"Cuộc chiến"...sóng truyền hình

Thứ Hai, 16/03/2009, 14:35
Cách đây khoảng 8 năm, khi mà người xem truyền hình bắt đầu làm quen với khái niệm “Pay-tivi”, tức xem truyền hình trả tiền thay vì xem miễn phí thì hàng loạt dịch vụ truyền hình kỹ thuật số lẫn truyền hình cáp ra đời để đáp ứng nhu cầu của khán giả. Mọi chuyện diễn ra êm ả cho đến thời điểm đầu năm 2009 thì xảy ra sự cố, các mạng truyền hình cáp xuống cấp nghiêm trọng...

Khi mà người dân đang loay hoay chưa biết tìm giải pháp nào để phục vụ cho thị hiếu của mình thì cũng là lúc các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình bắt đầu cho một “cuộc chiến” mới…

Chạy đua công nghệ truyền hình

Bước phát triển đại nhảy vọt của giới làm truyền hình Việt Nam được khẳng định khi chúng ta phóng thành công vệ tinh Vinasat-1. Với việc Vinasat-1 được phóng lên, người xem truyền hình ở mọi miền đất nước từ hải đảo cho đến miền rừng núi đều có đủ điều kiện để xem hàng trăm kênh truyền hình. Ngẫu nhiên, khi mà người ta có nhiều sự lựa chọn hơn thì chất lượng của loại hình dịch vụ bấy lâu vẫn được xem là “ưu việt” như truyền hình cáp bắt đầu bị xét lại về mặt chất lượng.

Trước đây, người dân luôn hài lòng (vì không có sự lựa chọn khác) với loại hình phát sóng miễn phí. Mỗi đài truyền hình địa phương được Nhà nước cấp cho kênh phát trong không gian. Đài truyền hình sẽ phát sóng truyền hình thông qua tháp ăng-ten thường cao khoảng hơn 100m. Tuy nhiên, tín hiệu thu phát sóng từ cột ăng-ten này tối đa chỉ trong bán kính 60km. Người xem truyền hình muốn xem được hình ảnh từ tín hiệu này bắt buộc phải sử dụng ăng-ten thu tín hiệu. Thế nên, mới có chuyện trên các nóc chung cư hoặc dãy nhà liên kết ở nhiều đô thị lớn tại Việt Nam luôn có một “rừng” ăng-ten dày đặc.

Khi truyền hình kỹ thuật số phát từ mặt đất bộc lộ những khuyết điểm ít kênh thì cáp xuất hiện. Đã có lúc, khán giả xem truyền hình hy vọng rằng truyền hình cáp sẽ là sự thay thế có tính quyết định trong việc nâng cao chất lượng hình ảnh tivi. Tuy nhiên, theo một chuyên gia về truyền hình khi trao đổi với PV Chuyên đề ANTG cho biết thì: “So với truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình cáp analog chính là một bước lùi”.

Đơn giản là bởi người ta chuyển từ việc phát sóng kỹ thuật số sang analog trên cáp. Truyền hình cáp (analog) là phương pháp phát sóng được người Mỹ nghĩ ra từ những năm 50 thế kỷ trước, khi mà ở những vùng núi non tín hiệu truyền hình bị chặn, không thể đến được với người dân. Họ phải dùng phương pháp dùng dây dẫn để đưa sóng truyền hình đến vào tivi.

Việc sử dụng truyền hình cáp, năm sau chất lượng lại kém hơn năm trước được vị chuyên gia này lý giải rằng việc sử dụng truyền hình cáp cũng tương tự như sử dụng nguồn... nước công cộng. Thế nên, việc nhà ở đầu nguồn nước đủ nước xài, nhà giữa nguồn nước yếu và nhà cuối nguồn nước thì luôn trong tình trạng... thiếu nước sử dụng nếu máy bơm không đủ áp lực hay đường ống rỉ sét, nghẽn bít. Tuy nhiên, truyền hình cáp còn tệ hơn nguồn nước ở chỗ, cứ sau các đợt nắng, mưa thì các tiếp điểm chia dẫn tín hiệu sẽ có vấn đề, dẫn đến chất lượng truyền hình ảnh ngày càng giảm đi.

Trả lời báo giới về câu hỏi: “Tại sao có sự chênh lệch giữa các kênh truyền hình cáp?”, ông Lê Đức Hùng – Giám đốc HTVC cũng đồng ý với nhận định: “Càng xa nhà, chất lượng truyền hình cáp càng giảm”. Ông Hùng cho biết: “Tín hiệu các kênh chúng tôi nhận từ các đài truyền hình qua các đường tín hiệu sóng vô tuyến, cáp quang, vệ tinh, kỹ thuật số. Chất lượng các đường này đều bị phụ thuộc đường truyền dẫn, mà chất lượng gốc chính là tín hiệu tại đài phát. Và khi chất lượng quá kém, chúng tôi buộc phải tắt kênh và treo bảng vì lý do kỹ thuật bởi không thể phát với chất lượng như vậy được.

Một yếu tố phải nói thêm là môi trường truyền dẫn của chúng ta hiện nay ngày càng thay đổi, đó là không khí, hơi ẩm, sóng cao tần... tạo ra môi trường truyền dẫn không tốt trong không gian. Bình thường quá trình tín hiệu suy giảm sẽ tùy thuộc đường truyền dài hay ngắn. Nó sẽ xuất hiện tùy theo khu vực, theo nhà. Nếu nhà người dùng ở gần đường dây chính tất nhiên tín hiệu phải mạnh hơn người ở xa. Do đó chất lượng tín hiệu của nhà người ở càng xa sẽ càng suy giảm. Một mạng truyền hình cáp hoàn chỉnh vẫn có thể bị như vậy bởi nó cũng chỉ là mạng analog nên không thể đạt 100% như mình mong muốn được”.

Trên thực tế, công nghệ truyền hình analog ra đời cùng với chiếc tivi đen trắng và tồn tại cho đến ngày nay. Dĩ nhiên, công nghệ này cũng được cải tiến thường xuyên theo thời gian. Đặc biệt là từ khi xuất hiện tivi màu. Ưu điểm của công nghệ analog truyền hình cáp là dễ triển khai, chi phí thấp. Nhưng nhược điểm là dễ bị nhiễu sóng, hình ảnh xấu trong trường hợp thời tiết xấu, chất lượng âm thanh hình ảnh chỉ ở mức trung bình hoặc kém... Trên cả là chuẩn của analog chỉ cho phép phát được một chương trình trên mỗi kênh, rất lãng phí tài nguyên tần số. Chuẩn của truyền hình kỹ thuật số mặt đất cho phép phát đến 8 chương trình.

Đài Truyền hình Việt Nam phát thường xuyên qua vệ tinh từ năm 1991 cũng dùng công nghệ analog. Thế cho nên, khi công nghệ truyền hình số vệ tinh DVB-S (có thể gọi gọn lại là SD) ra đời vào năm 1994 đã làm nên một bước ngoặt. Một bộ phát đáp trên vệ tinh có thể phát được từ 16 đến 20 kênh truyền hình, cá biệt có thể hơn nữa và hình ảnh hoặc là rõ (không bị nhiễu) hoặc là không thu được. Đài Truyền hình Việt Nam sớm tách kênh VTV3 ra thành một kênh riêng vào năm 1998 cũng nhờ công nghệ này.

Việc phát được nhiều kênh, chi phí thuê vệ tinh cho một kênh truyền hình giảm đi hơn hàng chục lần, tạo thuận lợi cho việc phát triển nhiều kênh truyền hình. Truyền hình trả tiền qua vệ tinh lần đầu tiên nói đến khái niệm “gói”, thay cho trước kia chỉ mã hóa bán từng kênh. Hệ thống DTH của Trung tâm Truyền hình Cáp VCTV Đài Truyền hình Việt Nam phát qua vệ tinh Measat-2 tất nhiên cũng theo tiêu chuẩn DVB-S. Đến nay thì gần như 100% kênh truyền hình trên thế giới đã chuyển sang kỹ thuật số, trong đó chủ yếu là DVB-S. Kỹ thuật truyền hình vệ tinh analog đã bị loại bỏ hầu như hoàn toàn.

Truyền hình cho tương lai(!)

Người xem truyền hình từ trước đến nay vốn chỉ được phục vụ bằng hai công nghệ chủ yếu: LD (truyền hình độ phân giản thấp, gần như hiện tại đã không còn sử dụng công nghệ này) và SD (truyền hình cấp tiêu chuẩn, loại công nghệ này đang được sử dụng rất phổ biến). Và, công nghệ truyền hình tương lai được lựa chọn chính là HDTV.

Như là người tiên phong cho công cuộc chinh phục người xem bằng chất lượng truyền hình, VTC tung ra dịch vụ theo chuẩn DVB-S2 (9 kênh HD, 34 kênh SD) với giá đầu thu khá cao, nhưng chi phí thuê bao thì tương đối thấp so với số kênh. Thiết bị thu DVB-S2 thu được cả các kênh DVB-S. Trong giới am hiểu truyền hình cũng có nhiều ý kiến trái ngược nhau.

Có ý kiến cho rằng VTC “đi trước đón đầu”, không phát DVB-S2 bây giờ thì sau này khi chuyển sang HDTV sẽ thiệt hại lớn cho xã hội, trong khi việc triển khai các dịch vụ của Vinasat-1 vào thời điểm này, bắt đầu giai đoạn mới của truyền hình vệ tinh  tại Việt Nam là thuận lợi lớn. Khi thị trường chấp nhận hệ thống VTC phát qua vệ tinh Vinasat-1 thì có nghĩa là chuẩn DVB-S2 đã được nhất trí lựa chọn.

Thú thật, khi được nhân viên của Chi hội Vô tuyến điện - Điện tử (153/1 Võ Văn Tần, Q.3) cho chúng tôi xem 9 kênh HDTV được phát trên mạng truyền hình kỹ thuật số VTC, chúng tôi mới hiểu hết thế nào là truyền hình cho tương lai. Hình ảnh trên HDTV cực đẹp, âm thanh tuyệt hảo và làm cho chúng tôi có cảm giác rằng... nhiều năm qua, mình đang xem tivi trắng đen và giờ được chuyển sang xem tivi màu.

Kỹ sư Đặng Tấn Mầu nói, với HDTV người xem truyền hình sẽ được xem chất lượng hình ảnh như là phim 35mm, tức là chất lượng hình ảnh như phim chiếu rạp, kể cả âm thanh. Tuy nhiên, khi “cuộc chiến” truyền hình HD vừa bắt đầu, người ta lại phát hiện chuyện: HDTV giả.

Kênh HDTV giả bản chất là kênh SD như các kênh chúng ta thu được từ trước đến nay bằng ăng-ten xương cá qua bộ thu sóng tivi. Một phần mềm dùng để nâng cấp chất lượng của nó được sử dụng và quảng cáo là HDTV.  Muốn có chất lượng hình ảnh đúng chuẩn HD, thì buộc phải thu hình bằng camera HD, dựng hình, làm hậu kỳ bằng thiết bị HD, lưu trữ trên phương tiện HD và phát sóng theo tiêu chuẩn HDTV.

Theo một chuyên gia truyền hình thì bất cứ gói dịch vụ HDTV của nhà cung cấp chương trình nào ở Việt Nam cũng đều có CCTV-HD. Đây là kênh HDTV thực 100% phát quảng bá (không thu tiền) qua vệ tinh, nên được chú ý khai thác lại. Có thể lấy hình ảnh kênh HD này làm chuẩn để so sánh chất lượng với các kênh HD thật/giả khác. Chú ý so sánh ở những khuôn hình đặc tả với chi tiết như sợi tóc, lông mi ở khuôn mặt người, đường gân trên lá cây...

Nhưng điều đặc biệt để nhận dạng là hình ảnh HDTV giả trên TV LCD hoặc plasma thì khuôn hình như người hoặc nhà cửa sẽ bị lùn đi trông thấy, nhân vật chuyển động không linh hoạt, gượng ép... Việc phát hiện ra chuyện HDTV “giả” một cách nhanh chóng sẽ cho phép khán giả đòi lại quyền lợi của mình một cách sòng phẳng.

Việc vệ tinh Vinasat-1 phóng thành công, cho phép ngành truyền hình ở Việt Nam đủ sức “vỗ ngực xưng tên” tại châu Á. Nếu như Nhật Bản khai thác HDTV được nhiều kênh, thì việc VTC tại Việt Nam khai thác thành công 9 kênh HDTV được xem là cột mốc đáng nhớ. Theo các thông số mà chúng tôi có được thì hiện tại, số kênh HD của VTC khai thác qua vệ tinh chỉ đứng sau Nhật Bản tại châu Á và đứng đầu Đông Nam Á hiện nay. Hai nước đứng đầu về truyền hình trong khu vực nhiều năm liền là Indonesia và Thái Lan vẫn chưa có động thái cụ thể nào trong việc khai thác HDTV vệ tinh.

Khi mà cuộc chiến truyền hình bắt đầu với công nghệ mới, cũng là lúc khán giả sẽ thật sự là "ông chủ" trước khung hình tivi của mình, với chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt nhất. Cũng nên tự hào về ngành truyền hình tại nước ta, nếu như biết được rằng, trước đây khi chưa có HDTV, ngành truyền hình của Việt Nam luôn đi sau thế giới từ hơn 20 đến 30 năm.

Nhưng giờ, mọi chuyện đã khác hẳn(!)

Kinh Hữu

.
.