Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Cái mới bao giờ cũng khó xơi

Thứ Ba, 21/12/2010, 07:45
"Tôi là người làm phim. Tôi làm những gì tôi thấy thích. Việc đánh giá một bộ phim thì tốt nhất là để thời gian trả lời. Không cứ ở Việt Nam, ngay cả những nước có nền điện ảnh tiên tiến với đông đảo khán giả ưu tú đôi khi vẫn nhầm lẫn như thường. Cái mới bao giờ cũng khó xơi" - Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ.

Chả hiểu có duyên gì mà  sáng nay, vừa thấy trên Internet một bài viết về diễn viên Tú Oanh (vợ Bùi Thạc Chuyên) và cửa hàng hoa khô của chị trên phố Quang Trung - Hà Nội, giờ lại gặp Bùi Thạc Chuyên, lỉnh kỉnh đồ nghề, máy ảnh, máy quay ngó nghiêng trên con phố Nhà Thờ, con phố vẫn được coi là thâm trầm, lãng mạn nhất thủ đô. Hóa ra, những ngày miền Bắc mưa dầm gió bấc này, chàng đạo diễn tài hoa vẫn lang thang khắp chốn để tìm bối cảnh quay cho bộ phim mới "Rh108".

Tôi đảm bảo cách đây vài năm, phát hành "Cánh đồng bất tận" sẽ chẳng có ai xem...

Phóng viên (PV): Chào anh Chuyên. "Sống trong nỗi sợ hãi" và "Chơi vơi" là hai phim nhựa tâm lý tình cảm trước đây của anh, còn bộ phim mới nhất anh đang bắt tay vào bấm máy "Rh 108" là phim kinh dị. Lần này anh động vào một đề tài có thể coi là "hóc hiểm", có gì đột biến ở đây chăng?

Đạo diễn (ĐD) Bùi Thạc Chuyên: Chẳng có gì là đột biến cả. Nhiều khán giả trong nước và nước ngoài nói phim "Chơi vơi" chẳng có gì tương đồng với "Sống trong sợ hãi" nếu không nói là hoàn toàn khác lạ với "Sống trong sợ hãi". Với tôi chẳng có đề tài nào là hóc hiểm. Đề tài nào cũng khó nếu muốn làm phim hay. Tôi muốn thử sức trong những cách làm phim khác với cách mình làm ngày hôm qua.

PV: Trước nay, nói đến phim kinh dị, ấn tượng với khán giả vẫn là những bộ phim của Hollywood, hay chí ít là của Hồng Công, còn Việt Nam thì có rất ít và cũng không mấy thành công. Khi làm bộ phim này anh có nghĩ mình sẽ có bước tiến ngoạn mục để thay đổi cách nhìn?

ĐD Bùi Thạc Chuyên: Với tôi, Thái Lan làm phim kinh dị cực hay. Nhật Bản cũng vậy. Việt Nam rồi cũng sẽ có phim kinh dị hay vì tín ngưỡng và tâm linh là rất quan trọng với người Việt Nam. Thế giới thần bí trong quan niệm của người Việt rất đa dạng, phức tạp và chi phối nhiều tới đời sống thực tại. Nỗi sợ hãi thế giới kỳ bí là có thật. Nó thường trực trong mỗi con người từ bé đến lớn.

Điện ảnh Việt Nam có ít phim về đề tài này vì chúng ta làm... ít phim quá. Đề tài nào cũng ít chả cứ đề tài phim kinh dị. Còn về cách nhìn, tôi nghĩ tôi vẫn như vậy thôi. Nói đến điều gì đi chăng nữa cũng là để nói đến con người.

Một cảnh trong phim “Chơi vơi”.

PV: Khi nhắc đến tên anh, người ta thường nghĩ đến những bộ phim có chất lượng nghệ thuật tốt. Nhưng nghệ thuật tốt không đồng nghĩa với đông khán giả. Có những bộ phim xét về nghệ thuật thì điểm 0, nhưng hút khách nhờ vào các yếu tố khác. Điều này có làm anh chạnh lòng không?

ĐD Bùi thạc Chuyên: Sao lại chạnh lòng? Tôi có hơi buồn khi bộ phim đầu tiên "Sống trong sợ hãi" của tôi phát hành. Nó chỉ được chiếu ở những rạp rất bé, hầu như không quảng bá, không giới thiệu, trong hoàn cảnh Việt Nam chỉ có một mùa phim là mùa phim tết, tất cả phim Việt Nam chiếu ngoài thời gian tết đều chết. Phim đó đâu như chỉ bán được có 200 vé rồi bị đá ra khỏi các rạp chiếu. Điều đó mang lại cho tôi rất nhiều bài học.

Một là, hoạt động của các hãng phim nhà nước là không còn phù hợp với sự phát triển của điện ảnh hiện nay nữa. Hai là, khán giả Việt Nam ở thời điểm đó nếu quan tâm đến điện ảnh phần nhiều họ quan tâm đến khía cạnh giải trí chứ không quan tâm đến nghệ thuật. Thứ ba là, người làm phim cần phải suy nghĩ rằng bộ phim của mình sẽ làm để cho ai xem? 

Khi làm phim thứ hai có tên là "Chơi vơi", tôi đã nói, tôi chỉ hy vọng trong 80 triệu đồng bào có 80 người thích phim của tôi là thành công. Có nghĩa là tôi chỉ làm phim đó cho bản thân tôi thôi. Vì tôi xin được tiền để làm phim, tôi sẽ làm những gì tôi thích. Nhưng thật bất ngờ khi bộ phim được Galaxy Thiên Ngân phát hành. "Chơi vơi" công chiếu ở rạp hơn một tháng, dù chỉ được chiếu vào buổi sáng và buổi trưa là những giờ chiếu thật tệ nhưng khán giả rất đông và mang lại cho Hãng phim của tôi (hồi đó vẫn là hãng phim nhà nước) một khoản tiền ngỡ từ trên trời rơi xuống.

Tôi vẫn có ba bài học: Một là, hoạt động của các hãng phim nhà nước không còn phù hợp với sự phát triển của điện ảnh hiện nay nữa. Hai là, khán giả đang thay đổi rất nhiều so với cách đây 5 năm. Ba là, làm phim để cho ai xem, cái đó người làm phim phải biết.

PV: Thực tế cho thấy, phim nghệ thuật rất kén người xem, còn phim mang tính giải trí bát nháo đơn thuần lại đông khách, phải chăng trong xã hội hiện nay, trình độ mặt bằng văn hóa chung đang xuống cấp?

ĐD Bùi Thạc Chuyên: Ngược lại. Tôi có một lòng tin vào khán giả Việt Nam. Khi yêu điện ảnh, xem nhiều phim, khán giả sẽ ngày càng thông thái hơn, am hiểu hơn. Đó là thực tế. Tháng 11 vừa rồi bộ phim "Cánh đồng bất tận" phát hành thu hút được rất đông khán giả, tôi đảm bảo cách đây vài năm sẽ chẳng có ai xem phim này vì bối cảnh nông thôn, ăn mặc rách rưới, câu chuyện thì chậm và buồn... Ngày ấy khán giả Việt Nam được xem gì? Rất ít rạp, rất ít phim mà toàn phim tuyên truyền. Vậy khi người ta đói thì người ta có câu nệ phải xơi yến sào không hay cơm nguội? Nhưng nếu no đủ rồi thì khác đấy. "Sống trong sợ hãi" có 200 khán giả mua vé, đến "Chơi vơi" là 20.000 khán giả mua vé dù tôi nghĩ "Chơi vơi" khó xem hơn nhiều. Vậy thì cái gì xuống cấp đây?

PV: Có câu đại ý thế này: "Rồi tất cả sẽ trở về nguyên giá trị của nó", theo anh, thời gian có còn xa nữa không, người ta sẽ nhận ra đâu là "kim cương" và đâu là "bọt biển"?

ĐD Bùi Thạc Chuyên: Vấn đề "kim cương" và "bọt biển" phải để cho các nhà lý luận phê bình. Tôi là người làm phim. Tôi làm những gì tôi thấy thích. Việc đánh giá một bộ phim thì tốt nhất là để thời gian trả lời. Không cứ ở Việt Nam, ngay cả những nước có nền điện ảnh tiên tiến với đông đảo khán giả ưu tú đôi khi vẫn nhầm lẫn như thường. Cái mới bao giờ cũng khó xơi.

Chắc chỉ có Ngô Bảo Châu mới thực sự là vừa thông minh vừa văn minh

PV: Hiện nay khán giả Việt Nam bằng lòng với cách thưởng thức nghệ thuật hay giải trí miễn phí bằng cách ở nhà xem truyền hình. Vậy theo anh, đến khi nào thực trạng này mới được cải tạo?

ĐD Bùi Thạc Chuyên: Chả cần cải tạo gì cả. Đến một ngày đẹp trời khán giả lạc vào rạp và phát hiện ra cái thứ kịch trên truyền hình chỉ là cơm nguội. Còn những bộ phim ở rạp mới là yến sào. Mà ta có đủ tiền thỉnh thoảng xơi yến sào tại sao lại chỉ ăn cơm nguội? Nói thế cho vui,  không phải tôi chê bai truyền hình. Ở các nước khác người ta phân biệt rất rõ. MOVIE hay CINEMA dịch ra tiếng ta là PHIM, hay là ĐIỆN ẢNH là để gọi phim chiếu ngoài rạp. Còn kịch trên truyền hình thì người ta gọi là Tivi series, là opera xà phòng... chứ không gọi là PHIM. Ở mình thì gọi là PHIM tuốt tuột.

PV: Đạo diễn luôn là một nghề được coi là văn minh, và tố chất của người đạo diễn là thông minh. Hẳn anh là người vừa thông minh lại vừa văn minh?

ĐD Bùi Thạc Chuyên: (Cười). Nhiều người nói nghề đạo diễn là nghề chẳng làm gì cả. Mọi thứ đã có người khác làm rồi. Diễn xuất có diễn viên, hình ảnh có quay phim, kịch bản có nhà biên kịch... Có một anh trong đoàn phim chỉ ngồi một chỗ là anh đạo diễn. Tôi chẳng thấy cái nghề ấy có gì thông minh và văn minh cả. Chắc chỉ có Ngô Bảo Châu mới thực sự là người vừa thông minh vừa văn minh. Tiếc là tôi lại dốt toán.

PV: Tôi thấy câu trả lời của anh thật dí dỏm, mà dí dỏm cũng là một cách thể hiện sự thông minh đấy. Anh Chuyên này, ngoài sự khác biệt về đặc điểm hình thức bên ngoài, thì anh khác các đạo diễn Việt Nam ở điểm gì?

ĐD Bùi Thạc Chuyên: Đời nào tôi tiết lộ cái bên trong của mình. (cười)

PV: Trong nghệ thuật, đa phong cách có nghĩa là không có phong cách gì. Còn anh, phong cách của anh là gì?

ĐD Bùi Thạc Chuyên: Tôi không biết. Người ta xem phim và nhận ra tôi, thế là đủ. Còn tôi không quan tâm đến lý luận. Đạo diễn là nghề thực hành.

PV: Lựa chọn cho mình khi hướng đến dòng phim nghệ thuật, có phải anh là người cực đoan và rất khó tính trong công việc. Theo cách hiểu của tôi, phim nghệ thuật khó có thể xin tài trợ từ các công ty tư nhân mà chủ yếu ở các quỹ văn hóa nước ngoài. Và như vậy, bộ phim sẽ không bị can thiệp vào nội dung cũng như ý tưởng, để đạo diễn tha hồ tung tẩy, thỏa thuê sáng tạo?

ĐD Bùi Thạc Chuyên: Tôi không thích khái niệm phim nghệ thuật và phim thương mại. Chỉ có phim có đề tài hướng đến đông đảo khán giả và phim có đối tượng khán giả hẹp hơn. Tất cả các đạo diễn đều khó tính và cực đoan thì bộ phim mới tốt được. Họ cần được tôn trọng. Nếu ai can thiệp vào công việc của đạo diễn một cách thô bạo thì có nghĩa là đạo diễn sẽ không cần khó tính và cực đoan nữa, kết quả là sẽ có một bộ phim tồi. Vậy thôi. Với phim nào cũng vậy.

Tôi đã thề không bao giờ làm giám khảo thi hoa hậu nữa

PV: Người ta ví von, nhạc sĩ thì "sống bằng tai", nhà nhiếp ảnh thì "sống bằng mắt", còn đạo diễn thì sống bằng gì?

ĐD Bùi Thạc Chuyên: Điện ảnh là nghệ thuật tổng hợp nên đạo diễn sống bằng cả tai, mắt, mũi, chân tay, móng vuốt và thậm chí... cả răng nữa.

PV: Một bộ phim nhiều tiền chưa chắc đã hay nhưng một bộ phim hay chắc chắn phải tốn nhiều tiền. Điều này có đúng không?

ĐD Bùi Thạc Chuyên: Vế thứ hai sai. Một bộ phim nhiều tiền chưa chắc đã hay thì đúng nhưng nhiều phim hay mà chẳng cần nhiều tiền. Phim là sự sáng tạo. Sáng tạo đôi khi không cần tốn tiền. Điều này thì nhà sản xuất nào cũng thích nghe. Họ chỉ thích sáng tạo mà không tốn tiền.

PV: Dự định lên sóng truyền hình vào tháng 9, nhưng đến nay bộ phim tiền tỉ "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" vẫn đang phấp phỏng số phận bi thảm, bị chê tơi tả. Ngay cả anh với tư cách là thành viên Hội đồng thẩm định cũng đưa ra những lời nhận xét không mấy thiện cảm cho bộ phim truyền hình dài tập này. Có vẻ như anh bức xúc về phim dã sử Việt Nam mà đạo diễn, biên kịch, quay phim, bối cảnh đều của Trung Quốc. Liệu chúng ta có thể làm gì khi một đất nước không có trường quay đúng nghĩa, và cũng không có bóng dáng đạo diễn đủ tầm để làm phim dã sử cho "ra tấm, ra món"?

ĐD Bùi Thạc Chuyên: Trường quay hay đạo diễn đủ tầm không phải là điều kiện để có thể làm tốt phim lịch sử. Chúng ta cần phải nhìn nhận theo quy luật khách quan của đời sống điện ảnh. Cái gì chúng ta thiếu để có những phim lịch sử hay? Đó là thị trường giải trí.

Thị trường giải trí của Việt Nam còn rất nhỏ bé. Nếu nhu cầu của thị trường giải trí đến lúc đủ lớn để cần có phim lịch sử, lúc đó sẽ có trường quay và đạo diễn đủ tầm cùng các điều kiện khác nữa. Còn những bộ phim không xuất phát từ nhu cầu thị trường, xuất phát từ một đòi hỏi mang tính chính trị, có nghĩa là nằm ngoài quy luật khách quan, tất nhiên sẽ rất khó để bàn.

Nhưng có một thực tế. Người Việt Nam có tinh thần dân tộc rất cao. Họ thích xem phim Việt Nam hơn phim nước ngoài dù phim Việt Nam còn nhiều cái dở. Họ sẽ không chấp nhận một sự "làm hộ tuốt tuột" kiểu như vậy, nhất là một bộ phim về một trong những vị vua vĩ đại nhất của lịch sử Việt Nam. Điều đó lý giải vì sao sau hàng ngàn năm Bắc thuộc, người Việt Nam vẫn giữ được bản sắc của mình.

PV: Đạo diễn thường có con mắt tinh tường và nhạy bén trong việc nhìn người. Nhưng đôi khi "dao sắc không gọt được chuôi", ngoài cuộc sống có bao giờ anh nhìn lầm người chưa?

ĐD Bùi Thạc Chuyên: Nhầm suốt.

PV: Thật thiếu sót nếu không hỏi anh về phụ nữ và sắc đẹp. Được biết năm 2010, anh làm giám khảo cuộc thi "Hoa hậu Việt Nam 2010". Theo anh, nhan sắc có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống hiện nay?

ĐD Bùi Thạc Chuyên: Cái này tôi không rành đâu. Chấm hoa hậu thực sự làm tôi đau hết cả đầu. Tôi đã thề sẽ không bao giờ làm giám khảo thi hoa hậu nữa.

 PV: Làm đạo diễn có điều kiện "va chạm" nhiều mỹ nhân, đứng trước nhan sắc anh có xiêu lòng không và bằng cách nào để có thể chống lại sự quyến rũ chết người đó?

ĐD Bùi Thạc Chuyên: Cách hiểu này cũng giống như nhiều khán giả nói với tôi họ thích đóng những cảnh hôn nhau hay ăn uống trên phim. Họ không biết là hôn nhau và ăn uống trên phim chẳng giống gì ngoài đời hết. Nếu không nói đó thực sự là cực hình. Các mỹ nhân trên phim ảnh cũng thế. Khi tiếp xúc ngoài đời, tôi học cách chỉ nhìn họ thông qua nhân vật của tôi. Chứ cứ xiêu lòng dễ thế thì có mà chết.

PV: Bây giờ là câu hỏi về gia đình nhỏ của anh...

ĐD Bùi Thạc Chuyên: Ồ! Tôi không trả lời những câu hỏi mang tính riêng tư đâu...

PV: Thế thì thôi vậy, rất cảm ơn anh về buổi trò chuyện và mong hẹn gặp lại...

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.
.