Đàm Vĩnh Hưng: Nỗi oan... Thị Mầu

Thứ Tư, 28/11/2012, 10:35

Lẽ ra, vụ Đàm Vĩnh Hưng tặng cho tỳ kheo đang tu học tại một thiền viện nụ hôn chính chủ trong đêm nhạc gây quỹ từ thiện cho ca sĩ Wanbi Tuấn Anh (Cuối tuần rồi, tỳ kheo này đã hoàn tục, nên chính xác phải gọi là người đàn ông từng là tỳ kheo - NNH), tôi đã dừng lại ở bài viết "Nụ hôn khả ố".

Tiếc rằng, do bản tính cố hữu, Đàm Vĩnh Hưng đã đẩy sự việc đi ngày càng xa hơn. Đầu tiên, là viết tâm thư bằng tay trên những tờ giấy có in logo của công ty do Đàm Vĩnh Hưng làm chủ. Tiếp đến, là gửi thư trình bày hoàn cảnh với sư thầy nào đó ở Mỹ. Và cuối cùng là, "Tiết lộ động trời của Đàm Vĩnh Hưng".

Tái ông Thất mã, trong rủi có may. Hay chỉ là câu chuyện của một người không tử tế với cái nhãn mang tên Đàm Vĩnh Hưng.

1. Đàm Vĩnh Hưng là một ca sĩ hàng đầu trong làng giải trí. Không thể phủ nhận những gì Đàm Vĩnh Hưng đang sở hữu có xuất phát điểm là từ tài năng.

Theo quan sát của tôi, làng giải trí thường xảy ra hai trường hợp, đánh đu với scandal để được nổi tiếng. Và nổi tiếng rồi mới chơi trò đánh đu với scandal. Đàm Vĩnh Hưng thuộc dạng thứ hai.

Đàm Vĩnh Hưng khi danh vọng đã được xác định, bắt đầu tung hứng tên tuổi của mình bằng những bài phỏng vấn gây sốc, như "đám cưới lớn nhất nước có truyền hình trực tiếp", hoặc "tôi sẽ mướn người sinh con", và "biết đâu tôi sẽ kết hôn với người đàn ông nào đó"… Tiếp đến, là những phi vụ gào thét do mất nhẫn kim cương. Sau mất nhẫn kim cương, lại đong đưa bằng những câu chuyện tào lao, đấu khẩu với những nghệ sĩ nổi tiếng khác.

Vì Đàm Vĩnh Hưng là tên tuổi hàng đầu trong làng giải trí, nên không quá khó để những phát ngôn chuyển tải ý nguyện, sự mong muốn của Đàm Vĩnh Hưng tràn ngập trên mặt báo. Đặc biệt, là báo mạng.

Đàm Vĩnh Hưng vui buồn sướng khổ, áo hiệu thắt lưng xịn, kim cương, nhà siêu đẹp… tất tần tật đều được báo mạng chuyển tải đến bạn đọc. Tốt thôi, khi người ta kiếm được rất nhiều tiền bằng giọng hát của mình, người ta có thể thoải mái khoe. Mất mát gì đâu mà không mang tài sản của mình ra cho thiên hạ chiêm ngưỡng.

Khi Đàm Vĩnh Hưng bị Lý Tống tấn công trong một show diễn ở Mỹ, chưa bao giờ tôi đồng cảm với Đàm Vĩnh Hưng đến vậy. Dù bất cứ lý do gì, nhưng việc tấn công một nghệ sĩ với mưu đồ cá nhân, theo quan điểm riêng, tôi cho rằng đó là hành động ti tiện và vô cùng bẩn thỉu. Ngoại trừ lần đồng cảm ấy, Đàm Vĩnh Hưng trong tôi rất nhạt nhòa, lắm chuyện. Tất nhiên, điều này không có ý nói đến giọng hát.

Cao trào nhất cho sự ngẫu hứng từ danh vọng của Đàm Vĩnh Hưng, là nụ hôn với người đàn ông từng làm tỳ kheo.

Thật ra, Đàm Vĩnh Hưng hôn ai là quyền của Đàm Vĩnh Hưng. Miễn sao, người được Đàm Vĩnh Hưng hôn không tố cáo mình bị xâm hại. Còn lại, trên tinh thần tự nguyện, Đàm Vĩnh Hưng hoàn toàn thoải mái ban tặng nụ hôn cho người già, người trẻ, đàn ông, phụ nữ, đồng tính, lưỡng tính… Đó là chuyện cá nhân của Đàm Vĩnh Hưng, không ai có thể xen vào sự tự do luyến ái ấy.

Thế nhưng, có lẽ với “nụ hôn khả ố” đầy ầm ĩ, Đàm Vĩnh Hưng đã quên mất rằng, có những cá nhân tượng trưng cho đời sống tâm linh, tốt nhất là không nên chạm vào. Kiểu như Khổng Tử từng đúc kết "Kính nhi viễn chi".

Tôi đã từng nghĩ, nụ hôn mà Đàm Vĩnh Hưng dành cho người đàn ông từng là tỳ kheo, là nụ hôn không kiểm soát được do cá tính nghệ sĩ. Trong phần bình luận của mình về nụ hôn này, tôi cũng đã hết sức cẩn trọng trong việc sử dụng ngôn từ.

Tiếc là, tôi đã nhầm.

Đàm Vĩnh Hưng và nỗi oan Thị Mầu.

2. Đàm Vĩnh Hưng sau khi bị dư luận ném đá tơi bời từ “nụ hôn khả ố” đó đã bắt đầu phản ứng vô cùng quyết liệt.

Lá thư dài dằng dặc, đặc chữ viết tay đã chứng minh điều này. Đàm Vĩnh Hưng mấp mé trong thư đại loại, dư luận chẳng biết gì cả, nhưng Đàm Vĩnh Hưng tâm tĩnh như mặt hồ sáng mùa thu, không thèm chấp thị phi. Đàm Vĩnh Hưng sẽ nhận nỗi oan khiên này và trời đất sẽ minh chứng cho tấm lòng của Đàm Vĩnh Hưng. Đàm Vĩnh Hưng hỉ xả cho tất cả.

Mặc cho thư dài ý dài, Đàm Vĩnh Hưng vẫn bị xử phạt từ Cục Biểu diễn Nghệ thuật và có buổi làm việc với cơ quan quản lý văn hóa. Mức phạt được đưa ra là 5 triệu đồng cho hành vi phản cảm khi trình diễn. Tôi không bàn đến mức xử phạt này. Bởi mỗi mức xử phạt hành chính đều có tính răn đe, cảnh báo, đánh vào lòng tự trọng là chủ yếu. Người có tự trọng sẽ biết xấu hổ khi bị xử phạt và ngược lại, người đánh rơi lòng tự trọng sẽ xem việc bị xử phạt là một cơ hội. Đàm Vĩnh Hưng xem hình thức xử phạt này theo hướng nào, là chuyện riêng của Đàm Vĩnh Hưng.

Làm việc xong với cơ quan quản lý văn hóa, Đàm Vĩnh Hưng bắt đầu quá trình "xét lại nụ hôn".

Đàm Vĩnh Hưng trần tình, ban đầu Đàm Vĩnh Hưng chỉ có ý định hôn má người đàn ông từng là tỳ kheo. Nhưng, người đàn ông này oang oang Đàm Vĩnh Hưng phải hôn môi theo đúng như lời hứa mà Đàm Vĩnh Hưng đã đưa ra trước khi bán đấu giá chai rượu.

Vì người đàn ông này cao hơn Đàm Vĩnh Hưng, nên Đàm Vĩnh Hưng phải víu tay vào cổ để có thể hôn được bằng miệng.

Bên cạnh đó, Đàm Vĩnh Hưng còn kể chi tiết, người đàn ông kia có những câu nói, hành động không phù hợp với chuẩn mực của một tỳ kheo. Chẳng hạn, "Tui đi tu nhưng không ăn chay". "Có lẽ, đêm nay tui lại phải đi khách"… Đàm Vĩnh Hưng còn kể nốt, địa chỉ Facebook của người đàn ông trên, với những cái nickname nếu được Việt hóa sẽ rất thô tục. Thêm vào đó, là sự lập lờ nhiều thứ về người đàn ông này. Song song với lời trần thuật của Đàm Vĩnh Hưng, không biết vô tình hay hữu ý mà hàng loạt trang báo mạng đã cho công bố những bức ảnh của người đàn ông từng là tỳ kheo ấy. Những bức ảnh có nội dung xàm xí, nhảm nhí.

Vậy đó, Đàm Vĩnh Hưng đang cố sức minh chứng, Đàm Vĩnh Hưng chỉ là nạn nhân trong một vụ lùm xùm. Như Đàm Vĩnh Hưng từng thừa nhận, cái lỗi nếu có của Đàm Vĩnh Hưng chỉ là không đủ tỉnh táo trước áp lực của tiếng hò reo, kích động từ những người đang tham gia vào đêm nhạc từ thiện trên.

Đàm Vĩnh Hưng mải mê thanh minh, nên Đàm Vĩnh Hưng quên mất rằng, cốt yếu của vấn đề chính là hành vi của Đàm Vĩnh Hưng. Một hành vi không vi phạm pháp luật nhưng lại vi phạm vấn đề tín ngưỡng trong tâm thức của đám đông.

Tôi tin, Đàm Vĩnh Hưng không thể nào lường trước được phản ứng của dư luận khi thực hiện hành động trên. Bởi nếu lường trước được điều này, một con người khôn ngoan như Đàm Vĩnh Hưng sẽ không thực hiện. Nhưng nếu khôn ngoan hơn, khi đã trót thực hiện, Đàm Vĩnh Hưng cần có cách hành xử khác. Bởi có những thứ luật vô hình của tâm linh hết sức nặng nề.

Tôi nhớ, ở những phiên tòa xét xử hành vi "xâm hại trẻ em", ngoại trừ những kẻ biến thái về tâm lý, thì còn lại đa phần những bị cáo đều một mực cho rằng, người bị hại đồng ý hoặc chủ động trong việc gần gũi. Kiểu như, cậu sinh viên lên mạng chat với cô bé tuổi 13. Chat xong hẹn gặp, gặp xong tâm sự, tâm sự xong rủ nhau vào khách sạn chờ ngày mới lên. Trong khoảng thời gian chờ đợi, nảy sinh ý định gần gũi và nghĩ gì làm nấy. Cô bé tuổi 13 đồng thuận, cậu sinh viên nghĩ cứ đồng thuận thì tiếc gì lại không vui vẻ với nhau. Nhưng sự đồng thuận từ cô bé 13 tuổi không có nghĩa là cậu sinh viên không bị xử lý theo luật định.

Và hành vi của Đàm Vĩnh Hưng cũng vậy. Có thể là không cố tình, có thể là do vô ý. Nhưng, chuyện cũng đã xảy ra. Việc gì mà Đàm Vĩnh Hưng phải cố hướng vấn đề sang một câu chuyện khác.

Với bản tính của mình, Đàm Vĩnh Hưng đã để thị phi sống lại.

3. Đêm qua, khi xem chương trình The Voice, được truyền hình trực tiếp. Tôi để ý Đàm Vĩnh Hưng rất kỹ. Thấy Đàm Vĩnh Hưng có vẻ già đi nhiều so với  trước lúc xảy ra scandal nụ hôn. Già đi vì chấn động tâm lý từ scandal hay cách trang điểm của chuyên gia make-up, tôi không rõ lắm. Thế nhưng, với những gì mà Đàm Vĩnh Hưng đã thể hiện, quá khó để tôi nghĩ rằng Đàm Vĩnh Hưng bị suy sụp tinh thần vì một thị phi.

Thị phi đó đáng nhẽ đã trôi qua, nếu Đàm Vĩnh Hưng không kiên quyết kéo lên, dựng đứng và làm cho nó "sống lại".

Tôi cho rằng, một người đã trưởng thành, đã nhiều năm hoạt động trong làng giải trí như Đàm Vĩnh Hưng, đủ năng lực để điều khiển hành vi của mình. Đàm Vĩnh Hưng bảo, Đàm Vĩnh Hưng bị ép hôn thì buồn cười quá.

Người ta chỉ bị ép buộc thực hiện hành vi ngoài mong muốn khi xảy ra trường hợp, bị khống chế về tinh thần hay không đủ năng lực hành vi. Có ai khống chế Đàm Vĩnh Hưng trong việc ban phát nụ hôn không(?!). Rõ ràng là không. Nếu có, chỉ là phút bốc đồng đã khiến Đàm Vĩnh Hưng không làm chủ được chính mình.

Đàm Vĩnh Hưng trần tình trong một cuộc phỏng vấn liên quan đến “nụ hôn khả ố” này như sau: "Tôi rất nặng nề tâm trí, không khí trong nhà cũng thế. Hàng đêm, tôi vẫn phải lên sân khấu, vẫn phải nói cười, nhảy nhót, đâu ai nhìn thấy những gì diễn ra trong lòng tôi. Nếu tôi u buồn, suy sụp, người ta cho tôi là thiếu bản lĩnh, không chuyên nghiệp. Ngược lại, nếu tôi cười nói, làm khán giả vui, người ta đánh giá tôi máu lạnh, trơ lỳ cảm xúc. Tôi không thể đóng cửa ở trong nhà vì những hợp đồng biểu diễn đã ký vẫn phải thực hiện. Tôi chỉ có thể từ chối những lời mời mới. Vì thế, hằng đêm tôi vẫn phải tự cào cấu cảm xúc của mình, tự tra tấn tâm hồn và đầu óc mình giữa những điều như thế".

Và đây là một phần những gì Đàm Vĩnh Hưng viết trong lá thư trả lời một sư thầy ở Mỹ: "Nếu thầy biết được sự thật của câu chuyện mà con vẫn giấu để giữ gìn cho sư thầy áo nâu kia, thì chắc ngài sẽ có những suy nghĩ khác. Vì con không muốn nói ra, khi nói ra thì lời hứa bảo vệ vị sư kia của con sẽ trở thành vô nghĩa. Nhưng vì các ngài đã nói như thế, thì con buộc lòng phải nói lại một lần để mọi người hiểu con hơn. Sự thật lúc đó, con định quay sang hôn lên má của vị sư thầy đó. Nhưng chính sư thầy áo nâu đó là người chủ động đưa môi ra và có ý yêu cầu con phải thực hiện lời hứa ban đầu. Trong đêm đó, sư thầy áo nâu ấy còn nói những câu không thể nào chấp nhận được đối với một người bình thường chứ đừng nói là người khoác áo nâu sồng. Đại loại như, vị sư đó nói với mọi người là mình có hai trang Facebook với nick là “Kechano” và “Mông bự”, rồi còn nói đêm nay chắc phải đi khách, rồi còn nói: Tuy là đi tu chứ không ăn chay...

Đây là những lời nói rất thật và hàng trăm phóng viên cũng như khán giả sẵn sàng làm chứng điều này, có cả băng hình ghi lại toàn bộ sự việc. Thử hỏi, nếu là một người được đào tạo, dạy dỗ từ những gì nghiêm ngặt, quy chuẩn, liệu có buông những lời như thế không ạ. Làm sao thầy hiểu hết việc nhiều người gọi điện chửi rủa, hăm dọa mạng sống của con, dư luận lên tiếng lên án con trong suốt thời gian qua đã gây những chấn động tâm lý với con như thế nào. Con thiết nghĩ, phàm làm con người thì khó có thể vẹn toàn và hoàn hảo, con đã nhìn ra cái sai của mình là đã thiếu bình tĩnh và bản lĩnh để xảy ra cơ sự như thế, mặc dù không hề cố ý".

Bức thư này, được các trang báo mạng đăng tải lại nguyên văn. Một lá thư viết riêng cho cá nhân, lại được Đàm Vĩnh Hưng gửi đến báo chí để "truyền đạt" cho dư luận.

Có lẽ, tôi không còn gì để bình luận cho cái sự "Nếu thầy biết được sự thật của câu chuyện mà con vẫn giấu để giữ gìn cho sư thầy áo nâu kia" như Đàm Vĩnh Hưng đã viết(!)

Ngô Nguyệt Hữu
.
.
.