháo hoa nhân lễ Độc lập hàng năm, dẫn đến lệnh cấm.

Vẫn theo Hehakaho Waste,  trưởng lão của bộ tộc Sioux, một số người tin rằng ngày 4-7 là ngày biểu thị cho sự độc lập của Mỹ, thoát khỏi việc là thuộc địa Anh Quốc nhưng người da đỏ bản địa đã mất hơn 1 tỉ mẫu đất. Ông nói: "Hiện tại, mỗi tấc đất chúng tôi đang sống đều có máu của người da đỏ. Vì thế chúng tôi vẫn phải chiến đấu, cuộc chiến mà tổ tiên chúng tôi đã mở đầu…".

Với đại đa số những người da đỏ khác, khu tưởng niệm trên núi Rushmore là một di sản đáng buồn. Nó là "biểu tượng tối cao về quyền của người da trắng, của sự phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống, tồn tại cho đến tận ngày nay…".

Vũ Cao (Theo Rushmore Mount History)
.
.
.