Đất hiếm - ưu thế trong thương chiến Mỹ – Trung

Thứ Sáu, 15/05/2020, 08:53
Nếu thuế được coi là thứ vũ khí chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, kim loại hiếm giờ đang trở thành một dạng “vũ khí mới” của Bắc Kinh để hai bên mặc cả trong cuộc tranh cãi kéo dài hơn 2 năm qua.

Công cụ này của Trung Quốc có thể biến cuộc chiến thương mại hiện nay thành chiến tranh công nghệ và thậm chí là “hơn thế nữa”. Tuy nhiên, giới quan sát hầu hết đều nhận định rằng Bắc Kinh sẽ không vượt qua “lằn ranh đỏ” này.

Giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng, Chủ tịch Trung Quốc đã ghé thăm một nhà máy khai thác kim loại hiếm tại Giang Tây. Tháp tùng ông có Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, trưởng đoàn đàm phán thương mại với Mỹ. Báo giới đồng loạt nhận xét động thái này của Bắc Kinh nhằm khéo léo nhắc nhở ông Donald Trump rằng Trung Quốc cũng có những con “át chủ bài” trong tay để mặc cả với Mỹ.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Địa chất Mỹ, Trung Quốc hiện đang nắm giữ 40% các mỏ dự trữ kim loại hiếm của thế giới (trong khi Mỹ chỉ có 1%). Năm 2018, Trung Quốc sản xuất 70% đất hiếm được tiêu thụ trên toàn cầu và là nguồn cung ứng 80% đất hiếm cho Mỹ.

Vậy liệu Trung Quốc có thể sử dụng lá bài này để đáp lại các biện pháp bảo hộ của chính quyền Trump? Câu trả lời của hầu hết các nhà quan sát lúc này đều là không, song ông Guillaume Pitron, tác giả cuốn “Chiến tranh kim loại hiếm, mặt trái của tiến trình chuyển đổi năng lượng và kỹ thuật số”, nhận định rằng “nếu phong tỏa đất hiếm, Trung Quốc sẽ biến cuộc chiến thương mại thành chiến tranh công nghệ với Mỹ. Đó là “lằn rănh đỏ” đối với Mỹ.

Năm 2010, Bắc Kinh đã một lần dùng lá bài “đất hiếm” để “trừng phạt” Nhật Bản vì thách thức chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Tuy nhiên, biện pháp trừng phạt này chỉ được kéo dài trong 6 tháng do Bắc Kinh nhận thấy rằng đây là một giải pháp "lợi bất cập hại”. Trong một thế giới toàn cầu hóa mà ở đó chuỗi cung ứng của các nền kinh tế thế giới ràng buộc lẫn nhau, ngưng cung cấp đất hiếm cho Nhật Bản khiến dây chuyển sản xuất của chính Trung Quốc cũng bị chững lại.

Các phương tiện truyền thông đại chúng chú ý nhiều đến khía cạnh chiến lược đất hiếm trong mảng công nghệ cao từ viễn thông, điện tử đến xe hơi, hay công nghệ chế tạo máy bay, song ít người biết rằng cũng không thể chế tạo vũ khí, từ hỏa tiễn đến máy bay trinh sát, nếu không có đất hiếm.

Trung Quốc sở hữu 70-80% trữ lượng đất hiếm toàn cầu.

Công nghệ chế tạo vũ khí nói chung là lĩnh vực tiêu thụ nhiều kim loại hiếm nhất. Lĩnh vực này vừa mang ý nghĩa chiến lược vừa là một “con gà đẻ trứng vàng” mà chắc chắn là Mỹ không sẵn sàng nhường nửa bước cho bất kỳ một đối thủ nào. Cũng vì lý do này, kim loại hiếm không nằm trong danh sách những sản phẩm của Trung Quốc bán sang thị trường Mỹ bị chính quyền Trump tăng thuế hải quan.

Chưa bao giờ đất hiếm là đề tài nhạy cảm đối với Mỹ như thời chính quyền ông Donald Trump. Khác với người tiền nhiệm, ông Donald Trump đặc biệt quan tâm đến mức độ lệ thuộc của Mỹ vào kim loại hiếm mà nguồn cung cấp chính trên thế giới hiện này là Trung Quốc. Đơn giản vì đất hiếm không thể thiếu cho ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của Mỹ.

Mỹ đang thống lĩnh nền công nghệ sản xuất vũ khí thế giới. Không có đất hiếm, Mỹ không thể sản xuất được chiến đấu cơ đời mới F35. Sự lệ thuộc vào kim loại hiếm của Trung Quốc đang thách thức an ninh quốc gia của Mỹ”.

Tuy nhiên, giới phân tích không cho rằng Trung Quốc sẽ sử dụng đòn trừng phạt này với Mỹ như từng áp dụng với Nhật Bản. Lý do thứ nhất vì: “đây là điều vô cùng nhạy cảm đối với Washington. Mở thêm mặt trận này, lập tức chiến tranh thương mại hiện nay sẽ mang tầm cỡ mới. Điểm thứ hai là việc đụng đến đất hiếm sẽ tác động trực tiếp đến thế thượng phong của nền công nghệ vũ khí Mỹ, tức là đến cốt lõi về chủ quyền, về an ninh và qua đó là sự tồn tại của Mỹ.

Nếu Trung Quốc ngừng bán đất hiếm cho Mỹ, tác động không chỉ dừng lại ở những chiếc điện thoại thông minh iPhone, đến những vật dụng hằng ngày được sử dụng một cách đại chúng mà sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ, đến khả năng chế tạo tên lửa, chiến đấu cơ... của Mỹ. Không thể lường hết những tổn thất mỗi bên phải gánh chịu trong một cuộc đối đầu như vậy.

Chúng ta đang sống trong một môi trường mà chuỗi cung ứng của thế giới vừa bổ sung, vừa lệ thuộc vào nhau, nên đánh vào về thương mại của đối phương, cũng là tự hại mình. Chính vì vậy, trong cuộc chiến thương mại lần này giữa Washington và Bắc Kinh, chính quyền ông Donald Trump chỉ tìm cách gây khó dễ để mặc cả và đòi Trung Quốc phải nhượng bộ.

Rõ ràng là Mỹ không muốn dùng những đòn hiểm để hạ gục đối phương, còn Trung Quốc cũng sẽ tránh dùng tới biện pháp này để ép Mỹ nhượng bộ về thương mại, bởi vì mức độ lệ thuộc vào hàng công nghiệp Mỹ-Trung còn cao hơn so với Nhật Bản.

Vào thời điểm năm 2010 đất hiếm chưa mang tầm mức chiến lược như bây giờ. Dù vậy ngay từ lúc đó, Washington hoàn toàn ý thức được về mức độ rủi ro khi phải lệ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc. Hiện nay, tình hình không khác gì so với trước. Trung Quốc vẫn là nguồn cung cấp chính của thế giới. Australia bắt đầu xuất khẩu kim loại hiếm nhưng không thấm vào đâu (sản xuất của Australia hiện tại là 15.000 tấn trên tổng số 170.000 tấn trên toàn thế giới).

Chính nước Mỹ cũng bắt đầu khai thác các mỏ đất hiếm tại California nhưng vẫn không thay đổi được tương quan lực lượng, bởi đây là một lĩnh vực đòi hỏi thời gian. Phải ít nhất là từ 10-15 năm mới hy vọng sản xuất được kim loại hiếm để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Vì ngoài khâu khai thác, khâu chắt lọc phức tạp không kém.

Giới bình luận cho rằng cuộc khủng hoảng thương mại với Trung Quốc lần này có thể sẽ buộc Mỹ phải xem xét lại chiến lược phát triển công nghệ kim loại hiếm của mình.

Quang Nguyễn
.
.
.