Collagen có phải là thần dược cải lão hoàn đồng?

Thứ Năm, 17/11/2011, 09:46
Thời gian qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng, đã xuất hiện những quảng cáo về sản phẩm collagen dưới dạng uống, bôi, tiêm, đắp lên da…, mà hiệu quả của nó được khẳng định là sẽ "khôi phục sự tươi trẻ, xóa hết nếp nhăn, cải lão hoàn đồng" chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng.  Vậy collagen là gì, và thật sự nó có làm được những điều như thế không?

Tại một quầy mỹ phẩm ở chợ Bến Thành, Tp HCM, chúng tôi được bà bán hàng đưa ra 3 loại sản phẩm collagen: Một là loại dùng để uống, đóng trong lon như lon nước ngọt, dung tích 50cl, giá 100 nghìn đồng; hai là loại dùng để bôi, đựng trong tuýp như kem đánh răng, giá 550 nghìn,  và ba là chiếc mặt nạ đựng trong bao nhựa, giá 1 triệu đồng mỗi chiếc với lời quảng cáo chắc nịch: "Bôi, uống liên tục trong 3 tháng, da mặt anh sẽ căng như hồi… 20 tuổi! Còn nếu không muốn bôi hay uống thì mỗi tối anh đắp chiếc mặt nạ này. Đắp khoảng 1 tháng là hiệu quả". Tại một tiệm thuốc tây trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5, cô nhân viên nhà thuốc khi tiếp thị sản phẩm collagen với chúng tôi, cũng tự tin không kém: "Hồi trước da mặt em nhăn dữ lắm. Nhưng từ khi bôi thứ này - cô đưa ra một hộp kem collagen hiệu Belluxcosmetic - thì chỉ sau 2 tuần là nó… thẳng băng ngay". Hỏi giá, cô nhân viên nhà thuốc cho biết mỗi hộp 750 nghìn đồng.

Collagen là gì?

Là một loại protein (chất đạm) chiếm khoảng 25% tổng lượng protein trong cơ thể người,  chức năng chính của collagen là kết nối các mô trong cơ thể lại với nhau. Riêng ở da, ngoài chức năng kết nối, collagen còn có tác dụng làm cho da đàn hồi. Khi còn trẻ, sự kết nối ấy rất bền vững nên da mặt, bụng, tay, chân… nhìn căng mịn. Bác sĩ Sơn, chuyên khoa Da liễu, hiện công tác tại Trung tâm Y tế quận 5, Tp HCM, cho biết: "70% cấu trúc của da là collagen, chúng phân bổ chủ yếu ở lớp hạ bì, chiếm 3/4 trọng lượng khô của da. Collagen cùng với elastin tạo nên sự bền vững và dẻo dai cho da, nhờ đó làn da chúng ta săn chắc. Khi cười, nói chuyện hay nheo mắt, da giãn ra, khi những hoạt động này chấm dứt, da lại trở về trạng thái bình thường". Tuy nhiên, càng lớn tuổi, sự liên kết càng giảm đi và hậu quả là da xuất hiện những nếp nhăn, khởi đầu ở khóe mắt, khóe miệng rồi tiếp theo, cơ mặt chùng, nhão, thậm chí chảy xệ. Đó là chưa kể những yếu tố bên ngoài thúc đẩy quá trình xuất hiện những vết nhăn này nhanh hơn, cụ thể là hút thuốc lá, thức khuya thường xuyên, chế độ ăn thiếu chất.

Một trong những loại kem collagen được quảng cáo như... thần dược!

Nắm bắt tâm lý "sợ già" - nhất là ở phụ nữ, người ta đã tiến hành nghiên cứu các sản phẩm collagen và Nhật Bản là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ này. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế của nó vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Bác sĩ Sơn cho biết: "Đánh vào tâm lý muốn trẻ mãi của phụ nữ, các hãng sản xuất sản phẩm collagen đã quảng cáo với những lời lẽ nổ như… bom tấn". Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy sự lập lờ ở đây là những quảng cáo ấy chỉ đề cập đến tác dụng của collagen, nhưng làm thế nào để collagen từ đồ uống, kem bôi, mặt nạ…, chuyển hóa vào cơ thể thì họ lại không nói, hoặc nói rất mơ hồ.

Trên tờ Thời báo Nhật Bản (Japan Times), Tiến sĩ Kuniko Takahashio - chuyên khoa dinh dưỡng thuộc Trường đại học Gunma khẳng định: "Uống collagen cũng chẳng khác gì ăn thịt, ăn cá hoặc các loại thực phẩm giàu chất đạm vì collagen sẽ được tiêu hóa thành các axit amin như các protein khác khi vào cơ thể người, chứ không phải cứ uống, tiêm, đắp mặt nạ collagen là chất collagen ấy sẽ đi ngay vào… da! Bên cạnh đó, những quảng cáo cho rằng kem dưỡng da có tác dụng bổ sung collagen chỉ là trò lừa bịp vì collagen được sản sinh ở trong da, chứ không được hấp thụ qua da".

Ấy thế mà phần lớn người tiêu dùng hầu như không hề biết đến điều này, còn người bán thì cứ việc quảng cáo vô tội vạ. Tại một thẩm mỹ viện ở quận 1, Tp HCM, trong quá trình tìm hiểu các sản phẩm collagen, tình cờ chúng tôi nghe được lời tiếp thị của nhân viên với một nữ khách hàng: "Kem bôi Phials gồm 3 chất là collagen, elastin và vitamin F. Collagen được chiết xuất từ da heo, có tác dụng kích thích tế bào, sửa chữa các khiếm khuyết ở mô. Nhờ đó, nó phục hồi khả năng đàn hồi của da, làm hết những vết nhăn do tăng cân hoặc mang thai". Chúng tôi đặt câu hỏi: "Thành phần chính của da heo chỉ gồm chất gelatin và mỡ. Vậy nó sửa chữa những khiếm khuyết của da bằng cách nào?". Thấy bị phá đám, cô nhân viên cáu kỉnh: "Thì bôi vào nó mập. Mập là… hết nhăn".

Để chế tạo các sản phẩm collagen, các chuyên gia đã phá vỡ cấu trúc hóa học của collagen, chuyển chúng thành dạng dung dịch và như vậy, về mặt nguyên tắc thì chúng có thể thấm qua da bằng cách bôi, đắp, hoặc thấm vào các mô qua đường uống hoặc tiêm chích. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa hề có bất kỳ công trình nghiên cứu nào được thẩm định một cách chính thống, xác nhận rằng việc uống, bôi, tiêm chích collagen sẽ làm tăng thêm lượng collagen trên da. Tiến sĩ Y - Sinh học Đào Đại Cường, giảng viên Đại học Y Dược Tp HCM, nói: "Nếu cho rằng có thể bổ sung collagen bằng  các sản phẩm dùng bên ngoài như bôi, đắp mặt nạ thì không hợp lý bởi lẽ nó chỉ  tác động lên lớp thượng bì - là lớp nằm ở phía trên cấu trúc collagen. Hơn nữa, collagen trong mỹ phẩm thường không được điều chế từ nguồn gốc tự nhiên mà chủ yếu từ nguồn nguyên liệu tổng hợp nên cơ thể khó dung nạp, chưa kể có người dùng phải sản phẩm kém chất lượng, hoặc cơ địa phản ứng, dẫn đến  nhiễm trùng da hoặc viêm da dị ứng toàn thân".

Chị Trần Thu Nguyệt, chủ một cây xăng trên đường Lạc Long Quân, quận 11, Tp HCM, cho biết: "Tin vào quảng cáo, tôi mua mặt nạ collagen về đắp. Đúng là khi vừa mới đắp xong, da mặt có cải thiện đáng kể nhưng chỉ cần ngưng 1, 2 ngày, thì đâu lại vào đó”. Bác sĩ Sơn nói: "Nếu đắp mặt nạ collagen, bạn phải đắp suốt đời bởi lẽ nó chỉ có tác dụng trong một khoảng thời gian nào đó. Lúc hết tác dụng, da sẽ trở lại thực trạng ban đầu". Chị Nguyệt than thở: "Đắp suốt 2 tuần, tốn 14 triệu đồng. Giờ nghe bác sĩ nói vậy thì phải bỏ thôi, chịu sao thấu".

Đường đi của collagen trong cơ thể

Collagen là từ Hy Lạp, có nghĩa là "chất tạo keo", thành phần chính của nó là amino acid - nghĩa là chất đạm. Mà đã là đạm thì rất khó tan trong nước. Trong cơ thể người, các tế bào phát triển bằng cách nhân đôi nhưng cứ mỗi lần nhân đôi như thế, "gien chỉ huy" lại mất đi một số amino acid. Hậu quả là "gien chỉ huy" ngắn dần, và những tế bào sinh ra về sau sẽ già hơn những tế bào sinh ra trước - đó chính là nguyên nhân tạo ra sự lão hóa ở loài người.

Đến nay, y học hiện đại vẫn chưa có cách nào để ngăn chặn sự mất đi một số amino acid của "gien chỉ huy" trong quá trình sinh sản hay chính xác hơn - ngăn chặn sự "già" đi ở loài người. Thế nên, cho dù có uống hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lon nước collagen hay viên collagen chăng nữa thì khi vào dạ dày, nó cũng bị dịch dạ dày cắt ra thành những amino acid rồi theo máu đến gan. Tại gan, các amino acid này mới được tổng hợp thành những collagen cần thiết cho các bộ phận trong cơ thể, chứ không hề có chuyện hễ cứ uống collagen là chất này sẽ chạy vào mặt, vào tay, vào ngực, vào bụng ngay tắp lự để… cải lão hoàn đồng! Vẫn theo Tiến sĩ Kuniko Takahashio: "Việc đưa collagen một cách tùy tiện vào cơ thể sẽ dẫn đến hiện tượng xáo trộn sự hấp thu chất đạm theo cách tự nhiên…". Điều này được xác định bởi một số người đã từng uống nước collagen. Theo họ, cảm giác no hơi, khó tiêu là cảm giác xuất hiện thường xuyên nhất.

Nói tóm lại, uống, tiêm, bôi, đắp… collgen hầu như chẳng mang lại một tác dụng gì cho việc trẻ hóa. Vì thế, cần phải có một cái nhìn khoa học trong việc sản xuất và sử dụng những sản phẩm có chứa collagen, cũng như cần xem xét việc quảng bá nó dưới góc độ truyền thông, dẫn đến ngộ nhận cho người tiêu dùng…

Vũ Cao
.
.
.